Nữ bác sĩ 'mũ nồi xanh' - Trở về cùng 'hành trang' ý nghĩa
Có dịp gặp lại Đại úy, bác sĩ (BS) quân y Nguyễn Thị Thu Ngân - người vừa trở về từ Nam Sudan sau 1 năm hoàn thành nhiệm vụ ở Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 thuộc Lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam tại Nam Sudan, chị đã có những chia sẻ đầy cảm xúc về những kỷ niệm ý nghĩa nơi nước bạn cùng niềm hạnh phúc được sum họp bên gia đình trong mùa xuân này.
Rắn rỏi, trưởng thành hơn
Theo BS Thu Ngân, sau 1 năm làm nhiệm vụ và trở về từ Nam Sudan, chị được học hỏi, tích lũy rất nhiều kinh nghiệm, từ chuyên môn đến kỹ năng sống. Tất cả là hành trang vô cùng quý báu cho công việc, cuộc sống của mình sau này. Chị cho biết, mỗi ngày tại đất nước xa xôi này đều là một trải nghiệm mới, chị và đồng đội được huấn luyện rất nhiều lĩnh vực, ngoài y tế còn có kỹ năng sinh tồn, rèn luyện thể lực, thậm chí là ca múa để giao lưu với bạn bè các nước khác.
Là người có khả năng thích nghi tốt, do đó, khi vừa nhận nhiệm vụ tại một đất nước xa lạ, chị có thể bắt tay ngay vào công việc. Với chị, cái nào chưa biết, chưa rõ thì học hỏi những người đi trước, làm nhiều thì sẽ quen việc. Chị kể, một BS - quân nhân tại bệnh viện dã chiến thì không chỉ đảm đương nhiệm vụ chuyên môn mà trong điều kiện thiếu thốn về vật chất, nhân sự, mỗi người đều kiêm nhiệm rất nhiều đầu việc. Chị và các đồng đội còn chia sẻ nhau công tác tổ chức, quản lý chung, có sự phối hợp nhịp nhàng khi làm việc trong môi trường tập thể. Mọi người đều ý thức, trách nhiệm hơn, biết đoàn kết, lên kế hoạch làm việc hợp lý, hiệu quả hơn rất nhiều so với khi còn ở Việt Nam. Đây cũng là cách xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp của nước ta với bạn bè quốc tế.
Ngoài ra, điều chị tâm đắc nhất khi được làm việc tại đây là nhờ tiếp xúc, rèn luyện nhiều mà kỹ năng giao tiếp tiếng Anh của chị được nâng lên đáng kể, chẳng còn rụt rè như trước. Chưa kể, bản thân chị phải thật tự tin, lưu loát khi nói trước đám đông vì thỉnh thoảng, có những buổi trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn chuyên môn cho các bệnh viện dã chiến cấp 1. Với một cô gái ham học hỏi, vấn đề nào chưa rõ, trong điều kiện bắt buộc phải giao tiếp bằng ngoại ngữ, nhất là khi sử dụng từ chuyên ngành thì ngay khi có thời gian, chị sẽ tra cứu tài liệu để kịp thời lấp “lỗ hổng”, tích lũy kiến thức.
Ông Nguyễn Năng Đính - ba của BS Thu Ngân rất tự hào về con gái, ông chia sẻ: “Nếu con được phân công tiếp tục đi xa, tôi sẽ tôn trọng ý kiến của con. Gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc, động viên tinh thần để con an tâm làm nhiệm vụ. Tôi nghĩ rằng, tuổi trẻ thì hãy cứ sống, cứ cống hiến hết mình khi có thể!”.
Thanh xuân đáng nhớ
Sau chuyến đi, BS trẻ Nguyễn Thị Thu Ngân dí dỏm chia sẻ rằng “da mình ngăm đi nhiều”. Tuy nhiên, đổi lại, chị có những trải nghiệm thật đáng nhớ mà có lẽ “cả đời cũng khó có thể quên”. Đối với chị, được làm nhiệm vụ tại Nam Sudan là cơ hội rất lớn vì không phải ai cũng may mắn có được. Và, chỉ 1 năm ngắn ngủi nhưng chị có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ tại đất nước này.
