Nữ doanh nhân phản hồi về quan điểm 'doanh nghiệp Việt sống dai nhưng chậm lớn'
Không phải doanh nghiệp muốn 'chậm lớn' mà nhiều doanh nghiệp chân chính, đầu tư tìm tòi, học hỏi để lớn và trưởng thành một cách vững chắc nhưng còn vướng cơ chế, thiếu chính sách mang tính chiến lược bền vững.
Đây chính là ý kiến của bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023.
Thông mạch, thông các nguồn lực
Sáng ngày 19/9, trong khuôn khổ của Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 đã diễn ra chuyên đề 1 với chủ đề “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó”.
Trình bày tham luận, PGS.TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - đánh giá sau 3 năm trải qua đại dịch COVID-19 nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững, tạo được đà và thế tăng trưởng - phát triển nhìn chung là tích cực.
Tuy nhiên, ông Thiên cho rằng có 2 vấn đề lớn đặt ra.
Trước hết là xu hướng suy giảm liên tục và kéo dài động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam thường chứa đựng “nghịch lý”: Doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành.
Theo nguyên viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam thì nền kinh tế “khát vốn” nhưng lại khó hấp thụ vốn, Tăng trưởng GDP cao nhưng lạm phát thấp, Lạm phát thấp nhưng lãi suất cao.
PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, tình trạng ách tắc lưu thông các nguồn lực là căn nguyên “bất động hóa” các nguồn lực, làm cho chúng không thể chuyển hóa thành “động lực phát triển”, dẫn tới chỗ cơ thể kinh tế bị suy yếu, bị tổn thương và bất ổn.
Để bảo đảm lưu thông các nguồn lực trong nền kinh tế thị trường, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, cần hạn chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế “xin – cho”, “hành chính”; Ưu tiên thúc đẩy phát triển các thị trường, đặc biệt là các thị trường “đầu vào”, tạo cơ sở để việc phân phối các nguồn lực diễn ra theo đúng nguyên tắc thị trường (cạnh tranh). Các thị trường đầu vào càng đồng bộ, hiệu quả phát triển càng cao.
“Cần đảm bảo hạ tầng thông suốt, cơ chế thông thoáng, vận hành thông minh. Đó là những đúc kết mang tính nguyên tắc – nguyên lý, nhưng thực chất là trực tiếp hướng tới giải quyết những vấn đề căn cốt đang đặt ra cho cho nền kinh tế Việt Nam ở khía cạnh tạo động lực và giải phóng năng lực phát triển”, ông Thiên nói.
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, có đủ căn cứ và cơ sở để nhận định rằng vấn đề mấu chốt của kinh tế Việt Nam hiện nay chính là “thông mạch, thông các nguồn lực” để giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mạnh và mới cho tăng trưởng và phát triển. Để giải quyết nhiệm vụ đó, định hướng ưu tiên được nhằm vào chính là phát triển đúng hướng và đúng cách các thị trường; xây dựng một bộ máy quản trị và điều hành phát triển thông minh, biết dựa vào thị trường và có trách nhiệm.
Cơ chế, chính sách đột phá giúp doanh nghiệp vượt khó
Phát biểu tại diễn đàn, bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương cho biết, trong năm 2021-2022, doanh nghị Việt Nam rơi vào khó khăn như đứt gãy chuỗi cung ứng, giãn cách xã hội lạm phát tăng cao, giá xăng dầu tăng, cước vận tải tăng…Đến năm 2023 do tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm, doanh nghiệp lại rơi vào thế bị động khi bị hủy đơn hàng hàng loạt, doanh số sụt giảm…Do đó, các doanh nghiệp cần cơ chế, chính sách đột phá nhằm tăng cường nội lực và vượt khó.
Từ những thực trạng trên, đại diện doanh nghiệp Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đưa ra đề xuất về các chính sách thuế, tài chính; hỗ trợ lãi vay; cần giải pháp cụ thể cho từng nhóm doanh nghiệp; cần có cơ quan độc lập đánh giá các hỗ trợ cho doanh nghiệp, để điều chỉnh hỗ trợ hiệu quả hơn.
Bà Thủy Tiên cũng đề xuất gỡ bỏ những rào cản đối với doanh nghiệp, rà soát những quy định thiếu thực tế, không đặt ra những quy định cao hơn khu vực hoặc thế giới hoặc cao hơn mức cần thiết để tránh lãng phí nguồn lực doanh nghiệp.
Về cơ chế, chính sách phát triển du lịch, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đề xuất xem xét ban hành các chính sách đặc biệt nhằm kích cầu du lịch như chính sách thương mại trong khu phi thuế quan, xây dựng và thiết lập các trung tâm bán hàng giảm giá trong khu phi thuế quan và cửa hàng miễn thuế dưới phố, cho phép áp dụng chính sách “duo price” đối với hàng hóa miễn thuế.
Về chính sách cho trung tâm tài chính, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Liên Thái Bình Dương cho biết có nhiều lợi ích nếu thành lập trung tâm tài chính ở Việt Nam như thu hút vốn, thúc đẩy phát triển các ngành liên quan. Do đó đề xuất các cơ quan chức năng sớm ban hành chính sách để Thành phố Hồ Chí Minh triển khai trung tâm tài chính.
Trước quan điểm doanh nghiệp “chậm lớn”, bà Thủy Tiên khẳng định không phải doanh nghiệp muốn chậm lớn.
“Ngoài những doanh nghiệp rất liều đã dùng thuốc “tăng trọng” lớn nhanh để ngã bệnh, thậm chí “lăn đùng ra chết yểu” thì vẫn có rất nhiều chân chính chịu khó đầu tư, học hỏi muốn lớn và trưởng thành một cách bài bản nhưng bị vướng cơ chế cũng như thiếu các chính sách mang tính chiến lược và bền vững”, đại diện Tập đoàn Liên Thái Bình Dương nói.