Nữ giới Nhật Bản 'đau đầu' tìm cách trở nên vẹn toàn

Văn hóa làm việc đến kiệt sức của Nhật Bản khiến phụ nữ trẻ khó khăn khi vừa cố gắng gây dựng sự nghiệp thành công, vừa đảm bảo cuộc sống cá nhân hạnh phúc.

Yuko không giấu được vẻ mệt mỏi khi ngồi trong một quán rượu nhỏ nằm gần đường ray xe lửa, thuộc khu vực quận Kanda của Tokyo. Cô gái 25 tuổi làm kế toán trong một công ty thương mại lớn của Nhật Bản.

Vài buổi tối mỗi tuần, cô lại lui đến quán rượu cùng đồng nghiệp. Đây được coi là hoạt động bắt buộc trong văn hóa công ty Nhật mà nhân viên khó bề từ chối.

Phía sau cô, nhiều nhân viên văn phòng cũng đang ngồi tán gẫu bên ly rượu. Hầu hết họ đều đang làm việc cho những tập đoàn lớn, làm ăn phát đạt của đất nước.

Giới “cổ cồn trắng” nhận được mức lương cao cùng nhiều ưu đãi hậu hĩnh, việc làm được bảo đảm trọn đời. Ngược lại, họ phải chấp nhận bị bào mòn chất xám và thể lực, ngày ngày cống hiến cho công việc từ sáng sớm đến tối khuya.

Phụ nữ Nhật Bản ngày càng đấu tranh để không bị lép vế trước đồng nghiệp nam tại môi trường công sở.

Phụ nữ Nhật Bản ngày càng đấu tranh để không bị lép vế trước đồng nghiệp nam tại môi trường công sở.

Càng ngày những người phụ nữ như Yuko càng nổi bật giữa những đồng nghiệp nam. Họ là những lao động trẻ, có công ăn việc làm ổn định và nuôi kỳ vọng về thế hệ phụ nữ dung hòa cả hai khía cạnh: công việc và gia đình.

Zing.vn trích dịch bài đăng trên The Lily, phản ánh câu chuyện về nữ giới Nhật Bản đấu tranh để có tiếng nói và chứng minh thực lực trong một môi trường công sở còn đề cao nam giới. Bên cạnh đó, thế hệ phụ nữ trẻ cũng chật vật cân bằng cả sự nghiệp và gia đình.

"Sống chết" làm việc để chứng minh không kém nam giới

Mỗi ngày, Yuko thức dậy lúc 6h30 trong khu nhà ở của công ty.

“Nhân viên nữ đều được cấp chỗ ở riêng, đẹp đẽ với mức giá thuê rất rẻ. Tôi coi đây là mức đãi ngộ tốt”, Yuko cho hay.

Những người phụ nữ trong công ty ăn sáng chung, sau đó là hàng giờ liền miệt mài làm việc.

Yuko chỉ rời khỏi bàn làm việc khi đồng hồ điểm 20h. Vào những tối tụ tập cùng đồng nghiệp, Yuko hiếm khi trở về giường trước nửa đêm. Mệt mỏi nhưng cô gái không mấy khi phàn nàn về cuộc sống.

“Tôi còn trẻ và tràn đầy năng lượng. Và vì một số quản lý nam vẫn có suy nghĩ coi thường phụ nữ, tôi phải chứng minh họ đã sai”, Yuko nói.

Hiện tại, số lượng phụ nữ tham gia lực lượng lao động ở Nhật Bản ngày càng tăng. Ước tính kể từ năm 2000, con số đã tăng khoảng 70%.

“Họ buộc phải lựa chọn giữa chăm lo cho sự nghiệp hay chăm chút cho con cái”, Yuko cho hay.

Cố gắng cân bằng cả hai khía cạnh sự nghiệp và gia đình khiến nhiều phụ nữ Nhật Bản buộc phải gồng mình chăm chỉ hơn.

