Nóng trong tuần: Tăng hợp tác quốc tế; góp ý các dự thảo quan trọng về GD
Hoạt động hợp tác quốc tế, góp ý một số dự thảo văn bản quan trọng là hai trong số các thông tin giáo dục đáng chú ý tuần qua.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục
Tuần qua, trong chuyến công tác tại Hoa Kỳ và Cuba, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đại học Cuba Walter Baluja Garcia và ông Amit Sevak, Chủ tịch Viện Khảo thí Hoa Kỳ (ETS).
Cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đại học Cuba diễn ra ngày 27/9. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam đến Cuba.
Trao đổi tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: Quan hệ Việt Nam và Cuba là quan hệ đặc biệt, vì vậy, hợp tác giáo dục giữa hai nước cần phải tốt hơn nhiều so với hiện tại. Mong muốn hợp tác giữa hai nước bền vững thì hợp tác trong giáo dục phải chặt chẽ và lâu dài.
Giáo dục đại học của Cuba có nhiều lĩnh vực rất tốt như y, dược, kiến trúc… Tuy nhiên, con số 35 sinh viên Việt Nam hiện đang học tập tại Cuba là rất khiêm tốn so với khoảng 200.000 sinh viên Việt Nam đang du học ở nước ngoài. Ở chiều ngược lại, hiện chỉ có 2 sinh viên của Cuba đang học tập tại Việt Nam trong tổng số 15 suất học bổng mà Việt Nam cấp cho Cuba hàng năm.
Bộ trưởng cho rằng, hai bên cần xem xét kiến nghị Chính phủ để có chính sách thu hút sinh viên đến học ở cả 2 nước. Năm 2019, hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác giáo dục và đào tạo cấp Bộ, nếu nâng thành cấp Chính phủ sẽ tốt hơn.
Tại buổi làm việc, hai Bộ trưởng nhất trí giao cho đầu mối của hai Bộ trao đổi, xây dựng dự thảo Nghị định hợp tác giáo dục trình Chính phủ để nâng số lượng và giá trị học bổng, khuyến khích công dân hai nước sang học tập.
Trong giai đoạn dịch Covid-19, Tổng công ty Mobifone của Việt Nam đã tặng Cuba nền tảng học trực tuyến; nền tảng này đã giúp duy trì việc kết nối học sinh, sinh viên với giáo viên, giảng viên và giúp chuyển đổi số trong giáo dục của Cuba.
Trong khuôn khổ chương trình tham dự Hội nghị Thượng đỉnh tương lai, Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 79 và làm việc tại Hoa Kỳ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, ngày 24/9, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã làm việc với ông Amit Sevak, Chủ tịch Viện Khảo thí Hoa Kỳ (ETS).
Tại buổi làm việc, hai bên đã cùng rà soát những việc đã làm nhằm thực hiện nội dung của Bản ghi nhớ giữa Bộ GD&ĐT Việt Nam với Viện Khảo thí Hoa Kỳ được ký kết vào tháng 9/2022. Hai bên đánh giá cao trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện các nội dung của Bản ghi nhớ.
Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin tới ông Amit Sevak về một chủ trương mới của Việt Nam là tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Bộ trưởng đề nghị ETS hỗ trợ để Bộ GD&ĐT thực hiện được nhiệm vụ đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Hai bên có thể xem xét bổ sung thêm nhiệm vụ này vào Bản ghi nhớ hợp tác đã ký năm 2022.
Liên quan đến hợp tác quốc tế trong giáo dục, ngày 27/9, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc có buổi làm việc với Đại sứ Australia tại Việt Nam và Bộ Giáo dục Australia về việc thúc đẩy các cơ sở giáo dục đại học Australia thành lập phân hiệu tại Việt Nam.
Sáng cùng ngày, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đã có buổi tiếp ông Edgar Doerig - Giám đốc Văn phòng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF).
Trước đó, ngày 24/9, tại Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đã tiếp đoàn công tác do ông Clemens Schulke, Phó Thị trưởng thành phố Leipzig, trực thuộc bang Sachsen, Cộng hòa Liên bang Đức - phụ trách kinh tế, lao động và kỹ thuật số dẫn đầu sang thăm và làm việc tại Việt Nam.
Góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về giáo dục
Tuần qua, 3 hội thảo góp ý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quan trọng liên quan đến giáo dục, đào tạo đã được tổ chức.
Ngày 28/9, tại Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 và định hướng tới 2045". Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì hội thảo.
Phát biểu mở đầu hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, điểm nghẽn lớn nhất của Việt Nam hiện nay là sự thiếu hụt đội ngũ nhân lực khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán (STEM) có trình độ, kỹ năng đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn công nghệ lớn.
Sự thiếu hụt nguồn nhân lực này sẽ là nguy cơ lớn có thể làm Việt Nam tuột mất cơ hội thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia. Vì thế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là yêu cầu cấp thiết để phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, đây là chủ trương lớn đã được xác định trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, là nhiệm vụ trọng tâm đã được đề ra trong nhiều chiến lược, quy hoạch, chương trình và đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Để thực hiện được chủ trương, nhiệm vụ rất lớn này cần có sự quyết tâm, thống nhất cao và sự hợp tác hiệu quả giữa các bộ ngành, chính quyền địa phương, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp, cùng với các cơ chế, chính sách đột phá và các nguồn lực đầu tư mạnh mẽ, xứng tầm nhiệm vụ. Việc xây dựng Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao” là yêu cầu cấp thiết.
Trao đổi tại hội thảo, các đại biểu thống nhất đề án được xây dựng kỹ lưỡng, công phu với ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong sự phát triển công nghệ cao của đất nước, đồng thời, đưa ra những góp ý, đề xuất để hoàn thiện đề án hiệu quả.
Ngày 27/9, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Qua thời gian khảo sát, nghiên cứu, Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục. Tuy nhiên, đây là nội dung khó, phức tạp, do đó, Bộ GD&ĐT mong muốn lắng nghe ý kiến của đại diện các Sở GD&ĐT, nhà trường, các chuyên gia và đơn vị liên quan. Đặc biệt là những vướng mắc, khó khăn từ thực tế triển khai để Ban Soạn thảo, Tổ biên tập có những điều chỉnh phù hợp, hoàn thiện dự thảo Nghị định trước khi trình Chính phủ.
Tại hội thảo, các ý kiến trao đổi tập trung nêu ý kiến, đề xuất về định hướng, tỉ lệ phân luồng, hướng nghiệp; đội ngũ làm công tác hướng nghiệp; công tác phối hợp thực hiện; các chính sách hỗ trợ; công tác kiểm tra, giám sát...
Nhận định phân luồng, hướng nghiệp là nhiệm vụ quan trọng. Thứ trưởng nhấn mạnh: “Nếu chúng ta hướng nghiệp tốt thì phân luồng rất thuận lợi. Nếu chúng ta định hướng đúng ngay từ đầu thì không tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức của học sinh, phụ huynh và xã hội”. Những khó khăn, bất cập thời gian qua trong công tác phân luồng, hướng nghiệp có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan nên chưa đạt được những mục tiêu đề ra, nhận thức xã hội chưa sâu sắc.
Ngày 26/9, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Nghị định Chính phủ quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, chương trình giáo dục, việc cấp văn bằng, chứng chỉ thực hiện liên kết giáo dục, giảng dạy chương trình tích hợp.
Hội thảo ghi nhận ý kiến từ các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, các cơ sở giáo dục tại Hà Nội, các chuyên gia, nhà khoa học nêu ý kiến, đề xuất liên quan đến các quy định về chương trình giáo dục, kiểm định chất lượng giáo dục, quy định về cơ sở vật chất, quy định về đội ngũ giáo viên, quy định về việc cấp văn bằng, chứng chỉ thực hiện liên kết giáo dục giảng dạy chương trình tích hợp, quy định về tài chính, kinh phí, đầu tư…
Nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ, đào tạo luật và công tác tuyển sinh
Chiều 29/9, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức Tọa đàm về giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ, đào tạo luật và công tác tuyển sinh.
Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện Bộ, ngành và các cơ sở giáo dục đại học đã trao đổi đánh giá thực trạng, nêu các giải pháp cho 3 vấn đề của giáo dục nhận được sự quan tâm, bao gồm: giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ; giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo luật; giải pháp về tuyển sinh đại học, cao đẳng và tuyển sinh đầu cấp vào lớp 10 THPT.
Các ý kiến từ nhiều góc nhìn, góc độ khác nhau cho thấy, đã có những chuyển biến tích cực thời gian qua trong đào tạo tiến sĩ, khi số lượng, chất lượng nghiên cứu sinh tăng, chất lượng công bố quốc tế tăng, thông qua đào tạo nghiên cứu sinh xếp hạng đại học của Việt Nam cũng tăng đáng kể.
Tuy nhiên, từ phân tích các hạn chế, bất cập, các ý kiến cũng cho rằng, cần có giải pháp để “siết” chất lượng đào tạo tiến sĩ, đào tạo luật, đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trao đổi tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, các đề xuất được nêu tại tọa đàm trúng với những vấn đề cần tháo gỡ và hỗ trợ cho Bộ GD&ĐT trong việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quản lý. Những băn khoăn, mong muốn, góp ý của các đại biểu, chuyên gia là nhằm hướng tới chất lượng.
Trao đổi cụ thể về vấn đề đào tạo tiến sĩ và đào tạo luật từ góc độ những đóng góp cho sự phát triển của hệ thống đại học, của đất nước trong giai đoạn vừa qua và nguyên nhân của một số tồn tại, hạn chế, Bộ trưởng mong rằng, các đại biểu, chuyên gia sẽ có đánh giá toàn diện, công bằng hơn về 2 vấn đề này.
Theo Bộ trưởng, đội ngũ những người làm khoa học chưa bao giờ tiếp cận thế giới được như bây giờ. Đội ngũ tiến sĩ đã có đóng góp cho phát triển đất nước. Đội ngũ tiến sĩ tại các trường đại học có nhiều đóng góp cho chất lượng giáo dục, nếu không có đội ngũ ấy sẽ không chất lượng giáo dục đại học như hiện nay.
Cũng theo Bộ trưởng, giới hạn của trường đại học không vượt qua được giới hạn của trình độ nghiên cứu khoa học và nền kinh tế. Do đó, câu chuyện nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ là một quá trình, nâng dần cùng nâng cao nền khoa học công nghệ và tăng trưởng kinh tế.
“Nói như vậy không có nghĩa được phép thỏa mãn với những việc đã làm. Còn nhiều việc cần phải làm”, Bộ trưởng nói, đồng thời cho rằng, cần gia tăng chuyên nghiệp, gia tăng đầu tư cho đào tạo tiến sĩ trong thời gian sắp tới. Trong đó khâu đầu tư “dứt khoát phải làm” là đầu tư, chăm sóc cho đội ngũ “người thầy”, ngay cả thể chế cũng phải giải phóng cho vấn đề này.
Kết luận tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đã trao đổi cụ thể một số giải pháp để tiếp tục bàn trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ, chất lượng đào tạo luật và tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Trẻ em trong vai nghị sĩ chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT
Sáng 29/9, tại Hội trường Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội đã diễn ra Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ 2 năm 2024 với sự tham gia của 306 đại biểu trẻ em là những đội viên, thiếu niên tiêu biểu trong cả nước.
Tại “phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội trẻ em dành cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trẻ em”, mối quan tâm của các em là về tình trạng bạo lực học đường ngày càng có xu hướng gia tăng, nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này.
Chia sẻ sự cảm động về cách bày tỏ của các đại biểu trẻ em tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trẻ em trong Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định những vấn đề được chất vấn trong Phiên họp giả định không phải giả định mà là ý kiến thật, vấn đề thật. Bộ trưởng đánh giá cao sự bày tỏ thái độ, sự hiểu biết của các em từ góc độ những người trong cuộc và những người quan tâm thông tin về vấn đề bạo lực học đường. Trong đó, thống nhất khẳng định dứt khoát, trường học hạnh phúc không có chỗ cho bạo lực học đường, không có chỗ cho tệ nạn và nguy cơ với học sinh.