Nóng vấn đề nguồn cát cho xây dựng

Buổi Tọa đàm: Vật liệu nào thay thế cát sông? do Báo Đại Đoàn Kết tổ chức ngày 24/11 đã nhận được nhiều ý kiến sâu sắc, đa chiều và tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý. Đa số các ý kiến cho rằng, hiện nay, nhu cầu sử dụng cát sông tại Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn trong khi đó nguồn cát cung ứng ngày càng khan hiếm. Do đó nhiệm vụ đặt ra là cần phải nghiên cứu nhằm tìm những giải pháp thay thế cát sông để vừa bảo vệ tài nguyên khoáng sản, môi trường, sinh thái bền vững vừa phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết Lê Anh Đạt và Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển chủ trì cuộc Tọa đàm. Ảnh: Thanh Tiến.

Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết Lê Anh Đạt và Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển chủ trì cuộc Tọa đàm. Ảnh: Thanh Tiến.

Sáng 24/11, tại TP Cần Thơ, Báo Đại Đoàn Kết tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Vật liệu nào thay thế cát sông?”. Tọa đàm diễn ra dưới sự chủ trì của Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết Lê Anh Đạt; ông Dương Tấn Hiển – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ đồng chủ trì.

Tọa đàm còn có sự tham gia của các khách mời: ông Tống Văn Nga - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam; PGS. TS. Lê Anh Tuấn – Cố vấn khoa học Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ (Viện DRAGON - Mekong), Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Đại học Cần Thơ; Tiến sĩ Kinh tế Trần Hữu Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long; ông Võ Tấn Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Cát sạch MeKong (người sáng chế máy tuyển cát đồi núi sông suối, cát biển xây dựng, san lấp).

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau chậm tiến độ do thiếu cát. Ảnh: Thanh Tiến.

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau chậm tiến độ do thiếu cát. Ảnh: Thanh Tiến.

Thiếu cát - câu chuyện không chỉ của ĐBSCL

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, nhà báo Lê Anh Đạt - Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết cho biết, trên các phương tiện truyền thông đại chúng và trên Báo Đại Đoàn Kết, một số chuyên gia đã đưa ra các kiến giải và rất nhiều ý kiến mong muốn các cơ quan chức năng sớm có những giải pháp lâu dài cho tương lai và giải quyết trước mắt các công trình đang chậm tiến độ vì thiếu cát.

Việc thiếu cát sông trong xây dựng cũng gián tiếp thúc đẩy tình trạng khai thác cát quá mức ở các con sông. “Đời sống dân sinh và cuộc sống con người gắn bó đặc biệt với các con sông. Ông cha ta đã từng nói “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”, việc khai thác quá mức ở các con sông chính là chúng ta đang chống lại thiên nhiên, làm thay đổi tự nhiên và làm thay đổi mạnh mẽ cuộc sống của con người.

“Ở khía cạnh những người làm truyền thông, chúng tôi thấy những ý tưởng mới, cách nhìn nhận mới, giải pháp mới không chỉ trong lĩnh vực xây dựng mà trong bất cứ lĩnh vực nào đều mang lại những thay đổi căn bản và những lợi ích lớn lao. Trong ngành xây dựng, việc tìm ra các giải pháp trước mắt và cho tương lai nguồn vật liệu thay thế cát sông không chỉ giải quyết được các vấn đề căn cốt ngay bây giờ mà còn là câu chuyện dài hạn”- Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết Lê Anh Đạt chia sẻ.

Cũng theo Nhà báo Lê Anh Đạt, câu chuyện thiếu cát không chỉ là tình trạng riêng tại ĐBSCL hay Cần Thơ mà còn là việc chung của cả nước, của hiện tại và cả tương lai. Báo Đại Đoàn Kết là cơ quan Trung ương của MTTQ Việt Nam với nhiệm vụ rất quan trọng là giám sát và phản biện các vấn đề xã hội.

