NSƯT Thanh Loan 'Biệt động Sài Gòn' dừng đúng lúc và trăn trở ở tuổi ngoài 70

Trong chương trình 'Lời tự sự', NSƯT Thanh Loan bày tỏ sẵn sàng trở lại màn ảnh ở tuổi 74 với mong muốn được thử sức trong các vai phản diện sắc sảo, miễn là không quá vất vả về thể chất.

Cái duyên đặc biệt với nghệ thuật

"Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, trong một gia đình có 8 anh em - 6 gái, 2 trai, không ai theo nghề nghệ thuật. Đến năm 15-16 tuổi, như duyên trời định, tôi được các nhà tuyển sinh của Trường Nghệ thuật Quân đội phát hiện", NSƯT Thanh Loan nhớ lại bước ngoặt cuộc đời.

Khi được hỏi về việc gia đình có ủng hộ theo đuổi con đường nghệ thuật không, bà chia sẻ: "Bố mẹ tôi chất phác, thiện lành. Các cụ thời đó còn khó khăn lắm nên khi thấy có cơ hội cho con vào môi trường nhà nước nuôi, nhất là môi trường quân đội, các cụ đều đồng ý ủng hộ".

NSƯT Thanh Loan trong chương trình "Lời tự sự".

NSƯT Thanh Loan trong chương trình "Lời tự sự".

Cô gái nhỏ ngày ấy chưa từng có kinh nghiệm diễn xuất, chỉ đơn giản là "thấy người ta múa hát thì mình múa hát theo". Môi trường quân đội nghiêm khắc đã rèn giũa và định hình tính cách của người nghệ sĩ trẻ.

"Ngày đầu tiên vào đoàn, các anh chị đùa bảo tôi phải nhận súng đi gác. Tôi ngây thơ tin thật, vâng dạ xin súng để trực ban. Rồi tôi được học từ những kỹ năng cơ bản nhất: Tập đi lăn lê bò toài, bắn súng, học cách gấp chăn màn theo kiểu nhà binh. Họ còn gửi tôi về các đơn vị trung đoàn công binh để trải nghiệm cuộc sống của người lính thực thụ", Thanh Loan cười khi nhớ lại.

Đột phá trong sự nghiệp và vai diễn Ni cô Huyền Trang để đời

Vai diễn đầu tiên của Thanh Loan là vai bé Mai trong vở kịch Nổi gió của tác giả Đào Hồng Cẩm - tác phẩm sau này được chuyển thể thành phim. Từ đó, bà dần được giao những vai lớn hơn, trong đó đáng chú ý là vai chị Nhàn trong vở kịch cùng tên và vai bác sĩ Nga trong Đôi mắt.

"Vai bác sĩ Nga là một thử thách lớn. Vở diễn của tác giả Vũ Dũng Minh được dựng bởi nhiều đoàn trên cả nước, nhưng NSND, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi - con trai nhà thơ Thế Lữ từng nói rằng trong tất cả các diễn viên, ông yêu thích nhất vai diễn của tôi. Ông tiếc rằng thời điểm đó không có hội diễn để tôi có cơ hội thi thố tài năng", bà kể.

Chuyển sang lĩnh vực điện ảnh, NSƯT Thanh Loan đã để lại dấu ấn đặc biệt với bộ phim đầu tay Người về đồng cói. Tác phẩm với kịch bản của nhà văn Lê Lựu và được dàn dựng bởi đạo diễn NSND Bạch Diệp đã mở ra một chặng đường mới trong sự nghiệp của bà. Tiếp nối thành công đó là vai diễn trong phim Bài ca ra trận dưới sự chỉ đạo của đạo diễn NSND Trần Đắc.

Trích phim "Người về đồng cói":

Dù sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, Thanh Loan lại có duyên với những vai diễn của các cô gái nông thôn, thường yêu thương những anh thương binh. "Không biết sao tôi có duyên như thế. Có lẽ do cốt cách của mình mà các đạo diễn tin tưởng giao cho những vai diễn rất khổ", bà tâm sự.

Để thể hiện chân thực nhân vật, bà dành thời gian thâm nhập thực tế. "Ngày xưa quay phim cả năm trời, không như bây giờ. Như phim Người về đồng cói, tôi phải đi thực tế, cắt cói, lội sông, vác thuyền. Tôi quen môi trường bộ đội nên hòa nhập nhanh với công việc nhà nông", bà kể.

Ni cô Huyền Trang - vai diễn để đời đã đưa tên tuổi của NSƯT Thanh Loan đến gần hơn với khán giả. Để chuẩn bị cho vai diễn này, bà đã dành một tuần sống trong chùa học cách tụng kinh và sinh hoạt của ni cô.

Ni cô Huyền Trang - vai diễn để đời đã đưa tên tuổi của NSƯT Thanh Loan đến gần hơn với khán giả. Để chuẩn bị cho vai diễn này, bà đã dành một tuần sống trong chùa học cách tụng kinh và sinh hoạt của ni cô.

