Doanh nghiệp tính chuyện đường dài trước biến động thuế quan

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, những khó khăn từ việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng cũng là cơ hội cho chúng ta chủ động tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc doanh nghiệp để tạo ra những thay đổi tích cực hơn trong dài hạn.

Tìm giải pháp thích ứng

Ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, mức thuế bổ sung sẽ tác động mạnh bất lợi, ảnh hưởng lớn đến hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu (XK) chủ lực của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Khi bị áp dụng chính sách này, hàng hóa XK của Việt Nam sẽ khó cạnh tranh hơn với hàng hóa nội địa và hàng hóa từ các nước khác được áp mức thuế thấp hơn khi nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Điều này gây áp lực lớn cho cộng đồng DN XK Việt Nam về khả năng giảm lợi nhuận, thu hẹp đơn hàng và thị phần XK, cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng và bị tăng tồn kho, khi các đối tác Hoa Kỳ có thể tìm nguồn hàng thay thế từ các nước không bị áp thuế cao.

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới là một hướng đi của doanh nghiệp.

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới là một hướng đi của doanh nghiệp.

Trao đổi với PV Báo CAND chiều 18/4, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Việt Thắng Jean cho biết, Hoa Kỳ là thị trường chiếm 40% tổng sản lượng XK của công ty, nay thị trường này trở nên đầy thách thức. Nếu không tìm ra giải pháp kịp thời, DN có nguy cơ khó cạnh tranh được về giá trước các đối thủ. Trong tuần này, các DN dệt may vẫn đang đàm phán với các đối tác về việc chia sẻ 10% thuế đối ứng, hiện các đối tác chưa phản hồi, dự kiến trong tuần tới nếu chốt được mức thuế chia sẻ với đối tác thì đơn hàng sẽ được tiếp tục thực hiện.

"Hiện, có DN đang sản xuất cầm chừng, có đơn vị làm 1 ngày nghỉ 1 ngày; có DN nhiều đơn hàng cũng chỉ làm 7 tiếng/ngày. Đơn hàng đang bị giãn, chậm, nhiều khách hàng chưa ký đơn hàng tiếp, tất cả đang chờ vào việc đàm phán về sự chia sẻ mức thuế đối ứng 10%. Chúng tôi kỳ vọng sang tuần tới nhà mua hàng sẽ có câu trả lời, và mong muốn chia sẻ ở mức 5%", ông Việt nói.

Theo ông Việt, thời điểm này DN có đơn hàng đa dạng thì đang chia đơn hàng đi các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Trung Đông… Song, với nhiều DN, việc tìm kiếm đơn hàng và mở rộng thị trường mới cũng cần thời gian. Trong dài hạn, ông Việt cho rằng, mức thuế sẽ không cao hơn 10%, nếu áp thuế quá cao thì DN sẽ phải đàm phán tiếp với các đối tác để chia sẻ. Khách hàng phải chia sẻ với DN thì mới có thể duy trì sản xuất, XK.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T Group cho biết, sau khi nhận được thông tin hoãn thuế trong 90 ngày, DN rất mừng nhưng cũng rất lo. Bản thân DN Hoa Kỳ cũng vậy, họ phải thay đổi lại kế hoạch kinh doanh năm 2025. Thậm chí họ lên kế hoạch theo từng tuần chứ không phải theo từng tháng như trước đây. Để thích ứng được với những biến động như hiện nay, ông Tùng cho rằng, DN liên tục làm việc với các đối tác để có những ứng phó kịp thời. Ngoài ra, DN cũng san sẻ một phần lợi nhuận để bù vào phần thuế để giảm cú sốc thị trường. Để có bước đi dài hạn, DN đã tìm nhiều cách để thích ứng với thị trường Hoa Kỳ và đa dạng hóa thị trường XK như XK vào thị trường mới là Canada, Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết, Hoa Kỳ vẫn là điểm đến XK lớn nhất chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch XK hồ tiêu Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam cũng là nước cung cấp hồ tiêu lớn nhất cho Hoa Kỳ, chiếm tới 77% tổng lượng hạt tiêu mà nước này nhập khẩu.

Trong bối cảnh nhiều biến động về chính sách thuế, bà Liên cho rằng, đây là thách thức lớn mà ngành hồ tiêu Việt Nam gặp phải. Ngay khi thuế nhập khẩu 10% được áp dụng, đã có một số nhà mua hàng tại Hoa Kỳ tạm dừng mua vào để cân nhắc. Điều này cho thấy thị trường đang rất nhạy cảm với thuế và giá cả; hồ tiêu Việt Nam sẽ phải cạnh tranh rất khốc liệt với hồ tiêu của Brazil, Indonesia bởi mức thuế đối ứng của họ thấp hơn.

Bộ ngành, địa phương hỗ trợ doanh nghiệp

Theo ông Hà Văn Út, Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương, khoảng thời gian 90 ngày Hoa Kỳ tạm hoãn áp thuế đối ứng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để DN tháo gỡ nhiều vướng mắc tồn đọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đó, DN tranh thủ đẩy mạnh XK các đơn hàng, tái cơ cấu chuỗi giá trị, khắc phục những điểm yếu trong cấu trúc hoạt động, từng bước chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng bền vững, đồng thời đa dạng hóa thị trường và củng cố các chuỗi cung ứng.

Ở góc độ Hải quan, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan khu vực XVI cho biết, đơn vị đã có yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải giải quyết thủ tục hải quan liên tục, kể cả vào ngày lễ và cuối tuần. Ưu tiên hàng đầu được dành cho việc xử lý các lô hàng sắp hết thời hạn lưu kho. Đồng thời, các hoạt động thanh tra, kiểm tra cũng tạm thời được dừng lại. Cơ quan Thuế và Hải quan cũng đang nỗ lực đẩy nhanh quy trình hoàn thuế và rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ cho DN.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông cho biết, hiện nay, các quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam đang xúc tiến các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ về vấn đề thuế quan. Trong khi chờ đợi kết quả đàm phán, DN cần tăng cường năng lực phòng vệ thương mại, vừa chuyển đổi mạnh sang sản xuất theo hình thức FOB để các khách hàng cùng chia sẻ về thuế; chủ động đàm phán với các nhà nhập khẩu để chia sẻ gánh nặng về thuế; minh bạch xuất xứ hàng hóa, xây dựng quy trình quản lý nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, tránh phụ thuộc nguyên liệu vào một số ít quốc gia. Cùng với đó, đa dạng hóa thị trường XK, tìm kiếm thị trường thay thế.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, những khó khăn từ việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng cũng là cơ hội cho chúng ta chủ động tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc DN để tạo ra những thay đổi tích cực hơn trong dài hạn và để thực hiện được mục tiêu này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan từ DN, hiệp hội ngành hàng đến cơ quan quản lý nhà nước các cấp.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-tinh-chuyen-duong-dai-truoc-bien-dong-thue-quan-i765634/