Nông thôn mới | Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Trung Chải (huyện Nậm Nhùn) đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhờ đó, diện mạo xã đã có nhiều đổi thay, bộ mặt nông thôn ngày càng được cải thiện, đời sống vật chất tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.
Chia sẻ với phóng viên, ông Thào A Khua – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Sau khi được chia tách và thành lập năm 2012, Trung Chải là xã biên giới thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Nậm Nhùn. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là một bài toàn khó với xã bởi trình độ dân trí thấp, tỷ lệ đói nghèo cao, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, giao thông đi lại khó khăn. Trong khi đó, xã có địa hình cao, chia cắt mạnh bởi các khe núi và vực sâu, địa chất yếu dễ sạt lở vào mùa mưa, dẫn tới hệ thống đường giao thông, thủy lợi, cơ sở hạ tầng thường xuyên bị sụt sạt, hư hỏng. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân còn có tư tưởng trông chờ, ỉ lại vào sự đầu tư của Đảng, Nhà nước là những rào cản lớn trong tiến trình xây dựng NTM. Tuy nhiên, chúng tôi xác định, chương trình xây dựng NTM chính là cơ hội để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Xã đã xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện theo từng giai đoạn với nhiều giải pháp đồng bộ.
Xác định hướng đi, một mặt xã phân công cán bộ thường xuyên xuống bản tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM để người dân hiểu rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi cá nhân, tập thể trong xây dựng NTM. Đồng thời, phân công rõ trách nhiệm của từng đoàn thể chính trị - xã hội, các bản trong tham gia tổ chức thực hiện từng nội dung, tiêu chí NTM. Bên cạnh đó, chú trọng củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, làm công tác tham mưu triển khai, tổ chức thực hiện chương trình. Mặt khác, xã thực hiện lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án như: chương trình 135/CP, 30a… đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất, phát triển kinh tế của người dân.
“Những năm 2012, 2013 xây dựng NTM là việc mới và khó. Với một xã mới thành lập còn nhiều khó khăn như Trung Chải thì cái khó đó được nhân lên gấp bội. Khi bắt tay vào thực hiện NTM, không chỉ người dân mà một số cán bộ vẫn chưa hiểu rõ mục đích, nội dung, ý nghĩa của chương trình” - Ông Khua cho biết.
Vượt lên những thách thức đó, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, lấy cán bộ, đảng viên làm nòng cốt, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về chương trình xây dựng NTM được nâng lên. Từ đó, tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong mọi tầng lớp Nhân dân. Hơn 9 năm qua, người dân các xã trên địa bàn huyện đã hiến gần 4.000m2 đất, góp hơn 5.000 ngày công lao động để làm đường giao thông, nhà văn hóa... Nhiều công trình giao thông, thủy lợi, trường học, nhà văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng, không chỉ làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng cao biên giới, mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn phát triển.
Các thầy, cô giáo vượt khó, bám bản, dạy chữ cho con em đồng bào các dân tộc xã Trung Chải. Trong ảnh: Giờ học toán của thầy và trò lớp tiểu học tại điểm trường Nậm Sẻ. Ảnh tư liệu
Xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn vùng cao đã được “thay da đổi thịt”, nhiều mô hình kinh tế mới ra đời, tiêu biểu như: chăn nuôi đại súc, gia cầm theo hướng trang trại, gia trại. Đến nay, đàn gia súc gia cầm toàn xã đạt hơn 3.000 con, tỷ lệ tăng đàn đạt trên 4%/năm.
Nếu như trước kia, việc sản xuất nông nghiệp của bà con dựa hoàn toàn vào tự nhiên, tình trạng đói ăn thường xuyên diễn ra, tỷ lệ đói nghèo chiếm trên 70% thì nay đời sống của người dân đã được cải thiện rõ rệt. Đến hết năm 2020 xã đạt 11/19 tiêu chí NTM, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 17 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 45%. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm, công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho người dân được chú trọng triển khai. Nhiều năm qua, tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế năm sau cao hơn năm trước, tính đến hết năm 2020, số người tham gia Bảo hiểm y tế của xã đạt trên 92%. Tỷ lệ hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt trên 95%, dịch vụ viễn thông, internet được đưa đến tận các bản, các chỉ tiêu về phát triển giáo dục nông thôn đạt và vượt so với mục tiêu đề ra…
Thầy giáo Nguyễn Thế Nhuần – giáo viên tiểu học ở điểm trường Nậm Sẻ hồ hởi chia sẻ: Từ năm 2019 đến nay, các em học sinh mầm non và tiểu học nơi đây đã được học tại điểm trường mới. Lớp học dột nát, siêu vẹo trước đây đã được thay thế bằng ngôi nhà ghép kiên cố, khang trang và sạch đẹp ngay giữa trung tâm bản. Có được cơ sở này phần lớn là nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền và sự hưởng ứng nhiệt tình từ phong trào hiến đất làm đường, nhà văn hóa và trường lớp học của bà con trong bản.
"Trong xây dựng NTM, dẫu đạt được những kết quả bước đầu, song chặng đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn. Xã Trung Chải còn 8 tiêu chí chưa đạt, gồm: giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập, nhà ở dân cư, hộ nghèo, môi trường, tổ chức sản xuất. Để hoàn thiện các tiêu chí này, thời gian tới, xã tập trung ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực: phát triển sản xuất, tạo sinh kế để nâng cao thu nhập, giảm nghèo, nâng cao dân trí, phát triển cơ sở hạ tầng... Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu được cái lợi mà mình được hưởng, từ đó phát huy sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng NTM ở địa phương”, ông Thào A Khua – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm.