Nữ bác sĩ dành trọn tâm huyết cho bệnh nhân xã nghèo
Gắn bó với trạm y tế xã Minh Châu (huyện Ba Vì, Hà Nội) từ khi còn thắp đèn dầu đỡ đẻ cho người dân, BS. Lê Thị Lộc thấu hiểu những khó khăn của bà con và càng thêm tâm huyết với sự nghiệp chăm lo sức khỏe cộng đồng.
Động lực là tình yêu thương
Để đến được trạm y tế xã Minh Châu (huyện Ba Vì, Hà Nội), từ thị trấn Ba Vì, chúng tôi phải đi bằng đò, qua sông mới vào đến xã. Càng về chiều, các chuyến đò càng thưa thớt. Trong câu chuyện với người dân trong xã trên chuyến đò đi học, đi làm bên ngoài “xã đảo” này, ai cũng vui vẻ, nhiệt tình khi chúng tôi hỏi thăm BS. Lê Thị Lộc, bà trưởng trạm y tế thân thiết như người nhà của họ. Bởi điều kiện đi lại khó khăn nên bao năm qua, cứ ốm đau là người dân tìm đến trạm y tế xã; bác sĩ Lộc cũng là chỗ dựa chăm sóc sức khỏe vững chắc nhất của bà con nơi đây.
Đón chúng tôi tới thăm, BS. Lê Thị Lộc hồ hởi cười, trêu đùa: “Vào vùng sâu vùng xa của chúng tôi, nhà báo đã thấm khó khăn chưa?”.
Chỉ cách Trung tâm Hà Nội chưa đầy 50km, nhưng Minh Châu là một địa bàn “vùng sâu, vùng xa”, như ốc đảo chơi vơi giữa sông Hồng. Người dân nơi đây chỉ có cách giao lưu với các địa phương khác qua một bến đò.
Hơn 24 năm qua, BS Lê Thị Lộc, Trạm trưởng Trạm y tế Minh Châu đã chọn nghề y và gắn bó, cống hiến với quê hương Minh Châu. Chị nhớ như in dấu mốc năm 1999, sau khi tốt nghiệp ngành y sĩ sản nhi (Trường Trung cấp Y Hà Tây trước đây), chị đã ựa chọn trở về chính quê hương mình dù biết nơi đây thiếu thốn đủ đường.
Những năm tháng ấy, trạm y tế xã Minh Châu còn sơ khai, thuốc men ít, dụng cụ y tế vô cùng thiếu thốn. Thấm thía nỗi khó khăn của bà con, chị Lộc càng có động lực để cố gắng làm việc, học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân.
“Khi đó xã vẫn chưa có điện, những ca đỡ đẻ đêm là khổ nhất vì thiếu ánh sáng, chúng tôi phải dùng đèn dầu, đèn pin hoặc đèn “măng xông”. Nhiều lần, bí quá, tôi còn phải huy động cả người nhà mình đến hỗ trợ trong những ca sinh đẻ, những ca bệnh bất chợt trong đêm. Khó khăn là vậy, nhưng các ca đỡ đẻ đều thành công”, BS. Lê Thị Lộc nhớ lại.
Nói về chuyện khám, chữa bệnh ở nơi cô lập với đất liền này, có lẽ nhiều người tròn mắt ngạc nhiên, nhưng với BS. Lê Thị Lộc, đều là chuyện thường tình.
Chị kể: “Cứ sau mùa lụt, nước rút, người dân "xã đảo" lại la liệt ốm đau. Dịch bệnh nhiều, nhất là các bệnh viêm da, đau mắt, bệnh đường tiêu hóa... nhưng ở đây chỉ có trạm y tế xã là nơi khám, chữa duy nhất. Cơ sở vật chất còn yếu kém, đội ngũ y, bác sĩ quá mỏng nhưng bệnh nhân vẫn phải tập trung hết về để khám bệnh. Tình trạng bệnh nhân quá tải xảy ra thường xuyên hơn so với các tuyến y tế cơ sở khác”.
