Nữ chiến sĩ biên phòng xứ Nghệ: Xung phong vào đội huấn luyện võ thuật khi con mới 8 tháng tuổi
Người thì cai sữa cho con sớm để dành toàn bộ tâm huyết và sức khỏe cho đợt huấn luyện, người lại tranh thủ vắt sữa để dành cho con ăn... - đó là chuyện của các 'bóng hồng' biên phòng xứ Nghệ để chuẩn bị cho Lễ ra quân huấn luyện tỉnh Nghệ An năm 2024.
Lễ ra quân huấn luyện tỉnh Nghệ An năm 2024 vừa kết thúc nhưng ấn tượng về những tiết mục biểu diễn các bài võ tay không, dao găm, côn nhị khúc, khí công... của các "bóng hồng" biên phòng tỉnh Nghệ An đã khiến cán bộ, chiến sĩ và hàng nghìn người dân trầm trồ, nể phục.
Với các "bóng hồng" biên phòng xứ Nghệ, những bài đánh võ này không có gì mới lạ. Bởi mô hình "Phụ nữ khỏe để bảo vệ Tổ quốc" được Hội Phụ nữ Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An duy trì từ nhiều năm qua. Tham gia mô hình này, các chị em sẽ biểu diễn võ thuật, huấn luyện nhiều bài kỹ thuật khó và không có sự khác biệt với đồng đội là nam giới.
Tranh thủ đi vắt sữa cho con giữa buổi tập
Đã trở về với gia đình sau gần 1 tháng huấn luyện và biểu diễn thành công cho Lễ ra quân huấn luyện tỉnh Nghệ An năm 2024, gương mặt Nguyễn Thị Hà (SN 1992) ánh lên vẻ hân hoan. Cô bảo: "Điều khác biệt sau đợt huấn luyện là tôi được về với con mà không phải tranh thủ vắt sữa để dành mỗi ngày cho con. Ngoài ra, làn da trắng hồng được dưỡng sau 6 tháng hưởng chế độ thai sản của mình giờ đã đổi màu ngăm đen vì nhuốm nắng và gió biển ở đơn vị gần biển Cửa Lò trong đợt huấn luyện".
Nguyễn Thị Hà sinh ra và lớn lên ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Bố cô từng là Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Trị, ông cả đời gắn với màu xanh biên phòng cho đến khi về hưu.
Hà là con thứ 2 trong gia đình có 3 chị em, cậu em trai út theo ngành công an. Tốt nghiệp cấp 3, Hà thi vào trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Nghệ An. Cô nghĩ sẽ theo thế mạnh học các môn tự nhiên của mình bước vào đời. Vậy mà, trong một lần bố về thăm nhà, bày tỏ mong muốn: "Bố chỉ tiếc là trong 3 con không đứa nào chọn nghề của bố".
Nghĩ đến lời tâm sự của bố, ngay khi tốt nghiệp Cao đẳng kinh tế kỹ thuật, Hà bất ngờ xin về công tác tại lực lượng biên phòng tỉnh Nghệ An.
Năm 2018, Hà xây dựng gia đình với người chồng làm công an. Cho đến nay, vợ chồng Hà có 2 con, con trai lớn 4 tuổi, con gái nhỏ gần 8 tháng tuổi. "Tôi mới nghỉ hết chế độ thai sản 6 tháng, vừa đi làm lại. Dù biết sức khỏe sau sinh có phần yếu hơn bình thường nhưng tôi vẫn xung phong vào đội huấn luyện võ thuật của đơn vị để tiếp tục được thử sức và không bỏ lỡ cơ hội với đam mê võ thuật của mình", Hà bộc bạch.
Hà cho biết, năm trước cô mang bầu con thứ hai, nên không tham gia đội huấn luyện. Năm nay vừa mới đi làm lại sau đợt nghỉ thai sản, dù phải đi huấn luyện mỗi ngày cách nhà hơn 20 km khá vất vả nhưng nhờ có sự động viên của chồng, của ông bà nội, ngoại hai bên hỗ trợ chăm sóc con giúp, Hà yên tâm với nhiệm vụ của mình.
"Tôi thường dậy trước 5 giờ sáng tranh thủ vắt sữa cho vào tủ lạnh, để bà nội giúp con có sữa mẹ ăn ở nhà. Hôm nào không đủ sữa mẹ thì con ăn thêm sữa bột. Hầu như giữa buổi tập nào, khi mọi người được nghỉ ngơi, uống nước, còn em phải tranh thủ đi vắt sữa cho con. Vừa để tránh bị cương sữa lúc đang tập luyện, con cũng có thêm sữa ăn lúc mẹ vắng nhà", Hà chia sẻ.
Mỗi ngày, Hà đều đi làm lúc 6h sáng và về nhà lúc 18 - 19h. Cô tham gia cùng đồng đội đánh đối kháng, đồng diễn các bài võ tay không, côn nhị khúc, dao găm, khí công… "Lúc mới vào đợt huấn luyện, vì ảnh hưởng bởi sức khỏe sau sinh đẻ, tôi thấy khá hụt hơi, căng cơ gây đau mỏi khắp người nhưng vì tính chất công việc, được chồng và đồng đội động viên, tôi lại cố gắng hết mình rèn luyện. Sau hơn 1 tuần tập luyện bền bỉ, cơ bản sức khỏe của tôi đã trở lại, không còn quá mệt nữa, tôi đã theo kịp các thế đánh của các bài võ thuật với các đồng đội nam, nữ trong đội tuyển", Hà bộc bạch.
Bén duyên với các môn võ thuật từ năm 2018, Hà được Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An đưa vào đội huấn luyện và được các thầy ở Học viện Biên phòng tập luyện, khi ấy cô chưa lấy chồng. Với bản lĩnh và năng khiếu sẵn có, chỉ sau thời gian 1,5 tháng tập luyện võ thuật với cường độ cao, Hà đã khá nhuần nhuyễn với các bài tập võ như yêu cầu đặt ra. Cô cho biết: "Do trước đó tôi đã nắm cơ bản được kỹ thuật, chỉ cần khắc phục sức khỏe là ôn luyện lại các bài võ thuật thành công, lần này tập luyện này không khó khăn gì. Chỉ khác là các bài võ thuật năm nay được các thầy huấn luyện mức nâng cao hơn một bước, đòi hỏi kỹ thuật khó hơn. Nhưng đã xung phong nhận nhiệm vụ, tôi càng phải tập luyện bền bỉ, kiên trì, để đạt được yêu cầu cao nhất do cấp trên đề ra".
Nể phục cặp vợ chồng đồng diễn môn khí công
Trong tiết mục biểu diễn ra quân huấn luyện đợt này, ai cũng ấn tượng với một cặp vợ chồng biểu diễn môn khí công - một trong số những môn võ khó nhất trong các bài huấn luyện. Tiết mục "khó nhằn" này được cặp vợ chồng của Thượng úy Hoàng Hoa Mai (SN 1992) - Đại úy Nguyễn Anh Tuấn phối hợp biểu diễn. Sau những phút hồi hộp, lo lắng, là sự cổ vũ kéo dài của đông đảo cán bộ, chiến sĩ và mọi người có mặt tại Lễ ra quân huấn luyện tỉnh Nghệ An đợt này.
Với làn da rắn rỏi sau đợt huấn luyện, Hoàng Hoa Mai cười tươi chia sẻ: "Ngoài tham gia tập đồng diễn các môn võ thuật múa dao, côn nhị khúc, đồng diễn song côn thì điều thú vị là đợt này tôi có tiết mục phối kết hợp cùng chồng mình biểu diễn khí công. Theo yêu cầu của tiết mục, chồng tôi nằm trên dàn mảnh chai, sau đó bàn chông được đặt lên bụng anh, tôi sẽ nằm lên bàn chông đó, trên bụng tôi tiếp tục đặt 1 tảng đá nặng khoảng 60 kg, để đồng đội đập vỡ khi biểu diễn. Mỗi lần luyện tập hay biểu diễn, đồng đội phải dùng sức mạnh đập từ 3 đến 5 búa mới làm vỡ tảng đá này, lúc ấy coi như vợ chồng tôi mới hoàn thành tiết mục", Mai vui vẻ kể.
Mai nhập ngũ năm 2017. Hai vợ chồng cùng sinh ra và lớn lên ở thành phố Vinh (Nghệ An), cùng công tác ở phòng Tham mưu ở đơn vị. "Vợ chồng tôi gặp nhau cũng trong một lần huấn luyện võ thuật năm 2018, rồi về chung một nhà cuối năm 2019", Mai cho biết.
Đến nay, vợ chồng Mai có 2 con, con trai 3 tuổi và con gái vừa tròn 1 tuổi. Do cả hai vợ chồng cùng xung phong tham gia huấn luyện biểu diễn võ thuật đợt này, nên ngay dịp Tết Nguyên đán, Mai đã cai sữa cho cô con gái nhỏ, để dành toàn bộ tâm huyết và sức khỏe cho đợt huấn luyện lần này cùng chồng và đồng đội.
Mai tâm sự: "Hồi đầu, tôi thấy môn khí công rất khó nhưng được thầy hướng dẫn tận tình, về nhà lại được chồng chỉ bảo thêm, tôi dần tự tin, không còn lo lắng khi chồng nằm trên dàn mảnh chai, hay tôi nằm trên bàn chông sẽ bị thương nữa. Mọi người nhìn thấy vợ chồng tôi biểu diễn môn võ thuật nguy hiểm này sẽ rất hồi hộp, lo lắng nhưng với vợ chồng tôi lại bình thường. Mỗi lần tập luyện hay biểu diễn cùng nhau, còn thấy rất hạnh phúc".
