Nóng trong tuần: Vinh danh HS đoạt giải Olympic; công bố hoạt động GD nổi bật 2024
Vinh danh HS đoạt giải Olympic; công bố hoạt động nổi bật ngành Giáo dục 2024; Quy chế thi tốt nghiệp THPT... là thông tin GD nổi bật tuần qua.
Chuỗi vinh danh học sinh đoạt giải Olympic khu vực, quốc tế
Chuỗi hoạt động vinh danh học sinh đoạt giải trong các kỳ Olympic khu vực và quốc tế, cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế là một trong những hoạt động giáo dục đáng chú ý nhất trong tuần qua.
Trong đó có cuộc Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp mặt, tuyên dương học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2024 tại Phủ Chủ tịch sáng 28/12; gặp mặt, giao lưu với giáo viên và học sinh đạt thành tích cao tại các kỳ thi Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2024 tối 28/12 tại Vinuni; Bộ GD&ĐT gặp mặt, tuyên dương học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2024 tại Bộ GD&ĐT sáng 29/12.
Dịp này, 10 học sinh được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; 10 học sinh được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 6 học sinh được trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 4 học sinh, 27 tập thể, 34 giáo viên đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Báo cáo về thành tích của các đoàn học sinh Việt Nam tại các kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2024, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cho biết: Năm 2024, Việt Nam có 7 đoàn dự thi Olympic quốc tế và khu vực, với tổng cộng 38 học sinh tham gia.
Kết quả đạt được vượt xa so với các năm trước, với 12 Huy chương Vàng, 15 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng và 1 Bằng khen. So với năm 2023, số lượng Huy chương Vàng tăng 4, Huy chương Bạc tăng 3, khẳng định sự vươn lên mạnh mẽ về chất lượng giáo dục mũi nhọn.
Các đoàn học sinh của Việt Nam dự thi đều đạt thứ hạng cao, giữ vững vị trí tốp 10 của thế giới; nhiều học sinh Việt Nam đạt điểm số trong tốp cao nhất, nhiều đoàn đạt thành tích cao nhất trong nhiều năm qua.
Đặc biệt, năm 2024 đánh dấu cột mốc lần đầu tiên đoàn Việt Nam đạt giải Nhì tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế (ISEF) tổ chức tại Hoa Kỳ, khẳng định tiềm năng cho sự phát triển giáo dục sáng tạo trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật.
Nhấn mạnh tới nhân tố làm nên thành tích của học sinh Việt Nam, Thứ trưởng nhắc tới đầu tiên là tài năng của các em học sinh, bên cạnh đó là sự hội tụ của nhiều yếu tố.
Đó là từ sự lãnh đạo đúng đắn và tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước, với những chính sách khuyến học, khuyến tài, đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục mũi nhọn nói riêng, giáo dục đại trà nói chung.
Đó là việc Bộ GD&ĐT đã có những tham mưu hiệu quả với Chính phủ, đã có sự chỉ đạo phù hợp, thống nhất trong toàn quốc với các chính sách phát huy sức mạnh trong toàn ngành.
Các sở GD&ĐT, các trường THPT đã thực hiện tốt và sáng tạo tất cả chỉ đạo, yêu cầu của Bộ GD&ĐT, và hiệu quả thấy rõ từ các địa phương có sự ủng hộ mạnh mẽ, quyết liệt của UBND tỉnh, Hội đồng nhân dân các cấp cho lĩnh vực giáo dục.
Và đó là sự cống hiến và vai trò quyết định của đội ngũ thầy cô giáo, những người đã hy sinh thầm lặng thời gian, công sức để dẫn dắt, bồi dưỡng, giúp các em phát huy tối đa tiềm năng của mình.
Vai trò đồng hành, tạo động lực từ phụ huynh, gia đình của các em học sinh cũng là một trong những nhân tố quan trọng. Đây chính là hậu phương vững chắc cho các em học sinh trên hành trình vươn tới đỉnh cao tri thức.
Ghi nhận, biểu dương và chúc mừng thành tích xuất sắc của ngành Giáo dục, các em học sinh đạt được trong các kỳ thi Olympic, khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2024, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhắc tới nhiều quyết sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước cho phát triển đất nước, trong đó có Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số quốc gia.
