Nóng vấn đề Thủ Thiêm khi cử tri tiếp xúc tổ đại biểu Quốc hội
Tại buổi tiếp xúc sáng 7-10, những người được mời phát biểu đã thẳng thắn nêu ra nhiều vấn đề bức xúc với người dân Thủ Thiêm.
Dù HĐND TP Hồ Chí Minh vừa thông qua việc bồi thường cho 331 hộ dân trong khu 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm một ngày trước đó, nhưng buổi tiếp xúc với hơn 500 cử tri quận 2 của tổ Đại biểu Quốc hội gồm bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố; ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy và bà Trịnh Ngọc Thúy, Phó chánh án TAND TP Hồ Chí Minh, vẫn diễn ra hết sức nóng.
Buổi tiếp xúc nhiều lần phải tạm dừng do người dân la lối, phản ứng việc đăng ký phát biểu ý kiến từ rất sớm nhưng không được gọi tên. Tại buổi tiếp xúc, những người được mời phát biểu đã thẳng thắn nêu ra nhiều vấn đề bức xúc với người dân Thủ Thiêm.
Cử tri Mai Thị Cánh đặt câu hỏi: Thành phố đã rà soát ra sao đối với khu vực 160ha tái định cư cho người dân, nhưng đất bị đem giao cho 51 dự án, đẩy người dân đi chỗ khác? Thanh tra Chính phủ yêu cầu thành phố rà soát, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin gì về khu tái định cư này?
Trước thông tin HĐND thành phố đã thông qua chính sách bồi thường cho 331 hộ dân ở khu 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm theo phương án đất đổi đất, cử tri Nguyễn Thị Phương Trang nêu ý kiến, lãnh đạo thành phố cho rằng phương án này có lợi cho dân vì giá đất sát với giá thị trường, nhưng người dân Thủ Thiêm không cần có lợi nhiều hay ít, chỉ cần công bằng. Cái gì thành phố đã lấy của dân không đúng, cần trả lại cho người dân là được.
Cùng quan điểm với bà Cánh, trước các đại biểu quốc hội bà Trang cũng đề nghị thành phố lấy lại 160ha đất tái định cư đã giao cho các doanh nghiệp.
Nhắc lại chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, là thành phố phải động viên người dân Thủ Thiêm từ đang khiếu nại ngoài TƯ về để đối thoại, cử tri Nguyễn Thị Tám gay gắt cho rằng thành phố đã không chịu tổ chức đối thoại.
Người dân Thủ Thiêm bức xúc kéo nhau đến UBND để gặp lãnh đạo thành phố nhưng không thể gặp được. Cử tri Giang Bá Hùng phát biểu, khu tái định cư 38,4ha có nhiều chung cư, ki ốt để trống, đề nghị thành phố bố trí cho người dân bị giải tỏa để có chỗ buôn bán, nhất là khi nhiều người bị giải tỏa không có công ăn việc làm đã lâu. Theo ông Hùng, quyết những việc như vậy nằm trong tầm tay của lãnh đạo thành phố, vấn đề là có chịu làm hay không.
Cử tri Ngô Nhật Minh cho biết, năm ngoái chính quyền địa phương nói 5 khu phố thuộc 3 phường ngoài ranh mới phát sinh. Khi có thông báo của Văn phòng Chính phủ, UBND thành phố đã đối thoại với dân, nhưng không đưa ra được kết luận ranh quy hoạch, ranh Thủ Thiêm ở đâu.
Theo ông Minh, Thanh tra Chính phủ khi tiếp xúc với người khiếu kiện đã cho biết sẽ đề nghị Thủ tướng lập đoàn thanh tra liên ngành nhằm làm rõ những vấn đề còn bức xúc ở Thủ Thiêm. Khi Chính phủ chuyển vụ việc cho TP Hồ Chí Minh giải quyết, chính quyền thành phố mời người dân lên đã đề nghị khiếu nại lại từ đầu. Như vậy đã hơn mười năm người dân vất vã khiếu nại, kêu cứu nhưng không ai trả lời, giờ quay lại từ đầu, người dân biết kêu ai?
Từ đó, ông Minh đề nghị các ĐBQH đại diện cho người dân đưa vấn đề khiếu nại Thủ Thiêm ra nghị trường Quốc hội để Quốc hội có nghị quyết giám sát, theo dõi.
Phát biểu trước các đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Tấn Cư nêu vấn đề đã nhiều lần người dân phản ánh với Đoàn ĐBQH thành phố về sai phạm tại dự án KĐTM Thủ Thiêm. Vì vậy, lâu nay Đoàn ĐBQH đại diện cho người dân đấu tranh như thế nào để bảo vệ dân hay chỉ lắng nghe, ghi nhận.
Theo ông Cư, để giải quyết thỏa đáng cho người dân Thủ Thiêm, thành phố cần công bố bản đồ quy hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 367 của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định số 1483 chỉ là thông báo kết quả kiểm tra, không phải kết luận thanh tra.