Trong câu chuyện này trách nhiệm trong việc thông tin trên Báo Đại Đoàn Kết hay các tờ báo khác là chưa đủ, chưa cho độc giả cái nhìn toàn diện và trực tiếp về thực trạng thiếu cát trong các công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm.

“Tọa đàm hôm nay được tổ chức, chúng tôi mong muốn 2 vấn đề. Thứ nhất, nêu rõ thực trạng thiếu cát hiện nay dưới nhiều góc cạnh khác nhau, để thấy được một cái nhìn toàn diện của nhà quản lý, nhà khoa học và cả doanh nghiệp. Thứ hai, tìm ra nguồn vật liệu nào thay thế cát sông. Đây là vấn đề rất lớn, trong tọa đàm hôm nay chúng ta sẽ trao đổi để làm sáng tỏ hơn vấn đề này” – Quyền Tổng Biên tập Lê Anh Đạt nhấn mạnh đồng thời bày tỏ, thông qua buổi tọa đàm, sẽ lan tỏa đến cả nước để chia sẻ về câu chuyện thiếu cát sông và mong muốn trách nhiệm trong tương lai, chúng ta sẽ chống lại việc khai thác quá nhiều từ tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt, mong chờ những giải pháp sáng tạo hơn, mang tính chất lâu dài để giải quyết được câu chuyện này từ góc nhìn cả thực tiễn lẫn khoa học.

Theo Quyền Tổng Biên tập Lê Anh Đạt, Báo Đại Đoàn Kết thường xuyên tổ chức các cuộc tọa đàm. Đây là phương pháp làm báo mới, để bạn đọc được trực tiếp tham gia, trực tiếp đặt câu hỏi vào câu chuyện xã hội trên các kênh và diễn đàn của Báo Đại Đoàn Kết. Đây cũng là cách làm để Báo Đại Đoàn Kết lên tiếng về các vấn đề xã hội một cách đầy đủ, khoa học và trực diện đến công chúng.

“Trên tinh thần như vậy, tôi mong muốn các nhà khoa học, các nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp có mặt trong tọa đàm hôm nay cùng nhau bàn bạc, trao đổi một cách thẳng thắn, trực diện để sớm tìm ra giải pháp, tìm ra nguồn vật liệu thay thế cát sông, vừa đảm bảo phát triển vừa giúp giảm “tổn thương” cho các dòng sông” - Nhà báo Lê Anh Đạt nhấn mạnh.

Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết Lê Anh Đạt chụp ảnh cùng các vị khách mời. Ảnh: Thanh Tiến.

Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết Lê Anh Đạt chụp ảnh cùng các vị khách mời. Ảnh: Thanh Tiến.

Cân đối lại cung - cầu

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn - Cố vấn khoa học Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ, vấn đề sử dụng cát hiện nay đang gây mất cân bằng cung - cầu nghiêm trọng. Khai thác quá nhiều gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân ven sông, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sạt lở. Nhu cầu tăng, cung giảm gây “tổn thương” không nhỏ đến sự phát triển của ngành xây dựng nói chung. Chúng ta có thể nghiên cứu phương pháp giúp giảm tổn thương chứ không thể giải quyết triệt để và cũng không thể áp dụng vật liệu thay thế cho toàn bộ các công trình được, câu chuyện ở đây là cần lựa chọn phương pháp cho phù hợp. Có thể tìm bất kỳ vật liệu nào để thay thế cát sông, nhưng phải đảm bảo được các tiêu chuẩn nghiên cứu và quy định chặt chẽ. Tới nay, Bộ Xây dựng cũng chưa đưa ra được tiêu chí mới cho vật liệu thay thế.

