Nữ giáo viên da màu thay đổi nền giáo dục Mỹ
Nhận thấy những thiếu sót trong hệ thống giáo dục công, Marva Collins, quyết định mở trường riêng.
Nhận thấy những thiếu sót trong hệ thống giáo dục công, Marva Collins, quyết định mở trường riêng. Ngôi trường này hoạt động trên tinh thần nuôi dưỡng tính độc lập và khai phá tiềm năng của học sinh.
Thử sức với nghề giáo
Marva Collins, tên đầy đủ là Marva Delores Knight, sinh ngày 31/8/1936 tại Monroeville, bang Alabama, Mỹ. Quá trình trưởng thành của Collins chịu nhiều ảnh hưởng từ người cha, ông Henry. Dù làm công nhân lao động vất vả, mỗi buổi tối, ông Henry vẫn dành thời gian đọc thơ, sách báo cho con gái.
Điều này giúp Collins hình thành thói quen đọc sách từ rất sớm và say sưa tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Clark ở Atlanta (nay là Đại học Clark Alanta), bà muốn trở thành thư ký. Tuy nhiên, thời điểm đó, các công ty tư nhân không muốn thuê thư ký là người da màu.
Không tìm được việc làm như mong muốn, Collins rẽ hướng làm giáo viên trợ giảng cho các trường công lập. Bà là một trong số ít phụ nữ da màu có thể trở thành giáo viên lúc bấy giờ.
Sau 2 năm làm việc tại Monroeville, Collins quyết định chuyển đến sống tại thành phố Chicago để mở rộng cơ hội việc làm. Ở môi trường mới, dù không có chứng chỉ sư phạm nhưng do trường thiếu giáo viên, Collins được phân công dạy lớp 2.
Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định việc Collins không có chứng chỉ sư phạm đã giúp cô khai phá tiềm năng và mang lại những lợi ích tốt cho học sinh. Collins tin tưởng vào kinh nghiệm và kỹ năng của bản thân.
Bà không theo đuổi các phương pháp giáo dục phổ biến thời bấy giờ vì cho rằng chúng đã lỗi thời. Ví dụ, thay vì giảng cho học sinh hiểu phương pháp làm bài, giáo viên Mỹ thời điểm đó thường giao nhiều bài tập cho học sinh thực hành. Các em làm bài đến khi nào nhận ra vấn đề mới thôi.
Collins đã phát triển những phương pháp phù hợp với từng cá nhân. Bà kết hợp các tác phẩm văn học cổ điển và thơ ca vào nội dung bài học, cho học sinh thảo luận chuyên sâu về một tác phẩm văn học, yêu cầu học sinh đọc hiểu các tác phẩm và thuyết trình trước lớp...
Một điểm đặc biệt là thay vì trừng phạt như giáo viên khác, Collins sử dụng kỷ luật tích cực để giúp học sinh nhận ra lỗi sai của mình. Theo đó, kỷ luật tích cực là sự kết hợp giữa sự kiên định và mềm mỏng, dựa trên các quy định được Collins thiết lập riêng trong lớp học. Việc kỷ luật dựa trên sự hợp tác, chia sẻ và lắng nghe thay vì đánh đập hay mắng mỏ gây tổn thương tới lòng tự trọng của trẻ.
Trong 14 năm tiếp theo, Collins đã dành trọn tâm huyết cho nghề giáo. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục công lập Chicago ngày một suy thoái nghiêm trọng. Sau cuộc bạo loạn năm 1968, gây ra bởi vụ ám sát nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi, ông Martin Luther King, thành phố rơi vào tình trạng rối ren.
Nhiều giáo viên lên lớp nhưng không thực sự chú tâm vào việc giảng dạy. Họ chỉ tuân theo phương pháp giảng dạy truyền thống một cách rập khuôn, cứng nhắc. Giữa thầy và trò thiếu sự chia sẻ, thấu hiểu và gắn kết.
Bên cạnh đó, nhiều khu ổ chuột mọc lên tại Chicago nên ngày càng nhiều học sinh tại trường của Collins đến từ gia đình khó khăn. Cha mẹ mải mê với công việc mưu sinh và giao khoán con cái cho nhà trường.
Thiếu sự quan tâm từ cả phụ huynh lẫn thầy cô, những đứa trẻ không còn thiết tha học hành, trở nên ương bướng và nghịch ngợm. Nhiều em tự ý bỏ học, tham gia vào các băng đảng đường phố.
Ngôi trường của học sinh “cá biệt”
Chứng kiến ngành Giáo dục thành phố ngày một lao dốc, năm 1975, Collins quyết định nghỉ việc. Bà rút 5.000 USD tiền tiết kiệm và mở Trường Tư thục Dự bị Westside. Ban đầu, ngôi trường chỉ có 4 học sinh (bao gồm con gái của Collins).
Trường thuê địa điểm dưới tầng hầm của một trường cao đẳng địa phương. Học phí một tháng là 80 USD. Không lâu sau, ngôi trường ấy đã tạo nên một cuộc cách mạng trong ngành Giáo dục Mỹ với phương pháp giáo dục hoàn toàn mới. Từ con số 4, dần dần số học sinh trong trường tăng lên hàng trăm, trải từ mẫu giáo đến lớp 8.
Học sinh nhà trường hầu hết không được nhận vào hệ thống công lập. Có những em được cho là gặp khó khăn hoặc khuyết tật học tập. Số khác bị nhận xét là “không thể dạy nổi” hay “không thể cải tạo”.
Điểm chung là các em đều gặp vấn đề với gia đình hoặc thầy cô và là những thành phần cá biệt trong lớp học. Vì không nơi đâu nhận các em nên ngôi trường mà Collins mới mở là lựa chọn cuối cùng.
Trái với các trường công, Collins hoan nghênh tất cả học sinh đến với lớp học của mình. Dựa trên quan điểm này, Collins tin rằng mỗi đứa trẻ đều có tiềm năng của riêng mình. Điều các em cần là một người giúp các em khai phá và định hướng phát huy tiềm năng đó. Vì vậy, không đứa trẻ nào nên bị gạt bỏ ra khỏi hệ thống giáo dục.
“Tôi sẽ không để các em thất bại” là lời hứa Collins dành cho mỗi thế hệ học sinh. Trong một năm đầu tiên, Collins liên tục thử nghiệm, trau dồi và rút kinh nghiệm để tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp nhất cho học sinh.
Collins khiến nhiều chuyên gia giáo dục ngạc nhiên trước chương trình giảng dạy “nặng ký” được phát triển cho trẻ từ 3 đến 13 tuổi. Ở lớp Một, học sinh sẽ bắt đầu từ tiểu luận “Tin vào chính mình” (Self-Reliance) của Ralph Waldo Emerson và truyện ngụ ngôn “Cô gà mái đỏ”. Trong năm, các em học về các tác phẩm thơ kinh điển của Rudyard Kipling hay Henry Wadsworth Longfellow và cách làm thơ. Các em còn học về triết học Plato.
Lên lớp 2 và lớp 3, học sinh học các vở kịch của đại thi hào William Shakespeare hoặc tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng khác như Chaucer... Thông qua việc đọc các tác phẩm kinh điển từ rất sớm, học sinh nhanh chóng hình thành thói quen thích đọc sách.
Tại trường, Collins thu thập hàng trăm cuốn sách, gợi ý cho mỗi học sinh những cuốn sách phù hợp. Hai tuần một lần, học sinh phải viết báo cáo về cuốn sách mới đọc, trình bày trước lớp và trả lời câu hỏi của bạn học. Điều đó góp phần khơi dậy hứng thú đọc sách của học sinh. Mỗi khi đến tiết đọc sách, học sinh tranh nhau được lên chia sẻ cảm nhận.
Tuy nhiên, Collins yêu cầu học sinh đọc phát ra tiếng thay vì đọc nhẩm trong đầu. Phương pháp này giúp học sinh ghi nhớ tốt hơn, rèn khả năng phát âm, tăng vốn từ vựng...
Việc đọc sách không chỉ gói gọn trong môn Tiếng Anh mà từ kiến thức trong sách, giáo viên sẽ liên kết với kiến thức ở các môn học khác. Ví dụ, khi cả lớp thảo luận vở kịch Oedipus Rex của Sophocles, họ thảo luận về thần thoại Hy Lạp, La Mã rồi chuyển chủ đề sang các vì sao.
Để từ đó, giáo viên chuyển sang dạy về Hệ Mặt trời, các nhà thiên văn học nổi tiếng cho đến chương trình thám hiểm không gian của Mỹ. Collins miêu tả phương pháp học này giúp trẻ em “nhìn thấy dòng chảy kiến thức”.
