Nóng trong tuần: Bước tiến tích cực trong đàm phán về Ukraine; leo thang chiến sự ở Gaza

Thế giới trải qua một tuần nhiều biến động với các sự kiện: Mỹ leo thang cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc, bước tiến tích cực trong đàm phán ba bên tìm giải pháp hòa bình cho Ukraine, chiến sự Gaza leo thang.

Mỹ leo thang cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Washington, DC. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Washington, DC. Ảnh: THX/TTXVN

Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục leo thang khi Nhà Trắng tuyên bố Trung Quốc có thể phải đối mặt với mức thuế quan lên tới 245% đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Động thái này là một bước đi mới trong chuỗi các biện pháp trả đũa qua lại giữa Washington và Bắc Kinh.

Thông báo về mức thuế cao kỷ lục này được Nhà Trắng công bố vào ngày 15/4, kèm theo một sắc lệnh hành pháp do Tổng thống Donald Trump ký, mở cuộc điều tra về "rủi ro an ninh quốc gia do sự phụ thuộc của Mỹ vào khoáng sản quan trọng đã qua chế biến nhập khẩu và các sản phẩm phái sinh".

Diễn biến căng thẳng thương mại bắt đầu khi Tổng thống Trump quyết định tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc từ 84% lên 125%. Với khoản thuế 20% đã áp đặt trước đó, tổng thuế suất đối với hàng hóa Trung Quốc đã lên tới 145%, trong khi Trung Quốc đáp trả bằng mức 125%. Đồng thời, chính quyền Trump cũng quyết định tạm dừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày và đưa về mức đồng đều 10% đối với các quốc gia khác.

Phản ứng trước động thái mới trên của Mỹ, Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố: "Xét thấy hiện tại là không còn khả năng thị trường có thể chấp nhận hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc với mức thuế quan hiện nay, nếu phía Mỹ tiếp tục áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ thì phía Trung Quốc không quan tâm đến điều đó nữa".

Bộ Thương mại Trung Quốc cũng nhận định: "Việc Washington liên tục sử dụng các mức thuế cao quá mức đã trở thành một trò chơi con số, không còn ý nghĩa kinh tế".

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 16/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm khẳng định: "Cuộc chiến thuế quan và thương mại không có người thắng. Trung Quốc không mong muốn chiến tranh thương mại, nhưng cũng không sợ". Ông Lâm Kiếm cũng nhấn mạnh rằng nếu Mỹ thực sự muốn giải quyết vấn đề, họ cần từ bỏ cách tiếp cận gây áp lực cực đoan và tham gia đối thoại với Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi.

Ngày 17/4, trong một diễn biến tích cực, Tổng thống Trump xác nhận chính quyền của ông đang thực hiện các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc. Ông cho biết Bắc Kinh đã chủ động liên hệ nhiều lần kể từ khi Washington nâng thuế, đồng thời bày tỏ kỳ vọng hai bên có thể đạt được thỏa thuận tích cực.

Ông Trump cũng ra tín hiệu rằng vòng thuế quan hiện tại có thể đã đạt ngưỡng, lưu ý việc tiếp tục tăng thuế có thể gây tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu dùng: "Đến một thời điểm nào đó, mọi người sẽ không mua hàng nữa".

Song song với vấn đề thuế quan, chính quyền Trump cũng công bố loạt mức phí cảng mới đối với các tàu do Trung Quốc đóng và vận hành, nhằm giảm phụ thuộc vào công nghiệp đóng tàu của Trung Quốc và thúc đẩy sản xuất nội địa. Theo Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer, các khoản phí này dự kiến sẽ được áp dụng từ giữa tháng 10 tới.