Trong thời gian huấn luyện, chồng Mai và các đồng đội đều phải ở tập trung tại đơn vị huấn luyện, chỉ có Mai và một số chị em có con nhỏ được tạo điều kiện về nhà mỗi ngày.
Bố Mai trước đây công tác tại các đơn vị: Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Bộ Tư lệnh Biên phòng, cho đến khi nghỉ hưu. Nhà có 2 chị em, Mai từng làm nhân viên giao dịch ở Ngân hàng Nghệ An, sau đó Mai đã chuyển ngành vào công tác tại Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh. Mỗi lần con tham huấn luyện với cường độ cao, bố đều động viên Mai: "Con cứ yên tâm huyến luyện thật tốt, ở nhà bố mẹ sẽ giúp con chăm các cháu, không phải lo gì".
Mỗi khi giải lao, Mai đều thấy bố chụp hình ảnh các con đang ở nhà ăn, ngủ, chơi qua điện thoại, để động viên tinh thần con gái huấn luyện. Còn Mai lại gửi cho bố hình ảnh vợ chồng Mai và các đồng đội đang tập luyện. Mai kể: "Bố tôi rất tự hào khi thấy con gái theo nghề của bố. Vào các ngày tôi biểu diễn võ thuật, bố đều dậy từ rất sớm, diện bộ quân phục bạc màu rồi cùng mẹ đến cổ vũ cho con gái và con rể".
Tự hào khi trong đội biểu diễn võ thuật có sự tham gia của các nữ chiến sĩ biên phòng
Nói về màn biểu diễn võ thuật ấn tượng, đặc biệt là hình ảnh các cô gái biên phòng đầy bản lĩnh, khí chất trong Lễ ra quân huấn luyện vừa diễn qua tại tỉnh Nghệ An, đại tá Hồ Quyết Thắng, Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Nghệ An, cho biết: Đây là một hoạt động quan trọng nhân dịp chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Bộ đội Biên phòng, 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân, toàn đội phối hợp với lực lượng vũ trang (bao gồm công an, quân sự) để đồng diễn màn võ thuật với quy mô toàn quốc.
"Tôi rất tự hào, khi trong đội biểu diễn võ thuật có sự tham gia của các nữ chiến sĩ biên phòng của đơn vị mình. Các chị em tham gia biểu diễn võ công cùng lực lượng vũ trang, rồi biểu diễn chó nghiệp vụ, đặc biệt, chị em còn hầu hết đảm nhiệm vai chính (đánh chính) trong các tiết mục múa song côn, múa dao găm. Ví như, trong tiết mục biểu diễn song côn có 5 người, thì có 2 nữ chiến sĩ cùng biểu diễn. Thậm chí, trong các tiết mục đồng diễn, chị em đều đứng hàng đầu, làm bìa, làm nền cho toàn đội", Đại tá Hồ Quyết Thắng đầy hứng khởi nói.
"Thêm một điều đặc biệt, là trong màn khí công năm nay, có cặp vợ chồng Hoa Mai cùng phối hợp biểu diễn chung 1 tiết mục. Đây là tiết mục khó, đòi hỏi sự tập trung và tập luyện dày công nhất. Bởi chỉ mất tập trung nửa giây thôi, sẽ có thể gây chấn thương cho chính chồng hoặc vợ mình. Tuy nhiên, trong những ngày tập luyện và biểu diễn chính thức vừa qua, cả hai vợ chồng Mai đều thể hiện rất tốt. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng và tự hào ở cặp vợ chồng này", Đại tá Hồ Quyết Thắng cho biết thêm.
"Chúng tôi càng vui mừng khi là một trong số đơn vị hiếm hoi có các "bóng hồng" trong lực lượng biểu diễn võ thuật để lại ấn tượng đậm nét trong lòng Nhân dân, góp phần tích cực vào thành công lớn cho Lễ hội ra quân năm 2024 của cả nước. Để có thành công này, các đồng chí nữ biên phòng của chúng tôi đều đã nỗ lực gấp 2, gấp 3 lần các đồng đội nam, khi chị em hầu hết có con nhỏ, đang cho con bú, khá vất vả vì phải đi, về trong ngày suốt thời gian huấn luyện. Nhưng chị em và cán bộ, chiến sĩ đều đã vượt mọi khó khăn trước mắt, quyết tâm cao nhất, sẵn sàng góp phần cùng đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới trong mọi hoàn cảnh", Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Nghệ An tự hào chia sẻ.