NSND Bạch Tuyết: Kính tiễn Lê Duy Hạnh - 'thư ký thời đại' của sân khấu Việt Nam

LTS: Trên kênh YouTube, NSND Bạch Tuyết vừa có những lời vĩnh biệt tác giả Lê Duy Hạnh, một người bạn – một tri âm nghệ thuật đã thắp lên những hào quang sân khấu cho bà 'tìm thấy tiếng nói thực thụ, vị thế xứng đáng của một người nghệ sĩ dân tộc trong những vai diễn mà Lê Duy Hạnh đã viết, đã dựng cho tôi'. Để độc giả hiểu thêm về 'Người đối thoại lịch sử' Lê Duy Hạnh, Người Đô Thị ghi chép lại những lời vĩnh biệt đầy nỗi niềm chung riêng của NSND Bạch Tuyết.

Tác giả Lê Duy Hạnh (1947 - 2023). Ảnh: TL

Tác giả Lê Duy Hạnh (1947 - 2023). Ảnh: TL

Không phải đợi đến hôm nay, ngay lúc này, khi giờ phút Hạnh đã rời khỏi trần gian hữu hạn này để đi vào cõi tận cùng thì Bạch Tuyết mới gọi bạn là “thư ký thời đại” của sân khấu Việt Nam. Mà từ những ngày rất lâu, từ rất sớm, khi cầm trên tay cuốn kịch bản Diễn kịch một mình, năm 1992, hơn 30 năm trước, đọc một mạch, xong mới nhìn thấy tên tác giả, Bạch Tuyết đã thầm nhủ, Shakespeare của Việt Nam là đây chứ còn ai.

Rồi tiếp đến Hoàng hậu của hai vua, Độc thoại đêm, Trần Nhân Tông, Nỗi đau nhân loại, Hồn thơ ngọc, Chiếc áo thiên nga, Vua thánh triều Lê… thì trong Bạch Tuyết, cái tên Lê Duy Hạnh như một cỗ xe phi thời gian, phi không gian, nó xuôi ngược vạn lý cùng hành trình Đất và Nước, nó trăn trở “đòi phen” với Con Người, vì Con Người.

NSND Bạch Tuyết trong vở Diễn kịch một mình của tác giả Lê Duy Hạnh. Ảnh: TL

Mình hình dung về bạn - như một người thư ký thời đại mẫn tiệp và minh triết - bạn “một mình”, “độc thoại” dưới ánh đèn khuya, giữa những dòng ký ức của dân tộc, giữa những số phận mà lịch sử còn cân phân, hoặc có khi chỉ mấy dòng lưu cữu nhạt nhòa. Bạn đã đi tìm, đã lặng lẽ, đã ngồi xuống để “đọc giữa hai dòng chữ”, đọc ngược từ trang cuối để rồi soi mình dưới cái bóng đồng vọng ấy, đánh thức những câu hỏi đầy lương tri của kẻ hậu sinh.

Và đây là những câu hỏi, những mệnh đề bạn đã ghi chép cẩn trọng nhất, trung thực nhất về thời cuộc, về phẩm giá làm người:

Nếu Diễn kịch một mình là vở kịch nói độc diễn đầu tiên - với tính chính thể cao, hiện đại của sân khấu Việt Nam đương đại thì Hoàng hậu của hai vua là vở cải lương độc diễn đầu tiên của sân khấu kịch hát dân tộc. Tính thể nghiệm là bản sắc của Lê Duy Hạnh. Bởi dung lượng sáng tạo của một người nghệ sĩ đích thực đi cùng tư duy logic, duy lý và sắc bén của một sinh viên khoa Toán - Đại học Sài Gòn đã được hợp nhất, nhuần nhuyễn, thăng hoa trong một con người có tư tưởng, có lý tưởng và tài năng, sự tận hiến.

Ở những vở Độc thoại đêm, Trần Nhân Tông, Chiếc áo thiên nga, Hồn thơ ngọc… Lê Duy Hạnh đã làm nên những cuộc lưỡng phân cho nhân vật. Từ lịch sử đến nghệ thuật, những nhân vật như Lý Chiêu Hoàng, công chúa An Tư, công chúa Ngọc Hân… đều chuyên chở những câu hỏi tự vấn, những lời tự giải mật cho số phận đầy bi tráng của họ.

