Nông thôn mới kiểu mẫu ở Xuân Hiệp có góp sức lớn của đồng bào Công giáo
Xã Xuân Hiệp là một trong những địa phương đi đầu về xây dựng nông thôn mới ở huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) và đã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu từ cuối năm 2022. Kinh tế hợp tác ở đây đang phát triển vững chắc, giúp cho thu nhập của người dân ngày càng khấm khá. Thành quả này có sự góp sức lớn lao của đồng bào theo đạo Công giáo, vốn chiếm hơn 80% dân số của xã.
Vài năm trở lại đây, Xuân Hiệp là một trong những địa phương có nhiều đột phá về kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng của huyện Xuân Lộc. Nhờ vậy, địa phương này không những giữ vững và nâng chất nông thôn mới nâng cao, mà còn hoàn thiện việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Đổi thay bộ mặt vùng quê
Đến thăm vùng quê này sẽ thấy những tuyến đường giao thông hoàn toàn được nhựa hóa, bê tông hóa. Đèn đường được lắp đặt, không gian giao thông được trồng hoa, cây cảnh nên luôn sáng, xanh sạch đẹp. Bên cạnh đó, nhiều mô hình sản xuất hàng hóa được nhân rộng, hiệu quả cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bà con giáo dân ở xã Xuân Hiệp trồng hoa hai bên đườnggiao thông nông thôn, giúp vùng quê thêm tươi đẹp.
Nhờ vậy, từ 2 năm trước đã đem lại thu nhập bình quân cho người dân địa phương đạt 80 triệu đồng/người/năm. Hồi cuối năm 2022, Hội đồng thẩm định nông thôn mới tỉnh Đồng Nai đã công nhận xã Xuân Hiệp đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Thành quả này phải kể để đến vai trò của bà con theo đạo Công giáo - vốn chiếm hơn 80% dân số ở Xuân Hiệp. Sự đoàn kết, đồng thuận, thống nhất cao của bà con giáo dân trong việc đồng hành với chính quyền địa phương, đoàn thể để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đã góp phần làm đổi thay diện mạo của Xuân Hiệp một cách toàn diện. Điều vui mừng nhất đó là việc thu nhập của người dân và bà con giáo dân trong xã ngày càng tăng cao. Đời sống nhân dân, giáo dân đã đổi thay rất nhiều.
Chẳng hạn như khi thực hiện tuyến đường kiểu mẫu dài 600m ở ấp 3 (xã Tân Hiệp) từ ngã tư Hào Phát vào Giáo xứ Tân Hiệp, bà con giáo dân hai bên đường đều tham gia. Đặc biệt, Ban giám sát cộng đồng của dân cư và giáo dân ở đây còn tự lựa chọn nhà thầu, người làm công trình, nơi mua vật liệu...
Khi tuyến đường này hoàn thành, người dân và bà con giáo dân còn đề xuất với Ban điều hành ấp cho chủ trương trồng hoa hai bên đường.
Nhắc đến đồng bào Công giáo ở xã Tân Hiệp phải kể thêm đến Giáo xứ Russeykeo - tọa lạc dưới chân núi Chứa Chan. Họ đạo này được lập nên bởi những Việt kiều Campuchia hồi hương từ trước năm 1975.
Giáo xứ Russeykeo hiện nay đã là cộng đoàn lớn mạnh với khoảng 8.000 giáo dân, chưa kể khá đông anh chị em công nhân trong các khu công nghiệp gần kề đến sinh hoạt. Vùng đất hoang vu ngày xưa nay trở thành khu dân cư đông đúc. Giáo dân gắn bó với nhiều ngành nghề như làm nông, trồng cây ăn trái, buôn bán. Những khu công nghiệp mở ra trên địa bàn xã Tân Hiệp cũng giúp họ có thêm nhiều chọn lựa về công ăn việc làm.
Đời sống của giáo dân nâng lên rõ rệt
Mỗi lần Giáo xứ Russeykeo xây dựng cơ sở vật chất, giáo dân rất hồ hởi và nhiệt tình tham gia. Mỗi ngày có rất đông người đến phụ giúp, nhà xứ chưa bao giờ phải lo lắng về nhân công. Giáo xứ còn là điểm sáng tại địa phương về chương trình hiến máu nhân đạo… Qua thời gian, họ đạo ở đây ngày càng khắc họa rõ nét hình ảnh một cộng đoàn thân thương.
Giáo xứ Russeykeo - tọa lạc ở xã Tân Hiệp, dưới chân núi Chứa Chan.
Ông Trần Văn Ấn, giáo dân Công giáo thuộc Giáo xứ Russeykeo vui mừng chia sẻ, từ những ngày đầu đến sinh sống tại khu vực này với biết bao khó khăn, vất vả, dưới sự hướng dẫn của cha chánh xứ, bà con giáo dân đã ra sức khai khẩn đất hoang để làm rẫy, dựng nhà rồi lập xóm. Vượt qua sự khắc nghiệt của bệnh sốt rét hoành hành trong thời gian dài, sự thiếu thốn về y tế, giáo dục, đến nay bà con giáo dân đã có cuộc sống sung túc, bình an hơn.
