Nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy điện tử là xu thế tất yếu
Trao đổi với phóng viên TBTCO, ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, việc triển khai nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy điện tử là xu thế tất yếu, phù hợp với chủ trương của Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử hiện nay.
PV: Thưa ông,Tổng cục Thuế đã triển khai nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy điện tử từ 1/8/2020. Khảo sát cho thấy, việc nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy điện tử giúp tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế. Là một chuyên gia thuế, ông thấy việc triển khai ứng dụng này của ngành Thuế có lợi gì cho người nộp thuế?
- Ông Nguyễn Văn Được: Như chúng ta đã biết, từ năm 2011 cơ quan thuế đã thực hiện khai thuế điện tử và từng bước hoàn thiện nộp thuế điện tử (hiện đã kết nối với 55 ngân hàng thương mại), điều này đã mang lại nhiều lợi ích to lớn cho xã hội và người nộp thuế chính là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất.
Tương tự, việc triển khai nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy điện tử cho người nộp thuế hiện nay là xu thế tất yếu, phù hợp với chủ chương Chính phủ. Quá trình này không chỉ giúp cho người nộp thuế giảm thời gian, chi phí, mà còn giúp minh bạch, giải quyết hồ sơ lệ phí trước bạ nhanh chóng, hiệu quả.
Bên cạnh đó, dịch vụ khai, nộp lệ phí trước bạ điện tử không chỉ dừng lại ở mục tiêu công khai thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia, mà nó còn góp phần hạn chế các vấn nạn nhũng nhiễu, phiền hà của công chức thừa hành đối với người nộp thuế.
Tôi cho rằng, Bộ Tài chính, cơ quan Thuế cũng như các cơ quan ban ngành khác cần tiếp tục điện tử hóa các thủ tục hành chính có liên quan để sớm đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia cho người dân được hưởng lợi.
PV: Trả lời phỏng vấn phóng viên TBTCVN mới đây, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, để ứng dụng này thực sự mang lại thuận lợi cho người nộp thuế, cần sự chủ động vào cuộc của cả cơ quan công an và các ngân hàng thương mại trong việc xử lý lỗi kĩ thuật, cũng như chuyển tiền điện tử. Ông có lời khuyên gì đối với các cơ quan này?
- Ông Nguyễn Văn Được: Như chúng ta đã biết, đặc thù của việc khai, nộp thuế điện tử phụ thuộc chủ yếu vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và trình độ nghiệp vụ ứng dụng công nghệ thông tin của các bên có liên quan, công chức thừa hành như công an, ngân hàng thương mại… Chúng ta cần hiểu rõ và thấu đáo chính sách pháp luật, quy trình nghiệp vụ để ứng dụng được vận hành trơn tru, hiệu quả.
Đặc biệt phải đảm bảo phần mềm được hoạt động liên tục, an toàn và bảo mật, khắc phục mọi sự cố một cách kịp thời để tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế ở mức tối đa nhất.
Bên cạnh đó, chính những công chức, người thừa hành, chuyên viên ngân hàng… phải hiểu rõ chủ trương chính sách, quy trình vận hành, đặc biệt các quy chế và quy trình phối hợp nhiều bên với nhau như cơ quan thuế với cơ quan công an, giữa cơ quan thuế với kho bạc, ngân hàng thương mại… Quy trình này phải được xây dựng rõ ràng, minh bạch và phù hợp với thực tiễn.
Theo đó, mọi vấn đề phát sinh từ phía các cơ quan nào, thì các cơ quan đó phải có trách nhiệm xử lý, không được gây phiền hà hay làm chậm tiến độ của người nộp thuế… Song song với đó, một vấn đề khá quan trọng là việc tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế để triển khai thực hiện. Đây là một mắt xích quan trọng, bởi người nộp thuế là chủ thể đầu tiên và quan trọng nhất tham gia vào quy trình này. Do đó cần hướng dẫn chi tiết, cụ thể, cũng như thiết kế phần mềm đơn giản, gọn nhẹ dễ sử dụng cho người nộp thuế.
PV: Không chỉ nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy điện tử, Tổng cục Thuế cũng đang từng bước hiện đại hóa công tác thu nộp ngân sách theo hướng không dùng tiền mặt đối với cá nhân. Ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực này của ngành Thuế?
- Ông Nguyễn Văn Được: Tôi đánh giá cao nỗ lực của ngành Thuế trong việc áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, từ khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử và hóa đơn điện tử… Việc từng bước hiện đại hóa công tác thu nộp ngân sách theo hướng không dùng tiền mặt đối với người nộp thuế nói chung và nay mở rộng đến người nộp thuế là cá nhân là nỗ lực rất lớn của Tổng cục Thuế.
Nếu tất cả các giao dịch của người nộp thuế, bao gồm các tổ chức, cá nhân đều thực hiện trực tuyến thì đây là một thành công lớn của chúng ta, trong đó có công lớn từ việc xây dựng chủ trương, chính sách đến việc tuyên truyền vận động người nộp thuế tham gia thực hiện của ngành Thuế. Tất nhiên, cũng cần ghi nhận sự đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp cũng như các bên có liên quan trong suốt thời gian qua.
Để tiếp tục phát huy và kế thừa các thành quả của ngành Thuế đã đạt được, tôi cũng mong muốn rằng Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ban ngành và các bên có liên quan để sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, cũng như hành lang pháp lý để sớm thúc đẩy quá trình thu nộp ngân sách không dùng tiền mặt đối với người nộp thuế là cá nhân.
Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, ngành Thuế có thể triển khai “Mã xác thực OTP” thay cho chữ ký điện tử như đang áp dụng hiện nay. Điều này sẽ giảm chi phí cho người nộp thuế, đồng thời thuận tiện, nhanh gọn hơn so với chữ ký điện tử như các doanh nghiệp đang sử dụng hiện nay.
PV: Xin cảm ơn ông!