Nữ bệnh nhân bị cắt bỏ 5 cơ quan nội tạng vì bị chẩn đoán nhầm ung thư, tử vong sau 3 tháng, gia đình phẫn nộ

Trải qua hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bệnh viện bị tuyên phải chịu hoàn toàn trách nhiệm bồi thường. Tuy vậy, bác sĩ điều trị liên quan đến vụ việc vẫn đang tiếp tục khám chữa bệnh.

Một vụ việc gây chấn động xảy ra tại Bệnh viện Đại học Hong Kong Thâm Quyến: Năm 2018, bà Trương – một phụ nữ 77 tuổi – được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tụy và được phẫu thuật cắt bỏ 5 cơ quan nội tạng. Tuy nhiên, hơn 3 tháng sau, bà qua đời. Gia đình sau khi kiểm tra hồ sơ bệnh án mới phát hiện bà hoàn toàn không hề mắc ung thư, liền đệ đơn kiện ra tòa. Trải qua hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bệnh viện bị tuyên phải chịu hoàn toàn trách nhiệm bồi thường. Tuy vậy, bác sĩ điều trị liên quan đến vụ việc vẫn đang tiếp tục khám chữa bệnh.

Tháng 8/2018, bà Trương phát hiện có hiện tượng giãn ống mật trong lần kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện HKU Thâm Quyến và được nhập viện với chẩn đoán "giãn ống mật chủ: nghi do sỏi túi mật kèm viêm túi mật mạn tính". Dù các xét nghiệm siêu âm và CT không phát hiện dấu hiệu bất thường rõ ràng, chỉ có hai chỉ số dấu ấn ung thư hơi cao hơn mức bình thường, bà vẫn được chỉ định phẫu thuật ERCP.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Con gái bà Trương – cô Tuệ – kể lại rằng chỉ số đường kính ống mật của mẹ cô là 8mm, nằm trong giới hạn bình thường, nhưng do thiếu hiểu biết, gia đình vẫn đồng ý để bà nhập viện điều trị.

Ngày 14/8, bà Trương trải qua ca phẫu thuật ERCP. Kết quả sinh thiết cho thấy mẫu tế bào quá ít và một số đã thoái hóa, không đủ để đưa ra chẩn đoán chính xác. Tuy nhiên, sau đó, bác sĩ vẫn yêu cầu thực hiện thêm xét nghiệm PET-CT tại một bệnh viện ở Quảng Châu, nơi đưa ra nhận định "khả năng cao là ung thư ác tính".

Dựa trên kết luận chưa xác thực này, bác sĩ chủ trị xác định bà bị ung thư tuyến tụy và chỉ định phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến tụy, yêu cầu gia đình ký cam kết đồng ý mổ.

Cô Tuệ đau xót nói: "Nếu bác sĩ nói rằng mẹ tôi bị nghi ngờ mắc ung thư tuyến tụy, chúng tôi có thể sẽ đưa bà đi bệnh viện khác để xác nhận lại. Nhưng vì bác sĩ khẳng định chắc chắn, chúng tôi mới ký đơn đồng ý mổ. Họ đã lừa chúng tôi".

Ngày 27/8, ca mổ kéo dài hơn 8 tiếng đồng hồ, trong đó bác sĩ đã cắt bỏ 5 cơ quan: túi mật, hạch bạch huyết xung quanh, tuyến tụy, tá tràng và phần xa của dạ dày. Trong suốt quá trình, bác sĩ không thông báo tình hình ca mổ cho gia đình.

Sau khi xuất viện gần một tháng, sức khỏe bà Trương ngày càng suy giảm: không ăn uống được, tiêu chảy liên tục, suy nhược trầm trọng và phải nhập viện điều trị nhiều lần. Đến ngày 2/12/2018, bà qua đời vì suy gan.

