NSƯT Đăng Dương bật khóc trong liveshow riêng, tung nốt cao tráng lệ cùng Đào Tố Loan, Võ Hạ Trâm
Không chỉ tung nốt cao tráng lệ, kỹ thuật bậc thầy, Đăng Dương còn đãi khán giả bữa tiệc thanh âm thịnh soạn trên nền nhạc Cách mạng.
Vừa qua, NSƯT Đăng Dương đã hoàn thành "sứ mệnh âm nhạc" thiêng liêng khi thực hiện live show nhạc Cách mạng mang tên Tổ quốc gọi tên mình. Live show này của Đăng Dương được đánh giá cao cả về chuyên môn lẫn ý nghĩa xã hội, thổi vào khán giả nguồn cảm xúc dâng trào, lớn lao về tình yêu đất nước, dân tộc.
Bữa tiệc âm thanh độc đáo đậm tính đương đại trên dòng nhạc kinh điển của dân tộc
Nhạc Cách mạng là dòng nhạc mang đậm tính dân tộc và vẽ nên hồn điệu đất nước một cách toàn vẹn nhất. Tuy nhiên, dòng nhạc này khá kén ca sĩ thể hiện cũng như người nghe, nên không phổ biến rộng rãi trên thị trường âm nhạc hiện nay.
Vì vậy, người nghệ sĩ sống được với nhạc Cách mạng đã khó, tổ chức được cả một liveshow cho riêng mình bằng nhạc Cách mạng lại càng khó hơn, nhưng Đăng Dương đã làm nên kỳ tích này.
Tổ quốc gọi tên mình là liveshow thứ hai trong sự nghiệp của Đăng Dương, vẫn lấy nhạc Cách mạng làm chủ đạo, như lời khẳng định cho bản lĩnh nghệ thuật ở anh, khi luôn kiên định, vững tâm theo đuổi dòng nhạc mình đam mê, dù nhiều đồng nghiệp đã rẽ hướng sang những dòng nhạc khác để tìm kiếm khán giả.
Nói cách khác, ở Đăng Dương là bản lĩnh nghệ sĩ lớn, không đứng núi nọ trông núi kia để chạy theo thị trường. Có lẽ vì ân tình đó mà khán giả càng yêu thương Đăng Dương hơn.
Liveshow diễn ra đúng giờ, không delay dù chỉ một phút nhưng khắp khán phòng rộng lớn vẫn kín chỗ. Đặc biệt, ngoài thế hệ lớn tuổi, vẫn có nhiều khán giả trẻ tìm đến để được thưởng thức tiếng hát Đăng Dương.
Điều đó cho thấy, Đăng Dương không tìm kiếm khán giả như nhiều ca sĩ khác, mà bằng giọng hát đã khiến khán giả phải tự tìm đến anh. Rõ ràng, nhạc Cách mạng vẫn sống bền bỉ, có thị trường sinh tồn riêng và nằm trong trái tim nhiều thế hệ khán giả. Đăng Dương như người giữ lửa và truyền lửa cho dòng nhạc này được đi tiếp chặng đường dài.
Liveshow Tổ quốc gọi tên mình chỉ kéo dài trong 3 tiếng đồng hồ nhưng như cuốn sử thi đồ sộ, gói trọn cả một thời kỳ đầy bão táp nhưng huy hoàng của dân tộc, từ những năm tháng chiến tranh quật cường tới khi xây dựng hòa bình, ấm no.
Ít có ca sĩ nào đạt tới sức bền lớn như Đăng Dương, khi hát liên tục suốt 3 tiếng đồng hồ với gần 30 ca khúc dung lượng lớn (cả về kỹ thuật, nội lực lẫn ca từ, nội dung) nhưng vẫn không hề đuối sức, không bị rớt dù chỉ một nhịp, và càng hát lại càng khỏe, khiến khán giả vô cùng bất ngờ, thán phục.
Ngoài kỹ thuật, thể lực, chỉ tình yêu đất nước, yêu âm nhạc mới giúp Đăng Dương cống hiến trọn vẹn đến thế.
Tuy chủ đạo là nhạc Cách mạng, nhưng live show Tổ quốc gọi tên mình lại rất đa dạng, biến hóa, hội nhập và có nhiều sự mới lạ, sáng tạo về âm nhạc, không hề cũ kỹ hay lặp lại.
