Nóng trong tuần: Bước leo thang báo động trong xung đột Ukraine; Điều bất ngờ trong Nội các Trump 2.0

Hội nghị G20 hướng tới thế giới công bằng và hành tinh bền vững, bước leo thang đáng báo động trong xung đột Ukraine, điều bất ngờ trong Nội các Trump 2.0, Bitcoin tiến sát ngưỡng 100.000 USD là những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.

Hội nghị G20 hướng tới thế giới công bằng và hành tinh bền vững

Hội nghị G20 diễn ra tại Rio de Janeiro (Brazil). Ảnh: ANI/TTXVN

Hội nghị G20 diễn ra tại Rio de Janeiro (Brazil). Ảnh: ANI/TTXVN

Trong hai ngày 18 và 19/11, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) lần thứ 19 đã diễn ra tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MAM) ở Rio de Janeiro (Brazil).

Ngoài các thành viên chính thức, hội nghị năm nay còn có sự tham dự của các Nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ của 19 nước khách mời và lãnh đạo 15 tổ chức quốc tế chủ chốt.

Hội nghị đặc biệt đáng chú ý vì đây là lần đầu tiên Liên minh châu Phi (AU) tham gia với tư cách là thành viên chính thức của G20. Đây cũng là sự kiện quan trọng nhất, khép lại năm Chủ tịch G20 rất bận rộn và cũng rất hiệu quả của nước chủ nhà Brazil với hơn 100 cuộc họp của 16 nhóm công tác và gần 20 Hội nghị Bộ trưởng.

Với chủ đề “Xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh bền vững”, Hội nghị thượng đỉnh G20 tập trung thảo luận ba vấn đề chính: cuộc chiến chống đói nghèo, bất bình đẳng; ba khía cạnh của phát triển bền vững (kinh tế, xã hội và môi trường) và cải cách quản trị toàn cầu. Đây đều là các vấn đề thuộc quan tâm chung của tất cả các quốc gia.

Hội nghị đã đạt những thỏa thuận quan trọng, cam kết đối phó với thách thức toàn cầu và mục tiêu phát triển bền vững. Nổi bật là cam kết tăng thuế với giới siêu giàu, xây dựng cơ chế chống “lách thuế” và huy động tất cả nguồn lực, bảo đảm tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu; hỗ trợ chuyển đổi năng lượng, hợp tác công nghệ. Tại hội nghị, lần đầu tiên Liên minh toàn cầu chống đói nghèo được thành lập.

Kết thúc hội nghị, Tổng thống Brazil Lula da Silva tuyên bố nước này đã hoàn thành năm Chủ tịch G20 lần thứ 19, đồng thời chuyển giao chức Chủ tịch luân phiên cho người đồng cấp Nam Phi, Cyril Ramaphosa. Năm 2025, Nam Phi sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch G20 lần thứ 20. Đây là lần đầu tiên một quốc gia châu Phi đảm đương nhiệm vụ này.

Bước leo thang đáng báo động trong xung đột Ukraine

Tên lửa được phóng từ Hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) tầm xa của Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Tên lửa được phóng từ Hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) tầm xa của Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong tuần qua, động thái mới nhất của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đẩy cuộc xung đột ở Ukraine vào tình trạng leo thang đáng báo động.

Hôm 17/11, ông Biden đã cho phép Ukraine sử dụng Hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân tầm xa (ATACMS) do Mỹ cung cấp để tiến hành các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Nga, đánh dấu một thay đổi đáng kể trong chính sách của Mỹ.

Anh và Pháp đã ngay lập tức nối gót Mỹ, đồng ý cho Ukraine dùng tên lửa tầm xa Storm Shadow/SCALP để tấn công Nga.

Ngay sau khi được Mỹ “bật đèn xanh”, ngày 19/11, Ukraine đã phóng 6 tên lửa đạn đạo ATACMS tấn công vào khu vực Bryansk của Nga. Trong khi tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh và hệ thống HIMARS do Mỹ sản xuất đã được phóng vào nước này hôm 21/11.

