Nốt thăng trầm của ngành sản xuất chip và vi mạch điện tử thế giới
Công nghệ cao cũng có tính chu kỳ như bao mặt hàng khác. Nếu muốn biết sức sống ngành sản xuất chip và vi mạch điện tử thế giới ra sao, thì Triển lãm hàng điện tử tiêu dùng (CES) - một lễ hội các mặt hàng điện tử tiêu dùng vừa được tổ chức hàng năm tại Las Vegas, Mỹ.
Sự kiện năm nay giới thiệu đủ thứ, từ TV độ phân giải cực cao, bóng đèn thông minh, đèn trợ sáng cho đến những chiếc xe concept (ý tưởng) tự lái hay robot vận chuyển giấy vệ sinh. Mỗi món đồ đều là những lớp vỏ đẹp để “ngụy trang” những chiếc máy vi tính thu nhỏ được làm từ các bộ vi xử lý, chip nhớ và bảng mạch công phu.
Sự lên ngôi của ngành sản xuất chip và vi mạch điện tử hiện nay vẫn bị cho là muộn màng. Future Horizons, một công ty chuyên phân tích ngành sản xuất chip nhớ, cho rằng doanh số chất bán dẫn toàn cầu đã giảm khoảng 12% trong năm 2019, xuống còn 410 tỷ USD.
Tập đoàn sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới Samsung Electronics (Hàn Quốc) thông báo lợi nhuận hoạt động hàng quý bị kéo tụt 56% trong tháng 10/2019 do hoạt động kém hiệu quả của đơn vị sản xuất và kinh doanh chip. Các nền kinh tế khác đã và đang cảm nhận được sự tác động xấu của sự sụt giảm. Chất bán dẫn chiếm đến 1/5 kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc và tình hình xuất khẩu của nước này bi đát khi sụt giảm 12 tháng liên tiếp, một phần do sự yếu kém của ngành sản xuất chip.
Giờ đây sự sụt giảm của ngành sản xuất chip Hàn Quốc dường như sắp kết thúc. Samsung hôm 8/1 cho biết lợi nhuận hàng quý tiếp tục sụt giảm, nhưng giảm thấp hơn dự báo. Ngay lập tức giá cổ phiếu của hãng này tăng lên trông thấy và giá chip nhớ cũng vọt lên. Thêm tin vui nữa là tháng trước cổ phiếu của nhà sản xuất chip lớn thứ 2 thế giới SK Hynix (Hàn Quốc) đã tăng khoảng 20%.
Trong khi đó, cổ phiếu của “ông lớn” sản xuất chip nhớ và dữ liệu máy tính Micron Technology (Mỹ) đã tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng. Bộ nhớ chiếm khoảng 1/3 doanh số chất bán dẫn và những chuyên gia trong ngành xem đây là tín hiệu tốt cho thị trường.
Việc bước đầu phục hồi đang đi đúng chu kỳ của ngành sản xuất chip theo kiểu “bữa tiệc thường diễn ra những cơn đói khát”. Malcolm Penn, nhà sáng lập công ty chuyên phân tích về ngành sản xuất chip nhớ Future Horizons, cho rằng thị trường vi mạch, dù mang đặc tính công nghệ cao, nhưng cũng có chu kỳ như thịt lợn, đậu nành hoặc các mặt hàng khác.
Những lúc “thuận buồm xuôi gió”, các nhà sản xuất chip tăng công suất, đầu tư thêm nhà máy công nghệ cao tốn kém nhưng vận hành với chi phí khá thấp để cung bắt kịp với cầu. Để gỡ lại chi phí đầu tư, các nhà sản xuất chip liên tục tăng công suất ngay cả khi giá cả chùng xuống. Khi nhu cầu bắt kịp với lượng công suất tăng thêm của các nhà máy, thì chu kỳ đi xuống của ngành sản xuất chip sẽ bắt đầu.
Vấn đề của ngành chip hay bán dẫn thường bị khuếch đại hoặc triệt tiêu bởi những ngành, biến động khác của nền kinh tế. Theo Len Jenilek, chuyên gia chất bán dẫn tại công ty phân tích thị trường IHS Markit, vấn đề gần đây nhất của ngành này xảy ra từ năm 2018 và dần trở nên nghiêm trọng. Thị trường bộ nhớ bao gồm hai mặt hàng chính, gồm dram (bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động) và flash (bộ nhớ máy tính kiểu bộ nhớ điện tĩnh). Chu kỳ của những dòng sản phẩm này không phải lúc nào cũng ổn định giống nhau mà phụ thuộc vào sản xuất của các ngành khác.
Là “ông lớn” tiêu thụ chip nhớ, ngành công nghiệp ô tô đã có năm tồi tệ nhất (2019) trong thập kỷ qua, trong khi các đại gia công nghệ, đặc biệt là các nhà khai thác dữ liệu lớn như Google, Microsoft và Alibaba đều cắt giảm đơn hàng. Ngoài ra, thương chiến Mỹ - Trung sặc mùi công nghệ đã khiến ngành sản xuất chip nhớ bị vạ lây.
Sự phục hồi của ngành công nghiệp chip và chất bán dẫn phụ thuộc rất lớn vào xu hướng thị trường nói chung. Chẳng hạn, một điều rất bất lợi cho ngành này khi Trung Quốc - một “ông lớn” nhập khẩu chip - có tốc độ tăng trưởng kinh tế chững lại. Trong khi đó, cuộc đua tăng sức trên thị trường chứng khoán Mỹ đang là cuộc đua dài nhất trong lịch sử và nhiều khả năng sẽ sớm bị điều chỉnh bởi các quan chức Mỹ đang xúc tiến vòng đàm phán thương mại mới và rất có thể làm náo loạn ngành công nghiệp chip.
Với những ai thần kinh thép thì ngành công nghiệp chip giống như cuộc chiến lâu dài theo chiều hướng tốt lên.
Theo Malcolm Penn, nhà sáng lập công ty chuyên phân tích ngành sản xuất chip nhớ Future Horizons, sự bùng nổ của ngành chip thời gian qua là nhờ sức cầu cao với mức tăng bình quân 8%/năm trong 40 năm qua. Sản lượng của ngành này đã tăng hơn hàng triệu lần trong 40 năm qua, trong khi thế giới ngày càng cần đến sức mạnh của điện toán.
Chuyên gia chất bán dẫn Len Jenilek của công ty phân tích thị trường IHS Markit nhận định, công nghệ di động 5G và các con chip dùng cho công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trở thành 2 nguồn cầu lớn và mới cho ngành công nghiệp chip. Cả hai công nghệ này đều được trưng bày “ngập mặt” tại Triển lãm hàng điện tử tiêu dùng (CES) tuần này.