Bước tiến tích cực trong đàm phán tìm giải pháp hòa bình cho Ukraine

Cố vấn Ngoại giao Pháp Emmanuel Bonne, người đứng đầu văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak, Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, cố vấn an ninh quốc gia Anh Jonathan Powell và cố vấn an ninh quốc gia Đức Jens Plotner tại bàn đàm phán ở Paris (Pháp) ngày 17/4/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Cố vấn Ngoại giao Pháp Emmanuel Bonne, người đứng đầu văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak, Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, cố vấn an ninh quốc gia Anh Jonathan Powell và cố vấn an ninh quốc gia Đức Jens Plotner tại bàn đàm phán ở Paris (Pháp) ngày 17/4/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức vào cuối tháng 1/2025, các đại diện cấp cao của Mỹ, Ukraine và Liên minh châu Âu (EU) đã ngồi cùng bàn đàm phán về tình hình Ukraine tại Paris. Diễn biến này đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột đã kéo dài hơn 3 năm qua.

"Đây là lần đầu tiên các quan chức đại diện của 3 bên ngồi cùng một bàn đàm phán", Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn với kênh tin tức News Channel LCI ngày 17/4. Ông khẳng định cuộc đàm phán này cần thiết vì hướng đến thúc đẩy một mục tiêu chung: hòa bình ở Ukraine.

Sau cuộc gặp tại Paris, Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết các cuộc đàm phán đã khởi động một quá trình tích cực khi EU tìm cách tham gia vào các nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột. Đồng thời, Văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng xác nhận các cuộc đàm phán mang tính xây dựng và tích cực.

Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Marco Rubio bày tỏ lạc quan khi cho biết khuôn khổ hòa bình do Mỹ đề xuất đã nhận được đón nhận đầy khích lệ. Cùng ngày 17/4, Ngoại trưởng Mỹ Rubio cũng đã có một cuộc điện đàm quan trọng với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce, trong cuộc điện đàm này, ông Rubio đã một lần nữa truyền đạt mong muốn của Tổng thống Trump về việc chấm dứt cuộc xung đột hiện nay tại Ukraine. "Sự đón nhận đầy khích lệ tại Paris đối với khuôn khổ của Mỹ cho thấy hòa bình là điều có thể nếu tất cả các bên cam kết đạt được thỏa thuận", bà Bruce nhấn mạnh.

Phản hồi từ phía Nga, Bộ Ngoại giao nước này cho biết Ngoại trưởng Lavrov đã tái khẳng định sự sẵn sàng của Moskva trong tiếp tục các nỗ lực hợp tác với các đối tác Mỹ để giải quyết toàn diện các nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng Ukraine. Hai nhà ngoại giao hàng đầu cũng đã nhất trí về việc cần duy trì các kênh liên lạc nhanh chóng, đặc biệt trước thềm cuộc đàm phán ba bên tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra tại London vào tuần tới.

Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov ngày 17/4 cũng đánh giá cao tiến trình đối thoại hiện nay, cho rằng những liên hệ giữa Moskva và Washington là "động lực chính" trong nỗ lực giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine. Ông cũng xác nhận nội dung cuộc gặp gần đây giữa Tổng thống Vladimir Putin và Đặc phái viên của Tổng thống Trump, ông Steve Witkoff tại St. Petersburg ngày 11/4 đã được chuyển tới Tổng thống Mỹ.

Đánh giá về tiến trình đối thoại giữa Nga và Mỹ, ông Kirill Dmitriev - Đặc phái viên của Tổng thống Nga và là Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga - cho rằng tiến trình này cho đến nay "đang diễn ra mang tính xây dựng, dù còn nhiều vấn đề phức tạp cần giải quyết".

Cuộc họp ba bên tại Paris được tổ chức trong bối cảnh nhiều nước châu Âu mong muốn thúc đẩy các cuộc đàm phán đang bị đình trệ về lệnh ngừng bắn ở Ukraine. Theo kế hoạch, vòng đàm phán thứ hai sẽ diễn ra tại London (Anh) vào tuần tới, hứa hẹn mang lại những bước tiến mới trong tiến trình tìm kiếm hòa bình cho Ukraine.

Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel tại Gaza ngày 15/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel tại Gaza ngày 15/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Chiến sự Gaza leo thang: Israel tăng cường tấn công Hamas, hy vọng hòa bình mong manh

Xung đột tại Dải Gaza tiếp tục diễn biến phức tạp khi Israel đẩy mạnh các chiến dịch quân sự, trong khi Hamas bày tỏ sẵn sàng đàm phán về việc thả toàn bộ con tin trong khuôn khổ một thỏa thuận toàn diện nhằm chấm dứt cuộc chiến đã kéo dài hơn 18 tháng.