Trong những tháng hay xảy ra bão, lụt, Trạm y tế còn phải phối hợp với xã để thực hiện công tác phòng, chống lụt bão cho nhân dân; người dân được đưa đi tránh bão, di chuyển vào những xã đất liền lân cận. Đã từng có đợt xã bị lụt, có sản phụ không kịp di chuyển lại trở dạ, bác sĩ phải thực hiện đỡ đẻ trong điều kiện phải kê bàn đẻ lên giường vì nước ngập trên 1 mét. Bác sĩ phải xắn quần lên quá đầu gối để đỡ đẻ. Ở đây, việc cán bộ y tế phải xắn quần, vừa lội bì bõm vừa khám bệnh hay đỡ đẻ là chuyện như cơm bữa…
Nỗ lực học tập để đưa những tiến bộ về trạm
Đến mãi năm 2000, Minh Châu mới có điện lưới về, nơi đây mới có điều kiện mở mang thêm công tác khám chữa bệnh cho trạm y tế.
Với tâm huyết nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, chị Lộc tiếp tục cố gắng học tập, năm 2003, chị thi đỗ vào trường Đại học Y Thái Bình, được tạo điều kiện để nâng cao trình độ chuyên môn.
Đến năm 2007, chị tốt nghiệp và từng có nhiều cơ hội làm việc ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, Bác sĩ Lộc vẫn đau đáu với người dân Minh Châu. Sự gắn bó với vùng đất xã đảo nghèo khiến chị quyết định quay trở về và vẫn tiếp tục bám trụ ở trạm y tế xã Minh Châu cho đến bây giờ.
BS. Lê Thị Lộc chia sẻ: “Nhiều lúc có cơ hội nhưng bản thân tôi luôn tâm niệm rằng mình sinh ra và lớn lên ở xã đảo này, đã gắn bó và hiểu rõ cuộc sống, mọi khó khăn của người dân nơi đây. Không chỉ gia đình tôi, mà người dân quê tôi đang rất thiếu, rất cần bác sĩ. Nếu mình còn không muốn trở về, lại chuyển đi phục vụ người nơi khác thì không đành lòng”.
BS. Lê Thị Lộc đau đáu: “Tôi chỉ mong Trạm được quan tâm hơn, có nhiều hơn bác sĩ chuyên khoa ở các bệnh viện về tăng cường, khám chữa bệnh cho bà con. Chúng tôi cũng luôn mong muốn có thêm những khóa đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn; bổ sung chỉ tiêu biên chế vì lực lượng y bác sĩ của Trạm còn quá mỏng, chưa đủ đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại chỗ cho người dân”.
Luôn nỗ lực không ngừng, và chính những đồng nghiệp của BS. Lê Thị Lộc là những người hiểu rõ chị nhất.
“Trạm trưởng luôn là người rất gương mẫu, biết điều kiện ở đây còn nhiều khó khăn, chị luôn động viên để chúng tôi hoàn thành công việc, nhiệm vụ. Với bệnh nhân, chị Lộc cũng rất tận tụy, ân cần, chu đáp. Gắn bó với chị hơn 20 năm, tôi cảm nhận được tâm huyết, đam mê với nghề của bác sĩ Lộc”, dược sĩ Nguyễn Thị Mai, nhân viên trạm y tế Minh Châu chia sẻ khi nói về người trạm trưởng được đồng nghiệp và người bệnh trân trọng, yêu quý.
Với chị Lộc và những đồng nghiệp ở đây, niềm vui mỗi ngày chính là nụ cười của người dân, là những lời động viên của đồng nghiệp và bệnh nhân.
"Chỉ cần thấy cuộc sống của người dân nơi đây vui vẻ, khỏe mạnh, ổn định là người bác sĩ có thể mãn nguyện" - BS Lê Thị Lộc tâm sự.