Cố gắng cân bằng cả hai khía cạnh sự nghiệp và gia đình khiến nhiều phụ nữ Nhật Bản buộc phải gồng mình chăm chỉ hơn.

Yuko có bạn trai làm chung công ty và muốn tiến tới hôn nhân. Nhưng người bạn trai của cô làm việc ở nước ngoài 2 năm.

Sắp tới Yuko cũng được yêu cầu biệt phát công tác tương tự, vào đúng giai đoạn cô muốn ổn định lập gia đình. Hiện tại, Yuko vẫn chờ bạn trai trở về để làm đám cưới.

“Tôi rất lo lắng, không có phương án cụ thể nào cho tình huống này”, Yuko nói.

Công ty từng có một chính sách cho phép các cặp vợ chồng đi nước ngoài cùng nhau, nhưng chỉ dành riêng cho các trợ lý hành chính nữ kết hôn với các giám đốc điều hành nam.

Yuko từng ra sức vận động người quản lý điều chỉnh lại chính sách phù hợp với các nhân viên nữ, song chưa có thay đổi nào đáng kể xảy ra.

Bị ép nghỉ việc khi mang thai

Tuy nhiên, ở một xã hội mà tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn ăn sâu, bất bình đẳng giới trong môi trường công sở vẫn xảy ra như câu chuyện thường ngày.

“Thế hệ lớn tuổi hơn không hiểu được quan niệm đã thay đổi và những điều phụ nữ trẻ mong muốn. Điều đó làm tôi cảm thấy bực tức”, Yuko phàn nàn.

Thậm chí, nhiều công ty khác tại Nhật còn gây áp lực lên phụ nữ mang thai, lấy lý do không đảm bảo hiệu quả công việc để họ buộc phải xin nghỉ.

Shiori Yoshino (32 tuổi) làm việc tại một tập đoàn tài chính lớn. Quãng thời gian nghỉ thai sản kéo dài 18 tháng không hề dễ dàng. Lúc con trai tròn 2 tháng tuổi, cô mới nhận được toàn bộ số lương trước khi nghỉ sinh.

Hiện tại, con trai 4 tuổi của Yuko theo học tại một trường mẫu giáo do chính phủ trợ cấp. Để chi trả số tiền 300 USD học phí mỗi tháng cho con, Yuko buộc phải nhận thêm công việc bán thời gian bên ngoài.

Nhiều công ty Nhật Bản còn tìm cách chèn ép phụ nữ mang thai, viện lý do không đảm bảo tiến độ công việc để họ buộc phải nghỉ làm.

Nhiều công ty Nhật Bản còn tìm cách chèn ép phụ nữ mang thai, viện lý do không đảm bảo tiến độ công việc để họ buộc phải nghỉ làm.

Chính sách bảo vệ kỳ nghỉ thai sản, có lợi cho mẹ và em bé của thủ tướng Shinzo Abe dần chứng minh tác dụng. 2/3 số phụ nữ đang đi làm cho hay họ muốn tiếp tục sự nghiệp sau khi sinh con, tăng 11% so với năm 2014.

Nhiều công ty mở chính sách hỗ trợ chi phí thuê người trông trẻ cho các nhân viên có con nhỏ. Tuy nhiên, chỉ có 5% các bà mẹ Nhật Bản từng nhờ cậy đến các bảo mẫu trông con. Bởi chi phí quá đắt đỏ, có thể tiêu tốn gần 100 USD cho 3 tiếng trông trẻ.

Lý do khác là phần lớn các bà mẹ coi việc không tự chăm sóc con mình là việc tồi tệ.

Trên thực tế, 3/4 số phụ nữ độc thân nắm giữ các vị trí quản lý cấp cao quan niệm thành công trong sự nghiệp sẽ khiến việc tìm một người chồng khó khăn hơn, theo khảo sát của Hiệp hội Hoạch định Tài chính Nhật Bản công bố vào năm ngoái.