Đỉnh cao trong sự nghiệp của NSƯT Thanh Loan là vai Ni cô Huyền Trang trong bộ phim Biệt động Sài Gòn. Thú vị là thời điểm nhận vai này, bà không còn làm diễn viên nữa mà chuyển sang làm phát thanh viên của Truyền hình quân đội và công an.

"Phim đã quay được gần hết một tập rồi mà chưa chọn được người đóng vai Ni cô Huyền Trang. Một lần tình cờ tôi đi công tác ở TPHCM, gặp họa sĩ Trịnh Thái, anh giới thiệu tôi với đoàn làm phim", bà kể lại.

NSƯT Thanh Loan lúc trẻ.

NSƯT Thanh Loan lúc trẻ.

Để chuẩn bị cho vai diễn, bà đã dành một tuần sống trong chùa để học cách tụng kinh, gõ mõ, gióng chuông và quan sát tỉ mỉ cách các ni cô đi khất thực. "Tôi yêu nhân vật Huyền Trang vì đây là một vai diễn có nhiều đất để phát triển nội tâm. Số phận của nhân vật long đong với nhiều khúc ngoặt khác nhau. Đặc biệt, đó là một vẻ đẹp thánh thiện, thiên tư của nhà chùa", bà tâm sự.

Bộ phim quay trong 4 năm, từ 1981-1985, bao gồm 4 tập: Điểm hẹn, Tình lặng, Cơn dôngTrả lại tên cho em. .

NSƯT Thanh Loan kể về kỷ niệm đóng "Biệt động Sài Gòn":

Dừng đúng lúc và trăn trở ở tuổi ngoài 70

Sau vai Ni cô Huyền Trang, dù nhận được nhiều lời mời đóng phim nhưng NSƯT Thanh Loan từ chối. "Tôi nghĩ rằng cái gì cũng phải biết dừng đúng lúc. Giống như cầu thủ rời sân cỏ vậy, mình rời sân khấu để khán giả mãi nhớ về Ni cô Huyền Trang", bà giải thích.

Bà cũng bày tỏ sự quan tâm đến sức khỏe của các đồng nghiệp cao tuổi vẫn miệt mài với nghề. "Tôi có người bạn là nghệ sĩ Thanh Quý, năm nay cũng ngoài 60 tuổi rồi mà vẫn đóng những vai vất vả. Tôi cứ bảo: Em ơi, đến tuổi chúng mình nó tàn phá sức khỏe lắm. Em nên chọn những vai nào không bị khổ ải quá".

Sau khi rời màn ảnh, bà tích cực tham gia các hoạt động xã hội và hội nghề nghiệp. "Tôi tham gia Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Hội Điện ảnh Hà Nội, Hội Điện ảnh Việt Nam. Từ năm 1980 đến nay, tôi vẫn giữ chức Chủ tịch Hội Điện ảnh Công an. Với tôi, nếu ngày nào ở nhà không đi đâu tức là ngày đó tôi ốm", bà cười nói.

NSƯT Thanh Loan ước mơ được đóng phản diện ở tuổi xế chiều.

NSƯT Thanh Loan ước mơ được đóng phản diện ở tuổi xế chiều.

Dù đã ngoài 70 tuổi, NSƯT Thanh Loan vẫn giữ nguyên niềm đam mê với nghệ thuật. Khi được hỏi về khả năng trở lại đóng phim, bà thẳng thắn chia sẻ: "Nếu là phim truyền hình, tôi không dám nhận lời. Nhưng nếu có tác phẩm điện ảnh đẹp nào đó mà hợp với mình, không quá vất vả, tôi vẫn sẵn sàng cân nhắc".

Điều đáng ngạc nhiên là sau nhiều năm gắn liền với hình ảnh những vai chính diện, NSƯT Thanh Loan lại bày tỏ mong muốn được thử sức với một dạng vai hoàn toàn khác.

"Tôi toàn đóng vai chính diện rồi, vai hiền lành hậu đức chịu thương chịu khó. Bây giờ nếu có một tác phẩm nào mà đạo diễn mời thử vào một vai không chính diện nữa, một vai có thể là một bà ghê gớm chẳng hạn, cong cớn đanh đá... nhưng không bị quá tốn sức, không phải dầm mưa dãi nắng, hợp với sức của mình, tôi rất muốn thử", bà tâm sự.

"Với người nghệ sĩ chúng tôi, món quà cao quý nhất không phải là giải thưởng, mà là khi những vai diễn của mình để đời, và sau mấy chục năm, đi đâu khán giả vẫn nhận ra, vẫn nhớ đến mình", NSƯT Thanh Loan nói thêm.

Minh Nghĩa

Ảnh: Tư liệu, Video: VTV

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nsut-thanh-loan-biet-dong-sai-gon-dung-dung-luc-va-tran-tro-o-tuoi-ngoai-70-2372240.html