Nụ cười, nước mắt tại Bảo tàng chứng tích chiến tranh trước thềm 30/4
Bảo tàng chứng tích chiến tranh là điều thu hút Charlotte (quốc tịch Đức) tìm đến TP.HCM. Cô xúc động khi nhìn nhiều tấm ảnh hiện trường và biết rằng nhiều nhiếp ảnh gia đã mất ngay sau khi chụp những khoảnh khắc đó.

Tọa lạc ngay trung tâm quận 3, TP.HCM, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh được thành lập vào ngày 4/9/1975, nằm trong hệ thống các bảo tàng Việt Nam và Bảo tàng vì Hòa bình thế giới. Từ lâu, nơi đây đã trở thành một trong những điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá TP.HCM đối với du khách trong và ngoài nước.

Hiện bảo tàng đang lưu giữ hơn 20.000 tài liệu, hiện vật, phim ảnh, mở ra một cách cửa đưa khách tham quan lội ngược dòng lịch sử, trở về những năm tháng kháng chiến cứu nước và hậu quả mà chiến tranh để lại.

Trước thềm đại lễ 30/4, Bảo An (ngoài cùng bên phải, ngụ Gò Vấp) cùng nhóm bạn đã chọn Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh làm điểm dừng chân trong hành trình chụp ảnh áo dài ở TP.HCM. "Ban đầu, chúng tôi định đi Dinh Độc Lập, nhưng nghĩ bảo tàng mang nhiều ý nghĩa lịch sử nên quyết định ghé đây trước", An chia sẻ. Cô không giấu được sự hào hứng: "Hiếm khi thấy cả đoạn đường dài ai cũng mặc áo dài, cầm cờ, đội nón lá. Không khí quá đỗi tự hào và rực rỡ". Khi được khách du lịch xin chụp hình chung, An cảm thấy "rất tự hào vì có thể lan tỏa hình ảnh đẹp của Việt Nam tới bạn bè quốc tế".

Chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), bảo tàng đã khai mạc trưng bày chuyên đề: Từ Hiệp định Paris đến Đại thắng mùa Xuân 1975. Chuyên đề đưa khách đi qua những cuộc đối đầu căng thẳng trên bàn đàm phán Hiệp định Paris, những trận đánh khốc liệt trong Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng rồi Chiến dịch Hồ Chí Minh để có thể đến được khoảnh khắc xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập đầy biểu tượng.

Charlotte, 20 tuổi, đến từ Berlin (Đức), lần đầu tiên ghé thăm Việt Nam với hành trình kéo dài một tháng từ Bắc vào Nam. "Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh chính là lý do lớn nhất khiến tôi chọn TP.HCM làm điểm dừng chân trước khi tiếp tục chuyến đi tới Campuchia, Indonesia rồi trở về Đức. Tôi đã học về Chiến tranh Việt Nam ở trường. Khi đến đây, đọc từng dòng chú thích dưới các bức ảnh khiến tôi rất xúc động, nhất là khi biết rằng nhiều nhiếp ảnh gia đã mất ngay sau khi chụp những khoảnh khắc đó", Charlotte nói với Tri Thức - Znews.

Trong những ngày cả đất nước đang hòa trong không khí chào mừng Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh lại càng nhận được sự quan tâm của nhiều khách tham quan, đặc biệt là những bạn trẻ.

Đặng Khánh Vân (ngụ Long Thành, Đồng Nai) tìm đến Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh để xem lại lịch sử về quá trình đấu tranh, bảo vệ độc lập của dân tộc. "Lần trước tôi ghé thăm nhưng bảo tàng đóng cửa nên tôi quyết tâm quay lại vào hôm khác. Đến đây, tôi cảm nhận rõ hơn hết về những đau thương, mất mát, và thêm quý trọng sự độc lập, tự do của dân tộc, cũng như tràn ngập sự tự hào khi được là người Việt Nam", Vân nói.

Đến đây, các bạn trẻ thường mang những chiếc áo "yêu nước", in tiêu ngữ Độc Lập - Tự do - Hạnh Phúc, cổ quấn khăn rằn, số khác diện áo dài, áo thun in hình cờ đỏ sao vàng...