Phó Chủ tịch nước gửi gắm: Kỳ vọng đặt lên vai thế hệ trẻ, đặt lên vai ngành Giáo dục. Rất mong ngành Giáo dục, các em học sinh sẽ hiện thực hóa được chủ trương của Đảng, Nhà nước, hiện thực hóa được định hướng của đất nước, hiện thực hóa được mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời…
Phó Chủ tịch nước đề nghị ngành Giáo dục tiếp tục với những kế hoạch hết sức cụ thể, thiết thực, có lộ trình, giải pháp để thực hiện chủ trương chung của Đảng, Nhà nước; tiếp tục thực hiện sự nghiệp đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo một cách sát với thực tiễn, sát hợp với nhu cầu phát triển đất nước và theo kịp xu thế thời đại.
Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ cảm ơn sâu sắc đến Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước và Văn phòng Chủ tịch nước đã quan tâm đến học sinh đoạt giải trong các Kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế, Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế nói riêng và quan tâm đến ngành Giáo dục nói chung.
Những ý kiến chỉ đạo vừa bao quát, vừa hết sức cụ thể của Phó Chủ tịch nước thể hiện sự thấu hiểu sâu sắc với ngành Giáo dục và việc đào tạo, phát triển nhân tài của đất nước. Trong đó gồm các lưu ý về chuẩn bị nguồn nhân lực cho định hướng phát triển đột phá về khoa học công nghệ theo Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị; việc phát triển nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực mũi nhọn mà đất nước có nhu cầu; thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân tài; có đánh giá, tổng kết với quá trình đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài trong thời gian qua; đổi mới việc tuyển chọn đội tuyển và cơ cấu đội tuyển…
Bộ trưởng cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các học sinh đoạt giải, các thầy cô giáo, gia đình học sinh và các cơ sở giáo dục, các cơ quan tổ chức đã đồng hành, hỗ trợ.
Với các em học sinh, Bộ trưởng cho rằng, sự xuất sắc của các em giúp nền giáo dục của đất nước được đánh giá cao hơn, tự tin hơn; sự cọ xát của các em tại các kỳ thi quốc tế cũng giúp Bộ GD&ĐT nhìn lại quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cả đại trà và mũi nhọn.
Hiện các em đã thể hiện được tài năng vượt trội, có khả năng lớn, Bộ trưởng mong mỏi, các em sẽ luôn mang chí lớn, với tầm nhìn lớn, nghị lực và hoài bão lớn cùng tấm lòng rộng mở.
“Các em cần phát triển toàn diện, biết sống hạnh phúc, biết lo cho bản thân và có thể thăng bằng trong mọi tình huống. Các em có thể ở bất kỳ đâu nhưng luôn mang trong tâm những vấn đề lớn của đất nước, những thách thức của lĩnh vực mình đang theo đuổi… Người ta chỉ lớn khi đặt mình vào cái lớn của đất nước, của nhân loại. Mong các em là những người lớn lao trong tương lai của đất nước”, Bộ trưởng chia sẻ.
Trong chuỗi hoạt động, các giáo viên, học sinh đã có những chia sẻ, thể hiện hành trình nỗ lực để có được kết quả đáng tự hào và quyết tâm phấn đấu đạt thành tích tốt hơn trong giai đoạn tiếp theo.
Bộ GD&ĐT công bố thành tựu, hoạt động nổi bật ngành Giáo dục năm 2024
Tuần qua, Bộ GD&ĐT đã tổng kết những thành tựu, hoạt động nổi bật của ngành Giáo dục năm 2024.
Theo đó, nội dung đầu tiên được nhắc đến là Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo phát triển GD-ĐT với việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 91-KL/TW ngày 10/8/2024 tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.
Cùng với những chủ trương, định hướng lớn, năm 2024 tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước dành cho giáo dục và đào tạo thông qua các cuộc gặp gỡ, ghi nhận, động viên giáo viên và toàn ngành Giáo dục của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Hoạt động nổi bật tiếp theo là Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cho 21 Nhà giáo nhân dân và 1.167 Nhà giáo ưu tú. Năm 2024 cũng là năm đầu tiên việc thực hiện xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú được thực hiện theo Nghị định mới của Chính phủ.
Phát triển lực lượng nhà giáo cũng được đánh giá là thành tựu, hoạt động nổi bật của ngành Giáo dục năm 2024. Theo đó, sau gần 20 năm ấp ủ, hơn một năm gấp rút chuẩn bị, bằng sự tận tâm, tận lực của đội ngũ chuyên gia, cán bộ, chuyên viên được giao xây dựng dự thảo Luật, cùng với quyết tâm của toàn ngành, dự thảo Luật Nhà giáo trình lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao của đại biểu Quốc hội.