Trong công tác chuyên môn, có một ca bệnh mà chị ấn tượng mãi. Đó là trường hợp bị xoắn ruột hoại tử của một bệnh nhân là sĩ quan thuộc đơn vị Mông Cổ - những trường hợp này nếu không được xử lý kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao. Là BS Khoa Khám bệnh - nơi đầu tiên tiếp xúc bệnh nhân nên trách nhiệm của chị là phải có sự chẩn đoán chính xác để phối hợp các BS nội, ngoại khoa đưa ra phác đồ điều trị thích hợp. Trong điều kiện trang thiết bị còn hạn chế nhưng các BS vẫn rất quyết tâm, bệnh nhân được phẫu thuật ngay để bảo toàn tính mạng. Sự kiện thành công của ca bệnh này đã tạo uy tín lớn, đơn vị Việt Nam được đánh giá rất cao và được Phái bộ tặng bằng khen. Chị cảm thấy rất hạnh phúc vì mình cũng góp sức vào thành công chung của tập thể bên cạnh hoàn thành chức trách thiêng liêng của người thầy thuốc.
Ngoài ra, sau những ngày chỉ công tác tại căn cứ, chị còn được phân công nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho người dân địa phương. Khi được tiếp xúc thực tế, chị mới thấy được sự kham khổ của người dân nơi đây, trẻ em hiếm khi được đến trường, cuộc sống thiếu thốn, không có điều kiện chăm sóc y tế chu đáo nên bệnh tật, đói kém rất nhiều. Chưa kể, ở một nơi mà sự sống, cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, sự xung đột sắc tộc vẫn chưa thể chấm dứt thì mới hiểu được giá trị của hai tiếng “hòa bình” thiêng liêng như thế nào. Có đi, có cảm nhận và thấu hiểu thì bản thân chị càng thêm yêu quê hương mình, trân quý cuộc sống thanh bình có được hôm nay.
Nói về những cảm xúc khi trở về từ đất nước Đông Phi xa xôi, chị tâm sự rằng, chẳng hiểu sao lúc ở Nam Sudan thì cứ nhớ nhà, mà khi về rồi thì nhớ đất, nhớ người nơi ấy, cứ thấy quyến luyến như chia tay người thân. Các đồng nghiệp quốc tế dễ mến, người dân thân thiện, hiền hòa cứ khiến chị bịn rịn mãi. Dù đã đến nhiều quốc gia nhưng chưa có nơi nào để lại nhiều ấn tượng đối với chị như Nam Sudan - một đất nước đang từng ngày, từng giờ còn đang “oằn mình” với những “vết thương” nội chiến.
Chị tự nhận rằng mình còn nhỏ bé lắm, những đóng góp của bản thân chưa là gì so với nhiều đồng chí, đồng đội không chỉ của nước ta mà cả những đồng nghiệp nước bạn. Thế nhưng, người viết nghĩ rằng, những nỗ lực của mỗi người thì không thể “cân, đong, đo, đếm” vì tất cả đều đáng quý, đáng trân trọng. Mỗi người trong một tập thể ấy sẽ hợp thành sức mạnh, động lực rất lớn để góp phần giúp đất nước này sớm vượt qua khó khăn, chấm dứt chiến tranh.
Ngày này năm trước, chị đang cùng đồng đội sát cánh làm nhiệm vụ nơi phương xa. Thời gian trôi thật nhanh, vậy là sau 1 năm xa nhà, mùa xuân này, BS trẻ Thu Ngân sẽ được đón một cái tết đầm ấm, sum vầy bên gia đình tại phường 5, TP.Tân An. Được hưởng một mùa xuân thật ấm áp, chị vẫn không quên vùng đất xa xôi ấy, trái tim dường như vẫn hướng về một nơi dù không phải quê hương mình nhưng đã là một phần ký ức thanh xuân thật đẹp, thật ý nghĩa. Và, chị tin rằng, đồng chí, đồng đội đang tiếp tục công việc của chị sẽ còn thành công hơn nữa, tiếp tục mang hình ảnh người lính kiên cường, người thầy thuốc tận tụy của Việt Nam đến bạn bè năm châu./.
Làm nhiệm vụ ở Nam Sudan, tôi thấy mình “lời” nhiều lắm, chẳng sợ cực, sợ “lỗ” đâu vì mình được học rất nhiều, chẳng có tiền bạc, vật chất nào so sánh được!”.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/nu-bac-si-mu-noi-xanh-tro-ve-cung-hanh-trang-y-nghia-a89325.html