“Để có vật liệu thay thế cát sông, theo tôi cần mạnh dạn nghiên cứu, áp dụng những phương án sau: Thứ nhất, xay đá thành cát. Tuy nhiên chi phí cao, bù lại tăng tuổi thọ công trình. Thứ 2, nghiên cứu thay đổi kết cấu công trình, ví dụ có những bộ phận có thể thay thế bằng khung sắt; hoặc nền công trình có thể giảm sử dụng lượng cát. Thứ 3, phát triển giao thông đường thủy, giảm bớt việc xây dựng đường hoặc lưu lượng sử dụng đường cũng là cách giảm bớt phụ thuộc cát. Hiện ở Đại học Cần Thơ đã áp dụng trộn tro xỉ thay thế cát sử dụng ở một số công trình. Tuy nhiên, sử dụng tro xỉ cũng phải đồng bộ, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình. Cuối cùng có thể nhập cát ở nơi khác. Phương án này có tốn kém hơn nhưng chúng ta không phải lo chi phí khác như: Chi phí khắc phục môi trường, khắc phục sạt lở, công trình chống sạt lở… Đã đến lúc, các cơ quan, đơn vị liên quan cần ngồi lại với nhau để cùng bàn bạc, tìm ra một phương pháp phù hợp nhất để áp dụng” - PGS.TS Lê Anh Tuấn nói.

Cùng quan điểm, TS Trần Hữu Hiệp cho rằng, cần cân đối lại nhu cầu sử dụng nguồn cát sông. Việc tạo ra thói quen sử dụng các vật liệu khác và phương pháp xây dựng khác cũng rất quan trọng nhằm làm giảm nhu cầu sử dụng nguồn cát sông, giảm gây tổn thương cho các dòng sông.

“Cát không chỉ là vật liệu xây dựng mà còn là vấn đề kinh tế, môi trường và xã hội khác. Nếu việc khai thác cát không khéo, không quản lý tốt thì sẽ tạo ra các vấn đề xã hội khác. Vì vậy các giải pháp mới mà chúng ta đề ra phải không làm phát sinh các vấn đề khác trong tương lai.

Ví dụ, thiếu cát mà chúng ta càng đẩy mạnh khai thác cát thì sẽ xảy ra các vấn đề sạt lở, sụt lún trong tương lai. Hay như việc tìm cát biển thay thế, nghe có vẻ rất ổn nhưng chúng ta cần tiêu chuẩn về môi trường, đặc biệt cát biển ở vùng ĐBSCL có quan hệ rất lớn tới tài nguyên nước ở sông Mê Kông, hay có gây ề sạt lở bờ biển hay không là vấn đề cần lưu ý” - ông Hiệp nhấn mạnh.

Ngoài ra, làm thế nào để hài hòa việc giải quyết vấn đề bức xúc hiện tại hôm nay nhưng không ảnh hưởng môi trường và lợi ích trong tương lai. Đây là câu hỏi lớn và cũng là chủ đề của buổi tọa đàm hôm nay: “Vật liệu nào thay thế cát sông?”.

Theo ông Hiệp, đây không chỉ đơn giản là chúng ta đi tìm vật liệu thay thế nguồn cát sông mà ở vấn đề lớn hơn là cân đối lại nhu cầu sử dụng nguồn cát sông. Trong đó, phải xem xét nhu cầu sử dụng để giảm nhu cầu đó một cách hợp lý. Như các công trình giao thông thì có giải pháp thay thế sử dụng cát. Việc tạo ra thói quen sử dụng các vật liệu khác và phương pháp xây dựng khác cũng rất quan trọng, nhằm làm giảm nhu cầu sử dụng nguồn cát sông.

Cát biển có thay thế được cát sông?

Khan hiếm cát sông cũng đang ảnh hưởng lớn đến các công trình giao thông, xây dựng cơ sở hạ tầng tại nhiều địa phương ở ĐBSCL trong đó có TP Cần Thơ.

