Nông thôn Tư Nghĩa đổi mới
Sáng 24.3, huyện Tư Nghĩa sẽ đón Bằng công nhận huyện nông thôn mới (NTM). Đó là kết quả của sự nỗ lực không ngừng trong 10 năm qua của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong toàn huyện. Nông thôn đổi mới, cuộc sống đổi thay đang hiện rõ trên từng đường quê, ngõ xóm và trong mỗi mái nhà của người dân.'Trong thời gian đến, huyện Tư Nghĩa sẽ tập trung chỉ đạo tiếp tục triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM theo hướng giữ vững chuẩn, đồng thời thực hiện những mục tiêu cao hơn với tiêu chí cụ thể cho từng giai đoạn. Trong đó, chú trọng công tác chỉ đạo triển khai nhiệm vụ kịp thời; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện, đảm bảo đúng định hướng, đạt hiệu quả, góp phần cùng cả tỉnh hoàn thành tốt mục tiêu của Chương trình xây dựng NTM mà trung ương đề ra'.
Hoàn thiện hạ tầng nông thôn
Xuất phát điểm là một huyện thuần nông, khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, huyện Tư Nghĩa gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Đảng bộ, chính quyền huyện Tư Nghĩa xác định, xây dựng NTM là hướng đến cải thiện đời sống người dân, phát triển toàn diện, đặc biệt là hoàn thiện hạ tầng nông thôn. Vì thế, Tư Nghĩa đã từng bước khắc phục khó khăn, bứt phá vươn lên đạt được nhiều thành tựu to lớn.
Đường giao thông nông thôn ở khu dân cư kiểu mẫu Điện An 3, xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa).
Đến nay, Tư Nghĩa có 13/13 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM, hoàn thành 9 tiêu chí huyện NTM. Tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM của huyện từ năm 2011 đến nay hơn 2.797 tỷ đồng. Bên cạnh việc sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, huyện Tư Nghĩa còn vận động nhân dân hiến đất, đóng góp công sức, kinh phí thực hiện kiên cố 316,36km đường giao thông nông thôn; trong đó đường trục xã và đường từ trung tâm xã đến huyện 49,5km; đường liên thôn, nội thôn 46,32km; đường ngõ xóm 160,89km; đường trục chính nội đồng 59,65km.
Hiện nay, có 98,64% các tuyến đường xã, liên xã và 100% tuyến đường thôn, liên thôn, đường trục chính nội đồng được cứng hóa, bê tông, đảm bảo đi lại thuận tiện. Trong quá trình thực hiện, các xã thường xuyên phát động nhân dân, các tổ chức đoàn thể tham gia phong trào làm vệ sinh môi trường; vận động nhân dân tự tháo dỡ công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông; phát động nhân dân trồng hoa ven đường tạo cảnh quan, mỹ quan khu dân cư.
Cùng với đó, 69% các tuyến kênh, mương thủy lợi cấp III do xã quản lý được kiên cố, đảm bảo phục vụ tưới tiêu chủ động. Hệ thống điện đảm bảo theo quy định; 48/50 các trường học trên địa bàn huyện được đầu tư, nâng cấp; 13/13 xã có hội trường đa năng; 100% các thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng và sân thể thao với những trang thiết bị cần thiết phục vụ cho sinh hoạt của nhân dân. Đây là bước tiến vượt bậc, vì trước đó, vào năm 2011, các tiêu chí này còn ở mức rất thấp. Điều quan trọng nữa là, mặc dù đầu tư kết cấu hạ tầng với nguồn kinh phí lớn, nhưng đến nay, huyện Tư Nghĩa không nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM.
Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa NGUYỄN ĐĂNG VINH
Đời sống người dân được nâng cao
Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, huyện Tư Nghĩa đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hình thành các mô hình sản xuất tập trung, liên kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện. Năm 2011, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện chỉ đạt 15,2 triệu đồng/người/năm, thì đến nay đã tăng lên gần 40 triệu đồng/người/năm. Nếu như năm 2011, hộ nghèo của huyện chiếm 11,52% (3.258 hộ nghèo), thì nay chỉ còn 2,34%.
Kè sông Phủ được đầu tư xây dựng vừa chống xói lở, bảo vệ khu dân cư, vừa góp phần cải tạo cảnh quan môi trường của thị trấn La Hà và xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa).
Là huyện thuần nông, nên khi bắt tay vào xây dựng NTM, Tư Nghĩa đã tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tính đến nay, huyện đã thực hiện dồn điền đổi thửa khoảng 450ha, triển khai khoảng 100 mô hình cánh đồng lớn, đồng thời đưa cơ giới hóa vào sản xuất, qua đó góp phần tăng giá trị thu nhập của mô hình cánh đồng lớn đạt 90 triệu đồng/ha/năm.
Nhiều dự án phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa, các mô hình sản xuất lúa giống, lúa hữu cơ chất lượng cao; các gia trại, trang trại chăn nuôi ngày càng phát triển. Điển hình là mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Nghĩa Hiệp, với quy mô 5ha do Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao QNAsafe đầu tư, sản lượng bình quân 300 - 400kg/ngày. Hiện tại, toàn huyện có 405 gia trại và 20 trang trại các loại, vật nuôi chủ yếu là heo, bò, trâu, gà. Trong đó, có nhiều trang trại đã chủ động hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Việc chăn nuôi cũng được kiểm soát về môi trường và chất lượng sản phẩm, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.
Nâng cao chất lượng nông thôn mới
Huyện Tư Nghĩa là địa phương có nhiều xã về đích NTM trong những năm đầu khi Quảng Ngãi phát động thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, như: Nghĩa Lâm, Nghĩa Hòa, Nghĩa Thương, Nghĩa Phương. Khi được công nhận là xã đạt chuẩn NTM, các xã vận động nhân dân tiếp tục tự nguyện xây dựng NTM nâng cao, khu dân cư kiểu mẫu.
Nghề trồng hoa Tết ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa).
Đơn cử như khu dân cư kiểu mẫu thôn Điện An 3, xã Nghĩa Thương, người dân đã tự nguyện đóng góp hơn 800 triệu đồng, cùng với kinh phí khoảng 800 triệu đồng từ ngân sách đầu tư xây dựng giao thông nông thôn, điện thắp sáng đường quê. Đến nay, tất cả các tuyến đường giao thông trong thôn đều được bê tông và có điện chiếu sáng vào ban đêm; kênh mương nội đồng được đầu tư xây dựng kiên cố, đảm bảo nước tưới cho các cánh đồng, tăng năng suất cây trồng, ổn định đời sống người dân.
Sau hơn 45 năm giải phóng và 10 năm xây dựng NTM, huyện Tư Nghĩa đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Những thành tựu ấy sẽ tiếp tục được kế thừa, phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong chặng đường mới. Mục tiêu là xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng hiện đại, kinh tế - xã hội từng bước phát triển; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.