Nốt trầm ở thành phố biển Pattaya, Thái Lan
Là một trong những thành phố có bãi biển nổi tiếng nhất Thái Lan, Pattaya không chỉ nổi bật với du lịch biển, với các hoạt động thể thao năng động, với ẩm thực và nhiều địa điểm thu hút khách du lịch mà còn chứa đựng một công trình văn hóa, tôn giáo độc đáo.
Địa danh Pattaya nằm cách thủ đô Bangkok khoảng 150 km về phía đông nam đã không còn xa lạ với du khách nước ngoài khi nhắc đến Thái Lan. Ngoài bãi biển, khu vực này nổi tiếng với nhiều điểm tham quan hấp dẫn như Mini Siam - công viên tập hợp mô hình thu nhỏ nhiều kỳ quan kiến trúc của nước chủ nhà và thế giới, phòng trưng bày chuyện lạ đó - đây cùng phòng trưng bày nghệ thuật sắp đặt trong chai lọ.
Ngoài ra, vườn thiên nhiên Nong Nut, trại cá sấu, trại voi, trại khỉ cũng là những địa điểm nổi bật. Du khách còn có thể lên tàu cao tốc ra thăm và tắm biển ở một vài đảo nhỏ, tìm cảm giác mạnh từ phóng mô tô nước, đeo dù lượn trên cao…
Giữa những hoạt động và các điểm tham quan sôi động âm thanh, giàu sắc màu ấy, Pattaya còn nốt trầm - công trình kiến trúc Prasat Satchatham. Theo tiếng Anh, tên của công trình này là Sanctuary of the Truth, tạm dịch là Ngôi đền Sự thật.
Lối vào ngôi đền bắt đầu bằng khuôn cổng với bức tường trắng tinh đủ rộng cho hai ô tô nhỏ tránh nhau và bộ cửa gỗ rất nặng đầy ấn tượng. Giá vé vào cửa xấp xỉ 15 USD. Từ cổng đi thêm gần nửa cây số, du khách được mời đứng lên vị trí chụp ảnh lưu niệm, các nhà tổ chức đã tìm sẵn điểm thuận lợi nhất để du khách có thể ghi hình toàn cảnh ngôi đền bằng thiết bị phổ thông.
Đây là công trình kiến trúc pha trộn được phác thảo xuất phát từ tín ngưỡng Phật giáo và Hindu. Được khởi công năm 1981 trên tổng diện tích 13ha, ngôi đền có diện tích mặt sàn bên trong là 2.115m2 và bên ngoài là 3.200m2. Công trình này nằm sát biển với rất nhiều lớp mái cong cánh diều xếp chồng nhau, chính giữa vươn chóp cao 105m.
Không chỉ thiết kế độc đáo, vật liệu chủ yếu của ngôi đền này là gỗ quý. Nghe giới thiệu, có những cây gỗ tới 600 năm tuổi. Dẫu phần móng và các trụ lõi phải sử dụng bê tông cốt thép để đảm bảo yêu cầu kết cấu chịu lực, chất liệu gỗ vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo với tiêu chí không dùng đinh mà ghép mộng và chốt gỗ nhằm lưu truyền kỹ thuật làm nhà của người xưa.
Bí mật khác xưa ở chỗ, vì nằm sát biển nên các loại gỗ quý huy động về đây đều trải qua quá trình ngâm tẩm hóa chất để cố gắng duy trì tuổi thọ của công trình. Theo giới thiệu, hàng ngày thường xuyên khoảng có khoảng 200 người tham gia các hạng mục thi công công trình. Sở dĩ phần trên bài viết này nhắc tới giá vé vào cổng vì từ hơn 20 năm nay, dù chưa hoàn thiện, người ta đã bắt đầu thu phí cho du khách vào thăm quan. Nếu đạt tiến độ, công trình dự kiến khánh thành vào năm 2025.
Càng đến gần và đặc biệt khi bước vào trong ngôi đền, cảm giác choáng ngợp về khối lượng gỗ và kích thước công trình thật khó diễn tả. Phác đồ cơ bản ngồi đền chia theo 4 nhánh, ứng với 4 phương và chiều dài đều nhau của mỗi nhánh là 100m. Cả 4 lối vào đều thiết kế ngỏ. Gánh vác bộ mái đền khổng lồ là 170 cột gỗ, mỗi cột có chiều dài 26m và đường kính 2,2m.
Mọi phần của đền từ mái, vòm, trần tới vách đều được khai thác tối đa nghệ thuật chạm khắc theo chủ đề là các sự tích của các tôn giáo lớn ở châu Á. Đứng tại tâm sàn ngôi đền, nhánh hướng đông dành để tôn vinh tình cảm gia đình, mối liên hệ mật thiết từ cha mẹ tới con cái. Phần này nhắn gửi thông điệp rằng mỗi cá nhân hãy khắc trong tim sự thật rằng cha mẹ chính là vị thánh sinh ra mình.
Nhánh hướng bắc nhằm tôn vinh một số nhân vật được truyền tụng trong các tôn giáo lớn ở châu Á. Nhánh hướng tây dành để ghi nhớ các vị thần theo truyền thuyết đại diện cho Đất, Nước và Lửa trong khi nhánh hướng nam mô tả các trích đoạn liên quan tới những hình tượng tiêu biểu trong văn hóa dân gian của Thái Lan.
Đặc biệt nhất là pho tượng bốn mặt, kích thước cao lớn lạ thường được bố trí sát ngoài ngôi đền. Pho tượng được giải thích chứa đựng lời khuyên “Tứ vô lượng” (từ - bi - hỉ - xả) của Phật giáo.
Sau phần chiêm ngưỡng toàn bộ bên trong ngôi đền với các tác phẩm điêu khắc độc đáo, du khách bước ra ngoài, trở lại với cảnh quan tự nhiên. Thật khó diễn tả cung bậc cảm xúc đan xen của mỗi du khách từ công trình gỗ khổng lồ nhân tạo đến hòa mình vào thiên nhiên yên bình.
Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/not-tram-o-thanh-pho-bien-pattaya-thai-lan-post15924.html