Nord Stream 2 sẽ củng cố ảnh hưởng của Nga đối với châu Âu
Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ Rick Perry ngày 7/10 cho biết tại Vilnius (Litva) rằng đường ống dẫn khí Nord Stream 2, sắp hoàn thành, sẽ tăng cường ảnh hưởng chính trị của Moscow đối với chính sách đối ngoại của EU.
Ông Perry đang ở thăm Litva để thúc đẩy quan hệ năng lượng giữa Đông Âu với Hoa Kỳ, cho rằng, "dự án này sẽ là một cú đánh mạnh mẽ chống lại sự đa dạng và an ninh năng lượng của châu Âu. "Nó sẽ làm tăng ảnh hưởng của Nga đối với chính sách đối ngoại của châu Âu và tính dễ bị tổn thương của châu Âu đối với sự gián đoạn nguồn cung", quan chức Mỹ nói tại một diễn đàn năng lượng ở Litva.
Đường ống dẫn khí Nord Stream 2 với mức đầu tư khoảng 10 tỷ euro dự kiến sẽ tăng gấp đôi lượng khí đốt của Nga bán cho châu Âu. Ukraine, Ba Lan và các nước vùng Baltic lo ngại rằng điều đó sẽ làm tăng sự phụ thuộc của EU vào Nga và Moscow có thể sử dụng dự án này để gây áp lực chính trị.
Theo ông Rick Perry, Nord Stream 2 đi qua Biển Baltic và đường ống TurkStream - sẽ chuyển khí đốt Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ qua Biển Đen - "sẽ cho phép Moscow ngừng vận chuyển khí qua Ukraine". "Nga tìm cách đưa một tuyến đường dẫn khí vào sâu châu Âu và đánh vào trung tâm của sự ổn định và an ninh năng lượng của châu Âu", ông Perry nói.
Hoa Kỳ "sẵn sàng và có thể" tăng cường an ninh năng lượng cho châu Âu bằng cách cung cấp các nguồn thay thế, cụ thể là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và công nghệ hạt nhân dân sự, ông Perry nói. "Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ nhiều tuyến đường để cung cấp năng lượng trên khắp châu Âu. Chúng tôi chống lại việc sử dụng năng lượng để gây áp lực cho một quốc gia", Bộ trưởng Năng lượng Mỹ nói tiếp.
Theo Ramunas Vilpisauskas, Giáo sư tại Đại học Vilnius, những lời chỉ trích Nord Stream 2 là một phần của cuộc tấn công thương mại của Mỹ để bán khí đốt của họ sang châu Âu. "Mục tiêu thương mại dường như là lý do chính cho những lời chỉ trích này", ông Vilpisauskas nói với AFP. Đối với Litva và các thành viên EU khác ở Trung Âu, vốn rất phụ thuộc vào khí đốt của Nga, việc mua khí đốt của Mỹ là “một chiến thắng, vì các nước này đang tích cực tìm cách đa dạng hóa nguồn cung cấp", chuyên gia Vilpisauskas nói thêm.
Dự án Nord Stream 2 được phát triển bởi công ty Gazprom của Nga hợp tác với các công ty châu Âu Engie, OMV, Shell, Uniper và Wintershall.
Moscow đã nhiều lần chỉ ra rằng Nord Stream 2 là một dự án kinh tế thuần túy đáp ứng lợi ích của châu Âu.