"Ám ảnh" hình ảnh phụ nữ nội trợ

Nhiều phụ nữ Nhật Bản lựa chọn cân bằng cả công việc lẫn cuộc sống cá nhân bằng cách làm những công việc bán thời gian, dù tiền lương cũng như quyền lợi không được đảm bảo. Bù lại, họ có nhiều cơ hội chăm sóc cho gia đình hơn.

Theo số liệu của Bộ Nội vụ Nhật Bản, có đến hơn một nửa lực lượng lao động nữ đang làm việc bán thời gian.

Shiori Yoshino đồng tình rằng tình hình đang thay đổi theo hướng có lợi cho phụ nữ.

“Song đó là do các phụ nữ ngoài 40 tuổi dần có tiếng nói ở công sở hơn. Phụ nữ trẻ vẫn phải lên tiếng và đấu tranh cho thứ họ muốn”, người mẹ 32 tuổi nhận định.

Trong tháng 6, hơn 25.000 phụ nữ Nhật Bản đã ký một bản kiến nghị phản đối yêu cầu phụ nữ phải đi giày cao gót ở nơi làm việc. Nhưng Bộ trưởng Y tế Takumi Nemoto lại cho rằng các quy tắc về trang phục bao gồm giày cao gót là điều cần thiết.

Làn sóng phản đối quy định mang giày cao gót tại nơi làm việc được nhiều phụ nữ Nhật Bản ủng hộ, lý do chính là nó khiến họ phải chịu quá nhiều đau đớn.

Làn sóng phản đối quy định mang giày cao gót tại nơi làm việc được nhiều phụ nữ Nhật Bản ủng hộ, lý do chính là nó khiến họ phải chịu quá nhiều đau đớn.

Phụ nữ Nhật Bản chịu thiệt thòi không chỉ ở môi trường công sở. Ngay cả khi làm việc liên tục, họ vẫn phải cố đảm đương công việc nội trợ ở nhà.

Trong những gia đình cả 2 vợ chồng đều đi làm toàn thời gian, ước tính người vợ phải làm khối việc nhà cao gấp 6,5 lần.

Nhà nghiên cứu Chisa Uhira đánh giá nhóm phụ nữ từ 20-30 tuổi muốn có sự bình đẳng hơn trong cuộc sống gia đình, song chính họ cũng không biết chính xác khái niệm đó như thế nào.

Điều này xuất phát từ nguyên nhân hầu hết nữ giới ở Nhật đều được chứng kiến hình ảnh bà, mẹ mình là người chuyên chăm lo nội trợ và cảm thấy áp lực phải sống theo hình tượng đó.

“Cha mẹ thích rửa bát bằng tay và không phụ thuộc vào máy rửa chén. Điều đó ảnh hưởng lên suy nghĩ của lớp con trẻ”, Chisa phân tích.

Nghiên cứu của Chisa chỉ ra hơn 70% bà mẹ từ 25-34 tuổi làm việc nhà vì họ tin rằng đó là bổn phận của người vợ.

Norie Koshini, 30 tuổi, cho biết các công ty nước ngoài thường tạo điều kiện để các nhân viên nữ tự quản lý thời gian làm việc, giúp họ cân bằng cả công việc và gia đình.

“Tôi hy vọng chồng tương lai sẽ cùng hợp tác, nhưng tôi vẫn cho rằng mình sẽ vẫn phải cáng đáng chính việc chăm sóc con”, cô nói.

“Mọi thứ đang dần thay đổi, nhưng với tốc độ chậm. Hình ảnh truyền thống của phụ nữ Nhật Bản đã bén rễ sâu sắc vào trí óc của phụ nữ trẻ, khiến chúng tôi luôn muốn vừa có sự nghiệp thành công vừa muốn có gia đình hạnh phúc”, Yuko kết luận.

Trà My
Ảnh: SCMP

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nu-gioi-nhat-ban-dau-dau-tim-cach-tro-nen-ven-toan-post963327.html