Nữ CSGT 16 giao thừa túc trực đảm bảo an toàn cho người dân đón Tết
Giao thừa không ở nhà để sum vầy cùng chồng con là thiệt thòi với phụ nữ và gia đình, nhưng để đảm bảo an toàn cho người dân đón Tết, 16 năm công tác cũng là 16 đêm giao thừa chị túc trực trên đường.
XEM VIDEO:
Quyết liệt đấu tranh với “ma men”
Mỗi dịp Tết đến Xuân về tình hình trật tự an toàn giao thông trở nên phức tạp, lưu lượng tham gia giao thông tăng cao trên khắp các tuyến đường. Đây cũng là dịp các đối tượng vận chuyển hàng cấm, hàng gian hàng giả lợi dụng hoạt động, tiềm ẩn tai nạn giao thông đe dọa sự bình yên cho người than gia giao thông.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông ban hành kế hoạch mở đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông - trật tự xã hội dịp tết Dương lịch, tết Nguyên đán Canh Tý và các lễ hội đầu xuân năm 2020.
Đợt cao điểm năm nay cũng là thời điểm luật Phòng chống tác hại rượu bia và nghị định 100/2019 NĐ-CP có hiệu lực, Cục CSGT đã tham mưu với lãnh đạo Bộ ban hành công điện chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương quán triệt, triển khai; đồng thời chỉ đạo phòng CSGT Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung lực lượng, huy động cao nhất phương tiện vũ khí, công cụ hỗ trợ, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tiến hành kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Tại tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tất cả các phương tiện ngay sau khi qua trạm thu phí sẽ được yêu cầu đi chậm và dừng trước chốt kiểm tra nồng độ cồn. Việc kiểm tra này nhận được sự đồng tình, ủng hộ của tài xế và hành khách.
Anh Nguyễn Quang Hiện, lái xe khách hành trình Hà Nội đi Hải Phòng cho biết: “Việc kiểm tra nồng độ cồn các xe lên cao tốc rất là tốt. Chống tác hại của rượu bia, đảm bảo an toàn cho mọi người”.
Hành khách Thái Văn Minh (đoàn du khách Tiền Giang) đi du lịch từ Hà Nội về Hải Phòng cảm thấy không bị phiền về việc dừng xe kiểm tra nồng độ cồn với các lái xe vì việc kiểm tra không mất nhiều thời gian. Và hoàn toàn ủng hộ luật Phòng chống tác hại của bia và nghị định 100/2019 NĐ-CP vì mục đích chính của hai văn bản này là để đảm bảo an toàn cho hành khách lưu thông trên đường.
Chỉ tính riêng 20 ngày đầu luật Phòng chống tác hại của rượu bia và NĐ 100/2019 NĐ-CP có hiệu lực CSGT toàn quốc phát hiện 20.138 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong tổng số 358.803 trường hợp vi phạm giao thông; đã xử phạt hành chính, thu về ngân sách nhà nước hơn 253 tỉ đồng; tạm giữ 59.764 phương tiện. Tình hình tai nạn giao thông cả nước giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm trước.
Những chiến sĩ CSGT thầm lặng
Thiếu tá Ngô Thị Tân Nhân, cán bộ đội Đội CSGT-TT, Công an thành phố Đông Hà (Quảng Trị), công tác trong ngành 16 năm cũng là 16 đêm giao thừa chị túc trực trên tuyến đường đảm bảo an toàn cho người dân.
Thiếu tá Tân Nhân cho biết mỗi ca trực giao thừa bắt đầu từ 18h đến 2h sáng ngày hôm sau, nhiệm vụ chính là đảm bảo TTATGT tại các điểm bắn pháo hoa cho người dân đón giao thừa.
“Giao thừa không được ở nhà để sum vầy cùng chồng con là một thiệt thòi đối với phụ nữ và gia đình tuy nhiên vì công việc, nhiệm vụ thì các con của tôi cũng rất hiểu và chia sẻ với mẹ”, Thiếu tá Nhân chia sẻ.
Không chỉ có thiếu tá Ngô Thị Tân Nhân mà chiến sỹ thuộc Thủy đoàn 1, Cục Cảnh sát giao thông đang đóng tại cửa Ba Lăng (Quảng Ninh) cũng vậy. Vì đặc thù, các chiến sỹ CSGT này đảm bảo ATGT đường thủy nên nơi sinh hoạt, ăn ở cũng ngay trên chính tàu tuần tra neo lại nơi cửa biển.
Trung tá Phạm Quang Huy, Thủy đoàn trưởng Thủy đoàn 1, Cục Cảnh sát giao thông cho biết: “Việc ăn ở của chiến sỹ đều tập trung trên tàu tuần tra, do điều kiện cách xa đất liền nên chỉ khi nghỉ dài ngày mới vào bờ. Với những ngày gió lớn, tàu bị lắc điều kiện sinh hoạt của anh em hết sức khó khăn”.
Tết đến, xuân về là lúc cả gia đình đoàn tụ sum vầy sau một năm làm ăn vất vả, thế nhưng, với lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông thì điều đó thật khó trọn vẹn. Vì, cứ mỗi mùa xuân đến, nhiệm vụ của những người làm công tác này lại nặng nề hơn so với những ngày thường.