NSND đạo diễn Đình Quang: Ngẩng đầu lên trong sáng tuyệt trần
Ấn tượng về cố đạo diễn Đình Quang (1928-2015) đối với tôi từ rất sớm khi nghe ông ngâm bài thơ 'Đêm nay Bác không ngủ' của Minh Huệ. Giọng ngâm trầm ấm gây xúc động cho hàng triệu người nghe. Sau đó tôi còn nghe ông trình diễn thi phẩm 'Nhớ về Maria' của Bertolt Brecht (Becton Brech) trong một buổi nói chuyện.
Những câu thơ tình yêu luôn vang vọng trong tôi đâu đó, rằng: "Vào một ngày tháng Chín trăng thanh/ Dưới cây mận non, tôi ôm nàng lặng lẽ/ Người yêu tôi mỏng manh trầm khẽ/ Trong tay tôi tựa giấc mộng dịu dàng…" (Vũ Hoàng Linh dịch)
Logic của nước mắt
Năm 1993 tôi có dịp phỏng vấn đạo diễn Đình Quang khi ông dựng vở "Người tốt thành Tứ Xuyên" cho Nhà hát Tuổi trẻ. Ông đã gây bất ngờ cho tôi với cách nói hùng biện âm vang như một cha giảng đạo trong nhà thờ. Nụ cười ông dịu dàng nhưng lại đầy ẩn ý trong từng câu chuyện khi nói về tác giả kịch bản Becton Brech (1898-1956), người Đức. Và đây cũng là kịch bản đầu tiên ông dàn dựng theo phong cách nghệ thuật sân khấu Becton Brech (kịch gián cách hay còn gọi là kịch tự sự lý trí). Tôi chưa hiểu mô tê gì về phong cách gián cách nên tò mò hỏi ông. Đột nhiên đạo diễn Đình Quang nhắc lại một câu chuyện của Becton Brech đã xảy ra trong quá khứ.
Khi đó Berton Brech đứng trước hai ngôi mộ chôn bên nhau với những dòng chữ khắc lên bia rằng: "Người diễn viên giỏi nhất và người khán giả xuất sắc nhất". Bởi đã xảy ra câu chuyện người nghệ sĩ diễn vai ác giỏi gây nên sự phẫn nộ của người xem. Một khán giả đã rút súng tiến tới sân khấu bắn chết nghệ sĩ đó vì quá căm thù nhân vật ngỡ tưởng như thật ở ngoài đời. Nhưng không ngờ Berton Brech đã giận dữ và viết luôn một dòng chữ bên cạnh: "Người diễn viên tồi nhất và người khán giả ngu ngốc nhất". Brech đã thể hiện thái độ phản kháng cực gay gắt bởi lẽ sân khấu của ông thật khác lạ. Người diễn phải tỉnh táo không được mê đắm (hóa thân) với tình cảm và đời sống nhân vật. Còn khán giả cần luôn có ý thức với những gì diễn ra sân khấu không phải là thật. Họ theo dõi câu chuyện mà nghệ sĩ diễn lại và có thái độ với những tình huống đang xảy ra trên sân khấu. Đó chính là cốt lõi của nghệ thuật gián cách của sân khấu hiện đại Berton Brech. Đây cũng là luận án tiến sĩ của đạo diễn Đình Quang vào thời gian ông đi học ở Đức (1968-1972).
Đạo diễn Đình Quang khi đó còn kể thêm cho tôi biết có lần tham gia dàn dựng vở kịch "Vòng phấn Cáp-ca" cũng của Berton Brech (Nhà hát Chèo Việt Nam vào thập niên 80) mới hay hiệu quả nghệ thuật gián cách này thật kỳ diệu. Khán giả đã rơi nước mắt trước cảnh diễn hai người phụ nữ tranh nhau kéo một đứa trẻ ra khỏi vòng tròn do quan tòa vẽ ra để xét xử xem ai chính là mẹ thật sự của đứa trẻ. Bởi một người đã nuôi đứa trẻ bị bỏ rơi bao nhiêu năm. Giờ đây người mẹ đẻ tìm đến đòi lại đứa bé chỉ vì nó được quyền thừa kế gia tài của dòng họ.