NSND Bạch Tuyết tái diễn vai Lý Chiêu Hoàng trong Độc thoại đêm (năm 2019) của tác giả Lê Duy Hạnh

Với Lê Duy Hạnh, sức quyến dụ lại là ở chỗ, ông để cho nhân vật Độc thoại nhưng kỳ thực là Đối thoại, cái tưởng là Bản ngã - Một mình nhưng lại bao trùm cái Vô ngã - Muôn người. Để sau cùng, trên hết, cái Tôi ấy sẽ lựa chọn, để đi tới quyết định vì cái Ta; quyền lợi của một Gia tộc sẽ nhường chỗ cho ích lợi lâu dài của một Dân tộc.

Tôi đã tìm thấy tiếng nói thực thụ, vị thế xứng đáng của một người nghệ sĩ dân tộc trong những vai diễn mà Lê Duy Hạnh đã viết, đã dựng cho tôi. Hạnh từng nói với tôi: một người nghệ sĩ nên có ba chữ “Tổ”. Đó là Tổ Quốc, Tổ Nghề và Tổ chức - trong khuôn khổ của một đơn vị, đoàn hát, tập thể để cùng sáng tạo, tận hiến.

Thầy tôi, má bảy Phùng Há tâm đắc với lời đúc kết ấy. Là đứa học trò, tôi đã xác tín trong mình chỉ một Tổ Quốc, Tổ Nghề chính là ba Năm, là má Bảy và bao người thầy, người đồng nghiệp lớn đã dạy dỗ, dìu dắt mình và Tổ chức - với tôi, hiện diện qua Lê Duy Hạnh.

Tác giả Lê Duy Hạnh và soạn giả Yên Lang tại Hội Sân khấu TP.HCM. Ảnh: Hoàng Kim

Tác giả Lê Duy Hạnh và soạn giả Yên Lang tại Hội Sân khấu TP.HCM. Ảnh: Hoàng Kim

Năm 1979, sau sự ra đi lẫm liệt của nghệ sĩ Thanh Nga, cùng với chú Sáu Thảo, tức ông Dương Đình Thảo - Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin TP.HCM hồi đó, tác giả Lê Duy Hạnh đã đến nhà tôi, mời tôi trở lại sân khấu. Vai diễn Thái hậu Dương Vân Nga là màn tái diễn đầu tiên của tôi với công chúng sau năm 1975.

Vài năm sau đó, tôi được biết đến Hạnh nhiều hơn qua các vở Dốc sương mù, Tâm sự Ngọc Hân, Ai giết nàng Kiều…; những lần gặp nhau ở Hội sân khấu TP.HCM, bạn luôn tạo cho tôi sự tin cậy về tư duy sắc bén, lập luận chặt chẽ; và nhất là bản lĩnh kiên định, thông minh trong mọi tình huống thử thách.

Mãi cho đến một ngày, sau một suất hát của Hoàng hậu của hai vua, Hạnh nói với tôi, ngày trước, khi đang hoạt động phong trào sinh viên - học sinh ở Sài Gòn, đôi lần đi coi bạn hát, tui định bụng, khi nào đất nước hòa bình, tui sẽ viết tuồng cho bạn diễn.

Trích đoạn Hoàng hậu của hai vua (tác giả Lê Duy Hạnh) trong liveshow Hồn chinh phu năm 2008 của NSND Bạch Tuyết

Tôi - trong phục trang của bà Thái hậu còn chưa kịp thay đã hạnh phúc tột cùng khi đón nhận lời ban tặng ấy từ vị tác giả khả kính. Hạnh nói tiếp, anh Hoa Phượng có nói với tui, cậu phải thay tôi viết tiếp tuồng tích cho Bạch Tuyết hát, cho thỏa cái sức sáng tạo của cô ấy.

Tận sâu thẳm lòng mình, tôi mang ơn hai người thầy, hai vị tác giả lớn trong đời ca kỷ của tôi. Nếu không có Hoa Phượng - Lê Duy Hạnh thì chắc chắn sẽ không thể có một Bạch Tuyết của ngày hôm nay.

Cho nên, hôm nay là một ngày rất buồn, tôi thêm một lần tiễn người tri âm nghệ thuật, bạn đã cùng với anh Hoa Phượng, anh Hùng Cường rời sân khấu cuộc đời rồi, tôi lại một lần “Diễn kịch một mình” trong cõi nhân sinh...

NSND Bạch Tuyết

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nsnd-bach-tuyet-kinh-tien-le-duy-hanh-thu-ky-thoi-dai-cua-san-khau-viet-nam-40871.html