Nông thôn mới hướng đến nâng cao thu nhập cho người dân

Tiêu chí thu nhập là tiêu chí số 10 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), là một trong những tiêu chí quan trọng, có vai trò nội lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Do đó, trong xây dựng NTM, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều cách làm hiệu quả, tạo được bước đột phá, nhất là tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân.

Với sự nỗ lực vượt khó cùng nhiều cách làm sáng tạo và hiệu quả, diện mạo nông thôn của huyện Hà Trung có sự chuyển biến rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng cải thiện và nâng cao. Điều đó tạo tiền đề để Đảng bộ và Nhân dân huyện Hà Trung nỗ lực trở thành huyện NTM năm 2023.

Khơi dậy tiềm năng của địa phương

Tại xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, một trong những mục đích của Chương trình xây dựng NTM là nâng cao thu nhập cho người dân. Theo đó, xã đã tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, khơi dậy tiềm năng thế mạnh của địa phương phát triển ngành nghề thủ công, dịch vụ.

Đặc biệt là việc xây dựng các mô hình sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, đưa các bộ giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, năng suất, chất lượng cao vào trồng trọt, chăn nuôi.

Qua đó, từng bước xây dựng thương hiệu và hình thành nền sản xuất hàng hóa có chất lượng cao. Không những thế, xã còn chú trọng mô hình sản xuất lúa - cá trên diện tích đất 1 vụ lúa chiêm, sau nhiều năm sản xuất thử nghiệm cho thấy hiệu quả hơn hẳn. Vì thế, xã đã xây dựng phương án sản xuất lúa - cá trên diện tích đất 1 lúa chiêm có diện tích trên 350 ha vừa trồng lúa kết hợp nuôi cá thời vụ cho hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, từ thế mạnh của địa phương, xã đã tập trung phát triển chăn nuôi tập trung trang trại và gia trại, chú trọng chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Trong xây dựng NTM, các HTX ở huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều cách làm hiệu quả, tạo được bước đột phá, nhất là tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân.

Trong xây dựng NTM, các HTX ở huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều cách làm hiệu quả, tạo được bước đột phá, nhất là tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân.

Để hỗ trợ các hộ dân phát triển kinh tế, xã đã đẩy mạnh hoạt động của các HTX dịch vụ nông nghiệp, thực hiện tốt các khâu dịch vụ, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Nhờ đó, diện tích cơ giới hóa đạt trên 90%.

Song song với phát triển sản xuất, Hà Lĩnh còn nỗ lực thu hút đầu tư và đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn.

Đến nay, trên địa bàn xã có 4 HTX dịch vụ nông nghiệp, 1 HTX công nghiệp thương mại đang hoạt động hiệu quả, thu hút gần 1.000 lao động với thu nhập bình quân 5 - 7 triệu đồng/người/tháng, tỷ lệ lao động có việc làm toàn xã đạt trên 98%. Nếu năm 2021, thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt 53 triệu/năm thì đến năm 2022 đã đạt 57,5 triệu đồng. Từ đó, số hộ nghèo của xã giảm đáng kể, chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, nâng cao.

Nâng cao thu nhập từ sản phẩm OCOP

Thời gian qua, huyện Hà Trung đã tập trung nguồn lực, động viên chủ thể, hộ kinh doanh, HTX chú trọng đầu tư cải tiến quy trình sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 10 sản phẩm đạt OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), trong đó có 8 sản phẩm được đánh giá xếp hạng 4 sao, 2 sản phẩm được đánh giá xếp hạng 3 sao

Với cách triển khai thực hiện phù hợp, Chương trình OCOP tại huyện Hà Trung thực sự đã mang lại hiệu quả thiết thực, từng bước hình thành nhóm sản phẩm đặc trưng của địa phương, góp phần phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân. Đây cũng là cơ hội cho người dân các xã, thị trấn, HTX trên địa bàn huyện tiếp cận với khoa học-kỹ thuật, thiết bị tiên tiến để ứng dụng vào sản xuất, cải tiến mẫu mã, bao bì... nâng cao giá trị các sản phẩm.

