NSND Trần Ngọc Giàu: 'Muốn sân khấu cải lương phát triển phải bắt đầu từ gốc'

Tại buổi ra mắt sách khảo cứu Sân khấu cải lương TP.HCM 1975-2025, NSND Trần Ngọc Giàu nhận định muốn sân khấu cải lương phát triển phải bắt đầu từ gốc, phải biết gốc là gì?.

Ngày 8-7, tại Đường sách TP.HCM, Hội Sân khấu TP.HCM đã tổ chức buổi ra mắt sách chuyên khảo “Sân khấu cải lương TP.HCM 1975-2025".

Đây là dịp để các nghệ sĩ và nhà nghiên cứu cùng nhìn lại chặng đường 50 năm phát triển của sân khấu cải lương kể từ ngày đất nước thống nhất, đồng thời thảo luận về những thách thức và cơ hội mà loại hình nghệ thuật này đang đối mặt trong thời đại mới.

 Buổi ra mắt sách chuyên khảo "Sân khấu cải lương TP.HCM 1975-2025".

Buổi ra mắt sách chuyên khảo "Sân khấu cải lương TP.HCM 1975-2025".

Chia sẻ tại buổi giao lưu, NSND Trần Ngọc Giàu – Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, cho biết: “Sân khấu cải lương TP.HCM 1975–2025” là một công trình khảo cứu được thực hiện trong điều kiện chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Trước đó, sân khấu cải lương từng có một tập sách ghi nhận chặng đường 20 năm (1955–1975).

"Sân khấu cải lương có nhiều nghệ sĩ và tuổi đời của họ sẽ qua nhanh, thậm chí nhiều nghệ sĩ đã qua đời, do đó nếu không làm tác phẩm này thì sẽ không có sự ghi nhận những cống hiến của họ" – NSND Trần Ngọc Giàu bày tỏ.

 NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM. Ảnh: VĂN HÀ

NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM. Ảnh: VĂN HÀ

Sân khấu cải lương TP.HCM 1975-2025 là một món quà chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, NSND Trần Ngọc Giàu hy vọng tác phẩm này sẽ gợi mở cho những người đọc nó thấu hiểu hơn chặng đường đã qua và định hướng cho hướng đi sắp tới của sân khấu cải lương.

Theo NSND Trần Ngọc Giàu, tập khảo cứu Sân khấu cải lương TP.HCM 1975–2025 là một nỗ lực nhằm xây dựng nền tảng lý luận cho loại hình nghệ thuật này – điều mà sân khấu cải lương TP.HCM còn thiếu. Từ đó, ông đặt vấn đề: Nên chăng phục hồi Trung tâm nghiên cứu và phát triển sân khấu cải lương?.

"Nếu không có cải lương, sân khấu Việt Nam còn loại hình nào khác để phản ánh con người đương thời? Ở Đông Nam Á, các sân khấu truyền thống hầu như chỉ diễn lại tích xưa; khi chạm đến đề tài hiện đại, họ buộc phải chuyển sang kịch nói.

Trong khi đó, cải lương của chúng ta, ngay từ buổi đầu ra đời đã có khả năng phản ánh đời sống đương đại nhờ sự thông minh và sáng tạo của những người khai sáng" - NSND Trần Ngọc Giàu bày tỏ.

Dưới góc nhìn của một người thực hành cải lương hơn 40 năm, theo NSNS Trần Ngọc Giàu, muốn cải lương phát triển thì phải bắt đầu từ gốc. "Không thể gọi là "đổi mới" nếu không biết cái cũ là gì. Đổi mới phải dựa trên nền tảng, không thể tạo ra cái mới từ hư vô.

Về phía chính quyền, tôi kiến nghị nên xem sân khấu cải lương là một di sản văn hóa quốc gia và cần xúc tiến lộ trình để công nhận nó là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Nếu không làm sớm, thì khi nó mất đi rồi, chúng ta không còn cơ hội.

Hiện tại, cải lương vẫn đang tồn tại, vẫn đang sống và đó là điều đáng mừng. Nhưng muốn giữ được "đờn ca tài tử" thì phải nuôi sống cải lương. Bởi nếu không có cải lương, đờn ca tài tử cũng không còn môi trường biểu diễn, không có hình thức để phát triển" - NSND Trần Ngọc Giàu cho hay.

Là người tham gia sân khấu kịch nói, khi tham gia công trình khảo cứu về sân khấu cải lương, NSND Trần Minh Ngọc cho biết bản thân gặp không ít khó khăn.

 NSND Trần Minh Ngọc nhấn mạnh giá trị chuyên môn của sách "Sân khấu cải lương TP.HCM". Ảnh: VĂN HÀ

NSND Trần Minh Ngọc nhấn mạnh giá trị chuyên môn của sách "Sân khấu cải lương TP.HCM". Ảnh: VĂN HÀ

"So với tập sách trước, có thể nói khát khao được đóng góp cho sân khấu cải lương vẫn vẹn nguyên. Tuy nhiên, điểm nổi bật ở tập sách lần này là sự ghi nhận quá trình phát triển vượt bậc về mặt trình diễn, với dấu ấn rõ nét từ bàn tay dàn dựng của những đạo diễn được đào tạo bài bản ở nước ngoài.

Những nghệ sĩ như NSND Trần Ngọc Giàu, Đoàn Bá, Hoa Hạ... đã mang hết tâm huyết, kỹ năng và tư duy nghệ thuật hiện đại để góp phần làm nên thời kỳ rực rỡ của sân khấu cải lương TP.HCM.

Tập sách cũng đề cập đến nhiều vấn đề trọng yếu khác như đời sống sân khấu, công tác lý luận – phê bình và những trăn trở về tương lai của cải lương trong dòng chảy văn hóa đương đại" - NSND Trần Minh Ngọc chia sẻ.

Tại buổi giao lưu, TS Mai Mỹ Duyên cho rằng cuốn sách mở ra một giai đoạn mới để nhìn nhận và nghiên cứu sân khấu cải lương trong bối cảnh công nghiệp văn hóa và sự bùng nổ của công nghệ thông tin.

“Chúng ta cần đào tạo đội ngũ có tư duy sáng tạo mới, biết ứng dụng khoa học – công nghệ hiện đại nhằm nâng tầm cải lương, để bộ môn nghệ thuật sân khấu đặc sắc này có thể vươn ra thế giới” - TS Duyên nhấn mạnh.

 TS Mai Mỹ Duyên chia sẻ tại buổi giao lưu.

TS Mai Mỹ Duyên chia sẻ tại buổi giao lưu.

VĂN HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/nsnd-tran-ngoc-giau-muon-san-khau-cai-luong-phat-trien-phai-bat-dau-tu-goc-post859319.html