Trước các trao đổi, phân tích của các chuyên gia, ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ cho biết, địa phương đã giao cho các sở ngành nghiên cứu sử dụng cát biển. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hiện nay nguồn rất dồi dào nhưng làm sao đạt tiêu chuẩn chất lượng. Thứ hai, việc sử dụng cát làm sao không ảnh hưởng đến môi trường.

“Hiện nay, Chính phủ đang giao cho Bộ Khoa học - Công nghệ nghiên cứu sử dụng cát biển cho một số công trình. Nếu đánh giá hiệu quả, chúng ta có thể dùng cách này để giảm bớt áp lực cho ĐBSCL. Theo tôi, việc nghiên cứu sử dụng được cát biển thay thế sẽ giúp cho các tỉnh có đủ lượng cát thực hiện các công trình, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng” - ông Hiển thông tin.

Về vấn đề này, ông Võ Tấn Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Cát sạch MeKong (người sáng chế máy tuyển cát đồi núi sông suối, cát biển xây dựng, san lấp) cho rằng, nếu chúng ta khai thác đúng, thì sẽ hạn chế được việc sạt lở, ở biển có nhiều cồn, tạp chất hữu cơ ít, nếu quy hoạch cho khai thác khu vực này sẽ không quá lo về sạt lở.

Nguồn gốc của cát biển bản chất cũng giống cát sông, trên những hạt cát có những tạp chất hữu cơ lẫn trong cát, khi xử lý được thì chất lượng cũng giống như cát sông. Thậm chí một số nhà khoa học có những nghiên cứu cho thấy cát biển còn tốt hơn cát sông.

“Hệ thống thiết bị mà chúng tôi đang làm đã loại bỏ hết muối, chất lượng được đảm bảo.

Thiết bị có thể cho sản xuất lượng cát đáp ứng công trình với khối lượng 1.000 - 2.000 khối, thậm chí 5.000 -10.000 khối, các thiết bị của công ty vẫn có thể đáp ứng được. Thành phẩm sau khi lọc rửa đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc tế. Lượng muối rất nhỏ so với tiêu chuẩn quy định do Bộ Khoa học - Công nghệ ban hành.

Trong quá trình làm, chúng tôi nghiên cứu, phân tích, nếu đưa được cát biển vào xây dựng, san lấp thì còn rẻ hơn cát sông, cụ thể là có thể giảm trên 100.000 đồng/ khối” - ông Dũng thông tin.

Một trong những nguồn vật liệu thay thế cát sông trong các công trình xây dựng được các chuyên gia nhắc đến tại Tọa đàm chính là tro xỉ than. Thời gian qua cũng đã có nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng tìm đến chọn tro xỉ để làm vật liệu xây dựng, san lấp.

Theo số liệu từ Công ty Nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh), tổng lượng tro, xỉ phát sinh từ 1/1/2023 đến 31/10/2023 là 951.760,5 tấn, tổng lượng tro, xỉ tiêu thụ là 823.288,06 tấn, tỷ lệ tiệu thụ là 86,5%. Theo ông Nguyễn Văn Long - Quyền Giám đốc Công ty Nhiệt điện Duyên Hải, đã có nhiều đơn vị ký hợp đồng thu mua tro xỉ từ 3 nhà máy của Công ty Nhiệt điện Duyên Hải. Nhờ nhu cầu lớn nên trong hàng triệu tấn tro xỉ phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện của Công ty Nhiệt điện Duyên Hải được tiêu thụ đến 90%.

Không để lãng phí cát

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Tống Văn Nga - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho rằng, buổi tọa đàm rất bổ ích, đặc biệt là tập trung vào vùng ĐBSCL - một vùng đang rất nóng về vật liệu xây dựng.