Theo ông Ấn, đời sống của bà con trong giáo xứ được nâng lên rõ rệt. Nhiều con em trong giáo xứ đã đỗ đạt thành tài, mang về vinh hạnh không chỉ cho gia đình mà cả cộng đồng.
Còn theo ông Vũ Văn Báu, Trưởng ban Hành giáo giáo xứ Russeykeo, đời sống vật chất và tinh thần của bà con giáo dân Việt kiều Campuchia ngày càng được nâng lên. Bà con trong giáo xứ luôn đoàn kết, chia sẻ, xây dựng xã hội ngày càng phát triển, phồn thịnh.
Với phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”; “sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, bà con giáo dân trên địa bàn xã Tân Hiệp nói chung, giáo xứ Russeykeo nói riêng luôn sống bác ái, yêu thương, phát huy tinh thần đoàn kết tôn giáo, dân tộc nhằm chung tay xây dựng nông thôn mới ở địa phương ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Những năm qua, các vị chức sắc trong họ đạo ở xã Tân Hiệp đã động viên, khích lệ đồng bào giáo dân vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời, tham gia nhiều hoạt động xã hội có ý nghĩa như: Giúp đỡ người nghèo, xây dựng nhà tình thương, phòng chống dịch bệnh, đóng góp cho công tác khuyến học, khuyến tài… Qua đó, góp phần cùng chính quyền xã thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.
Không những vậy, bà con giáo dân ở Xuân Hiệp còn nhiệt thành với việc phát triển kinh tế hợp tác để nâng cao đời sống. HTX được thành lập trong xã liên kết với nông dân, giáo dân sản xuất rau sạch với đầu ra ổn định, kinh tế và đời sống người dân ngày càng được nâng lên.
Bước đi vững chắc của HTX trồng rau sạch
Điển hình trong đó phải kể đến HTX Rau an toàn Lộc Tiến ở xã Xuân Hiệp là đơn vị trồng rau sạch có tiếng ở huyện Xuân Lộc. Cao điểm, HTX này có hơn 40 thành viên, diện tích khoảng 50ha, mỗi tháng cung cấp ra thị trường vài trăm tấn rau ăn lá các loại. Theo ông Phan Xuân Hoàng, Giám đốc HTX Rau an toàn Lộc Tiến, HTX có hơn 20ha trồng rau xà lách gai. Hiện, trung bình mỗi ngày, HTX cung cấp từ 2-5 tấn rau xà lách gai đi nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Xã Xuân Hiệp là vùng đất nông nghiệp màu mỡ của huyện Xuân Lộc, thích hợp để triển khai các mô hình kinh tế nông nghiệp có hiệu quả cao. Và HTX Lộc Tiến đã phát huy được điều này.
Rau an toàn là nhu cầu thực trong đời sống hằng ngày của nhiều người, cho nên đầu ra của HTX này hiện khá ổn định. Mỗi năm, HTX có thể trồng 12 vụ rau, dù một vài vụ có giá bán thấp cũng không ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả chung của việc trồng rau.
Ông Đỗ Văn Xuân, Phó giám đốc HTX Rau an toàn Lộc Tiến chia sẻ, nhận thấy thị trường rau sạch có nhiều lợi thế, HTX đã vận động thành viên chuyển sang chăm sóc theo quy trình sạch. Quá trình chăm sóc, các thành viên tăng cường sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và đầu tư nhà vòm, nhà lưới để cách ly sâu bệnh. Từ 5 năm trước, toàn hộ diện tích rau sạch của HTX đạt chứng nhận VietGAP.
Các thành viên của HTX đồng lòng chuyển đổi sang sản xuất an toàn, sản phẩm rau xà lách gai đã được cấp chứng nhận VietGAP với kỳ vọng vùng rau sạch này có đầu ra ổn định hơn. Với việc hình thành vùng chuyên canh rau xà lách đạt chuẩn VietGAP từ sự đóng góp tích cực của các thành viên (trong đó có bà con giáo dân) đã giúp sản phẩm rau của HTX Rau an toàn Lộc Tiến đạt chứng nhận OCOP.
Là thành viên tích cực của HTX rau an toàn Lộc Tiến có nhiều đóng góp trong phát triển nông nghiệp theo tiêu chuẩn sạch của địa phương, bà Trần Thị Minh Châu ở ấp Tân Tiến (xã Xuân Hiệp) cho biết, nhờ tham gia HTX mà cuộc sống của gia đình ngày càng được khấm khá, không còn cảnh khó khăn như trước đây.
Theo bà Châu, với sự đóng góp tích cực của bà con giáo dân trong xã cũng như vai trò quan trọng của HTX đã giúp cho đời sống người dân địa phương có nhiều bước chuyển, bộ mặt kinh tế nông thôn ở Tân Hiệp càng thêm đổi mới, tươi đẹp hơn. Và nhất là người dân, giáo dân càng thêm phấn khởi khi Xuân Hiệp đã được công nhận là xã nông thôn mới kiểu mẫu.