Nóng vấn đề lương, chương trình giáo dục mới
6.500 ý kiến của xấp xỉ 1,6 triệu giáo viên cả nước đã được gửi đến Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, nhân sự kiện Bộ trưởng gặp gỡ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục lần đầu tiên được tổ chức ngày 15/8.
Giữa rất nhiều nhóm vấn đề kiến nghị và chia sẻ, chế độ chính sách liên quan đến lương, phụ cấp giáo viên và chương trình đổi mới giáo dục được quan tâm hàng đầu.
Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng nhà giáo
Là đơn vị tập hợp, rà soát ý kiến của nhà giáo cả nước gửi đến, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân cho biết ở nhóm nội dung phản ánh về chế độ, chính sách, có nhiều ý kiến mong muốn Bộ trưởng xem xét về chế độ chính sách, chế độ tiền lương đối với giáo viên nói chung để bảo đảm cuộc sống, đặc biệt là những người đang công tác ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Bên cạnh mức lương thấp, áp lực, quá tải trong công việc cũng được các giáo viên nêu rõ. Cô giáo Lê Thị Tuyết Hường, giáo viên mầm non ở tỉnh Điện Biên, cho hay, theo quy định là 8 tiếng/ngày, nhưng thực tế giáo viên mầm non đang phải làm việc 10 - 11 tiếng/ngày. Cô giáo cũng nói đến những khó khăn khi đi dạy tại các điểm trường lẻ, nhiều điểm trường ở rất xa trung tâm tuy nhiên chưa có kinh phí hỗ trợ việc đi lại…
Cô giáo Lý Thị Trinh Nguyên, giáo viên mầm non ở Thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang chia sẻ, dù vất vả, áp lực nhưng mức ưu đãi theo nghề hiện nay thấp so với công sức các thầy cô bỏ ra – chỉ 35%; giáo viên này mong được tăng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 70% giống như các trường chuyên biệt để giáo viên yên tâm công tác.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với những vất vả, nặng nhọc của giáo viên mầm non, trong khi chế độ chính sách, thu nhập chưa tương xứng. Theo Bộ trưởng, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách quan tâm đến giáo viên mầm non; ngoài lương, giáo viên mầm non còn có phụ cấp ưu đãi, phụ cấp tính theo thâm niên, phụ cấp thu hút, trợ cấp lần đầu, trợ cấp 1 lần khi chuyển công tác với giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn… Nhưng dù vậy, mức lương của giáo viên mầm non vẫn thấp so với mặt bằng thu nhập chung và so với công sức thầy cô bỏ ra.
Bộ sẽ làm nhiều việc để làm sao khối giáo dục công – tư được bình đẳng trong thực tế; sẽ tiếp tục kiến nghị và làm việc với các Bộ, ngành về việc tăng phụ cấp ưu đãi, tìm mọi cách tăng thu nhập cho giáo viên và tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc của nhà giáo. Cùng với đó, Bộ đã và đang làm mọi cách để chăm lo cho các đối tượng đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, làm sao những đổi mới của ngành không dẫn đến làm gia tăng bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT trong nhiều diễn đàn, nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành đã bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề này. Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT làm việc với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành. Bước đầu, Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ đã có sự thống nhất, dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 10%, giáo viên tiểu học tăng thêm 5%. Còn lại, cần có sự thống nhất với Bộ Tài chính, sau đó thông qua Chính phủ… Bộ trưởng bày tỏ mong muốn có thể tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên các cấp học, tuy nhiên triển khai trước đối với mầm non, tiểu học; sau đó sẽ lần lượt có các kiến nghị khác.
Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng cũng chia sẻ: ngành Giáo dục có số lượng người hưởng lương, công chức, viên chức rất lớn, chiếm hơn 70% tổng số công chức, viên chức cả nước. Do đó, mỗi chính sách điều chỉnh, dù nhỏ, cũng cần tính toán các nguồn lực, điều kiện. Bởi vậy, chúng ta mong muốn, kiến nghị, nhưng cũng cần từng bước, hợp lý.
Gỡ vướng cho Chương trình Giáo dục phổ thông 2018
Chia sẻ với những khó khăn mà giáo viên, cơ sở giáo dục đang gặp phải khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (GDPT 2018), trong đó có dạy học tích hợp, liên môn ở cấp THCS, cô giáo Bùi Thị Thanh Huệ - Hiệu trưởng trường THCS Trung An (Vũ Thư, Thái Bình) cho biết, chương trình GDPT 2018 được xây dựng tổng thể, toàn diện, đồng bộ nhằm hướng đến phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình mới còn gặp nhiều khó khăn.
