Nông thôn mới ở Quảng Trị khởi sắc từ những điều giản dị

Xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Quảng Trị không bắt đầu bằng những công trình lớn, mà khởi đầu từ những việc làm giản dị, thiết thực. Đó là xây dựng những con đường làng sạch đẹp, những nếp nhà ấm áp vững chắc, lòng người biết yêu thương, sẽ chia và đồng thuận. Từ những điều nhỏ, giản dị ấy, diện mạo nông thôn nơi đây đang thực sự đổi thay từng ngày, theo hướng bền vững và giàu bản sắc.

Ông Trần Văn Nhuận, Bí thư Đảng ủy xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong chia sẻ, mọi người bắt đầu từ việc dọn sạch sân nhà, trồng một luống hoa trước ngõ, giữ gìn vệ sinh đường làng… Việc xây dựng NTM ở địa phương không bắt đầu từ những công trình tiền tỷ, mà bắt đầu từ sự thay đổi trong ý thức và nếp sống cộng đồng. “Chính quyền các cấp đóng vai trò kết nối, hỗ trợ và định hướng, nhưng thành công lớn nhất vẫn đến từ sự đồng lòng của người dân. Người góp công, người góp đất, góp vật liệu… Từng con đường, từng nhà văn hóa, từng cột điện chiếu sáng đều là kết quả của sự chung tay này!”, ông Nhuận nhấn mạnh.

Xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa là xã miền núi đầu tiên đạt chuẩn NTM ở Quảng Trị.

Xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa là xã miền núi đầu tiên đạt chuẩn NTM ở Quảng Trị.

Ở vùng cao Hướng Hóa, việc xây dựng NTM vẫn còn nhiều thử thách, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số. Thiếu đất sản xuất, cơ sở hạ tầng như giao thông, trường học, cơ sở văn hóa, nước sạch còn hạn chế, chưa đồng bộ; đời sống người dân còn thấp. Thế nhưng, những khó khăn ấy không làm chùn bước hành trình đổi mới. Chị Hồ Thị Nhung, một phụ nữ người Vân Kiều ở xã Húc, chia sẻ: “Hồi trước không dám mơ nhà vệ sinh, nước sạch. Giờ thì nhiều hộ gia đình đã được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh; các hộ gia đình đã tự xây dựng nhà vệ sinh để bảo vệ môi trường sống; các con được học trường mới, đi học không còn lội suối nữa”. Tỉnh Quảng Trị đã chủ động phân công các sở, ngành và doanh nghiệp đỡ đầu các xã đặc biệt khó khăn. Những mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm, như trồng dược liệu dưới tán rừng, trồng cà phê hữu cơ, đặc sản; chăn nuôi theo tiêu chuẩn an toàn – dần giúp người dân ổn định cuộc sống, hướng tới thoát nghèo bền vững.

Từ NTM đến nông thôn thông minh

Tính đến nay, Quảng Trị đã có 69/95 (tính theo số liệu sau sáp nhập xã) xã đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 72,6%. Trong đó có 3 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, những nơi trước đây từng là vùng “trắng” về cơ sở hạ tầng và dịch vụ công.

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 38,34 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn giảm còn 13,92% - một kết quả không nhỏ với tỉnh còn nhiều khó khăn như Quảng Trị. Cùng với đó, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) cũng khởi sắc mạnh mẽ. Tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 172 sản phẩm OCOP, trong đó có 02 sản phẩm OCOP 5 sao, 33 sản phẩm 4 sao, 137 sản phẩm OCOP 03 sao. Nhiều đặc sản như dược liệu, cà phê Khe Sanh, lúa hữu cơ, hồ tiêu… giờ đây đã có mặt trên sàn thương mại điện tử và các chuỗi siêu thị lớn và cả trên thị trường quốc tế.

Diện mạo nông thôn mới ở xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.

Diện mạo nông thôn mới ở xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.

Không dừng lại ở các tiêu chí cơ bản, Quảng Trị đang từng bước đưa chuyển đổi số vào xây dựng NTM. Nhiều địa phương đã ứng dụng công nghệ trong tổ chức sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP, cập nhật dữ liệu dân cư và dịch vụ công. Bên cạnh việc duy trì những kết quả đạt được, để nâng cao chất lượng NTM tỉnh đang tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình thôn, xã NTM mới kiểu mẫu, NTM thông minh để hướng tới giai đoạn 2025-2030, tỉnh có nhiều hơn các mô hình NTM kiểu mẫu, NTM thông minh gắn với du lịch cộng đồng, phát triển kinh tế xanh.

Tại xã Cam Chính, một trong những địa phương đi đầu của huyện, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Thanh Lâm tự hào nói: “Ngày trước, cả thôn chỉ có vài chiếc máy cày, vài căn nhà xây. Nay, người dân dùng điện thoại thông minh để đặt giống cây trồng, theo dõi thời tiết và bán nông sản lên mạng”. Cam Chính đang phấn đấu trở thành xã NTM kiểu mẫu theo hướng xã thông minh, với định hướng lấy người dân làm trung tâm, công nghệ làm công cụ, và sáng tạo làm động lực...

Ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Trị cho hay, tư duy xây dựng NTM ở Quảng Trị không dừng lại ở việc đầu tư kết cấu hạ tầng; từ sớm, tỉnh đã xác định mục tiêu cốt lõi là nâng cao đời sống cho người dân nông thôn bằng việc thay đổi tư duy, nhận thức, tập quán sản xuất từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; đồng thời quan tâm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn; đây là “chìa khóa” quan trọng để phát triển nông nghiệp hiện đại, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân.

Thanh Bình

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/nong-thon-moi-o-quang-tri-khoi-sac-tu-nhung-dieu-gian-di-i765374/