Rất hiếm khi khán giả tới dự một đêm nhạc Cách mạng lại thấy sự kết hợp toàn vẹn giữa dàn nhạc giao hưởng phương Tây lẫn nhạc cụ dân tộc (đàn bầu, đàn nguyệt, sáo trúc...), thêm cả nhạc cụ acoustic và nhạc cụ điện tử.
Các bộ nhạc được phối khí, hòa thanh cùng nhau một cách nhịp nhàng theo xu hướng fusion đương đại, tạo nên bữa tiệc thanh âm đã tai, mang nhiều màu sắc. Khán giả được thả hồn theo những giai điệu du dương của nhạc dân tộc, tới khí thế hào hùng, đồ sộ của nhạc giao hưởng, lan ra không gian rộng mở của World Music trong âm hưởng nhạc kịch Broadway, rồi trở về mộc mạc cùng acoustic…
Chẳng hạn, ca khúc Nơi đảo xa được sử dụng âm thanh, tiết tấu hiện đại, beat biêns ảo kết hợp cùng bộ dây, âm hưởng lúc hào hùng, lúc dồn dập, nghe rất đã tai.
Rất nhiều người xem không giấu được sự tò mò lẫn cảm xúc hứng khởi khi được nghe những giai điệu quen thuộc của các ca khúc Cách mạng kinh điển trên nền hòa thanh mới đậm tính đương đại, hội nhập với âm nhạc thế giới. Đây là một trải nghiệm âm nhạc thú vị với cả người nghệ sĩ lẫn khán giả, thể hiện sự sáng tạo, đổi mới không ngừng nghỉ và trên hết là tâm huyết lớn với nhạc Cách mạng, mong muốn đưa dòng nhạc này tới gần khán giả trẻ hơn.
Đặc biệt, tuy làm mới và sáng tạo, nhưng live show vẫn giữ được hồn cốt của nhạc Cách mạng, đó là tính dân tộc, tính sử thi, tính trữ tình vốn có và khơi gợi được lòng yêu nước mãnh liệt trong lòng người nghe. Những cảm xúc này đến một cách tự nhiên, chân thật tới mức khán giả ngồi dưới rung động theo từng cung bậc nhạc, tự động vỗ tay theo nhịp điệu khi ca sĩ đang hát một cách hào hứng. Ở đây, khán giả và nghệ sĩ hòa cùng nhau trong âm nhạc, không còn khoảng cách.
Đẳng cấp kỹ thuật của những nghệ sĩ lớn khi đứng cùng một sân khấu
Không chỉ nhân vật chính Đăng Dương, các khách mời đều là những nghệ sĩ có tài năng, tâm huyết với nghề. Đào Tố Loan và Võ Hạ Trâm là hai giọng nữ cao có kỹ thuật hàng đầu Việt Nam hiện nay (một bên nhạc cổ điển, một bên nhạc nhạc).
Võ Hạ Trâm khiến khán giả rùng mình khi belt những cú E5, F5 sáng rực và vang dội, vô cùng đẹp, nhưng ngay sau đó lại lả lướt, êm ái, mềm mại trên điệu dân ca trong ca khúc Trăng sáng đôi miền, rất ít giọng nữ tại Việt Nam hiện nay belt E5, F5 sáng đẹp, thoải mái như cô.
Đào Tố Loan lại làm mới Mẹ yêu con trong sự kết hợp giữa các kỹ thuật cổ điển với một chút R&B nhẹ. Dù hát bằng head voice theo lối bán cổ điển, nhưng Đào Tố Loan lại biến tấu thêm nhiều đoạn cadenza mới, với chút luyến láy, phiêu diêu trên hơi hướm R&B/Gospel. Đoạn phiêu head voice cuối bài trên âm đóng khiến khán giả không khỏi liên tưởng tới cách kết bài của Whitney Houston trong những bài hit kinh điển.