Gia đình kiểm tra lại bệnh án và phát hiện không có bằng chứng cho thấy bất kỳ cơ quan nào bị cắt bỏ là ung thư. "Không có ung thư thì sao lại cắt bỏ 5 cơ quan tiêu hóa của một người gần 80 tuổi?" – cô Tuệ nghẹn ngào. "Chính vì mất hết các cơ quan tiêu hóa, mẹ tôi không thể hấp thu, trao đổi chất, khiến các cơ quan khác suy kiệt dần và tử vong".

Gia đình cho rằng bệnh viện đã mắc sai lầm nghiêm trọng trong chẩn đoán và điều trị, dẫn đến hậu quả nặng nề. Năm 2019, họ kiện ra Tòa án Nhân dân quận Phúc Điền, thành phố Thâm Quyến.

Kết quả giám định cho thấy bệnh viện có lỗi nghiêm trọng trong chuyên môn, là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của bà Trương. Tòa sơ thẩm phán quyết bệnh viện chịu 80% trách nhiệm, phải bồi thường hơn 470.000 nhân dân tệ (khoảng 1,6 tỷ đồng). Hai bên đều kháng cáo.

Tháng 11/2023, Tòa án Trung cấp Thâm Quyến xét xử phúc thẩm, tuyên bệnh viện phải chịu toàn bộ trách nhiệm và nâng mức bồi thường lên hơn 620.000 nhân dân tệ. Tòa nhận định bệnh viện đã tiến hành cắt bỏ toàn bộ tuyến tụy mà không có chứng cứ rõ ràng về khối u ác tính.

Tuy nhiên, bệnh viện vẫn tiếp tục xin tái thẩm. Đến ngày 16/7/2024, Tòa án Nhân dân Tối cao tỉnh Quảng Đông bác đơn xin tái thẩm, khép lại vụ kiện dân sự.

Không dừng lại ở đó, cô Tuệ tiếp tục tố cáo bác sĩ chủ trị họ Kỷ với cáo buộc hình sự, cho rằng ông này cố tình sai sót trong quy trình xét nghiệm và dẫn đến phẫu thuật không cần thiết, gây hậu quả chết người.

Cô từng phản ánh lên Sở Y tế Thâm Quyến ngay từ năm 2020. Trong một biên bản hỏi cung, một nhân viên y tế tham gia phẫu thuật thừa nhận: “Trong lúc mổ không nhìn thấy khối u, nhưng chúng tôi vẫn tiến hành ca mổ như kế hoạch. Đây không phải là ca mổ thăm dò, nên cũng không cần thông báo lại với người nhà.”

Cô Tuệ phẫn nộ: "Ngay cả khi không tìm thấy khối u trong lúc mổ mà vẫn cố tình cắt bỏ nội tạng thì kế hoạch mổ còn quan trọng hơn mạng người sao?"

Một tài liệu khác ghi lại chẩn đoán nội dung ca mổ có nội dung: “Hẹp ống tụy: nghi do u tụy?” và kết luận được ghi bằng một dấu hỏi lớn.

“Ca mổ đã xong, năm cơ quan đã bị cắt bỏ, mà vẫn còn viết ‘nghi ngờ’? Vậy tại sao lại nói với chúng tôi là chắc chắn bị ung thư? Vì sao không làm xét nghiệm nhanh ngay trong lúc mổ để xác định rồi mới quyết định?” – cô Tuệ phẫn uất nói.

Dù đã nhiều lần báo án, đến nay công an vẫn chưa lập hồ sơ điều tra. Bác sĩ liên quan vẫn đang hành nghề tại Bệnh viện Đại học Hong Kong Thâm Quyến và bệnh viện này cũng chưa bị xử phạt hành chính.

Minh Khuê (theo ETtoday)

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/nu-benh-nhan-bi-cat-bo-5-co-quan-noi-tang-vi-bi-chan-doan-nham-ung-thu-tu-vong-sau-3-thang-gia-dinh-phan-no-14179.html