Nữ Bí thư Tỉnh ủy tay không đi giành chính quyền

Bảy mươi tư năm trước, tại Sa Đéc, có một người phụ nữ mạnh mẽ, kiên trung trực tiếp chỉ huy quần chúng khởi nghĩa và dẫn đầu Đoàn đại biểu Mặt trận Việt Minh tiến vào Dinh tỉnh trưởng và Tòa hành chính Sa Đéc dùng lập luận và lý lẽ đanh thép giành lấy chính quyền một cách êm thắm.

Hình vẽ cảnh cô giáo Ngài mặc áo dài trắng dẫn đầu Đoàn Đại biểu Mặt trận Việt Minh tay không tiến vào Dinh tỉnh trưởng giành chính quyền

Hình vẽ cảnh cô giáo Ngài mặc áo dài trắng dẫn đầu Đoàn Đại biểu Mặt trận Việt Minh tay không tiến vào Dinh tỉnh trưởng giành chính quyền

Đó là bà Trần Thị Nhượng, Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Sa Đéc cũ (nay là tỉnh Đồng Tháp). Bà còn có tên là Trần Thị Ngài, thường gọi là Sáu Ngài hay cô giáo Ngài, sinh ngày 15/3/1896, tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là xã Mỹ Trà, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).

Dùng lực lượng quần chúng làm áp lực kết hợp tấn công chính trị

Là người có tinh thần yêu nước và không chấp nhận cảnh nước nhà bị bè lũ ngoại bang và tay sai xâm chiếm, từ khi dạy học ở làng Hòa An, cô giáo Ngài đã giác ngộ lý tưởng cách mạng, cùng nhiều thầy cô giáo khác tham gia hoạt động.

Nhiều lần bị khám xét, tra khảo, quản thúc, bắt giam nhưng ý chí cô giáo Ngài vẫn kiên định, hướng đến mục tiêu độc lập, tự do dân tộc, luôn tìm cách hoạt động cách mạng, liên hệ với các đồng đội, đồng chí và cấp trên.

Khoảng năm 1944, sau khi ra tù và bị quản thúc ở Sa Đéc, bà tìm mọi cách móc nối với cơ sở. Được cấp trên hướng dẫn, bà trở về Cao Lãnh gặp các sĩ phu yêu nước và thành lập Tỉnh ủy lâm thời trong tháng 3/1945. Bà được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh.

Lúc này bà xây dựng, phát triển rộng rãi các tổ chức quần chúng, từ giới thủ công, xe lôi, xe kéo ở thành thị cho đến những nông dân yêu nước, chuẩn bị lực lượng chờ thời cơ giành chính quyền.

Nói về khí thế hừng hực chuẩn bị cướp chính quyền trong đêm trước ngày khởi nghĩa ở Sa Đéc, tác giả Lê Đức Hòa trong bài viết “Nét đặc sắc trong Tổng khởi nghĩa mùa Thu 1945 ở tỉnh Sa Đéc” đã miêu tả: “Đêm trước ngày khởi nghĩa, trong thị xã chỗ nào cũng băng cờ rợp trời. Cụ Võ Hoành và các cán bộ vận động nhân dân trong thị xã, chuẩn bị nhà cửa, thức ăn để nuôi quân.

Cũng đêm ấy, 500 thanh niên xung phong dẫn quân và tự vệ với gậy tầm vông, vạt nhọn, dao phay bọc trong bẹ chuối từ Cao Lãnh, Mỹ An Hưng… kéo xuống Sa Đéc. Các nơi khác cũng vậy, khí thế hừng hực quyết giành lấy chinh quyền.

Bà Sáu Ngài đã liên tục bao đêm không sao chợp mắt được nhưng tinh thần thì rất tỉnh táo, sáng suốt. Cô giáo Ngài biết mình phải làm gì để hoàn thành trọng trách của Đảng bộ và nhân dân Sa Đéc giao phó”.

Nhiệm vụ của nữ Bí thư Tỉnh ủy không chỉ giành lấy chính quyền mà còn phải làm sao tránh đổ máu và thương vong. Theo đó, bà và Tỉnh ủy đã quyết định dùng lực lượng quần chúng làm áp lực, kết hợp tấn công chính trị vào những tên đầu sỏ, nhất là tỉnh trưởng, cô lập tên mật thám ngoan cố.

Uy lực nữ Bí thư Tỉnh ủy

Sáng sớm ngày 25/8, cô giáo Ngài cùng Bác sĩ Kế, thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong ở Sa Đéc đến gõ cửa nhà tỉnh trưởng Lê Tấn Bửu. Với thái độ đường hoàng, cô cho mời Tỉnh trưởng: “Chúng tôi là đại biểu của Mặt trận Việt Minh đến đề nghị ông giao chính quyền cho nhân dân và mời ông tham gia chính quyền mới. Chúng tôi bảo đảm tính mạng cho ông. Nếu không, chúng tôi sẽ bắt buộc phải dùng vũ lực. Ông sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu cuộc đổ máu xảy ra”.

