Nữ điều dưỡng tâm huyết với nghề, hết lòng vì người bệnh
Công tác và gắn bó tại Khoa Thăm dò chức năng (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) đến nay đã hơn 11 năm, chị Nguyễn Thị Phương Dung được đánh giá là nữ điều dưỡng tận tâm với nghề, hết lòng vì người bệnh. Không chỉ vững về chuyên môn, nghiệp vụ, chị còn được yêu mến bởi lối sống chan hòa, gần gũi với đồng nghiệp, luôn xem công việc chăm sóc người bệnh không chỉ là niềm vui, niềm hạnh phúc mà còn là trách nhiệm cao cả.
Song hành với bác sĩ trên mọi chặng đường chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đó là người điều dưỡng. Điều dưỡng là một nghề chuyên biệt, công việc của trái tim. Có thể nói, chất lượng của một bệnh viện phụ thuộc rất nhiều vào thái độ, sự chuyên tâm và tận tụy của chính những người điều dưỡng.
Theo lời chị Phương Dung chia sẻ, là bệnh viện hạng I của thành phố Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang luôn thu hút lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh lớn. Trong khi đó, riêng Khoa Thăm dò chức năng nơi chị làm việc chỉ có 17 cán bộ, nhân viên y tế, nên lượng công việc khá nhiều. Bởi vậy, cùng với khả năng chịu áp lực trong công việc, từng thành viên trong Khoa phải đảm bảo tổ chức công việc khoa học, linh hoạt, đáp ứng giữa các ca thăm, khám thường xuyên và các ca khám cấp cứu.
Thực tế làm việc tại Bệnh viện, chị Phương Dung cho biết, có những hôm, chỉ trong buổi sáng Khoa Thăm dò chức năng thực hiện 40 ca về nội soi đường tiêu hóa. “Mỗi khi bước vào ca làm việc, từng người trong ê kíp của chúng tôi sẽ phụ trách một phần việc được phân công. Chúng tôi hiểu từng thao tác, thói quen của bác sĩ. Không cần nói, chỉ cần một ánh mắt, một cái chỉ tay hay xoay người là chúng tôi biết bác sĩ cần gì. Mọi khâu luôn phải làm khẩn trương nhưng chính xác tuyệt đối bởi mỗi giây, mỗi phút lãng phí cũng ảnh hưởng đến bệnh nhân hoặc có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng”, điều dưỡng Phương Dung chia sẻ.
Xác định điều dưỡng là người tiếp xúc nhiều nhất và gần nhất với bệnh nhân nên suốt nhiều năm làm việc, chị Phương Dung luôn ý thức được công việc của mình là phối hợp giữa điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và giáo dục sức khỏe thì người bệnh mới nhanh hồi phục. Đặc biệt, văn hóa ứng xử với người bệnh càng đòi hỏi người điều dưỡng phải hoàn thiện hàng ngày.
Theo đó, điều dưỡng không chỉ chăm sóc về mặt sức khỏe, mà còn chăm sóc cả về tâm lý, tinh thần cho người bệnh. Với mỗi đối tượng bệnh nhân, các điều dưỡng phải có những kỹ năng thuyết phục, chăm sóc phù hợp, như với bệnh nhi phải dỗ dành, với người già phải ân cần thuyết phục… Đồng thời, mỗi điều dưỡng cũng đóng vai trò là một nhà biện hộ, bảo vệ, để đảm bảo những quyền lợi tối đa cho người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh.
Chị Phương Dung nhớ lại, chị từng chăm sóc cho một trường hợp bệnh nhân rất trẻ (sinh năm 2000) bị nhiễm HIV là lượt người cuối cùng vào khám, người bệnh gần như suy sụp buông bỏ. Trước tình huống này, chị đã phải kiên nhẫn thuyết phục hơn 30 phút người bệnh mới chấp nhận thực hiện y lệnh của khoa khám điều trị.