Sau khi người dẫn chuyện đã cất lên tiếng hát: "Trẻ em thuộc về những tấm lòng nhân hậu/ Để chúng trưởng thành trong mỗi yêu thương" thì khán giả đã xúc động bật khóc trước sự giành giật kia. Nhưng ở đây giọt nước mắt không phải là sự xúc động với nỗi cay đắng của người mẹ nuôi mà bật ra bởi số phận trớ trêu đáng thương của con người. Đó là tính logic của nước mắt. Đó là cái lý của người xem khi cùng quan tòa công nhận người yêu thương nuôi nấng đứa trẻ bao năm trời mới là người mẹ thật sự. Người xem đã đồng thanh cùng nghệ sĩ cất lên tiếng hát: "Đồng ruộng phải thuộc về người chăm bón tưới/ Để từ đất khi quả ngọt nảy đầy cây".
Hàng chục năm sau sự tỉnh thức "Logic của nước mắt" đó đạo diễn Đình Quang đã gửi gắm không ít vào những vở kịch như "Đêm giông tố", "Bạch đàn liễu", "Đại đội trưởng của tôi", "Tuổi hai mươi"…Cho dù những vở kịch này mang đậm dấu ấn tâm lý theo thể hệ Stanilapxki (Nga) nhưng luôn mang hơi thở của lý trí và tính logic đúng phong cách của Đình Quang. Lại nhớ đến thời ông dựng kịch "Bạch đàn liễu" (tác giả Xuân Trình). Không khí sân khấu ngày đó sôi nổi và đầy phấn khích với câu thơ truyền tụng: "Đình Quang đạo diễn tài ba/ Dựng Bạch đàn liễu chửi cha thói đời".
Ký ức dịu dàng
Mới đây tôi có dịp gặp NSND, họa sĩ Doãn Châu, nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cùng bao ký ức buồn vui về người thầy của mình. Anh là một trong những học trò xuất sắc của đạo diễn Đình Quang thuộc khóa I (1961-1964). Họa sĩ Doãn Châu bất ngờ nói đạo diễn Đình Quang là một phần của đời mình. Bởi lẽ anh cũng như học trò khác luôn được thầy Quang bảo vệ che chở mỗi khi có sóng gió trên đường đời. Ngay từ vở kịch đầu tiên "Đêm giông tố" anh đã học hỏi được nhiều ở đạo diễn Đình Quang. Triết lý về "Logic của nước mắt" đã thấm sâu trong mọi trình thức biểu diễn trên sân khấu. Với thầy Quang mọi thứ phải khúc chiết, thông tỏ và có lý lẽ chặt chẽ. Trên tay họa sĩ là những bức ảnh kỷ niệm về tình thầy trò. Anh kể ngoài đời đạo diễn Đình Quang khác hẳn khi làm việc. Với sân khấu đặc trưng của Đình Quang càng kỹ càng, logic bao nhiêu thì ngoài đời ông lại rất dịu dàng tình cảm bấy nhiêu. Đôi khi ông còn thể hiện sự ủy mị mềm yếu mỗi khi xúc động.
Họa sĩ Doãn châu kể, có lần đạo diễn Đình Quang cùng đi theo đoàn biểu diễn phục vụ chiến trường. Trong khi chờ đợi giờ mở màn ông bất ngờ nghe thấy tiếng trẻ con ở đâu đó vọng tới. Ông đã bật khóc vì nhớ đến con trai mới sinh được ba tháng đang ở nhà. Nghe tiếng trẻ khóc ông đã cất tiếng hát ru ngỡ như con mình vậy. Những câu hát ấy găm vào tình cảm của mỗi nghệ sĩ trước khi bước ra sân khấu. Họa sĩ Doãn Châu vẫn còn nhớ giọng ru ấm áp, trầm bổng của người thầy khi đó: "Ngoài sương gió cha vẫn yên lòng/ Yên giấc con nằm nôi/ Vì tương lai của con sáng tươi".
