'Nữ hoàng cách ly' sống tại 4 thành phố trong 3 tháng

Ba tháng đầu năm 2020, hầu hết thời gian của phóng viên Amy Quin của New York Times là ở tại các khu cách ly khác nhau. Bạn bè gọi vui cô là 'nữ hoàng cách ly'.

Amy Quin, nữ phóng viên của tờ New York Times, trải qua 4 đợt cách ly khác nhau, kéo dài tới 3 tháng tại các thành phố trên khắp thế giới. Bạn bè thậm chí còn dành tặng cô biệt danh “Nữ hoàng cách ly” khi chưa thấy ai phải đi cách ly tập trung nhiều như Quin.

Khi dịch bệnh bắt đầu xảy ra ở Vũ Hán vào hồi cuối tháng 1, Quin với tư cách phóng viên thường trú của New York Times tại Trung Quốc, vội vã từ Bắc Kinh đến nơi tâm dịch. Công việc của cô là túc trực ở các bệnh viện, phỏng vấn những người mắc bệnh nặng.

Phóng viên Amy Quin khi tác nghiệp ở Vũ Hán và khi hết hạn cách ly ở San Diego (Mỹ). Ảnh: NY Times.

Phóng viên Amy Quin khi tác nghiệp ở Vũ Hán và khi hết hạn cách ly ở San Diego (Mỹ). Ảnh: NY Times.

Sau đó, cô lên chuyến bay cuối cùng của Bộ Ngoại giao Mỹ để sơ tán công dân khỏi Vũ Hán. Thời điểm đó, chỉ có 12 trường hợp xác nhận mang virus corona chủng mới tại Mỹ. Giây phút máy bay hạ cánh an toàn, Quin vui mừng nhắn tin cho gia đình: “Con vui mừng vì mình là người Mỹ”.

Cuộc sống ở khu cách ly có phần thoải mái với Quin. Cô được cung cấp đồ ăn miễn phí, kiểm tra thân nhiệt hàng ngày. Thậm chí, bên trung tâm còn cung cấp bao cao su.

Sau hai tuần, Quin cùng những người khác chụp ảnh lưu niệm bên ngoài khu cách ly, cười vang và tung khẩu trang lên trời. Dịch bệnh gần như là một điều gì đó hẵng còn xa vời.

Cuối tháng 2, nữ phóng viên quay lại Bắc Kinh, khi đó Trung Quốc đã qua đỉnh dịch. Hành trình bay của Quin quá cảnh tại Seoul (Hàn Quốc), địa điểm cô nghĩ là tương đối an toàn. Nhưng ngay trước khi trở về, Hàn Quốc bùng phát ổ dịch mới với số ca nhiễm tăng nhanh chóng.

 Trong vòng chưa đầy 3 tháng, nữ phóng viên trải qua 4 đợt cách ly tại 4 thành phố khác nhau.

Trong vòng chưa đầy 3 tháng, nữ phóng viên trải qua 4 đợt cách ly tại 4 thành phố khác nhau.

Quá cảnh chưa đầy 2 tiếng ở Seoul, Quin lo lắng vì biết bản thân vẫn sẽ bị xét vào diện từ vùng dịch trở về. Sau vài giờ hạ cánh, Quin đã nhận được yêu cầu của chính quyền địa phương về việc đi cách ly tập trung.

May mắn, nữ phóng viên thuyết phục được họ cho cách ly tại nhà. Hai tuần tiếp theo, cô chỉ dám ra ngoài vài lần khi dắt chó đi dạo và luôn luôn đeo khẩu trang che mặt.

Những tưởng cuộc sống và công việc dần quay trở lại quỹ đạo ban đầu, cô lại đối mặt với thử thách lần nữa. Một buổi sáng đầu tháng 3, Quin thức dậy và đón nhận tin dữ: Trung Quốc quyết định trục xuất một nhóm các nhà báo Mỹ, bao gồm cả cô, để trả đũa lại hành động của Tổng thống Donald Trump.

Không thể làm gì khác, nữ phóng viên rời khỏi Bắc Kinh, nơi cô đã sống suốt 8 năm qua. Đáp chuyến bay cuối cùng về sân bay tại California, cảm giác lần này không còn an toàn như hồi tháng 2.

 Hôn phu của Amy vẫn tranh thủ liên lạc, an ủi cô qua video. Ảnh: SCMP.

Hôn phu của Amy vẫn tranh thủ liên lạc, an ủi cô qua video. Ảnh: SCMP.

Khi đó, virus corona đã tấn công nước Mỹ và gây bệnh cho hơn 244.000 người, cùng với đó là gần 6.000 ca tử vong. Lần thứ ba thực hiện cách ly, cô chôn chân trong một ngôi nhà nằm ở ngoại ô Los Angeles. Ký ức về những ngày Vũ Hán lao đao vì dịch bệnh khiến Quin lo sợ, không dám bước chân đi đâu.

Giữa tháng 4, Quin chuyển đến Đài Loan, nơi đặt văn phòng đại diện mới của tờ báo để đưa tin về Trung Quốc. Một lần nữa, cô trải qua quá trình cách ly tập trung trước khi nhận nhiệm vụ. Mặc dù đã quen thuộc với chuyện cách ly, cô cũng gặp không ít chật vật khi thèm ánh nắng mặt trời bên ngoài.

Trong đêm đầu tiên được thoải mái ra ngoài chơi, nữ phóng viên cảm thấy tự do khi có thể mặc váy, đi bộ dọc công viên, mua sắm vài món đồ.

“Cảm giác thật tuyệt. Mọi thứ xung quanh đều bình thường”, cô cười nói.

Trà My

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nu-hoang-cach-ly-song-tai-4-thanh-pho-trong-3-thang-post1085862.html