Quá ngạc nhiên, viên Tỉnh trưởng hỏi như không biết chuyện gì đang xảy ra:

- Cô giáo nói thiệt hay nói chơi?

- Nói thiệt. Chiều nay sẽ có một đội quân khổng lồ đến đây.

Tỉnh trưởng quay sang Bác sĩ Kế như cầu viện:

- Cô giáo biểu tôi giao chính quyền cho Việt Minh, nhưng nếu bên dưới binh lính không chịu nghe thì làm thế nào?

- Điều đó ông khỏi phải lo. Ông cứ tập hợp binh lính lại đây để chúng tôi nói chuyện, Bác sĩ Kế trả lời.

Thấy vậy cô giáo tiếp lời: “Chính quyền toàn quốc đã về tay chúng tôi. Ông không chịu giao thì nhân dân cũng cướp lấy. Đến lúc ấy chỉ sợ chúng tôi không bảo đảm được tính mạng cho ông thôi”.

Viên Tỉnh trưởng kéo dài thời gian, hẹn sẽ gặp Đoàn đại biểu Mặt trận Việt Minh vào lúc 9h. Theo tác giả Lê Đức Hòa trong bài viết trên, đúng giờ hẹn, cô giáo Ngài trong bộ áo dài trắng trở lại Tòa hành chính. Lần này, đúng như cô và Tỉnh ủy tiên đoán, chính quyền bù nhìn giở trò, uy hiếp tinh thần.

“Giữa hai hàng lính bồng súng, lên cò lách cách, cô giáo tay không lại đường hoàng đi vào phòng họp trong Tòa hành chính, nơi đã có mặt đầy đủ các quan lớn, nhỏ của tỉnh. Lúc này, cô giáo khẳng định: “Sở dĩ chúng tôi phải đến thương lượng với các ông là vì không muốn làm đổ máu đồng bào, không muốn thấy cảnh “nồi da nấu thịt”.

Các ông không muốn nghe lẽ phải, có muốn làm hại tôi thì chỉ như cây cổ thụ rơi có một lá, còn hằng ha sa số nhân dân ngoài kia, họ sẽ không để cho các ông yên”.

Lúc này, một đối tượng vẫn ngoan cố can ngăn giao chính quyền, thấy vậy cô giáo quay lại điềm tĩnh nói: “Muốn chiến đấu thì có khó khăn gì. Thôi được, ông đã nói thế thì các ông cứ bàn tính cho kỹ đi. Từ đây đến trưa sẽ trả lời cho chúng tôi biết. Quá 12h mà không thấy trả lời thì chúng tôi bắt buộc phải dùng quân sự”.

Cô giáo vừa bỏ đi thì viên Tỉnh trưởng đổi ý: “Khoan đã cô giáo, để tính lại!”. Cô giáo Sáu Ngài quay lại nghiêm mặt: “Không tính toán gì nữa, ông chịu trách nhiệm chính hay người khác?”. Trước lời lẽ đầy thuyết phục này, Tỉnh trưởng cùng viên Phó Tỉnh trưởng thân hành sang trụ sở Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Sa Đéc ký các giấy tờ bàn giao chính quyền cho Việt Minh.

Trong cuộc mít tinh mừng thắng lợi của nhân dân tỉnh Sa Đéc, vào 3h chiều ngày 25/8/1945, trên lễ đài một lần nữa cô giáo Ngài vẫn trong bộ áo dài trắng, thay mặt cho Mặt trận Việt Minh buộc Tỉnh trưởng tuyên bố giao chính quyền và hộp con dấu.

Cô giáo tiếp nhận con dấu trong tiếng hô vang dội của hàng vạn đồng bào: “Chính quyền về tay Việt Minh, ủng hộ Mặt trận Việt Minh. Đảng Cộng sản Đông Dương muốn năm!”. Sau đó, một cuộc tuần hành thị uy của quần chúng và các đội võ trang kéo dài qua hết các đường phố thị xã, đánh dấu ngày hội lớn của nhân dân toàn tỉnh Sa Đéc.

Năm 1946, nỗi đau mất mát ập đến khi hai con nhỏ lần lượt bị bệnh qua đời, bà Sáu Ngài vẫn vượt lên, nén đau thương, tiếp tục cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng. Bà từng đảm nhận các chức vụ quan trọng như: Bí thư Tỉnh ủy Sa Đéc (1946-1949), Phó Giám đốc trại Nhi đồng, Phó Giám đốc Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương. Năm 1966, bà nghỉ hưu.

Sau năm 1975, bà trở về quê hương. Bà mất năm 1988, thọ 92 tuổi. Bà được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Tên bà được đặt cho trường trung học cơ sở ở xã Tân Qui Tây (nay là phường An Hòa, TP Sa Đéc) và con đường trong nội ô TP Cao Lãnh, TP Sa Đéc.

Đình Thương

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/nu-bi-thu-tinh-uy-tay-khong-di-gianh-chinh-quyen-468956.html