Nông thôn mới thông minh - xu thế tất yếu của chuyển đổi số

Nhiều người tự hỏi xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu xong thì xây dựng nông thôn mới gì nữa? Câu trả lởi là xây dựng nông thôn mới thông minh (còn gọi là nông thôn mới Smart).

Xây dựng nông thôn mới được xác định là hành trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân cũng như hiện đại hóa nông thôn Việt Nam.

Đích đến của chương trình ở cấp cơ sở là những nấc thang: Nông thôn mới - Nông thôn mới nâng cao - Nông thôn mới kiểu mẫu, đã được thực hiện thành công ở nhiều nơi. Khái niệm nông thôn mới thông minh mới được đưa ra gần đây được coi là bước tiến tiếp theo trong xây dựng nông thôn mới.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 924 ngày 2-8-2022 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình); Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Chương trình chuyển đổi số xây dựng, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025 ngày 12-10-2022. Trong đó, yêu cầu triển khai đầy đủ, kịp thời các nội dung, giải pháp của Chương trình, đảm bảo hiệu quả, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế ở các địa phương.

Thông qua triển khai Chương trình, từng bước hình thành nông thôn mới thông minh, nâng cao vai trò, hoạt động của cộng đồng thông qua áp dụng chuyển đổi số để xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu và bền vững.

Phát động các phong trào, các đợt thi đua tham gia hoạt động chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh; nghiên cứu, đề xuất và trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới thông minh giai đoạn 2026-2030. Tuy nhiên, hiện nay một số tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể phải chờ hướng dẫn chi tiết do các bộ, ngành Trung ương liên quan ban hành và hướng dẫn thực hiện.

Trong các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu có tiêu chí quy định: Có ít nhất một mô hình thôn (ấp) thông minh, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể. Muốn xây dựng xã nông thôn mới thông minh thì đầu tiên là phải xây dựng các ấp nông thôn mới thông minh.

Các sản phẩm trái cây chủ lực của Tiền Giang đã được hỗ trợ kết nối, tiêu thụ trên nền tảng số. Ảnh: Minh Quang

Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đã đưa ra định hướng thực hiện cho các tỉnh và khái niệm: Thôn/ấp thông minh là một cộng đồng thôn. Ấp ở các xã vùng nông thôn sử dụng các giải pháp trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số, tận dụng các thế mạnh và cơ hội của địa phương để phát triển bền vững. Các hợp phần chính của “ấp thông minh” là thiết chế thông minh, hạ tầng thông minh, sản xuất kinh doanh thông minh, nguồn lực thông minh, dịch vụ thông minh.

Theo đó, ấp nông thôn mới thông minh phải có hạ tầng internet cáp quang và thông tin di động 3G, 4G đến từng hộ; cán bộ ấp phải có ứng dụng các nền tảng số để thông tin, tuyên truyền đến người dân trong ấp.

Trong ấp, phải có một trong các mô hình ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các lĩnh vực như: An ninh trật tự, an toàn giao thông, y tế, giáo dục, sản xuất - kinh doanh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nông nghiệp, chiếu sáng, môi trường, phát triển kinh tế - xã hội...

Theo ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá là được những kết quả to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử.

Ban đầu, trong mục tiêu Chương trình xây dựng nông thôn mới là các địa phương phấn đấu đạt được chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều xã nông thôn mới đang nâng chất lên thành nông thôn mới nâng cao và trở thành nông thôn mới kiểu mẫu. Sau nông thôn mới kiểu mẫu, sẽ nâng cấp lên thành “Nông thôn mới Smart”, tức là nông thôn mới thông minh.

Nông thôn mới Smart là ứng dụng chuyển đổi số vào mọi lĩnh vực của xã, thôn, xóm… từ việc lắp các camera an ninh trên các đường làng ngõ xóm, ứng dụng internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo vào điều khiển sản xuất nông nghiệp và mọi mặt trong đời sống nông thôn những vấn đề mới như: Ứng dụng công nghệ thông tin (chuyển đổi số) trong nông nghiệp, nông thôn; phát triển du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn; vấn đề kinh tế hợp tác, hợp tác xã, cơ giới hóa đồng bộ, vấn đề quản lý chất lượng nông sản…

M.T

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/khoa-hoc-doi-song/202402/nong-thon-moi-thong-minh-xu-the-tat-yeu-cua-chuyen-doi-so-1003171/