Nóng trong tuần: Thế giới đối mặt với nắng nóng thiêu đốt; NATO sắp có tổng thư ký mới

Trong tuần qua, thế giới đã ghi nhận nhiều sự kiện đáng chú ý như nắng nóng như thiêu đốt xảy ra tại nhiều nước; nguy cơ chiến tranh toàn diện Israel-Hezbollah; NATO sắp có tổng thư ký mới; Biển Đỏ 'dậy sóng' sau khi Houthi đánh chìm tàu thương mại...

Nắng nóng gay gắt ở nhiều nơi trên thế giới

Công nhân xây dựng làm việc dưới trời nắng gay gắt tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc ngày 17/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Công nhân xây dựng làm việc dưới trời nắng gay gắt tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc ngày 17/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Những đợt nắng nóng nguy hiểm đang bao trùm nhiều khu vực trên thế giới. Tình hình này làm dấy lên quan ngại về khả năng mùa Hè năm nay sẽ ghi nhận những kỷ lục nhiệt độ mới, “xô đổ” nền nhiệt mùa Hè 2023.

Tại Mỹ, trong ngày 21/6 vừa qua, một đợt nắng nóng triền miên tiếp tục thiêu đốt hầu hết nước Mỹ, với nhiều khu vực dự kiến ghi nhận các mốc nhiệt kỷ lục. Hơn 77 triệu người, từ tiểu bang Iowa đến Maine, đã được đặt trong tình trạng cảnh báo sau khi Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS) gọi đây là một đợt nắng nóng “nguy hiểm và kéo dài”.

Đợt nắng nóng đầu tiên của mùa hè đã tấn công vùng Trung Tây Mỹ kể từ đầu tuần trước và di chuyển nhanh chóng về phía Tây Bắc, nơi nhiệt độ đạt đỉnh từ ngày 19 đến 21/6, vượt quá 100°F (gần 38 độ C) ở một số địa điểm. NWS cảnh báo tình hình sẽ không có nhiều cải thiện ở hầu hết các khu vực trong những ngày cuối tuần.

Trong khi đó, tại châu Á, Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia điển hình chịu những tác động từ nắng nóng cực đoan.

Ấn Độ hôm 19/6 ghi nhận đêm nóng nhất trong 55 năm, khi Đài quan sát Safdarjung của nước này báo cáo nhiệt độ khoảng 35,2 độ C vào lúc 1h sáng cùng ngày. Theo các nhà phân tích, hiệu ứng đảo nhiệt đô thị đã khiến cho nhiệt độ vốn dĩ cực cao ban ngày không thể hạ nhanh. Người dân cho biết nước máy để qua đêm đến sáng hôm sau vẫn còn nóng. Nhiệt độ thấp nhất ban đêm tại Ấn Độ cũng đã hơn 8 độ C so với mức nhiệt thường lệ trong các năm trước.

Tại Trung Quốc, hoạt động sản xuất nông nghiệp của nước này đang bị đe dọa nghiêm trọng khi đợt nắng nóng kỷ lục và hạn hán đang ảnh hưởng đến các khu vực nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo về hạn hán ở các khu vực miền Bắc và miền Trung của nước này, bao gồm các tỉnh Hà Bắc, Sơn Tây, Thiểm Tây, Hà Nam, Sơn Đông và An Huy. Nông dân ở tỉnh Sơn Đông đã mất 90% vụ mùa vì bị nắng nóng thiêu đốt. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc cho biết tại một số vùng trồng lúa mì ở Hà Bắc, Hà Nam và Sơn Đông, nhiệt độ có thể lên tới 44 độ C, có khả năng phá vỡ kỷ lục lịch sử trong tháng 6.

Gần 2 triệu người Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới đang tham gia lễ hành hương Hajj năm nay tại thành phố Mecca (Saudi Arabia) trong thời tiết nắng nóng gay gắt. Lễ hành hương Hajj kéo dài nhiều ngày, với các hoạt động chủ yếu tổ chức ngoài trời, trong khi nhiều người hành hương tuổi cao và ốm yếu. Các số liệu từ các nước có người tham gia hành hương cho thấy hơn một nghìn người đã tử vong trong điều kiện thời tiết nắng nóng khoảng 50 độ C.