Nhóm nhạc Oplus cũng là một điểm nhấn thú vị cho đêm nhạc, khi hát nhạc Cách mạng với tinh thần sôi động, tươi mới và nhiều năng lượng của giới trẻ, không quá nặng tính học thuật, hàn lâm, chỉn chu như thế hệ trước. Cái ôm thật chặt của Đăng Dương với từng thành viên Oplus như sự truyền lửa, giao giữ nhạc Cách mạng từ thế hệ trước đó (Trung Kiên, Quang Thọ…) tới thế hệ anh và đi theo thế hệ trẻ sau này. Nhạc Cách mạng sẽ được gìn giữ và phát huy để sống mãi cùng dân tộc.
Và tất nhiên, người đem lại cảm xúc dạt dào nhất cho khán giả vẫn là Đăng Dương.
Ngoài bữa tiệc âm thanh, khán giả còn được thưởng thức bữa tiệc vocal do Đăng Dương đem lại bằng nhiệt huyết lớn của mình. Có thể nói, nam nghệ sĩ đã cống hiến cho khán giả đến tận cùng huyết quản, khi hát từ đầu tới cuối show với gần 30 ca khúc mà vẫn cuộn trào năng lượng.
Ở Đăng Dương vẫn là những kỹ thuật cổ điển chuẩn chỉ, support tốt từ hơi thở tới vị trí âm thanh, giúp giọng hát không chỉ khuếch đại âm lượng lớn mà còn cộng hưởng vang dội. Ở đa số các ca khúc, Đăng Dương đều hát với âm lượng lớn để thể hiện tinh thần hào hứng, nhưng vẫn thoải mái, không strain, không đuổi hơn. Anh khiến người nghe phải "nổi da gà" mỗi khi lên cao, belt cộng hưởng ầm ầm, nổi trên dàn nhạc.
Những đoạn kết bài, Đăng Dương thường ngân dài giọng từ âm mở tới âm đóng, giữ độ đanh, dày trong khoảng từ E4 tới tận B4 để tạo cơn bão cảm xúc cuộn trào vào lòng khán giả.
Cách xử lý ca khúc của Đăng Dương cũng đa dạng, sử dụng kỹ thuật khá tinh tế và bật được tinh thần ca khúc. Chẳng hạn, trong bài Chào em cô gái Lam Hồng, anh đẩy âm thanh bật xoang vào vị trí đỉnh trán khi pharse, tạo âm thanh như tiếng vọng rừng núi, đem dải Trường Sơn về Hà Nội chỉ trong một khoảnh khắc. Tới ca khúc Nơi đảo xa, anh belt dài cộng minh kết hợp cả glissando trên vibrato áp vào beat nhạc dồn dập cuối cùng, tạo nên cả một cơn bão cuộn trào. Hay ở bài Màu hoa đỏ, nam ca sĩ hát piano (nhỏ tiếng dần) rồi kéo vibrato chậm dần, tạo sự nức nở, rưng rưng cho câu hát. Anh còn xúc động tới mức bật khóc khi hát ca khúc này.
Ngay cả khi hát chung với Oplus, dù khá tiết chế, nhưng Đăng Dương vẫn thể hiện một đẳng cấp khác hẳn. Trong khi Oplus strain khi belt cao, khá chới với thì Đăng Dương vửa mở mồm, nhả ra một chữ cũng cộng hưởng, squall âm lượng lớn, độ bắn mạnh, nổ, âm thanh khỏe, chắc, dày, dựng tiếng rõ rệt, áp đảo đàn em.
Tới khi chuyển qua tân nhạc ở một số bài như Gửi nắng cho em, Sơn nữ ca, Tình ca… Đăng Dương chuyển được vị trí âm thanh ở đôi chỗ, từ dựng tiếng cộng minh sang hơi airy, ấm áp. Tuy vẫn giữ tinh thần bán cổ điển, nhưng không thể phủ nhận Đăng Dương khá có tiềm năng hát nhạc nhẹ. Rất hi vọng thời gian tới, nam ca sĩ sẽ khai phá mảng nhạc này.
Ca khúc Đường chúng ta đi được chọn để kết thúc show nhạc trong sự hân hoan, sôi nổi và ngập tràn năng lượng tích cực, khiến khán giả không ngừng vỗ tay hát theo, như một lời khẳng định về sức sống của nhạc Cách mạng trong đời sống đương đại. Những nghệ sĩ như Đăng Dương vẫn luôn là người gác đền trung kiên với dòng nhạc chính ca này.