Nốt nhạc đầu bản hùng ca vang mãi
Trước thềm ngày lịch sử 22-12, mấy nhà báo cao tuổi chúng tôi cùng nhau trở lại xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng), dâng hương tại Di tích Quốc gia đặc biệt nơi thành lập Quân đội ta cách nay tròn 80 năm, và cảm nhận cuộc sống mới nơi ngọn nguồn cách mạng hôm nay…
Anh Nông Quang Đông, nguyên Trưởng phòng thời sự Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Thái, Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Kạn, tuổi cũng đã ngót tám mươi, về chuyến này ngoài thăm bạn bè, bà con, còn hy vọng đặt dấu ấn gì đó nơi quê nhà. Giản dị như được dâng nén tâm nhang cẩn cáo tiên tổ tại chính quê hương mình, cũng là để nhắc nhớ hậu thế về chuyện cư xử với tiền nhân, với lịch sử. Chúng tôi trân quý tình cảm đó của đồng nghiệp…
Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo - nơi ghi dấu sự thành lập và hoạt động của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (VNTTGPQ), tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, với những người hoạt động báo chí Thái Nguyên chúng tôi rất đỗi thân thuộc bởi sự kết nối. Sự kết nối ấy chính là chỉ sau chưa đầy 5 tháng, Đội VNTTGPQ đã Nam tiến, sáp nhập cùng Đội Cứu quốc quân II thành Việt Nam Giải phóng quân (ngày 15/5/1945) tại xã Định Biên, huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên).
Để rồi 3 tháng sau đó, ngày 20/8/1945, đội quân dũng mãnh ấy đã tiến về giải phóng và thành lập chính quyền cách mạng Thái Nguyên. Cũng vì thế mà lần kỷ niệm 70 năm ngày 22-12, chúng tôi đã làm cầu truyền hình nối các địa chỉ đỏ của 2 tỉnh. Đồng thời, đây cũng là nơi gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Anh Vương Văn Bốn và chị Đoàn Mai Hiên - những cán bộ làm việc tại Di tích, cho biết: Dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ngoài 3 tuyến đường chính vào khu rừng Trần Hưng Đạo được nâng cấp thì 5 điểm quan trọng: Cụm di tích rừng Trần Hưng Đạo (gồm địa điểm thành lập Đội VNTTGPQ, lán nghỉ và bếp ăn, mỏ nước phục vụ nước sinh hoạt, đỉnh Slam Cao); hang Thẳm Khẩu (xã Tam Kim) - từng được sử dụng làm trạm liên lạc, đưa cơm phục vụ cho các đồng chí hoạt động cách mạng; đồn Phai Khắt (xã Tam Kim) - nơi diễn ra trận đầu ra quân của Đội (25/12/1944); đồn Nà Ngần (xã Hoa Thám) - nơi ghi dấu trận đánh thứ 2 giành thắng lợi của Đội (26/12/1944) và di tích Vạ Phá đều được chỉnh trang đón khách về nguồn. Lượng khách đợt này đông, có ngày lên đến cả nghìn người nên cán bộ, nhân viên Khu di tích phải cố gắng nhiều
Bản thân chúng tôi, mỗi lần về đây không chỉ được tìm hiểu truyền thống lịch sử vẻ vang với nhiều điểm di tích mà còn được khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của khu rừng nguyên sinh với diện tích trên 201ha. Rừng Trần Hưng Đạo còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ với bầu không khí trong lành và là điểm đến của du lịch sinh thái...