Qua báo cáo cho thấy, đúng là ĐBSCL hiện rất thiếu vật liệu để thay thế cát, bởi chỉ có mấy tỉnh như An Giang và Kiên Giang là có núi còn các tỉnh khác là đồng bằng thấp. Vì vậy, việc trước tiên chúng tôi muốn nói là cần phải hết sức tiết kiệm trong việc sử dụng cát. Đặc biệt nếu là cát tốt như ông Võ Tấn Dũng trình bày thì phải làm sao đảm bảo chất lượng, để đảm bảo cho các công trình xây dựng.

“Tuy nhiên, điều mà tôi muốn nhắc đến là không lãng phí cát đắp nền, mà để làm được điều đó, chúng ta phải sử dụng công nghệ mới, phải hoàn toàn làm chủ nguyên liệu để tạo nên vật liệu thay thế cát. Về nguyên liệu thay thế, chúng ta có thể lấy cát được làm từ đá của An Giang, Kiên Giang hay Đồng Nai để tạo ra khối, phân loại vừa làm cốt liệu cho bê tông vừa làm cát cho các công trình. Chắc chắn chúng ta sẽ đảm bảo được chất lượng” – ông Nga nói.

Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết Lê Anh Đạt:

Báo Đại Đoàn Kết sẽ tiếp tục cuộc hành trình

Sau khi nghe các vị khách mời và chuyên gia phân tích, ngay lập tức nhận thức của chúng tôi thay đổi, không chỉ là vật liệu mà chúng ta phải thay đổi cả tư duy, thay đổi thói quen và cách làm. Ban đầu chúng tôi nghĩ cần một vật liệu thay thế cát sông, tạo ra cuộc cách mạng trong ngành xây dựng. Tuy nhiên, ở đây có rất nhiều cách để chúng ta có thể thay đổi thực tế hiện nay.

Thứ nhất là khoa học công nghệ, đây đúng là một mảnh đất cho sự sáng tạo. Tôi rất tâm đắc với trình bày của ông Tống Văn Nga khi kêu gọi Bộ Giao thông vận tải có những phương pháp hay trong việc thay thế hiệu quả. Chúng ta không chỉ tập trung vào thay đổi vật liệu mà cần thay cả đổi tư duy, áp dụng công nghệ và sáng tạo trong vấn đề này.

Thứ hai là chúng ta phải giảm hoặc cân bằng cung – cầu, phải làm sao để bớt đi phần “cầu” mà hiện nay một số nhu cầu cát sông chưa chắc đã chính đáng. Giảm “cầu” cũng là giảm áp lực rất lớn trong việc khai thác cát sông.

Thứ ba, chúng ta đang tìm kiếm vật liệu thay thế là cát biển nhưng cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau. Vẫn là khai thác tài nguyên thiên thiên và cũng có thể dẫn đến nhiều tác động tới môi trường.

Từ góc độ những người tổ chức, những người làm báo, chúng tôi thấy rằng, tọa đàm hôm nay rất ý nghĩa và bổ ích bởi tất cả khách mời ở đây đều là những “bậc thầy” về lý luận, khoa học và những người làm công tác thực tiễn, quản lý.

Với tư cách của một cơ quan truyền thông rất quan tâm đến các vấn đề của xã hội, tham gia vào thúc đẩy và tạo nên những thay đổi tích cực, chúng tôi muốn bắc nhịp cầu từ thông tin cuộc sống đến những nhà hoạch định chính sách.

Tọa đàm hôm nay đã trở thành cầu nối truyền đi cả nước, cơ quan chức năng về việc tìm nguồn vật liệu thay thế cát sông phục vụ cho các công trình xây dựng. Đây là một hành trình rất lâu dài và bên bỉ. Không chỉ là câu chuyện về hạt cát như chúng ta đã phân tích, mà ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực khác nhau: Từ khoa học, lí luận đến thực tiễn, đời sống, dân sinh...

Báo Đại Đoàn Kết sẽ còn tiếp tục trên hành trình này. Chúng ta sẽ mở rộng câu chuyện một cách lớn hơn, rộng hơn để tìm ra một phương cách tốt nhất. Bởi theo dự báo, khoảng 1 thập kỷ nữa ĐBSCL sẽ hết cát. Từ đó những vấn đề rất lớn về kinh tế - xã hội, môi trường và an ninh sẽ kéo theo.

