Nữ cán bộ Công đoàn tiêu biểu, xuất sắc nhận giải thưởng Nguyễn Văn Linh
Nguyễn Anh Thư - Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Bến Lức, tỉnh Long An là 1 trong 10 cán bộ công đoàn vinh dự được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xét chọn, trao tặng Giải thưởng Nguyễn Văn Linh. Đây là giải thưởng dành cho những người nhiệt huyết, năng động, sáng tạo, gắn bó với người lao động.
Nhiệt huyết, năng động, sáng tạo
Chủ tịch LĐLĐ huyện Bến Lức - Nguyễn Anh Thư, là 1 trong 10 cán bộ Công đoàn vừa được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam xét chọn, trao tặng Giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ III năm 2022, từ 63 đề cử ở cơ sở. Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - Nguyễn Đình Khang cho rằng, mỗi cán bộ Công đoàn, nhất là cán bộ công đoàn được trao tặng Giải thưởng Nguyễn Văn Linh đều là tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Nguyễn Anh Thư chia sẻ, với trách nhiệm là Huyện ủy viên, người đứng đầu cơ quan LĐLĐ huyện, bản thân đã nỗ lực rất nhiều, kịp thời tháo gỡ và đề xuất cấp trên có những giải pháp phù hợp để giải quyết những vướng mắc, khó khăn, thực hiện tốt chức năng chăm lo và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Bến Lức là huyện công nghiệp, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Long An, có vị trí địa lý tiếp giáp với TP.HCM và đang phát triển theo hướng công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Với số lượng CNLĐ lớn, phần lớn là người ngoài tỉnh và đến từ nhiều địa phương khác nhau xuất thân từ nông thôn, đa dạng thành phần, độ tuổi, trình độ học vấn, tay nghề, thành phần xuất thân, văn hóa ứng xử vùng miền cũng đa dạng. Từ đó, làm cho tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội diễn biến phức tạp, khó lường, các tai, tệ nạn xã hội như cướp giật, buôn bán ma túy, cho vay nặng lãi, trộm cắp,…được hình thành và khó kiểm soát, đặc biệt có những vụ án mạng đã xảy ra, làm ảnh hưởng đến đời sống, tinh thần của người lao động.
Trước tình hình đó, mô hình “Khu nhà trọ công nhân văn hóa” được LĐLĐ huyện, chính quyền địa phương, xã, thị trấn trên địa bàn điều tra, khảo sát, thống kê và nhân rộng. Trên cơ sở 29 khu nhà trọ đạt chuẩn “Khu nhà trọ công nhân văn hóa” năm 2018, đến nay trên địa bàn huyện có 1.154 khu nhà trọ công nhân văn hóa với số lượng 16.704 phòng. Hiện nay, các “Khu nhà trọ công nhân văn hóa” không những được quản lý tốt về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, mà người lao động được hưởng lợi từ các khu nhà trọ đạt chuẩn. Chủ nhà trọ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng, đã lắp đặt wifi miễn phí, bố trí sân chơi, dụng cụ thể thao ngoài trời.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cao điểm nhất là đợt dịch bệnh lần thứ 4, hầu hết các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng, người lao động phải tạm ngừng việc, thu nhập, đời sống gặp nhiều khó khăn. LĐLĐ huyện phối hợp UBND huyện, các ban, ngành, đoàn thể triển khai kịp thời nhiều gói hỗ trợ an sinh xã hội, tổ chức tiêm chủng vắc-xin,… Trước tiên là để đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người lao động, sau đó góp phần chăm lo đời sống cho công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ), nhất là CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, CNLĐ trong các khu nhà trọ.
LĐLĐ huyện còn phát động hưởng ứng Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” của Tổng LĐLĐ Việt Nam trong CNVCLĐ toàn huyện. Công đoàn đã chủ động phối hợp thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình với mục tiêu cụ thể, có cơ chế khuyến khích, động viên, khen thưởng đoàn viên, CNVCLĐ tham gia. Kết quả, đã có 1.500 sáng kiến của CNVCLĐ, ĐVCĐ đăng ký tham gia. Các sáng kiến tập trung vào lĩnh vực sản xuất có giá trị làm lợi cao, tạo ra sản phẩm mới, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường, cải cách hành chính, xây dựng Đảng và bảo vệ hệ thống chính trị, cải tiến phương pháp dạy học. LĐLĐ huyện vận động CĐCS tạo trang Facebook của Công đoàn và thường xuyên tương tác, tích cực đăng bài, chia sẻ bài viết về phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn.
Xây dựng cán bộ Công đoàn chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm trong tình hình mới
Anh Thư chia sẻ, trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặt Công đoàn Việt Nam trước những thách thức, khó khăn cần vượt qua. Đó là thách thức, khó khăn trong việc tổ chức thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Tổ chức Công đoàn Việt Nam cũng đang đứng trước những áp lực lớn bởi hiện tại, người lao động có quyền tự nguyện tham gia (hoặc không tham gia) vào tổ chức Công đoàn Việt Nam. Hiện nay, khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, người lao động có quyền tự do thành lập hoặc gia nhập tổ chức mà họ lựa chọn làm đại diện. Đây là một thay đổi quan trọng đối với người lao động.
Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ Công đoàn chưa chuyên nghiệp, năng lực chuyên môn hạn chế, thiếu hụt đội ngũ cán bộ trưởng thành qua thực tiễn hoạt động Công đoàn ngoài khu vực Nhà nước. Mặt khác, cán bộ Công đoàn chủ yếu là kiêm nhiệm, lại thường xuyên biến động, kiến thức về chính sách, pháp luật và kỹ năng hoạt động Công đoàn còn hạn chế, nhiều cán bộ chưa tâm huyết, chưa thực sự quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của người lao động; khả năng giao tiếp, kỹ năng thương lượng, đối thoại còn chưa đáp ứng yêu cầu. Trong bối cảnh mới đòi hỏi Công đoàn và cán bộ Công đoàn phải đổi mới tư duy. Vì vậy, Anh Thư đã có sáng kiến, giải pháp về việc “Xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ”. Với sáng kiến, giải pháp này nêu rõ thực trạng, những thuận lợi, khó khăn của đội ngũ cán bộ Công đoàn trên địa bàn huyện hiện nay.
Theo đó, nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, thời gian qua, LĐLĐ huyện tập trung quan tâm đến công tác cán bộ từ quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đến việc bố trí sử dụng cán bộ từng bước nâng cao trình độ, năng lực CBCĐ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Qua đó, tổ chức Công đoàn nói chung, Công đoàn Bến Lức nói riêng không ngừng lớn mạnh. Hiện nay, toàn huyện có trên 235 CĐCS, với trên 20.000 CNLĐ, 16.342 đoàn viên công đoàn. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn, đặc biệt là đội ngũ cán bộ CĐCS luôn được quan tâm, chú trọng. Đội ngũ cán bộ CĐCS đã có bước trưởng thành, phát triển về số lượng, từng bước nâng cao về chất lượng.
Nguyễn Anh Thư tuyên truyền về những thời cơ và thách thức của tổ chức Công đoàn hiện nay
Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CĐCS, LĐLĐ huyện đã tổ chức tuyên truyền về những thời cơ và thách thức của tổ chức Công đoàn hiện nay và mục tiêu tổng quát của Đại hội XII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2018 - 2023. Trong đó, có nội dung nâng cao hiệu quả đại diện, chăm lo lợi ích đoàn viên, bảo vệ người lao động, vì việc làm bền vững, đời sống ngày càng cao; Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, tinh thần yêu nước, hiểu biết pháp luật, trách nhiệm cao, tay nghề giỏi, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh.
LĐLĐ huyện kết hợp LĐLĐ tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Công đoàn, nhất là CĐCS ngoài Nhà nước; phối hợp các ngành tổ chức các lớp kỹ năng cho cán bộ Công đoàn; đề xuất NLĐ theo dõi sự thay đổi của cán bộ Công đoàn, kết hợp với chủ doanh nghiệp xem xét, bố trí những cán bộ Công đoàn có đủ tiêu chuẩn để đưa tổ chức CĐCS hoạt động một cách hiệu quả,...
Theo Anh Thư, sáng kiến, giải pháp này được áp dụng trong tình hình thực tiễn ở huyện Bến Lức. Hiện nay, huyện chú trọng lựa chọn đội ngũ cán bộ CĐCS, nhất là chủ tịch CĐCS thực sự là thủ lĩnh của tập thể lao động, trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, đại diện cho tập thể người lao động trong xây dựng, giải quyết các mối quan hệ giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động. Qua các giải pháp đã nêu, qua từng năm, tại huyện Bến Lức chất lượng CĐCS được xếp loại CĐCS vững mạnh ngày càng tăng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCĐ cũng được quan tâm và bố trí sắp xếp lại, hoạt động hiệu quả hơn, phát huy được vai trò của tổ chức Công đoàn. Đặc biệt, hiện nay hầu hết CBCĐ có kỹ năng tuyên truyền vận động ĐVCĐ và NLĐ, giải quyết tốt các tranh chấp lao động, đình công, lãng công. Đặc biệt, là CBCĐ đã có kỹ năng thương lượng ký kết các thỏa ước lao động tập thể có nhiều nội dung có lợi hơn so với Luật, có lợi cho NLĐ.
Ngoài ra, trong công việc, bản thân Anh Thư luôn có tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, sáng tạo, có nhiều sáng kiến, ý tưởng mới được ứng dụng hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, điển hình như: mô hình “diễn đàng lắng nghe ý kiến người lao động”, mô hình “Cà phê doanh nhân tuyên truyền pháp luật”, mô hình “Khu nhà trọ công nhân văn hóa”. Với những giải pháp thiết thực, hiệu quả đó đã ảnh hưởng và tác động sâu sắc tới phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn trong địa bàn của huyện, tỉnh.
Với những nỗ lực của bản thân, Anh Thư cùng sự đoàn kết, nhất trí và phấn đấu không mệt mỏi của tập thể, từ năm 2011 cho đến nay LĐLĐ huyện Bến Lức đạt thành tích khá cao, nhiều năm liền là đơn vị vững mạnh xuất sắc nhận Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Cờ thi đua của LĐLĐ tỉnh. Năm 2021, LĐLĐ huyện tiếp tục dẫn đầu phong trào thi đua được LĐLĐ tỉnh xét đề nghị nhận Cờ thi đua xuất sắc của Tổng LĐLĐ Việt Nam, UBND tỉnh công nhận đơn vị “vững mạnh xuất sắc”, cá nhân Anh Thư được công nhận chiến sĩ thi đua cấp cơ sở./.