Đồn Phai Khắt, nằm tại trung tâm xã Tam Kim đầu năm 1944 vốn là nhà của gia đình ông Nông Văn Lạc, bị giặc cướp làm đồn. Ngày 25/12/1944, Đội VNTTGPQ đánh trận đầu chiến thắng vang dội giờ đây là điểm di tích lịch sử quan trọng. Nhắc tới lão thành cách mạng Nông Văn Lạc, trong ký ức người dân Việt Bắc không thể quên 34 chiến sĩ Đội VNTTGPQ và các cụ Nông Văn Quang, Hoàng Văn Thái, Đàm Quang Trung, Bằng Giang, Doanh Hằng…
Chị Nông Thị Mới, một thời làm Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nguyên Bình, kể: Ngay khi trở về Cao Bằng (ngày 28/1/1941) trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ đạo xây dựng thí điểm các tổ chức Việt Minh ở 3 châu: Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình. Tổng Kim Mã - Tam Lọng (Tam Kim ngày nay) là nơi chọn làm thí điểm, sau đó phong trào phát triển rộng khắp. Đội ngũ cán bộ Việt Minh trở thành lực lượng nòng cốt để tuyên truyền vận động ở những xã lân cận. Năm 1942, đồng chí Võ Nguyên Giáp đến mở lớp huấn luyện cán bộ ở Khuổi Dủ, Thẳm Gầu, Pù Minh, xã Tam Kim.
Ngày 30/6/1942, tại thôn Dầm, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tổ chức kết nạp các đồng chí Dương Văn Đội (bí danh Trọng Khánh), Nông Văn Lạc (bí danh Tán Thuật, là phụ thân anh Nông Quang Đông) vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Chi bộ Tam Kim được thành lập do đồng chí Dương Mạc Hiếu làm Bí thư, sau đó là đồng chí Nông Văn Quang. Nhân dân xã Tam Kim dưới sự lãnh đạo của Chi bộ đã nỗ lực góp phần hoàn thành khai thông con đường Nam tiến - con đường liên lạc giữa 2 khu căn cứ Cao Bằng và Bắc Sơn, Võ Nhai (Lạng Sơn, Thái Nguyên) được nối liền tạo điều kiện cho sự ra đời của Khu giải phóng sau này.
Trước ngày thành lập Đội VNTTGPQ, Bác Hồ đã chỉ thị: “Trong vòng một tháng phải có hoạt động gây tin tưởng cho các chiến sĩ và gây truyền thống hành động tích cực, nhanh chóng cho bộ đội”, và đặc biệt Người nhấn mạnh “Trận đầu ra quân phải đánh thắng”. Chiều 25/12/1944, toàn Đội VNTTGPQ đánh Đồn Phai Khắt kết thúc thắng lợi, Đội cấp tốc hành quân đi đánh đồn Nà Ngần theo kế hoạch và giành thắng lợi.
Với 2 chiến thắng Phai Khắt - Nà Ngần đã làm cho kẻ địch hoang mang lo sợ, đồng thời là niềm cổ vũ lớn lao đối với toàn dân, tạo niềm tin tưởng chắc chắn cuộc chiến đấu của nhân dân ta nhất định thắng lợi. Những nốt nhạc đầu hào sảng của “Bản hùng ca vang mãi” của Quân đội nhân dân Việt Nam bách chiến, bách thắng là như vậy!
Anh Trương Phúc Hằng, một cán bộ, doanh nhân đã nghỉ hưu và trước hết ông là một người con của Nguyên Bình có chung trăn trở cùng chúng tôi. Rằng: Lịch sử rất đỗi hào hùng nhưng Cao Bằng trong đó có Tam Kim còn nghèo. Người Cao Bằng thông minh trong học hành nhưng không nhiều người tài giỏi trở về xây dựng quê hương. Hướng đi nào cho công nghiệp, nông nghiệp? Biên mậu - sẽ phải mở ra thế nào? Du lịch lịch sử phải làm sao để thu hút khách? Ất Tỵ về rồi, mùa xuân đầu tiên của kỷ nguyên vươn mình của đất nước đã tới.
Cao Bằng đang mùa hạt dẻ. Cô Lọ Lem xưa chỉ có 3 hạt để mơ ước và cô đã mơ được nhiều điều. Chúng tôi có nửa cân hạt dẻ để làm quà và cũng để mơ ước nữa… Anh Hằng bảo: Cao Bằng phải có chính sách đặc thù, trong đặc thù thì đầu tiên phải là chính sách thu hút nhân tài và vật lực. Tôi đồng tình với suy nghĩ ấy và chọn ra một hạt dẻ để mơ ước.