Nữ cựu thanh niên tình nguyện làm kinh tế giỏi
Sau 3 năm tham gia thanh niên tình nguyện (TNTN) nhận công tác tại Đội 4212 làm đường tại huyện Quan Hóa, năm 1980, bà Nguyễn Thị Lịch, thôn 4, xã Dân Lý (Triệu Sơn) trở về quê, đối diện với bao khó khăn, vất vả.
Cựu TNTN Nguyễn Thị Lịch, thôn 4, xã Dân Lý (Triệu Sơn) giới thiệu cách nuôi chim bồ câu lai Pháp với hội viên.
Lập gia đình với người bạn đời cùng quê là sĩ quan quân đội, cả hai vợ chồng bà luôn rèn luyện ý chí của người lính Cụ Hồ, không ngại gian khó, nỗ lực bươn chải làm nhiều nghề để nuôi các con khôn lớn. Thật không may, năm 2012, do vết thương cũ tái phát, chồng bà Lịch mất, kinh tế càng khó khăn, nhất là vào thời điểm các con đang bước vào giai đoạn trưởng thành rất cần có bố định hướng, làm chỗ dựa tinh thần. Bà Lịch đã trăn trở nhiều đêm rồi bàn với các con nhận thầu đất của xã để làm gia trại phát triển kinh tế. Ý kiến của mẹ đưa ra nhanh chóng được các con tán thành, ủng hộ. Bàn đi tính lại thật kỹ rồi mới quyết định, năm 2016, mẹ con bà Lịch đề xuất với chính quyền xã nhận thầu diện tích đất cồn bãi để cải tạo lại làm gia trại nuôi chim bồ câu lai Pháp. Năm đó, cồn bãi hoang vắng chưa có gì. Mấy mẹ con dành dụm, vay mượn được ít tiền dồn hết đầu tư vào múc bùn đất, làm đường, làm lán trại... Bao nhiêu hạng mục công trình rất tốn kém, có lúc hết tiền đầu tư nhưng mấy mẹ con vẫn gắng “lấy ngắn, nuôi dài”.
Để tiện cho việc sản xuất, trông coi, mẹ con bà Lịch đã dọn ra cồn bãi vừa ở, vừa làm gia trại. Thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn về vốn, điều kiện sản xuất nên chủ yếu gia đình bỏ công sức lao động là chính. Xác định tư tưởng từ trước, mẹ con bà Lịch vẫn kiên trì làm từng bước một, đầu tư đến đâu, chắc đến đó. Nuôi cây, con gì cũng phải tìm hiểu có phù hợp với điều kiện, có kiến thức chăm sóc thì mới làm, tránh thất thoát vốn đầu tư. Thương hoàn cảnh của hội viên và nể phục tính chịu khó, hiền lành, năng nổ, nhiều hội viên hội cựu thanh niên xung phong xã thường xuyên đến động viên, chia sẻ và giúp đỡ bà Lịch cùng các con trong quá trình làm.
Các con của bà đều ủng hộ và hỗ trợ mẹ tích cực làm mô hình kinh tế gia trại nuôi chim bồ câu lai Pháp. Đặc biệt, người con trai út sau nhiều năm đi làm ăn xa được bà động viên đã trở về cùng mẹ ở nhà làm gia trại. Anh chủ động đảm nhận khâu chăm sóc, tìm hiểu kiến thức khoa học - kỹ thuật, làm chuồng trại, đấu mối tiêu thụ... rồi hướng dẫn mẹ làm các việc như, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, chọn thức ăn... Nhờ thế đàn chim bồ câu lai Pháp phát triển nhanh từ 30 đôi tăng dần lên 300 đôi, có thời điểm tăng đàn nhiều lên đến 1.300 đôi. Cùng với đó, gia đình bà Lịch còn nuôi thêm hàng trăm con gà, 7 sào ao nuôi cá... Gia trại còn khoảng đất trống nào là mẹ con bà đều tận dụng trồng thêm một số cây ăn quả và rau màu... để có thêm thu nhập lấy ngắn nuôi dài. Chỉ sau một năm nuôi, gia đình bà Lịch đã có thu nhập, nhưng vì muốn sản xuất bền vững nên mẹ con cùng bàn tiếp tục đầu tư chuồng trại kiên cố có mái che chống nắng, quạt mát giữ cho không khí trong chuồng luôn sạch sẽ, thoáng mát để chim sinh sản tốt và nhanh lớn.
Năm nay, cựu TNTN Nguyễn Thị Lịch đã 62 tuổi nhưng vẫn mạnh khỏe vì luôn có đồng đội, các con quan tâm, chia sẻ, động viên. Ngôi nhà ở ngay gia trại cồn bãi thường là nơi lui đến trò chuyện của đồng đội. Nhiều hội viên khó khăn cần giúp gì, bà sẵn sàng chia sẻ vì đồng đội và vì tình nghĩa những năm khốn khó bà được đồng đội giúp đỡ. Đến nay, sau bao năm vất vả, kinh tế gia đình bà Lịch ngày càng khấm khá hơn. Với bà Lịch, niềm vui lớn nhất là các con đều trưởng thành, có ích cho xã hội, tình đồng chí, đồng đội luôn bên nhau.