Nguy cơ nổ ra chiến tranh toàn diện Israel-Hezbollah

Lính cứu hỏa Israel dập đám cháy gây ra bởi rocket bắn từ Liban rơi xuống Cao nguyên Golan ngày 13/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Lính cứu hỏa Israel dập đám cháy gây ra bởi rocket bắn từ Liban rơi xuống Cao nguyên Golan ngày 13/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Những đám khói từ các vụ đánh chặn tên lửa ở miền Bắc Israel và hỏa hoạn từ các cuộc không kích ở miền Nam Liban là những dấu hiệu cho thấy cuộc chiến ở Gaza có thể mở rộng thành một cuộc xung đột rộng hơn. Các nhà phân tích cho rằng kịch bản này xảy ra có thể gây rủi ro cho cả hai bên.

Những lời cảnh báo trong ngày 19/6 từ người đứng đầu lực lượng Hồi giáo Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah rằng không nơi nào ở Israel được an toàn trong trường hợp xảy ra chiến tranh, và ngay cả Síp cũng như các khu vực khác của Địa Trung Hải sẽ gặp nguy hiểm là loạt phát súng mới nhất trong căng thẳng hai phía. Một số nhà ngoại giao và nhà phân tích cho rằng những lời đe dọa của Nasrallah là một nỗ lực nhằm răn đe và đối phó với những lời lẽ ngày càng leo thang từ Israel.

Kể từ tháng 10/2023, Hezbollah đã bắn tên lửa vào Israel để thể hiện tình đoàn kết với lực lượng Hamas ở Gaza. Hơn 1,2 triệu người Palestine đã trở thành vô gia cư và rơi vào cảnh nghèo đói. Hàng chục nghìn người Liban cũng đã phải rời bỏ nhà cửa sau các cuộc tấn công của Israel ở miền Nam Liban.

Lo ngại nguy cơ rơi vào một cuộc chiến tranh có thể lan rộng khắp khu vực, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cử đặc phái viên Amos Hochstein bắt tay vào một vòng ngoại giao mới trong tuần này.

Ngày 20/6, chiến đấu cơ Israel đã tấn công các mục tiêu ở miền nam Liban và tiêu diệt một chỉ huy cấp cao của Hezbollah. Sau một thời gian tạm dừng trong kỳ nghỉ lễ Eid, Hezbollah đã bắn hàng chục tên lửa vào Israel.

Hezbollah chỉ ra rằng họ không tìm kiếm một cuộc xung đột rộng hơn, ngay cả khi họ đang dần dần sử dụng các loại vũ khí mạnh hơn.

Trong khi Israel có quân đội hùng mạnh nhất ở Trung Đông thì Hezbollah lại có hàng nghìn chiến binh, nhiều người có kinh nghiệm trong cuộc nội chiến ở Syria và kho vũ khí gồm hàng chục nghìn tên lửa có khả năng tấn công các thành phố trên khắp Israel.

Về phần mình, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo Israel sẽ "biến Beirut thành Gaza" trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Tuy nhiên, leo thang rộng hơn cũng có thể gây sức ép đối với hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm sắt nổi tiếng của Israel.

Nga - Triều Tiên ký hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ký hiệp ước về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ký hiệp ước về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Trong chuyến thăm Triều Tiên kéo dài hai ngày 18-19/6 của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Moskva và Bình Nhưỡng đã cùng nhau ký kết hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện.

Theo Cố vấn Tổng thống Nga Yury Ushakov, văn kiện mới là cần thiết vì tình hình địa chính trị trong khu vực và trên thế giới đang có những biến đổi sâu sắc.

Cố vấn Ushakov ký giải tài liệu mới sẽ thay thế hiệp ước hữu nghị và hỗ trợ lẫn nhau năm 1961, hiệp ước năm 2000 về quan hệ song phương và Tuyên bố chung của Moskva-Bình Nhưỡng trong các năm năm 2000 và 2001.

Quan chức Điện Kremlin lưu ý rằng văn kiện mới sẽ tuân thủ tất cả các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, không mang tính đối đầu hay chống lại bất kỳ quốc gia nào và sẽ nhằm mục đích đảm bảo sự ổn định cao hơn ở Đông Bắc Á.