Theo thông báo ngày 14/4, không quân Israel đã tấn công hơn 35 mục tiêu trên khắp Dải Gaza, bao gồm một cơ sở sản xuất vũ khí ở miền Trung Gaza và các vị trí phóng tên lửa. Tại phía Bắc Gaza, Sư đoàn 252 của Quân đội Israel (IDF) đã tiến hành không kích một nhóm thành viên Hamas đang chuẩn bị phục kích binh sĩ Israel.

Đặc biệt, tại khu vực Rafah, IDF cho biết đã phát hiện và phá hủy một đường hầm dài hàng trăm mét, sâu khoảng 20 mét thuộc trại Shaboura, được Hamas sử dụng làm điểm tập kết. Tại Hành lang Morag, nằm giữa Rafah và Khan Younis, Sư đoàn 36 (IDF) cũng tìm thấy một kho vũ khí và nhiều đường hầm khác của Hamas.

Trong thông báo ngày 16/4, quân đội Israel xác nhận đã chuyển đổi khoảng 30% lãnh thổ Gaza thành "Vùng đệm an ninh" và tấn công khoảng 1.200 mục tiêu kể từ khi nối lại chiến dịch quân sự vào ngày 18/3. Cũng theo IDF, hơn 100 vụ tiêu diệt có mục tiêu đã được thực hiện trong khoảng thời gian này.

Những cuộc tấn công mới của Israel đã gây thương vong lớn cho dân thường Palestine. Cơ quan Phòng vệ Dân sự Gaza báo cáo ít nhất 19 người Palestine thiệt mạng trong các cuộc tấn công ngày 16/4, trong đó có 10 người - bao gồm phụ nữ và trẻ em - tử vong sau cuộc không kích nhằm vào một ngôi nhà ở khu phố al-Tuffah, phía Đông Bắc thành phố Gaza. Các cuộc không kích khác cũng được ghi nhận tại Jabalia (phía Bắc), Khan Younis (phía Nam) và Al-Nuseirat (miền Trung).

Theo số liệu của cơ quan y tế Gaza, trong vòng 24 giờ tính đến ngày 16/4, có ít nhất 25 người thiệt mạng và 89 người bị thương trên khắp Gaza. Kể từ khi Israel nối lại tấn công vào Gaza ngày 18/3 đến nay, số người thiệt mạng đã tăng thêm 1.652 người. Tổng số nạn nhân thiệt mạng tại Gaza kể từ khi xung đột bùng phát ngày 7/10/2023 đến ngày 16/4/2025 đã lên đến 51.025 người.

Trong bối cảnh đó, Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo Gaza đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất trong 18 tháng qua. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) cho biết không có nguồn cung cấp nào đến Gaza trong hơn một tháng rưỡi, kể từ khi Israel chấm dứt lệnh ngừng bắn và bắt đầu chặn vận chuyển hàng viện trợ vào khu vực này.

Về mặt ngoại giao, ngày 16/4, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã chỉ thị cho các nhà đàm phán nước này "tiếp tục các bước" để thả con tin vẫn bị giam giữ ở Gaza. Chỉ thị được đưa ra sau cuộc họp đánh giá về 59 con tin còn lại với nhóm đàm phán và những người đứng đầu cơ quan an ninh Israel.

Đáp lại, người đứng đầu phái đoàn đàm phán của Hamas, ông Khalil Al-Hayya ngày 17/4 khẳng định nhóm này sẵn sàng đàm phán ngay lập tức về việc trao đổi tất cả các con tin còn lại như một phần của thỏa thuận toàn diện nhằm chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, ông Al-Hayya cũng nhấn mạnh Hamas từ chối bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn tạm thời nào, cho rằng "Chính phủ Israel sử dụng các thỏa thuận từng phần như một vỏ bọc cho chương trình nghị sự chính trị của họ".

Hiện các bên vẫn còn bất đồng sâu sắc về nhiều vấn đề then chốt như số lượng con tin được thả, thời gian ngừng bắn và tương lai của Gaza sau chiến tranh, khiến triển vọng ngừng bắn ở Gaza vẫn còn mong manh.