Từng bức ảnh, từng chiếc máy bay, xe tăng, chuồng cọp, quả bom, viên đạn đến những phòng chuyên đề mang đến những cảm xúc mạnh mẽ cho khách tham quan. Đây không chỉ là nơi lưu giữ lịch sử, mà còn là lời nhắc nhở về giá trị của hòa bình.

Có mặt tại bảo tàng hôm 24/4, diễn viên Quốc Anh chia sẻ: "Bố tôi cũng từng là bộ đội, vì vậy tôi hiểu sự hy sinh lớn lao của các cựu chiến binh". Vì vậy, anh quyết định đến đây để tìm hiểu sâu hơn về lịch sử, cũng như bày tỏ sự tri ân đến thế hệ đi tước. "Những ngày gần đây, không khí tại TP.HCM rất hào hứng, rộn ràng từ sáng đến đêm. Mọi người từ trẻ đến già đều tự hào, hân hoan chào đón lễ 30/4". Anh dự định sẽ dậy từ 4h sáng ngày 30/4 để xuống phố xem diễu binh kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.

Đến bảo tàng để tìm kiếm tư liệu cho bài báo cáo nghiên cứu, Thanh Thúy (ngụ quận 5) thấy trong lòng dâng lên cảm xúc khó tả khi nhìn thấy những hình ảnh, chứng tích còn sót lại sau chiến tranh. "Tôi đã nghe nhiều về chất độc da cam, nhưng khi chứng chiến những hình ảnh thế này trong lòng tôi rất xót xa", Thúy chia sẻ.




Những hình ảnh, vũ khí, nhữn mảnh bom còn sót lại trong các cuộc chiến được trưng bày, như một lời nhắc nhở về giá trị của hòa bình.

Biết ơn và tự hào là cảm xúc của chị Hồng Ngọc (ngụ Đồng Nai) khi lần đầu đến đây tham quan. "Ông cha ta đã phải hy sinh quá nhiều để có được ngày hôm nay. Thật tự hào khi được làm người Việt Nam", chị nói. Chị cho biết, dịp lễ năm nay, chị và 2 chị em gái đã đặt khách sạn ở phố Bùi Viện, quyết tâm ở lại TP.HCM để xem diễu binh ngày 30/4.


Bên cạnh tìm hiểu về lịch sử, bảo tàng cũng thu hút nhiều bạn trẻ và khách tham quan tìm đến chụp ảnh chủ đề mừng Ngày Giải phóng.

Đôi bạn Quỳnh và Giang (sống tại Long An) đã chạy xe hàng chục km để đến tham quan bảo tàng. "Nhìn những bức ảnh tàn khốc, tôi nổi da gà, không thể kìm được nước mắt. May mắn được sống trong hòa bình, tôi càng phải biết ơn và cố gắng hơn nữa", Giang chia sẻ. Dự kiến, nhóm bạn sẽ tham gia xem diễu binh vào ngày 30/4 để hòa chung không khí tự hào dân tộc.

Tại cuốn sổ ghi lại cảm tưởng sau khi tham quan, nhiều du khách bày tỏ sự xúc động và ngưỡng mộ trước sức mạnh đồng lòng của dân tộc Việt Nam.

Lần đầu đặt chân đến Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, Hải Vi (ngụ quận Gò Vấp) chia sẻ cô mong muốn tìm hiểu sâu hơn về lịch sử. "Ban đầu đi qua sảnh tôi thấy mọi thứ đẹp và bình thường, nhưng khi lên lầu, được xem những bức ảnh, những chứng tích tàn khốc, tôi thật sự rất xúc động và không kìm được nước mắt", Vi nói. Theo cô, thế hệ trẻ cần phải hiểu rõ những mất mát trong quá khứ để trân trọng nền hòa bình hiện tại. Vi cho biết, cô thường xuyên giới thiệu văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế và sẽ thêm các bảo tàng lịch sử như Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh vào danh sách này trong tương lai.

Bảo tàng với cách sắp xếp không gian gần gũi, hệ thống bảng chú thích song ngữ Anh - Việt và các tour tham quan hướng dẫn riêng giúp việc tiếp cận thông tin dễ dàng, kể cả với những người lần đầu đến Việt Nam. Đây cũng là nơi các bạn sinh viên thường xuyên đến tìm hiểu về kiến thức chuyên đề cho một số môn học như Lịch sử Đảng...