Họa sĩ Doãn Châu còn kể khi sinh con gái thầy Đình Quang đã lấy tên bạn (đạo diễn Ngô Y Linh) để đặt tên cho con. Còn chữ đệm lấy từ tên vợ của thầy. Đó chính là MC nổi tiếng và xinh đẹp Nguyễn Mỹ Linh (THVN). Tình bạn giữa hai đạo diễn rất sâu sắc từ khi cùng học ở Hý viện Bắc Kinh (1954-1959). Sau này cả hai cùng với đạo diễn Nguyễn Đình Nghi về dạy khóa kịch nói đầu tiên tại Hà Nội. Ít lâu sau khi đạo diễn Đình Quang đi bảo vệ luận án tiến sĩ ở Đức thì đạo diễn Ngô Y Linh trở về nam hoạt động và đã mất tại TP HCM (1978).
Dưới sự dậy dỗ của các thầy lớp diễn viên kịch nói khóa I đã trở thành trụ cột cho Nhà hát kịch nói Việt Nam sau này. Ai nấy đều giỏi nghề và nổi tiếng như: Doãn Hoàng Giang, Trọng Khôi, Thế Anh, Đoàn Dũng, Hà Văn Trọng, Doãn Châu, Nguyệt Ánh, Bích Thu, Mỹ Dung, Minh Ngọc, Tú Mai… Họ đều được Nhà nước phong danh hiệu NSND hoặc NSƯT. Đó là thế hệ vàng của sân khấu kịch nói trong gần nửa thế kỷ qua. Lúc này nhìn bức ảnh thầy Đình Quang chụp chung với học trò vang danh một thời chúng tôi thật bùi ngùi với bao ký ức tràn về. Bất ngờ họa sĩ Doãn Châu nhớ đến bài thơ "Ta đi tới" của nhà thơ Tố Hữu qua giọng ngâm của thầy Đình Quang. Anh nói thật xúc động và cho biết bài thơ vang lên với sự bay bổng trong niềm lạc quan vô bờ bến: "Ngẩng đầu lên trong sáng tuyệt trần/ Tháng Tám mùa thu xanh thắm/ Mây nhởn nhơ bay/ Hôm nay ngày đẹp lắm/ Mây của ta trời thắm của ta…". Âm hưởng ấy luôn ngân rung trên sân khấu của đạo diễn Đình Quang. Ông đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Đốt cháy trí tuệ đến thành trái tim
Tính triết lý của thi ca Berton Brech thấm đẫm trong từng nhân vật mà đạo diễn Đình Quang gửi gắm qua mỗi vở diễn. Ông là người đầu tiên đổi mới đưa phong cách nghệ thuật gián cách lên sân khấu. Không hẳn chỉ là người duy nhất hiện nay với học vị tiến sĩ về phong cách Berton Brech mà đạo diễn Đình Quang đã biến nó thành hiện thực qua những vai diễn. Ông đã hòa trộn nó với thủ pháp cách điệu và ước lệ của nghệ thuật tuồng chèo dân tộc một cách nhuần nhuyễn. Không những thế nền tảng nghệ thuật gián cách còn thấm nhuần nét đặc trưng của thiền quán Phật giáo.
Về điều này ông từng giải thích, ta tách ra khỏi tâm ta để quan sát cái tâm vui buồn, giận hờn, ghen ghét của ta từ điểm nhìn trí tuệ (đó chính là tâm quán tâm). Do đó khán giả phải được tách ra khỏi vở diễn trong sự thức tỉnh và đưa ra cách giải quyết thấu đáo trọn vẹn những mâu thuẫn trên sân khấu. Sinh thời nhà thơ Tố Hữu đã từng nói về thi ca Berton Brech rằng: "Đốt cháy trí tuệ đến thành trái tim". Và đó cũng là nguyên tắc mà NSND đạo diễn Đình Quang tôn thờ và muốn cải cách về nghệ thuật sân khấu bấy lâu nay.