Các giáo viên cho hay, việc tích hợp các môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội trong Chương trình GDPT 2018 còn bất cập khi giáo viên được đào tạo để dạy từng môn; giải pháp tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy tích hợp cũng chưa thực sự hiệu quả, giáo viên không tự tin khi đứng trên bục giảng dạy môn tích hợp.
Ghi nhận các ý kiến tâm huyết của các nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ xem xét để có thể điều chỉnh dạy học tích hợp cấp THCS. Song, điều chỉnh như thế nào để không xáo trộn và không gây sốc là việc cần cân nhắc. Điều chỉnh để tốt hơn, thuận lợi hơn và phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục.
Trao đổi về phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2025, Bộ trưởng cho hay, dự kiến quý IV/2023, phương án thi sẽ chính thức được công bố.
Nhà giáo là tài sản quý nhất của ngành giáo dục
Ở thời điểm này, cả nước có gần 1,6 triệu nhà giáo, cả giáo viên mầm non, phổ thông, thường xuyên, cao đẳng, đại học và các tổ chức giáo dục khác. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, đây là lực lượng hùng hậu, vốn rất quý của ngành giáo dục. Qua cuộc gặp gỡ này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi gắm nhiều mong đợi đến đội ngũ nhà giáo cả nước.
Thứ nhất là cần thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018 bởi đó là một nhân tố mới rất quan trọng, là cơ hội lớn của ngành. Dù chương trình mới còn điểm này, điểm khác phải điều chỉnh nhưng nhìn chung chương trình được đánh giá là hiện đại, là chỗ dựa, là phương thức để ngành giáo dục đổi mới toàn diện. Khi thực hiện thành công chương trình mới, giáo dục sẽ bước sang một chương mới, một nền giáo dục thay đổi về chất; vì vậy rất cần lực lượng nhà giáo tự đổi mới.
Thứ hai, cần thay đổi vai trò, vị trí của nhà giáo từ chỗ là người chủ yếu truyền thụ kiến thức chuyển sang là người tổ chức, dẫn dắt, hướng dẫn, hỗ trợ cho học sinh để học sinh tự hình thành năng lực, tự tích lũy kiến thức. Sự thay đổi này rất quan trọng mà mỗi nhà giáo cần ý thức được; cần thay đổi dạy học, kiểm tra, đánh giá từng môn, không loại trừ bất cứ môn nào.
Một điểm quan trọng nữa, đó là nhà giáo cần thay đổi quan niệm và cách sử dụng SGK. Trong giai đoạn trước giáo viên phụ thuộc quá nhiều vào SGK dẫn đến bị khuôn hẹp, bị lệ thuộc vào sách. Sự thay đổi lớn của lần này là chương trình thống nhất toàn quốc, do vậy SGK là học liệu đặc biệt và giáo viên cần sử dụng SGK một cách chủ động, linh hoạt, phát huy quyền chủ động của giáo viên. Việc thay đổi cần diễn ra từng bước, dần dần, không thể yêu cầu một sớm, một chiều.
Trong công cuộc đổi mới, theo Bộ trưởng, hiệu trưởng các nhà trường đóng vai trò là người chỉ huy, người chủ đạo trong việc đổi mới trong một cơ sở giáo dục. Nếu các hiệu trưởng không thay đổi thì sự thay đổi của các giáo viên sẽ rất khó khăn và có thể dẫn tới sụp đổ. Thời gian tới, Bộ sẽ rà soát hệ thống chế độ chính sách liên quan đến đội ngũ nhà giáo và ngành giáo dục. Việc xây dựng Luật Nhà giáo có thể mang lại cho ngành những chuyển biến tích cực về thể chế.
Việc yêu cầu giáo viên bồi dưỡng để dạy tích hợp là do thay đổi từ chương trình nhưng không có chính sách hỗ trợ kinh phí cho giáo viên tham gia bồi dưỡng các môn này. Cùng với đó, việc thực hiện nhiều bộ SGK, học sinh chọn tổ hợp môn như hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, cả giáo viên và học sinh đều chưa rõ phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học từ năm 2025 sẽ như thế nào…
Cô giáo Bùi Thị Thanh Huệ - Hiệu trưởng trường THCS Trung An
(Vũ Thư, Thái Bình)
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nong-van-de-luong-chuong-trinh-giao-duc-moi.html