NSND Thúy Hường: 'Kiếp sau, vẫn xin làm người hát quan họ'
Mê đắm với dân ca Quan họ, NSND Thúy Hường bảo, nếu có kiếp sau, chị vẫn muốn là người quan họ.
Sinh ra và lớn lên ở Cách Bi, Quế Võ, Bắc Ninh, học hết cấp 3, Thúy Hường nộp hồ sơ xin vào trường Sư phạm mẫu giáo như ý nguyện của gia đình nhưng vẫn âm thầm dự thi vào trường Văn hóa - Nghệ thuật Hà Bắc.
Giọng hát tự nhiên mộc mạc như khi ngồi trên con đê quê hương hát cùng bạn bè, nhưng lại đầy sức sống và quyến rũ, đã thuyết phục được Ban giám khảo kỳ thi năm đó. Rồi chị đỗ vào Trường Văn hóa Nghệ thuật Hà Bắc. Sau khi tốt nghiệp Thúy Hường về Đoàn Dân ca Quan họ. Môi trường ấy đã giúp Hường không ngừng trưởng thành trên bước đường nghệ thuật cùng với tố chất của Quan họ, kỹ thuật hát “vang, rền, nền, nẩy”, bằng sự nỗ lực học tập kiên trì rèn luyện của bản thân đã tạo nên một NSND Thúy Hường như ngày nay.
Thúy Hường kể, chị mê dân ca từ bé, niềm đam mê đó được bắt nguồn từ người mẹ của chị. Bà có một chất giọng rất hay và vang như chuông. Từ nhỏ, Thúy Hường đã được nghe mẹ ru, mẹ hát rất nhiều và các làn điệu dân ca ấy cứ thấm dần và thấm đẫm vào mình như thế.
Thúy Hường bảo, với nghệ thuật thì tình yêu bắt nguồn từ niềm đam mê, bên cạnh đó cần có một chút năng khiếu bẩm sinh nhưng quan trọng là sự phấn đấu và vươn lên không ngừng của người nghệ sĩ. Tình yêu dân ca Quan họ trong chị cũng được khơi theo dòng mạch ấy và cứ nhân lên, say cháy, lớn dần theo năm tháng.
“Tôi yêu tất cả những gì thuộc về Quan họ và tôi coi dân ca Quan họ là lẽ sống của đời mình. Cũng nhờ Dân ca Quan họ Bắc Ninh mà tên tuổi của tôi được công chúng biết đến, được tin yêu và định vị bền vững trong lòng khán giả”, NSND Thúy Hường chia sẻ.
Ngay từ trước lúc dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì NSND Thúy Hường cũng như rất nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ, liền anh liền chị khác đã có ý thức gìn giữ, bảo tồn dân ca Quan họ Bắc Ninh. Bằng rất nhiều hoạt động khác nhau như thường xuyên tìm đến các cụ nghệ nhân để học hỏi, trau dồi vốn liếng dân ca Quan họ, tích cực tham gia biểu diễn dân ca Quan họ ở các lễ hội, các địa phương và những ngôi chùa, tranh thủ, tận dụng mọi cơ hội nhằm quảng bá, giới thiệu dân ca Quan họ Bắc Ninh đến công chúng trong và ngoài nước…
“Sau khi dân ca Quan họ được UNESCO vinh danh, mỗi nghệ sĩ trong đó có tôi lại càng thấy trách nhiệm nặng nề hơn đối với việc bảo tồn và phát triển văn hóa phi vật thể này của Bắc Ninh nói riêng và của nhân loại nói chung”, NSND Thúy Hường chia sẻ.
Mấy chục năm say mê, gắn bó với Quan họ, cũng vin vào làn điệu dân ca quê hương mà dù có trải qua nhiều sóng gió về tình cảm, Thúy Hường vẫn trụ được, vẫn tìm được hạnh phúc của riêng mình. Thế nên với chị, Quan họ là lẽ sống cho cuộc đời. Đầu năm 2012, Thúy Hường đã chuyển sang làm giảng viên Trường Trung cấp Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh và hiện là Phó hiệu trưởng của trường. Chị nghĩ trong môi trường mới này, chị sẽ có điều kiện để truyền niềm đam mê và kiến thức về văn hóa quan họ cho các em.
Mong muốn mang chuyên môn của mình đến những người khác, đặc biệt là các bạn ở nước ngoài không có điều kiện đi lại, suốt nhiều năm nay, NSND Thúy Hường cũng đã bắt đầu hướng dẫn cho những ai yêu thích dân ca quan họ cách hát các làn điệu dân ca quan họ cổ miễn phí tại nhà. Khi công nghệ phát triển cùng với sự giúp sức của nhiều người, NSND Thúy Hường mở kênh YouTube riêng mang tên mình và tiếp tục truyền dạy cho những ai yêu dân ca.
Theo chị, cách học quan họ tốt nhất phải là phương pháp truyền khẩu, không nhạc. Với mỗi câu, từ khó, người hướng dẫn sẽ uốn nắn, chỉnh khẩu hình mở như thế nào, lưỡi để thẳng, áp lên hàm ếch, hay để cong...
NSND Thúy Hường kể, chị vô cùng xúc động khi tưởng rằng, chỉ có trong nước mới yêu những làn điệu dân ca quan họ nhưng khi đi lưu diễn nước Châu Âu, một cháu bé mới 5 tuổi mà hát được đến ba, bốn bài quan.
“Cháu còn quá nhỏ, lại sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, vậy mà cháu đã biết đến quan họ. Thật đáng quý, đáng yêu biết bao nhiêu! Quan họ nay đang lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Họ thành lập rất nhiều câu lạc bộ hát quan họ. Kiều bào ta ở nước ngoài cũng đi diễn với đầy đủ trang phục, nón ô, cơi trầu. Mặc dù mọi người đi làm rất vất vả nhưng vẫn dành thời gian luyện tập, biểu diễn khiến tôi thấy rất cảm kích. Khi tôi hỏi, họ trả lời họ tập vì thích, vì say mê. Cái diễn, hát như vậy làm cho mọi người cảm thấy rất gần gũi với quê hương”, NSND Thúy Hường kể.
Chị quả quyết: “Nếu có kiếp sau, vẫn xin làm người hát quan họ”.
NSND Thúy Hường - Ngồi tựa song đào: