Nữ chiến sĩ Cảnh sát giao thông Thủ đô giỏi việc nước, đảm việc nhà

'Một ca làm nhiệm vụ xử lý nồng độ cồn thường từ 12h-15h. Giữa trưa hè nắng rát, lại không được đeo khẩu trang, thực sự là điều 'đáng sợ' với nhan sắc của phụ nữ. Nhưng vì đặc thù công việc, chúng tôi vẫn phải hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao' - đó là chia sẻ của Đại úy Nguyễn Thị Hồng Nhung, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 3 (Phòng CSGT, CATP Hà Nội).

Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất

Cán bộ, chiến sĩ Công an Thủ đô ít ai không biết đến Đại úy Nguyễn Thị Hồng Nhung - cán bộ Phòng CSGT, bởi cô là gương mặt quen thuộc trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, báo cáo viên tuyên truyền pháp luật giao thông của đơn vị và CATP. Dù yểu điệu thục nữ là vậy, nhưng nhìn bảng thành tích của Hồng Nhung, không ít người phải ngả mũ… nể phục.

Đại úy Nguyễn Thị Hồng Nhung chỉ huy, điều khiển giao thông trên đường phố Hà Nội

Đại úy Nguyễn Thị Hồng Nhung chỉ huy, điều khiển giao thông trên đường phố Hà Nội

Sinh năm 1987, với gương mặt xinh đẹp, giọng nói truyền cảm, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Hồng Nhung đã mơ ước được làm các công việc liên quan đến phát thanh, truyền hình. Tốt nghiệp Học viện Báo chí tuyên truyền, cô về công tác tại Phòng Công tác đảng và công tác chính trị, CATP Hà Nội. Sau hơn 1 năm công tác, Hồng Nhung tiếp tục học thêm văn bằng 2 Học viện Cảnh sát nhân dân, chuyên ngành CSGT. 14 năm gắn bó với công việc, Hồng Nhung chia sẻ: “Một ngày của tôi bắt đầu từ 6h sáng. Sau khi cho lũ trẻ đi học, tôi đến đơn vị và ra về vào 17 - 18h. Nếu hôm nào làm nhiệm vụ xử lý vi phạm nồng độ cồn, tuyên truyền phổ biến pháp luật giao thông tại các khu dân cư thì có thể muộn hơn, thường là 21 - 22h. Vì vậy các nữ chiến sĩ CSGT phải sắp xếp thời gian rất khoa học để có thể vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ, vừa thực hiện thiên chức của người vợ, người mẹ trong gia đình”.

Cách đây ít ngày, hình ảnh những nữ cảnh sát giao thông xinh đẹp của Đội CSGT số 3 làm nhiệm vụ xử lý vi phạm nồng độ cồn giữa ngày hè nắng gắt đã nhận được sự ủng hộ, khen ngợi của nhiều người dân. Theo lãnh đạo Phòng CSGT, việc để các nữ chiến sĩ CSGT đi làm nhiệm vụ nhằm giảm áp lực cho người vi phạm, hạn chế các va chạm không cần thiết. Tất cả các nữ cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đều được đào tạo nghiệp vụ cơ bản, đáp ứng mọi nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phân luồng phương tiện, xử lý hồ sơ và trực tiếp kiểm tra nồng độ cồn. Ngoài ra, nữ chiến sĩ CSGT còn được đào tạo bài bản để xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình làm nhiệm vụ. Họ vừa cứng rắn, kiên quyết, nhưng cũng rất mềm mỏng.

Đại úy Nguyễn Thị Hồng Nhung thực hiện nhiệm vụ xử lý vi phạm nồng độ cồn

Đại úy Nguyễn Thị Hồng Nhung thực hiện nhiệm vụ xử lý vi phạm nồng độ cồn

Đại úy Nguyễn Hồng Nhung cũng là một trong những nữ chiến sĩ thường xuyên được đơn vị cử đi xử lý vi phạm nồng độ cồn và điều tiết, phân luồng giao thông. “Thông thường một ca làm nhiệm vụ xử lý vi phạm nồng độ cồn sẽ kéo dài từ 12h-15h chiều. Trong quá trình làm việc, cán bộ chiến sĩ không được đeo khẩu trang. Giữa ngày hè, đó thực sự là một điều “đáng sợ” với làn da của phụ nữ. Tuy nhiên vì công việc nên chúng tôi cũng không quản ngại, cố gắng hết sức hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao” - Đại úy Hồng Nhung chia sẻ. Ngoài công việc xử lý nồng độ cồn, Hồng Nhung cũng như các chị em khác tại đơn vị có 3 buổi/tuần ra đường làm nhiệm vụ hướng dẫn phương tiện giao thông.

Thời gian đầu khi đứng trên bục chỉ huy, Hồng Nhung không tránh khỏi ngại ngùng khi có nhiều người dân chụp ảnh, quay phim. Song sau vài buổi, cô đã quen và đến giờ cảm thấy rất bình thường và vinh dự. “Mỗi ca trực thường kéo dài 2 tiếng, quy định cũng cho phép cứ chỉ huy giao thông trong 30 phút thì được rời bục nghỉ 10 phút. Thế nhưng nhiều lần đèn tín hiệu bị lỗi, các phương tiện di chuyển lộn xộn, hay vào giờ cao điểm lượng phương tiện lưu thông đông, tôi thường điều tiết một mạch mà không cần nghỉ. Có lần, khi đang điều khiển giao thông tại nút giao Nguyễn Chí Thanh - Huỳnh Thúc Kháng thì có một bác đến gần tặng tôi bức ảnh. Bác ấy nói là đã chụp tôi khi làm nhiệm vụ cách đây vài ngày. Bức ảnh rất đẹp, sau đó tôi có gửi đi tham dự thi cuộc thi ảnh của Bộ Công an và được giải Ba. Đó là một kỷ niệm rất khó quên” - Đại úy Hồng Nhung nhớ lại.

Quá trình làm nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính, Hồng Nhung cũng gặp nhiều tình huống khó xử. “Địa bàn đơn vị tôi quản lý gần nhiều bệnh viện nên rất hay gặp cảnh người dân từ quê ra nhưng không thuộc đường. Họ thường xuyên đi sai làn, đi vào đường một chiều, đường cấm… nên chúng tôi cũng phải linh hoạt xử lý sao cho có lý, có tình. Có lần đang chỉ huy giao thông tại đường Nguyễn Chí Thanh tôi gặp một người phụ nữ đi ngược chiều. Sau khi ra hiệu lệnh dừng xe và hỏi, chị ấy thật thà cho biết đang từ Hà Nam ra Hà Nội nhận tro cốt của người nhà bị mất vì mắc Covid-19. Do không biết đường, tâm trạng lại đau buồn nên chị ấy không biết mình đang phạm luật. Thấy hoàn cảnh như vậy, tôi cũng chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng để chị ấy rút kinh nghiệm, đồng thời hướng dẫn chị ấy đi đúng hướng” - Hồng Nhung chia sẻ.

Đại úy Nguyễn Thị Hồng Nhung làm báo cáo viên tại buổi tuyên truyền pháp luật giao thông

Đại úy Nguyễn Thị Hồng Nhung làm báo cáo viên tại buổi tuyên truyền pháp luật giao thông

Muốn xây dựng hình ảnh chiến sĩ Cảnh sát giao thông đẹp hơn

Không chỉ nhiệt huyết trong nhiệm vụ, Đại úy Nguyễn Thị Hồng Nhung còn được biết đến là một cán bộ năng nổ, nhiệt tình tham gia các hoạt động của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, các hoạt động văn thể mỹ của đơn vị, cô còn tham gia các chương trình thiện nguyện ngoài cộng đồng. Những năm gần đây, Hồng Nhung được lãnh đạo Phòng CSGT tin tưởng giao nhiệm vụ báo cáo viên tuyên truyền pháp luật giao thông tại các trường đại học, các tổ chức tôn giáo. Có chồng cùng ngành công an, thuận lợi là luôn nhận được ủng hộ, thông cảm, song chính ông xã của Hồng Nhưng cũng thường phải trực đơn vị. Do đó, mọi việc nhà cô phải quán xuyến hết. Vào các dịp lễ Tết, khi mọi người được nghỉ thì lực lượng công an nói chung, CSGT nói riêng luôn ứng trực 100% quân số. Vợ chồng cô vì thế phải thay nhau đi trực. Một cái Tết đoàn viên đủ vợ đủ chồng hay những ngày nghỉ lễ trọn vẹn bên gia đình là điều vô cùng khó khăn. Những khi con ốm mà cả hai vợ chồng đang trong cao điểm phục vụ công tác thì đành phó thác con cái cho ông bà.

Vất vả là thế, nhưng Đại úy Nguyễn Thị Hồng Nhung luôn nỗ lực, hết mình với nhiệm vụ. Với những cố gắng của mình, cô đã giành được nhiều giải thưởng, thành tích, như: Gương điển hình tiên tiến CATP Hà Nội năm 2023; Chiến sĩ thi đua cơ sở năm 2023; Giải Nhất cuộc thi Nữ tuyên truyền viên giỏi về an toàn giao thông 2023; Giải Nhất cuộc thi Cán bộ Hội Phụ nữ tài năng, duyên dáng 2018 - CATP Hà Nội; Giải Nhất Cuộc thi Cán bộ Hội Phụ nữ tài năng duyên dáng - Bộ Công an 2018; Giải Đặc biệt cuộc thi Viết về lực lượng Cảnh sát giao thông; 9 Huy chương Vàng cá nhân trong các kỳ hội diễn nghệ thuật quần chúng - Bộ Công an (từ 2012 đến 2016); Huy chương Vàng người dẫn chương trình CAND; và nhiều bằng khen, giấy khen khác.

Chia sẻ về mong muốn của bản thân, Đại úy Nguyễn Thị Hồng Nhung cho biết: “Tôi muốn xây dựng hình ảnh một nữ chiến sĩ cảnh sát giao thông đẹp hơn, nhân văn, thân thiện trong mắt người dân…”.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nu-chien-si-canh-sat-giao-thong-thu-do-gioi-viec-nuoc-dam-viec-nha-post578285.antd