NATO sắp có tổng thư ký mới

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte phát biểu tại cuộc họp báo ở Brasilia, Brazil ngày 9/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte phát biểu tại cuộc họp báo ở Brasilia, Brazil ngày 9/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte sẽ trở thành Tổng thư ký tiếp theo của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thay cho ông Jens Stoltenberg.

Theo báo Mỹ Politico, 32 quốc gia thành viên NATO đã nhất trí đề cử Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte làm Tổng thư ký tiếp theo của liên minh, thay thế ông Jens Stoltenberg.

Việc đề cử người đứng đầu NATO mới đòi hỏi sự đồng thuận của tất cả 32 thành viên liên minh và hầu hết đều bày tỏ sẵn sàng ủng hộ Thủ tướng Rutte. Tuy nhiên, Hungary và Slovenia vẫn phản đối. Chỉ tới đầu tuần này, tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu, cả hai nước mới tán thành việc đề cử vị thủ tướng sắp mãn nhiệm này của Hà Lan.

Là người ủng hộ trung thành của Ukraine, vị Thủ tướng 57 tuổi này hồi năm ngoái khẳng định sẽ đảm nhận chức vụ lãnh đạo NATO sau khi liên minh của ông sụp đổ. Ông nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của các đối thủ nặng ký của NATO là Mỹ, Anh, Pháp và Đức.

Việc Thủ tướng Rutte đảm nhận vai trò này diễn ra vào thời điểm khó khăn đối với các đồng minh phương Tây: Cuộc chiến của Nga ở Ukraine vẫn đang diễn ra ác liệt và Tổng thống Donald Trump - người trước đó đã lên tiếng nghi ngờ về liên minh này - đang tìm cách tái đắc cử chức tổng thống ở Mỹ vào tháng 11 tới. Nhiệm kỳ của Tổng thư ký hiện tại Jens Stoltenberg sẽ kết thúc vào ngày 1/10 tới. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra sau đó 1 tháng.

Biển Đỏ ‘dậy sóng’ khi Houthi tiếp tục đánh chìm tàu

Một con tàu bị tấn công trên Biển Đỏ. Ảnh tư liệu: IRNA/TTXVN

Một con tàu bị tấn công trên Biển Đỏ. Ảnh tư liệu: IRNA/TTXVN

Trong thời gian qua, lực lượng Houthi ơ Yemen đã quay lại tấn công các tàu hàng đi qua Biển Đỏ.

Cơ quan Thương mại Hàng hải Vương quốc Anh (UKMTO) ngày 18/6 cho biết một tàu thương mại bị Houthitấn công cách đây vài ngày đã bị chìm ở Biển Đỏ. Theo UKMTO, thủy thủy đoàn của tàu đã được sơ tán và con tàu bị trôi dạt trên mặt nước rồi chìm dần.

Trong khi đó, các quan chức của Lực lượng bảo vệ bờ biển thuộc Chính phủ Yemen cho biết tàu chở hàng Tutor của Hy Lạp đã bị tấn công 2 lần hôm 12/6 vừa qua ở khu vực cách thành phố cảng Hodeidah khoảng 120 km về phía Tây Nam.

Người phát ngôn lực lượng Houthi Yahya Sarea cho biết lực lượng Houthi tấn công tàu trên vì cho rằng chủ tàu chở hàng vi phạm lệnh cấm của lực lượng này khi đi vào các cảng của Israel.

Trước các hành động của Houthi, liên quân do Mỹ dẫn đầu đã tiến hành không kích, phá hủy 4 tàu thuyền và 2 thiết bị bay không người lái của lực lượng Houthi. Trên mạng xã hội X, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết vụ việc không gây ra thương vong hoặc thiệt hại nào đối với tàu thuyền qua lại trên Biển Đỏ.

Houthi đã nhắm mục tiêu vào các tàu thuyền ở Biển Đỏ và Vịnh Aden kể từ tháng 11/2023 trong các cuộc tấn công mà lực lượng này cho là nhằm thể hiện tình đoàn kết với người Palestine trong cuộc xung đột với Israel tại Dải Gaza.

Bảo Hà/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nong-trong-tuan-the-gioi-doi-mat-voi-nang-nong-thieu-dot-nato-sap-co-tong-thu-ky-moi-20240622172755184.htm