Để xây dựng thương hiệu nếp cái hoa vàng đạt OCOP 4 sao, ông Lê Minh Công, Giám đốc HTX nông nghiệp Hà Long, xã Hà Long cho biết, sản phẩm “Nếp cái hoa vàng Gia Miêu ngoại trang” của HTX đã được triển khai cho nông dân gieo trồng theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Toàn bộ quy trình sản xuất được kiểm soát từ các khâu đầu vào, như: Giống, làm đất, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Đến vụ thu hoạch, toàn bộ sản lượng lúa được HTX dịch vụ nông nghiệp đứng ra làm đầu mối để tiêu thụ. Do được áp dụng các khâu kiểm soát nghiêm ngặt nên sản phẩm được tiêu thụ với giá ổn định và cao hơn so với sản xuất truyền thống.

Ông Nguyễn Hữu Thành, Chủ tịch UBND xã Hà Long chia sẻ, xác định OCOP là chương trình phát triển kinh tế trọng điểm, không chỉ gắn với xây dựng NTM mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, trong thời gian qua, xã đã triển khai nhiều chương trình, giải pháp nhằm phát triển, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, bước đầu đạt được những kết quả tích cực.

Diện mạo nông thôn của huyện Hà Trung có sự chuyển biến rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng cải thiện.

Diện mạo nông thôn của huyện Hà Trung có sự chuyển biến rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng cải thiện.

Thời gian tới, xã sẽ tập trung khai thác các thế mạnh để phát triển sản phẩm OCOP như: Triển khai một số điểm trưng bày, giới thiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ các HTX tham gia Hội chợ trong và ngoài tỉnh kết hợp thúc đẩy giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn giao dịch điện tử…

Tạo sự thay đổi rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của người dân

Theo ông Nguyễn Ngọc Thức, Chủ tịch UBND huyện Hà Trung, tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM luôn được các địa phương trong huyện chú trọng và tiếp tục nâng cao, bởi có thu nhập ổn định thì người dân mới nâng cao được chất lượng cuộc sống.

Đối với các xã đăng ký hoàn thành NTM, NTM nâng cao năm 2023 cũng vậy, tiêu chí thu nhập luôn được quan tâm hàng đầu. Để thực hiện mục tiêu nâng cao thu nhập, các xã đã chủ động đổi mới hình thức sản xuất, từ sản xuất nhỏ lẻ manh mún sang sản xuất tập trung, ưu tiên phát triển chuỗi liên kết, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và sử dụng đất đai có hiệu quả.

Trong sản xuất nông nghiệp, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa cơ giới vào các khâu sản xuất, thì việc thành lập các HTX đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cùng với việc quan tâm phát triển nông nghiệp, Hà Trung còn đặc biệt chú trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, ngành nghề nông thôn. Nhờ quan tâm, đa dạng hóa các loại hình phát triển kinh tế, thu nhập của người dân không ngừng tăng. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 79,5 triệu đồng; năm 2022 ước đạt 80,5 triệu đồng.

Có thể nói, việc nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được đặt ra không chỉ đối với các xã đã đạt chuẩn NTM, mà đối với tất cả các địa phương của huyện Hà Trung. Bởi, vấn đề việc làm, thu nhập của người dân liên quan đến nhiều yếu tố khác trong cả quá trình xây dựng NTM. Chính vì vậy, trong điều kiện thực tế hiện nay, để đạt được mục tiêu không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, cấp ủy, chính quyền các địa phương vẫn cần chú trọng khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng đất đai thông qua việc đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là tiền đề để phát triển công nghiệp nông thôn, phát triển thương mại dịch vụ tại cơ sở, tiếp tục duy trì, phát triển thêm các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp… bảo đảm việc làm, thu nhập cho các tầng lớp nhân dân.

Đoàn Huyền

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/nong-thon-moi-huong-den-nang-cao-thu-nhap-cho-nguoi-dan-1094565.html