Hay một trường hợp khác, cụ già 83 tuổi thực hiện nội soi gây mê, gia đình nhất định không đồng ý, do sợ người bệnh cao tuổi sẽ bị tác dụng phụ của thuốc gây mê. “Lúc này, những điều dưỡng như tôi đều phải nhẫn nại thuyết phục, giải thích các nguyên lý gây mê, các nội dung quy trình để người nhà yên tâm phối hợp. Ca nội soi được tiến hành nhanh chóng ngay sau đó”, chị Phương Dung nhớ lại.
So với những ngày đầu vào làm việc tại Bệnh viện, điều dưỡng Dung tự nhận thấy bản thân thay đổi nhiều từ suy nghĩ đến thái độ nghiêm túc với nghề. Bởi theo chị, điều quan trọng để giúp bệnh nhân đối mặt và chiến thắng bệnh tật đó là tinh thần. Sự quan tâm của điều dưỡng giúp người bệnh lạc quan và chính thái độ sống tích cực trở thành “thần dược”, giúp họ vượt qua nghịch cảnh và bệnh tật.
Với những tình cảm đặc biệt dành cho bệnh nhân và sự trân trọng đối với nghề nghiệp, năm 2022, điều dưỡng Phương Dung đã sáng tác bài hát “Trái tim em, vẻ đẹp người điều dưỡng”. Tác phẩm được phát sóng trên truyền hình VTV1 trong chương trình kỉ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2). Ca khúc tạo sức lan tỏa mạnh mẽ về chuyện nghề của những người làm công tác điều dưỡng nói riêng, cũng như nhân viên y tế nói chung.
“Từ năm 2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát và lây lan gây quá tải cho hệ thống y tế. Trong những tháng ở lại trực tại Bệnh viện, chứng kiến đồng nghiệp cùng đồng lòng chiến đấu với dịch bệnh trong nỗi nhớ người thân, cùng với lắng nghe những câu chuyện của người bệnh tâm sự và với niềm tin vào chiến thắng dịch bệnh, tôi tiếp tục viết ca khúc “Em, ánh sao nhỏ của anh” để thay lời động viên và cảm ơn đến đồng nghiệp”, chị Phương Dung cho biết.
Từ đó, gia đình, đồng nghiệp, bạn bè lại biết đến chị không chỉ là một điều dưỡng trẻ tâm huyết với nghề mà còn có nhiều “tài lẻ” đóng góp cho Bệnh viện, cũng như cho ngành Y tế.
Quá trình công tác của điều dưỡng Phương Dung đã góp phần vào thành tích chung của Khoa Thăm dò chức năng và sự phát triển của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Và trên hết đó là sự tận tụy, yêu nghề, là vẻ đẹp nữ điều dưỡng trẻ năng động, tự tin và giàu lòng nhân ái để trái tim người điều dưỡng cùng “hòa nhịp” với trái tim người bệnh.
Chị Nguyễn Thị Phương Dung (sinh năm 1991, ở Đông Anh, Hà Nội) tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội với tấm bằng giỏi chuyên ngành điều dưỡng. Năm 2011, chị làm việc tại Khoa Thăm dò chức năng, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.
Trong quá trình công tác, nhiều năm liền điều dưỡng Phương Dung được nhận danh hiệu Điều dưỡng xuất sắc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang; được Ban Chấp hành Trung ương Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào Thầy thuốc trẻ năm 2021; Giải Nhì Chung kết Hội thi Điều dưỡng giỏi, thanh lịch do Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tổ chức, năm 2018; giải Ba Chung kết Hội thi điều dưỡng, kĩ thuật viên, nữ hộ sinh giỏi ngành Y tế, năm 2019, do Sở Y tế Hà Nội tổ chức; giải Nhất Chung khảo Hội thi Điều dưỡng giỏi Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, năm 2022.
Gần đây nhất, ngày 10/5, nữ điều dưỡng Phương Dung được nhận Giấy khen của Giám đốc Sở Y tế Hà Nội vì có thành tích xuất sắc trong công tác điều dưỡng năm 2023 nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế điều dưỡng (12/5).