Ngoài ra, các thành tựu, hoạt động nổi bật khác của ngành Giáo dục trong năm 2024 được Bộ GD&ĐT nhận định là: Hoàn thành chu trình đầu tiên của quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với ba cấp học đồng bộ trên cả nước; Chuyển đổi số trong giáo dục tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng; Gia tăng thứ hạng các cơ sở giáo dục Việt Nam trong khu vực và thế giới; Giáo dục Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn tích cực tại các cuộc thi quốc tế; Chung tay, nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ; Tổ chức thành công những sự kiện thể thao học đường lớn, mang tầm quốc gia, quốc tế; Thúc đẩy phong trào thi đua xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.
Ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT
Quy chế thi tốt nghiệp THPT, áp dụng từ năm 2025 được Bộ GD&ĐT ban hành là thông tin giáo dục đáng chú ý tuần qua.
Quy chế vừa ban hành, bên cạnh việc kế thừa nội dung của các Quy chế đã được triển khai thực hiện thuận lợi, ổn định các năm qua nhất là năm 2023 và 2024, có những điểm mới đáng chú ý như sau:
1. Tổ chức Kỳ thi thành 3 buổi thi, gồm: 1 buổi thi môn Ngữ văn, 1 buổi thi môn Toán và 1 buổi tổ chức bài thi tự chọn. Các thí sinh dự thi sẽ được sắp xếp theo tổ hợp bài thi tự chọn để tối ưu phòng thi, điểm thi.
So với những năm trước, giảm 1 buổi thi, giảm 2 môn thi, qua đó giảm áp lực, giảm chi phí xã hội nhưng vẫn bảo đảm chất lượng Kỳ thi.
2. Sử dụng kết hợp điểm đánh giá quá trình (học bạ) và kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp theo tỷ lệ 50-50. Điểm trung bình học bạ các năm được tính theo trọng số.
Việc tăng tỷ lệ sử dụng điểm đánh giá quá trình (học bạ) từ 30% lên 50% để đánh giá sát hơn về năng lực người học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (gồm nhiều năng lực khác mà bài thi tốt nghiệp không đánh giá hết).
Bên cạnh đó, điểm học bạ các năm lớp 10, lớp 11 cũng được sử dụng (với trọng số nhỏ hơn của lớp 12) thay vì chỉ của lớp 12 như trước đây. Thay đổi này có tác dụng thúc đẩy việc dạy và học ngay từ khi học sinh bước vào bậc học THPT.
3. Chứng chỉ ngoại ngữ vẫn được tiếp tục sử dụng để miễn thi trong xét công nhận tốt nghiệp nhưng không được quy đổi thành điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp như trước đây; công thức tính điểm xét tốt nghiệp không có điểm ngoại ngữ trong trường hợp này.
Cách thức này tiếp tục khuyến khích việc học ngoại ngữ nhưng hướng tới công bằng hơn trong xét đỗ tốt nghiệp. Ví dụ, trước đây, học sinh có chứng chỉ IELTS 4.0 cũng quy đổi thành điểm 10 như học sinh đạt điểm IELTS 8.5.
4. Về điểm khuyến khích: Bỏ cộng điểm chứng chỉ nghề đối với tất cả các thí sinh; bỏ cộng điểm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, bằng trung cấp nghề đối với thí sinh Giáo dục thường xuyên.
Nội dung này nhằm phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng thời tạo sự bình đẳng bởi học sinh tốt nghiệp hệ giáo dục chính quy và thường xuyên đều được cấp chung một loại bằng tốt nghiệp.
5. Cho phép thí sinh là người nước ngoài được sử dụng chứng chỉ tiếng Việt để miễn thi môn Ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Nội dung này nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc xét công nhận tốt nghiệp cho người nước ngoài học chương trình giáo dục phổ thông ở Việt Nam nhưng vẫn bảo đảm được học vấn cơ bản của môn Ngữ văn thông qua việc học môn Ngữ văn trên lớp và việc thi để lấy chứng chỉ tiếng Việt.
6. Lần đầu tiên trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT có thêm phương thức vận chuyển đề thi từ địa điểm Hội đồng ra đề thi tới điểm in sao đề thi của 63 tỉnh thành qua hệ thống đường truyền mã hóa và bảo mật của Ban Cơ yếu Chính phủ.
Đây là một bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ vào các khâu trọng yếu của quy trình tổ chức Kỳ thi. Phương thức vận chuyển đề thi mới này giúp chuyển đề thi gốc nhanh, kịp thời, giảm bớt được thời gian và nhân sự vận chuyển đề thi như phương pháp truyền thống đang áp dụng; đồng thời, đây cũng là bước chuẩn bị từ sớm, từ xa và quan trọng trong việc thực hiện phương án thi theo lộ trình chuyển đổi hình thức từ thi trên giấy sang thi trên máy tính đã công bố.