NSƯT Lê Hồng Thắm: Tôi bị mắng vì sự nghiệp chớm nở lại đi lấy chồng!
NSƯT Lê Hồng Thắm và nghệ sĩ Thanh Phong không có tình yêu lãng mạn như đồn thổi mà thay vào đó là tình cảm chân thành. Bị mắng vì cưới sớm, cô nói: 'Không có anh ấy thì không có tôi hôm nay'.
Chuyện qua 17 năm nhưng lần nào kể cũng làm tôi nổi da gà
- Hành trình theo nghề của Lê Hồng Thắm khá nhẹ nhàng, êm đềm, hát 10 năm "ẵm" đầy giải thưởng và được phong NSƯT?
Tôi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh năm 2005. Học xong 3 năm trung cấp, tôi thấy mình còn non nghề quá, không tự tin ra ngoài đi làm nên học tiếp 3 năm cao đẳng. Năm 2003, tôi thi giải Trần Hữu Trang xem sức mình đến đâu. Qua các vòng, tôi thi trích đoạn vở Trắng hoa mai, Duyên kiếp… rồi thắng HCV trong đêm chung kết với trích đoạn Hồi xuân dược.
Kể thì nghe suôn sẻ nhưng quá trình thi rất khổ. Nói thẳng là tôi không có tiền để đầu tư cho tiết mục, vòng thi nào cũng phải gom góp tiền thuê trang phục. Năm đó, tôi cũng chỉ là dự bị vì trường đã có danh sách, các anh chị đều dày dặn kinh nghiệm. Tôi chỉ là sinh viên “tay mơ”, ai ngờ thi chơi mà “ăn” thật!
Cũng năm 2003, tôi ra Hà Nội thi giải Tài năng trẻ. Vừa tới thủ đô, tôi tắt tiếng hoàn toàn vì thời tiết quá lạnh. Tôi được đưa đi tiêm thuốc, xông hơi đều không ăn thua. Sáng hôm đó tại Nhà hát Lớn Hà Nội, tôi khấn Tổ: “Cho con hát đúng 20 phút rồi tắt tiếng cũng được”. Thật kinh ngạc, tôi bước ra sân khấu hát phăng phăng trong khi trước đó còn nói không ra tiếng. Đúng 18 phút xong trích đoạn Hồi xuân dược, tôi trở vào trong thì tắt tiếng trở lại! Chuyện qua 17 năm nhưng lần nào kể cũng làm tôi nổi da gà. Tôi đạt giải Nhì năm đó.
Tốt nghiệp Cao đẳng, tôi được chú Hoàng Song Việt mời đóng vở Cung đàn nào cho em và Một nửa thiên đường tại Nhà hát Trần Hữu Trang. Sau 2 vở này, tôi chính thức cộng tác với nhà hát, đến năm 2010 thì vào biên chế. 17 năm qua, tôi chỉ làm việc tại nhà hát này. Trong gia tài giải thưởng nho nhỏ, tôi rất quý 3 HCV và 1 HCB của Liên hoan Nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc.
- Chị nuôi đam mê cải lương từ nhỏ hay được ai truyền cảm hứng?
Các nhà dưới quê tôi hồi đó hầu như không có tivi để xem. Hàng xóm tôi sang lắm có cái tivi trắng đen bé xíu, nhờ nó tôi mới xem được cô Lệ Thủy hát vở Tô Ánh Nguyệt. Thời đi học, tôi nhịn tiền ăn để mua báo Sân khấu vì có chuyên mục in các bài hát mới, tôi mua về chép vào tập. Tốt nghiệp cấp 3, tôi thi đúng một nguyện vọng vào trường sân khấu. Hồi đó, tôi còn quá nhỏ để biết đam mê là gì. Tôi học hát vở Tô Ánh Nguyệt, chép các bài ca cổ cũng chỉ đơn thuần là sở thích. Từ sở thích, tôi theo nghề đến nay, đó mới là đam mê.