Chủ nghĩa bảo hộ đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Cảng hàng hóa Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Cảng hàng hóa Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Các tổ chức tài chính và thương mại quốc tế đang đồng loạt cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng của làn sóng bảo hộ thương mại mới, đặc biệt từ các chính sách thuế quan của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Theo thông tin từ New York Times ngày 17/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến công bố dự báo kinh tế toàn cầu với mức tăng trưởng thấp hơn và lạm phát cao hơn so với những dự báo trước đó. Các dự báo này, dự kiến được công bố vào đầu tuần tới, sẽ phản ánh rõ nét tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại do Mỹ khởi xướng.

Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva khẳng định: "Các dự báo tăng trưởng mới của chúng tôi sẽ bao gồm những điều chỉnh giảm đáng kể, nhưng chưa đến mức suy thoái. Chúng tôi cũng điều chỉnh tăng trong dự báo lạm phát đối với một số quốc gia".

Bà Georgieva còn đưa ra lời cảnh báo về "cái giá" của chủ nghĩa bảo hộ: "Thương mại cũng giống như nước. Khi các quốc gia dựng lên những trở ngại dưới dạng hàng rào thuế quan và phi thuế quan, dòng chảy sẽ chuyển hướng". Theo bà, sự gián đoạn này sẽ làm phát sinh nhiều chi phí, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho các nền kinh tế nhỏ và thị trường mới nổi.

Cùng thời điểm, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng đưa ra dự báo bi quan. Theo WTO, thương mại hàng hóa toàn cầu có thể giảm 0,2% trong năm nay và có nguy cơ sụt giảm sâu tới 1,5% nếu tình hình xấu đi. Đây là sự thay đổi đáng kể so với dự báo tăng trưởng tích cực mà tổ chức này đưa ra hồi đầu năm.

Bắc Mỹ được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với mức giảm xuất khẩu 12,6% và nhập khẩu giảm 9,6%. Khu vực này sẽ kéo tốc độ tăng trưởng thương mại hàng hóa thế giới giảm 1,7 điểm phần trăm, đưa con số tổng thể xuống mức âm. Ngược lại, châu Á được dự đoán sẽ có mức tăng trưởng nhẹ, với xuất nhập khẩu đều tăng 1,6%, trong khi châu Âu có xuất khẩu tăng 1% và nhập khẩu tăng 1,9%.

Một điểm đáng lo ngại là thương mại song phương Mỹ-Trung có thể sụt giảm tới 81% - gần như tương đương với việc tách rời hai nền kinh tế. Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cảnh báo rằng mặc dù thương mại Mỹ-Trung chỉ chiếm khoảng 3% thương mại hàng hóa thế giới, nhưng việc tách rời hai nền kinh tế này "có thể gây ra những hậu quả sâu rộng" và "góp phần gây ra sự phân mảnh rộng hơn của nền kinh tế toàn cầu".

Các nhà lãnh đạo tài chính khác cũng bày tỏ lo ngại. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết nhiệm vụ kép của Fed - tối đa hóa việc làm và ổn định giá cả - giờ đây đã trở nên khó khăn hơn do tác động của các chính sách thuế quan. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hạ lãi suất vào ngày 17/4, dẫn lý do "triển vọng tăng trưởng đã xấu đi do căng thẳng thương mại gia tăng".

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Ajay Banga kêu gọi các nước đang phát triển hạ thấp rào cản thương mại để tránh thuế quan cao hơn của Mỹ và duy trì các mối quan hệ thương mại khu vực, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của đàm phán và đối thoại trong giai đoạn khó khăn này.

Trong kịch bản xấu nhất, WTO ước tính GDP toàn cầu có thể giảm gần 7% về lâu dài nếu xu hướng bảo hộ và phân mảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục gia tăng.

Công Thuận/Báo Tin tức (Tổng hợp)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nong-trong-tuanbuoc-tien-tich-cuc-trong-dam-phan-ve-ukraine-leo-thang-chien-su-o-gaza-20250419091527404.htm