Nga cho rằng việc Ukraine dùng tên lửa ATACMS tấn công lãnh thổ của nước đã đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc chiến chống Nga của phương Tây và khẳng định sẽ đáp trả tương xứng.

Ngay sau động thái của Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng ngày đã ký sắc lệnh phê chuẩn học thuyết hạt nhân cập nhật của Nga. Nguyên tắc cơ bản của học thuyết là sử dụng vũ khí hạt nhân là biện pháp cuối cùng để bảo vệ chủ quyền đất nước. Văn kiện nêu rõ việc xuất hiện các nguy cơ và mối đe dọa quân sự mới buộc Nga phải làm rõ điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân.

Đặc biệt, học thuyết sửa đổi mở rộng phạm vi các nước và liên minh quân sự chịu răn đe hạt nhân cũng như danh sách các mối đe dọa quân sự mà biện pháp răn đe này sẽ nhằm vào. Ngoài ra, văn kiện nêu rõ Nga sẽ xem mọi cuộc tấn công của một nước không có vũ khí hạt nhân nhưng được hỗ trợ bởi một cường quốc hạt nhân là một cuộc tấn công chung.

Trong động thái mới nhất, ngày 21/11, Tổng thống Putin tuyên bố Moskva đã tấn công một cơ sở quân sự của Ukraine bằng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung - mang tên Oreshnik. Ông Putin cho biết cuộc tấn công vào thành phố Dnipro đã thử nghiệm một trong những hệ thống tên lửa tầm trung mới nhất của Nga trong điều kiện chiến đấu.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm mới vào Ukraine chính là thông điệp gửi tới phương Tây trước những hành động gây hấn vừa qua.

“Thông điệp chính là các quyết định, hành động liều lĩnh của các nước phương Tây khi sản xuất tên lửa, cung cấp cho Ukraine và sau đó tham gia vào các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga, sẽ không thể không có phản ứng từ phía Nga”, ông Peskov nói.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cảnh báo về “sự leo thang rõ ràng” sau vụ tấn công tên lửa của Nga. Ông cho biết loại tên lửa mà Nga sử dụng là đạn đạo xuyên lục địa có tầm bắn từ 1.000-5.500 km, thấp hơn một chút so với tên lửa đạn đạo tầm trung.

Theo Tổng cục Tình báo Ukraine, tên lửa này được phóng từ Bãi thử tên lửa thứ 4, Kapustin Yar, ở vùng Astrakhan của Nga và bay 15 phút trước khi tấn công Dnipro. Tên lửa có 6 đầu đạn, mỗi đầu đạn mang 6 đầu đạn con. Tốc độ tối đa mà tên lửa đạt được là Mach 11.

Giới chuyên gia nhận định cuộc tấn công vào thành phố Dnipro không chỉ thu hút sự chú ý từ phía Ukraine mà còn dấy lên phản ứng mạnh mẽ từ các đồng minh phương Tây. Với việc phóng tên lửa Oreshnik, Nga có vẻ muốn gửi đi thông điệp rõ ràng về khả năng quân sự, đồng thời nhấn mạnh lập trường cứng rắn trước những áp lực gia tăng từ Kiev và các đồngminh.

Điều bất ngờ trong Nội các Trump 2.0

Ông Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử ở Van Andel Arena. Ảnh: AP/TTXVN

Ông Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử ở Van Andel Arena. Ảnh: AP/TTXVN

Trong tuần qua, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã gây bất ngờ với những lựa chọn nội các đáng chú ý.

Theo đó, nhiều nhân vật quen thuộc trên truyền hình, đặc biệt là kênh Fox News, đã được đề cử đảm nhận chức vụ quan trọng trong chính quyền mới của ông Trump. Cụ thể, người dẫn chương trình Pete Hegseth được đề cử chức Bộ trưởng Quốc phòng, cộng tác viên của Fox News là ông Sean Duffy đề cử ở vị trí Bộ trưởng Giao thông, hai nhà bình luận của Fox News – gồm bà Tulsi Gabbard và ông Tom Homan – cũng lần lượt được đề cử cho vị trí Giám đốc Tình báo Quốc gia là người đứng đầu Bộ An ninh nội địa Mỹ. Nội các mới của Tổng thống đắc cử Trump vẫn đang trong quá trình định hình và các vai trò chủ chốt vẫn chưa được chọn.