Báo Đại Đoàn Kết sẽ tiếp tục theo đuổi vấn đề này cho đến khi chúng ta tìm ra một cái nhìn thống nhất và “sáng” hơn về câu chuyện giải quyết cát sông trong xây dựng tại Việt Nam.

Ông Tống Văn Nga – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam:

Chúng ta đủ khả năng làm chủ công nghệ làm cầu cạn

Xây cầu cạn được coi là một trong những giải pháp khả thi để khắc phục tình trạng thiếu cát sông, đất đắp nền cao tốc tại ĐBSCL. Hiện chúng ta hoàn toàn đủ khả năng làm chủ công nghệ làm cầu cạn.

Xây cầu cạn, một mặt rất hữu ích trong việc thoát lũ, ngoài ra, xây cầu cạn diện tích chiếm dụng đất rất ít nên giải phóng mặt bằng nhanh. Phương án này cũng không ảnh hưởng gì khi biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Và quan trong nhất là duy tu bảo dưỡng sẽ rất ít so với việc đắp nền, trải bê tông nhựa lên trên.

Chúng ta cùng đồng lòng với Báo Đại Đoàn Kết một lần nữa kêu gọi ngành Giao thông vận tải tập trung đổi mới kết cấu giao thông. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói: “Qua suối thì bắc cầu, qua núi thì đào hầm” và bây giờ thêm câu “qua đồng bằng trũng thì làm cầu cạn”, như vậy chắc chắn chúng ta sẽ có được những giải pháp tốt.

GS .TS Lê Anh Tuấn - Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên - Trường Đại học Cần Thơ:

Giảm bớt sử dụng bê tông tại các công trình xây dựng

Vấn đề sử dụng cát hiện nay đang mất cân đối giữa cung và cầu. Để giải bài toán này góp phần giảm gây tổn thương cho Vùng ĐBSCL, trong thời gian tới, chúng ta cần phải thực hiện chiến lược mới để thay thế cát sông thông qua việc giảm bớt sử dụng bê tông tại các công trình, dự án; tăng cường sử dụng các vật liệu như nhôm, thép để làm công trình trường học, bệnh xá. Điều này vừa giảm lượng cát san lấp, xây dựng và vừa phù hợp với Vùng ĐBSCL.

Đồng thời, cũng cần tính đến phương án làm đường trên cao; mở rộng giao thông đường thủy để giảm bớt áp lực đường trên bộ; giảm lượng cát sử dụng cho các công trình, dự án tại mỗi địa phương.

Ông Võ Tấn Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Cát sạch MeKong:

Cát biển không ảnh hưởng đến môi trường

Có ý kiến cho rằng, cát biển khi đưa vào sử dụng sẽ bị thấm ra, tôi khẳng định không phải như vậy. Chất lượng thành phẩm cát biển cho bê tông, vữa kể cả san lấp đều đã xử lý hết muối. Còn các ý kiến của một số bộ, ngành cho rằng, khi tuyển rửa cát biển thì muối sẽ ảnh hưởng tới vùng chăn nuôi trồng trọt. Nhưng theo tôi cách xử lý rất dễ, cứ tăng lượng nước ngọt là sẽ hòa tan, vì muối này là muối hòa tan, 1 khối cát biển, đưa 5 khối nước ngọt vào là xong.

Còn nếu địa phương quy hoạch cho tuyển rửa cát biển ở vùng nước lợ thì sẽ đơn giản hơn. Như các công trình ở Trà Vinh, Sóc Trăng tuyển rửa ở vùng nước lợ, việc xử lý rất đơn giản.

THANH TIẾN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nong-van-de-nguon-cat-cho-xay-dung-10267428.html