Hồi nhỏ, tôi chỉ nghe và thần tượng cô Lệ Thủy, sau này thích thêm chị Tài Linh, Thanh Ngân, Cẩm Tiên và Phượng Hằng. Tôi thích nghe các chị ca, còn diễn là phải xem chị Thoại Mỹ. Tôi “nhiễm” một phần lối diễn của chị Thoại Mỹ.
- 17 năm ấy đọng lại trong chị những ký ức, kỷ niệm nào khó quên?
Là nghệ sĩ, tôi không ngại đi diễn xa để mang tiếng hát phục vụ khán giả, nhớ nhất có lẽ là các chiến sĩ ở Trường Sa. Nếu như chuyến đầu tiên hồi năm 2010 sóng yên biển lặng bao nhiêu thì chuyến thứ hai năm 2014, chúng tôi đi ngay lúc biển động do áp thấp nhiệt đới. Tôi nằm trên giường trong phòng mà xây xẩm, ói ra mật xanh, suốt 3 – 4 ngày trời không ăn nổi, đầu lởn vởn suy nghĩ không biết lần này có về nhà được không. Trong khi bên ngoài gió cấp 5, 6.
Tôi chỉ sợ say sóng, còn lại không ngại gì. Dù nghệ sĩ hay thức khuya, dậy trễ nhưng trong môi trường đó, chúng tôi vẫn dậy lúc 4 giờ để ăn sáng, có khi đúng 6 giờ đã phải hát. Tôi ăn ở, sinh hoạt hoàn toàn thích nghi, người ta ăn nào thì mình giống y vậy. Chưa kể, nghệ sĩ chúng tôi ra đảo đều được chiến sĩ và hậu cần ở đây ưu tiên số một.
Ở đảo, chúng tôi được chào đón vô cùng, các chiến sĩ nghe hát mà thích mê. Show hát đảo không có khoảng cách giữa khán giả và nghệ sĩ. Chúng tôi hát với không khí gia đình, các bạn chiến sĩ nghe hát mà nhớ nhà, bật khóc, phải nói là quá thương lính biển! Lần nào ra đảo, chúng tôi cũng đem theo nhu yếu phẩm, đồ đạc cho các chiến sĩ vì điều kiện sống ở đây thiếu thốn đủ đường.
Tôi cũng rất nhớ lần Đoàn 3 đi hát ở Bạc Liêu. Chúng tôi đang hát tuồng Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài thì trời đổ mưa. Vậy mà khán giả vẫn đông nghẹt, không bỏ về. Họ trùm áo mưa đứng xem chứ không ai bỏ đi. Nhìn cảnh đó, nghệ sĩ chúng tôi xúc động và hát sung hơn bao giờ hết.
Bị mắng “ngu” vì lấy chồng sớm khi sự nghiệp chớm nở
- Chị và ông xã - nghệ sĩ Thanh Phong, có chuyện tình học đường lãng mạn?
Thời sinh viên, ông xã là đàn anh trên tôi một khóa, gặp nhau trong trường thì dần quen nhau thôi. Tôi và ông xã quen nhau, yêu đương trong lòng hai đứa biết chứ chưa một lần chính thức tỏ tình. Tình yêu sinh viên khi ấy ngô nghê lắm, chúng tôi học từ sáng tới chiều. Tính tôi lầm lũi, học xong là về thẳng ký túc xá. Người ta yêu nhau hay đi xem phim, xem kịch chứ chúng tôi có tiền đâu mà đi.
6 năm trời, tôi sống bằng tiền học bổng, gia đình mình khó khăn nên tôi không xin tiền ba mẹ. Sinh viên chúng tôi thời đó đa phần là thật thà, chất phác. Trường cấm sinh viên đi diễn chúng tôi không đi.
Tôi và ông xã lấy nhau năm 2004, một năm sau khi tôi đạt HCV Trần Hữu Trang. Ai cũng kêu tôi sao không lấy người có thể nâng đỡ mình trong nghề hoặc lấy chồng sớm cản trở sự nghiệp. Thật ra, chúng tôi thương nhau thì lấy nhau, không tính toán nhiều chuyện tương lai. Suốt thời gian tôi thi, anh đồng hànhi. Những lúc tôi stress tới mức muốn bỏ tất cả để về quê sống, chính anh là người ở bên cạnh động viên. Không có anh năm đó tôi không có ngày hôm nay.