Ông John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia ở nhiệm kỳ đầu của Tổng thống đắc cử Trump đồng thời cũng là cộng tác viên của Fox News trong một thập niên, nhận định: “Những nhân vật mà Tổng thống đắc cử Trump lựa chọn đều có kinh nghiệm truyền thông. Đối với ông Trump, độ phủ sóng truyền thông là rất quan trọng trong nhiệm kỳ mới”.

Ngày 20/11, ông Trump cũng đã chọn luật sư Matthew Whitaker làm Đại sứ Mỹ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Động thái cho thấy rõ tiêu chí của ông là sẵn sàng lựa chọn một người trung thành trong nhiệm kỳ thứ hai của ông dù ít kinh nghiệm về chính sách đối ngoại.

“Ông Matt là một chiến binh mạnh mẽ và là một người yêu nước trung thành, người sẽ đảm bảo rằng lợi ích của Mỹ được thúc đẩy và bảo vệ. Ông Matt sẽ củng cố mối quan hệ với các đồng minh NATO của chúng ta và kiên định trước các mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định”, ông Trump tuyên bố.

Theo chuyên gia, vai trò của Đại sứ Mỹ tại NATO là rất quan trọng, không chỉ là đại diện cho của đất nước mà còn trong việc duy trì mối quan hệ chặt chẽ của Mỹ và các đồng minh.

Như vậy, chỉ trong vòng hai tuần sau cuộc bầu cử, ông Trump đã công bố các lựa chọn quan trọng cho nội các mới. Theo tờ The Wall Street Journal, nội các và đội ngũ nhân viên Nhà Trắng do Tổng thống đắc cử lựa chọn gần đây đều là những người trung thành và có nhiều kinh nghiệm trong Quốc hội. Họ cũng là những người ủng hộ chương trình nghị sự của ông về nhập cư và chính sách đối ngoại của ông.

Bitcoin tiến sát ngưỡng 100.000 USD

Đồng tiền điện tử bitcoin tại Caracas, Venezuela. Ảnh: AFP/TTXVN

Đồng tiền điện tử bitcoin tại Caracas, Venezuela. Ảnh: AFP/TTXVN

Đà tăng của Bitcoin vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi đồng tiền điện tử này vượt qua mốc 98.000 USD trong ngày 21/11. Đây là kết quả của một chuỗi tăng trưởng liên tục kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, với mức tăng hơn 40% chỉ trong hai tuần.

Nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng đột biến của đồng tiền mã hóa có giá trị lớn nhất thế giời này xuất phát từ sự thay đổi sắp tới trong chính trường Mỹ, với việc Tổng thống đắc cử Trump thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với tiền điện tử, đã tạo ra một làn sóng lạc quan mới trên thị trường.

Ông đã cam kết biến Mỹ thành trung tâm tiền điện tử của thế giới và tạo ra dự trữ chiến lược bằng đồng Bitcoin. Cùng với đó, sự ra đời của các quỹ ETF Bitcoin giao ngay đã mở ra kênh đầu tư mới hấp dẫn cho các nhà đầu tư truyền thống, đẩy nhu cầu đối với Bitcoin lên cao. Trong bối cảnh lạm phát gia tăng, nhiều nhà đầu tư tìm đến Bitcoin như một tài sản phòng ngừa lạm phát.

Giới chuyên gia cảnh báo mặc dù triển vọng hiện tại rất sáng sủa, nhưng nhà đầu tư cần lưu ý rằng thị trường tiền điện tử vẫn còn rất biến động. Giá Bitcoin có thể giảm mạnh trong thời gian ngắn, đặc biệt là khi có những biến động bất ngờ trên thị trường.

Hải Vân/Báo Tin tức (Tổng hợp )

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nong-trong-tuan-buoc-leo-thang-bao-dong-trong-xung-dot-ukraine-dieu-bat-ngo-trong-noi-cac-trump-20-20241123212307321.htm