Nốt trầm tháng Bảy
Tháng Sáu ồn ào với những mưa nắng bất chợt rồi cũng qua đi nhường lại cho một tháng Bảy trầm lắng. Tháng Bảy, tháng của tri ân.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau vẫn còn đó, vẫn hiện hữu trong bao ngôi nhà trên đất nước Việt Nam.
Tháng Bảy, con xin nghiêng mình chia sẻ niềm đau còn hằn sâu trong mắt mẹ. Trên mảnh đất này có biết bao người mẹ Việt Nam ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ. Các anh không về mình mẹ lặng im... như trong lời bài hát “Đất nước” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn.
Có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau của người mẹ mất con. Mẹ đâu muốn trên ngực được gắn huy hiệu mẹ Việt Nam Anh hùng! Mẹ chỉ muốn các con của mẹ trở về bình an bên mẹ mà thôi.
Nhưng vì một đất nước hòa bình thống nhất, mẹ sẵn sàng tiễn chồng, con ra trận. Dẫu biết chiến tranh không phải trò đùa, nhưng khi đất nước lâm nguy, nào có ai lại khư khư lo giữ cho riêng mình.
Tháng Bảy, con muốn gom hết mây trời làm vòng tay ôm dáng mẹ. Xin mưa tháng Bảy đừng làm ướt tóc mẹ! Xin gió tháng Bảy đừng làm cay mắt mẹ! Xin nắng tháng Bảy đừng làm khô khát niềm tin của mẹ!
Tháng Bảy, tháng của những nốt trầm bi tráng. Tháng của sự tri ân thương tưởng đến bao người. Áp tai vào đất đi em. Lắng nghe lời thì thầm của người xưa vọng lại. Ta nhớ câu thơ của Nguyễn Đình Thi:
"Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về".
Tháng Bảy xin lắng lòng để tri ân bao thế hệ người Việt Nam đã ngã xuống để ta có được tự do như ngày hôm nay. Ta tự hỏi: họ vì điều gì mà hy sinh?
Nhà văn Nga I-li-a Ê-ren-bua trong áng văn "Lòng yêu nước" đã viết: Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất. Yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh.
Và cuối cùng ông rút ra một chân lý, ngọn nguồn của lòng yêu nước. Đó là dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Vôn-ga. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc.
Thì ra ngọn nguồn của lòng yêu nước bình dị như vậy. Ta hiểu vì sao bao người con ưu tú của đất nước tình nguyện lên đường đi vào nơi khói lửa chiến tranh. Nào phải họ không biết câu cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi – Xưa nay vào cuộc chiến có mấy ai (sống sót) mà trở về. Nhưng đất nước lâm nguy, họ không có nhiều thời gian nghĩ cho bản thân. Họ để lại sau lưng tất cả những gì mình yêu thương, gắn bó để lên đường ra trận.
Ta hiểu vì sao:
"Lớp cha trước lớp con sau
Đã thành đồng chí chung câu quân hành"
Còn biết bao người con của mẹ chưa trở về cùng gia đình, đồng đội. Họ đang ở đâu giữa mênh mông rừng núi Việt Nam? Khe suối nào, cánh rừng nào đang chở che cho các anh? Còn bao nhiêu người mẹ vẫn hằng đêm chong đèn tựa cửa chờ con. Dẫu biết chờ đợi là vô vọng vì cổ tích đâu có trong đời thường.
Đi từ Bắc chí Nam có tấc đất nào không thấm máu cha anh? Lớp lớp bao người con ưu tú của đất mẹ Việt Nam đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc trường tồn. Nào Vị Xuyên, Gạc Ma, Thành cổ Quảng Trị. Nào Điện Biên, Khe Sanh, Sài Gòn. Có tấc đất nào không thấm máu của những người lính trung kiên.
Đất nước này, giang sơn gấm vóc này được xây đắp bằng xương máu của cha anh. Tháng Bảy ơi xin mưa nhẹ rơi, xin nắng thôi đừng gay gắt, xin gió mát thoảng qua cho êm ấm chỗ các anh nằm.
Mỗi ngày, vẫn có những đoàn người đi vào trong rừng sâu, nơi chiến trường xưa mong tìm lại đồng đội, người thân. Những bó nhang thắp lên cháy đỏ giữa đại ngàn sâu thẳm như ngọn đuốc soi đường cho anh linh các anh trở về bên đồng đội và gia đình. Về với quê hương yêu dấu, về với người thân yêu chờ đợi mỏi mòn.
Thẻ nhang gầy trong tay mẹ liêu xiêu. Vệt khói ngoằn ngoèo vẽ dáng hình con trong nỗi nhớ. Mẹ tìm con giữa nghĩa trang lộng gió. Nỗi đau này có thể nào quên.
Tháng Bảy, con xin nghiêng mình tri ân tấm lòng của mẹ! Tháng Bảy, con xin nghiêng mình cảm tạ sự hy sinh của lớp lớp cha anh đã không tiếc thân mình quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/not-tram-thang-bay-254467.htm