Trong thời gian học sinh làm bài tập, thay vì ngồi trên bàn giáo viên, Collins đi xuống từng bàn và kiểm tra học sinh. Bà dùng bút đỏ khoanh tròn những chỗ cần lưu ý, sửa đổi trong vở của học sinh và kiên nhẫn giải thích những vấn đề mà các em chưa hiểu. Collins cũng khuyến khích học sinh đặt câu hỏi về những điều mình không biết vì mắc lỗi không phải việc xấu hổ.
Phá vỡ tư duy giáo dục truyền thống
Đặc biệt, Collins đã phá vỡ tư duy giáo dục truyền thống lúc bấy giờ là thụ động sang chủ động. Trong trường học công lập, giáo viên là trung tâm, bảo gì học sinh phải nghe nấy nên học sinh ít khi đặt câu hỏi. Nhưng Collins đã sử dụng phương pháp Socrates, nghĩa là phương pháp truy vấn. Ví dụ, bà sẽ đặt các câu hỏi cho học sinh như: “Em có nghĩ rằng nhân vật này làm vậy là đúng không?”, “Tại sao họ đúng?”, “Có phải nhân vật phản diện đã làm điều ác không?”...
Học sinh đưa ra câu trả lời dựa trên trải nghiệm, suy nghĩ cá nhân. Các em có thể tự do tranh luận với giáo viên hoặc bạn cùng lớp nếu khác quan điểm. Điểm cốt lõi trong phương pháp giáo dục của Collins là thể hiện sự quan tâm học sinh. Bà không tiếc lời khen hay những cái ôm nếu học sinh làm bài tốt. Tuy nhiên, khi học sinh mắc sai lầm, Collins cũng kỷ luật rất nghiêm túc, cứng rắn.
Nhiều học sinh tìm đến ngôi trường của Collins trong tình trạng học hành sa sút, tâm trạng tuyệt vọng. Rồi dần dần, các em tìm lại được động lực phấn đấu, tin tưởng vào khả năng của bản thân. Không chỉ trao đi tri thức, Collins đã giúp học sinh hình thành những quan điểm sống nhân văn, ỹ nghĩa.
Tuy nhiên, vì áp dụng phương pháp giáo dục mới, Trường Tư thục Dự bị Westside đã vấp phải nhiều chỉ trích. Một số người cho rằng, việc dạy Shakespeare cho những đứa trẻ ở khu ổ chuột là vô nghĩa vì điều các em cần là học nghề. Những người khác cho rằng, bài học phải gắn liền với các vấn đề xã hội như phòng chống ma túy, tội phạm, mang thai ở tuổi vị thành niên...
Dù vậy, Collins không hề nản lòng và tiếp tục duy trì phương pháp giáo dục của mình. Sự cống hiến của Collins cho ngành Giáo dục Mỹ đã được công nhận.
Năm 1996, bà được giao nhiệm vụ giám sát 3 trường công lập chất lượng thấp ở Chicago vì kết quả học tập của học sinh rất kém và bà đã giúp “vực dậy” họ. Nam 2004, Collins được trao Huân chương quốc gia vì con người nhờ những cống hiến không mệt mỏi. Bà từng được mời làm Thư ký Giáo dục cho chính phủ nhưng từ chối vì Collins muốn dành tâm sức vào việc giảng dạy.
Bà Collins đã qua đời vào năm 2015, song tinh thần giáo dục của bà vẫn được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và được nhiều trường phổ thông lẫn đại học áp dụng. Các thế hệ học sinh của bà đều đã trở thành những cá nhân thành công ở đa dạng lĩnh vực như kinh doanh, y học, giáo dục, luật... Những người đã từng được Collins dạy bảo đều khắc ghi trong tâm lời khuyên răn của bà: “Chúng ta phải tự làm chủ thay vì để người khác lãnh đạo mình”.
Collins luôn giữ quan điểm rằng: “Giáo viên kém cỏi thường hay quát mắng, la hét nên buộc học sinh phải gào lên đáp trả. Còn giáo viên tốt sẽ khơi nguồn cảm hứng học tập cho học sinh. Giáo viên tốt sẽ đi tìm câu trả lời cho mọi vấn đề trong khi giáo viên kém chỉ biết đổ lỗi là do học sinh không chịu học”.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nu-giao-vien-da-mau-thay-doi-nen-giao-duc-my-post654282.html