Nông thôn mới trên vùng đất anh hùng

Với những chủ trương, chính sách đúng đắn từ chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) và sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của người dân, nhiều vùng đất anh hùng thời kháng chiến nay đổi thay từng ngày, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Miền hạ vươn lên từ gian khó

Xuôi về miền hạ của huyện Cần Đước, tỉnh Long An, chúng tôi về thăm lại xã anh hùng Tân Chánh. Bằng ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết vươn lên, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, từ một xã vùng hạ nhiều khó khăn, Tân Chánh đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Xã được UBND tỉnh công nhận xã văn hóa năm 2010 và được tái công nhận năm 2016. Tân Chánh cũng là 1 trong 3 xã điểm XDNTM của huyện Cần Đước và được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2015. Hiện xã có Đình Tân Chánh và Lăng mộ Nguyễn Khắc Tuấn được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Về Tân Chánh ngày nay có thể nhận thấy kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang

Về Tân Chánh ngày nay có thể nhận thấy kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Chánh - Nguyễn Thành Nam cho biết: “Các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước phù hợp điều kiện tình hình thực tế của địa phương, việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở được phát huy. Người dân ý thức được quyền và nghĩa vụ của mình nên đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia các phong trào, nhiệm vụ của địa phương. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đặc biệt là nâng cao chất lượng các tiêu chí xã văn hóa - NTM”.

Với lợi thế là vùng đất ngập mặn có nhiều sông, rạch thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển kinh tế. Vụ tôm năm 2021, người dân đã thả nuôi theo đúng quy trình hướng dẫn. Tổng sản lượng đến nay đạt 2.200/2.000 tấn, đạt 110% chỉ tiêu huyện giao.

Tân Chánh hiện có di tích Đình Tân Chánh và Lăng mộ Nguyễn Khắc Tuấn được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh

Tân Chánh hiện có di tích Đình Tân Chánh và Lăng mộ Nguyễn Khắc Tuấn được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh

Bên cạnh đó, xã luôn quan tâm phát triển một số ngành nghề khác như vận tải đường sông, đóng ghe, tàu,... tạo việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động. Xã phối hợp Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để giải quyết việc làm, giảm nghèo. Từ đó, tỷ lệ hộ khá, giàu tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm theo từng năm. Đến nay, xã còn 42/3.036 hộ nghèo, chiếm 1,38%. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt 55,2 triệu đồng/năm.

Về Tân Chánh ngày nay có thể nhận thấy kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang. Các công trình giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất và đời sống người dân được tập trung thực hiện đạt hiệu quả. Công tác đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là giữa dịch Covid-19 được bảo đảm, góp phần cho diện mạo của xã ngày càng khởi sắc.

Diện mạo mới, sức sống mới

Trở lại xã Tân Bửu, huyện Bến Lức những ngày cuối tháng 5, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi của vùng đất anh hùng. Các tuyến đường giao thông nông thôn được nâng cấp, mở rộng, xây dựng khang trang tạo thuận lợi cho người dân đi lại và giao thương. Có được kết quả này là do xã tích cực huy động mọi nguồn lực để bê tông hóa cầu, đường giao thông nông thôn.

Không chỉ diện mạo thay đổi mà đời sống người dân nơi đây cũng được nâng lên rõ rệt. Từ xã thuần nông mà xương sống của nền kinh tế chủ yếu dựa vào cây lúa thì ngày nay, Tân Bửu chuyển đổi mạnh mẽ với đa dạng hóa ngành nghề, mở mang thương mại - dịch vụ, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Xã Tân Bửu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019

Xã Tân Bửu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Kinh tế phát triển, nông nghiệp, nông thôn đổi mới đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo (hiện xã còn 14 hộ nghèo, chiếm 0,53%; 48 hộ cận nghèo, chiếm 1,84%) và nâng thu nhập bình quân đầu người toàn xã hiện nay lên mức 51 triệu đồng/năm.

Chủ tịch UBND xã Tân Bửu - Phạm Thị Trà My thông tin: “Năm 2019, xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Đây là niềm vui, động lực để Đảng bộ, chính quyền và người dân địa phương tiếp tục nỗ lực, phấn đấu xây dựng Tân Bửu ngày càng phát triển với diện mạo mới, sức sống mới”.

Phấn khởi trước những thay đổi của quê hương, ông Nguyễn Văn Thanh (ấp 5, xã Tân Bửu) bày tỏ: “Trước đây, điện, đường, trường, trạm còn khó khăn, thiếu thốn. Vậy mà bây giờ điện đã đến nơi xa xôi nhất. Các tuyến đường nhựa hóa, bêtông hóa có mặt ở khắp nơi. Trẻ em được học tập trong những ngôi trường khang trang với đầy đủ trang thiết bị dạy học. Tất cả là nhờ chương trình XDNTM mang lại”.

Nhằm giữ vững và phát huy những kết quả đã đạt trong thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và toàn thể người dân các xã anh hùng quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Qua đó, góp phần tích cực vào phát triển KT - XH của địa phương, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân./.

Huỳnh Hương

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nong-thon-moi-tren-vung-dat-anh-hung-a136304.html