- Sự thật ở phương diện nghề, anh nhà không nổi tiếng, thành công bằng chị. Anh ấy có bận lòng điều này?
Anh ấy chưa từng nói ra nhưng đôi khi tôi cảm nhận được điều đó. Anh vui cho vợ nhưng anh cũng là đàn ông, sẽ ít nhiều có buồn trong khoảnh khắc nào đó, nhất là khi có tác động từ bên ngoài. Vì vậy, tôi giữ không để bất cứ tình huống nhạy cảm với chúng tôi. Ở nhà, vợ chồng tôi cùng nhau kinh doanh một studio áo cưới. Anh làm chính, tôi phụ ông xã quản lý studio cũng như góp ý về mặt thẩm mỹ, nghệ thuật.
Tôi là viên chức nên dĩ nhiên có lương Nhà nước và nhận cát-xê theo từng chương trình của nhà hát. Ngoài ra, tôi có đi diễn thêm bên ngoài. Cá nhân tôi thấy đồng lương từ nghệ thuật của mình dư sức sống, nuôi thêm một người cũng được. Một phần do tôi vốn bình dị, không se sua, ăn rau cháo không thành vấn đề.
Vướng mắc cốt lõi ở đào tạo
- 17 năm với cái nhìn toàn cảnh trong nghề, chị mong muốn gì?
10 năm trước, nghe truyền thông nói cải lương đang hấp hối, nghệ sĩ không ai không buồn. Chúng tôi lo cho chính cuộc sống của mình, không biết kiếm miếng cơm manh áo ra sao. Tôi mong cơ quan quản lý tạo điều kiện hơn nữa cho cải lương, đặc biệt là xây dựng thêm ít nhất một sân khấu cải lương mới.
Đi diễn show ngoài, tôi mới biết nhiều bạn trẻ yêu nghề nhưng không có sân khấu diễn, chỉ hát show lẻ. Thí sinh thi xong các cuộc thi cải lương cũng không biết làm nghề ở đâu. Trong khi đó, mỗi năm trôi qua, các nghệ sĩ gạo cội lại mất đi vài người.
Cải lương mấy năm nay có thể khởi sắc nhưng chỉ là bề mặt, vấn đề cốt lõi là đào tạo. Chúng ta cần đào tạo một đội ngũ kế thừa. Nghệ sĩ chúng tôi vẫn thường chỉ bảo thêm cho đàn em trong hậu trường nhưng đào tạo là một vấn đề khác. Giỏi nghề chưa chắc đã giỏi sư phạm và ngược lại. Tất cả những điều này cần nhân lực, vật lực.
Cải lương không chỉ đòi hỏi ca, diễn mà quan trọng không kém là kiến thức văn hóa, lịch sử, địa lý và nguồn gốc tuồng tích – thứ mà các cô chú gạo cội rất am hiểu còn thế hệ chúng tôi phải học rất nhiều mà vẫn chưa biết hết. Giáo viên trường sân khấu thường chỉ truyền đạt kiến thức nền tảng, bạn phải tự đọc thêm nhiều để củng cố hiểu biết về nghề.
Chưa kể, dạy cải lương phải đồng thời truyền lửa nghề. Thực trạng các bạn học từ trường lớp ra phần lớn là rẽ ngang, không theo nghề. Lớp tôi ngày xưa gần 20 người nhưng chỉ có 2 người còn bám trụ. Mong rằng cơ quan chức năng tạo điều kiện mọi mặt từ cơ sở vật chất đến các điều kiện khác nhằm phát triển và quảng bá nghệ thuật cải lương hơn nữa trong hoàn cảnh hiện nay.
Lê Hồng Thắm hát cùng con trai Gia Nguyên trích đoạn "Nỗi lòng Da-du-đà-la"
Lê Hồng Thắm hát cùng Võ Minh Lâm trên sóng HTV tân cổ "Tổ quốc gọi tên mình"