Nữ ngư dân 11 lần cứu người nhảy cầu quyên sinh
Dáng người mảnh khảnh, nước da rám nắng, hàng ngày mưu sinh với nghề nuôi và đánh bắt cá vùng hạ lưu sông Đà, bà Nguyễn Thị Hiên, sinh năm 1964, trú tại tổ 14, phường Thịnh Lang (thành phố Hòa Bình) được bà con làng vạn chài ví như
Dáng người mảnh khảnh, nước da rám nắng, hàng ngày mưu sinh với nghề nuôi và đánh bắt cá vùng hạ lưu sông Đà, bà Nguyễn Thị Hiên, sinh năm 1964, trú tại tổ 14, phường Thịnh Lang (thành phố Hòa Bình) được bà con làng vạn chài ví như "người hùng không áo choàng”. Không ít lần, bà vượt dòng nước xiết cứu người nhảy cầu quyên sinh, giúp họ tìm lại cuộc đời. Việc làm của bà là minh chứng về sự tử tế, lòng dũng cảm, tình thương người giữa đời thường, giúp xua tan "bóng đêm” trong tâm trí những người được cứu, tìm lại niềm tin trong cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Hiên, tổ 14, phường Thịnh Lang (thành phố Hòa Bình) mưu sinh với nghề nuôi và đánh bắt cá trên sông Đà.
Chia sẻ về những lần làm "người hùng”, bà Hiên vẫn nhớ như in lúc 20 giờ hồi tháng 2/2022, khi đang thu dọn bè cá để chuẩn bị đi ngủ, kết thúc công việc cuối ngày, trong đêm tối ì oạp sóng vỗ thì bà nghe văng vẳng tiếng kêu chới với ở phía chân cầu Thống Nhất. Đoán chắc có người gặp nạn, không phút chần chừ, bà vội tháo dây buộc thuyền di chuyển thật nhanh về chân cầu, đồng thời truy hô những hộ xung quanh để cùng tới cứu người. Giữa dòng nước xiết, ánh đèn pin chiếu loang loáng mặt sông trên chiếc thuyền nhỏ, bà phát hiện đôi tay đang cố gắng quờ quạng, tìm cách bấu víu giữa dòng nước lạnh. Với kinh nghiệm sông nước nhiều năm, dự đoán hướng dòng chảy, bà nhanh chóng nắm được cánh tay của người gặp nạn và kéo lên thuyền, rồi nhanh chóng đưa vào bờ để sơ cấp cứu. Đưa được người lên bờ, bà vừa giận, vừa thương, bởi người được cứu chỉ là nam sinh lớp 10. Tâm sự mới biết do em gặp áp lực trong học tập, gia đình thúc ép, gây căng thẳng nên suy nghĩ tiêu cực, làm điều dại dột. Nhận được tin báo, gia đình em hốt hoảng, tức tốc đến nơi, tất cả đều òa khóc khi thấy con còn an toàn, lành lặn. Gia đình rất hối hận vì đã gây sức ép, kỳ vọng quá lớn đặt lên vai cậu con trai nhỏ tuổi và đặc biệt cảm ơn bà Hiên. Từ đó, gia đình nam sinh đều coi bà Hiên là ân nhân vì hành động dũng cảm cứu mạng sống con trai họ.
Cũng năm 2022, vào tháng 10, khoảng 20 giờ, trong lúc dọn bè cá, bà Hiên nghe tiếng "ùm” ở phía chân cầu, đoán lại có người từ trên cầu nhảy xuống, bà nhanh chóng điều khiển thuyền thật nhanh đến cứu. Với kinh nghiệm của mình, khi đến chân cầu, bà thả thuyền trôi theo dòng nước, lắng nghe kỹ tiếng kêu hoặc tiếng tay đập nước để xác định vị trí người gặp nạn, rồi nhanh chóng lao xuống nước vớt được lên bằng khả năng bơi lặn của dân thuyền chài. Lần này, bà cứu được một nữ sinh trung học, do mẫu thuẫn tình cảm nên mù quáng, muốn kết thúc cuộc đời. Sau khi được cứu, nữ sinh cảm thấy hối hận về hành động dại dột, bồng bột và hứa với ân nhân từ đây sẽ chăm ngoan, suy nghĩ tích cực hơn.
Cầu Hòa Bình, Hữu Nghị, Thống Nhất được xây dựng là niềm tự hào của người dân thành phố Hòa Bình nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung, góp phần làm cho đô thị khang trang, việc đi lại thuận tiện, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, những cây cầu cũng trở thành "nhân chứng” bất đắc dĩ khi nhiều người gặp bế tắc trong cuộc sống lại tìm đến đây để quyên sinh. Được biết, từ khi gắn bó với nghề thuyền chài, bà Hiên đã 11 lần cứu người thành công, trong đó có học sinh, doanh nhân; có những người tuổi trung niên tưởng chừng như đã "chai sạn”, suy nghĩ thấu đáo về cuộc sống...
Bà Hiên tâm sự: "Từ khi xóm vạn chài còn neo đậu ở khu vực gần cầu Hòa Bình, tôi cũng đã cứu được không ít người. Nhiều người tuổi còn rất trẻ, trong cuộc sống gặp khó khăn, suy nghĩ bế tắc đã quyên sinh bằng cách nhảy cầu xuống sông Đà. Đó là hành động dại dột, tiêu cực, bởi khó khăn rồi cũng sẽ có cách vượt qua, cuộc đời thì chỉ có một lần. Phát hiện vụ việc, dù còn sớm hay đã muộn cũng phải làm mọi cách để cứu, chậm vài giây là xem như mất cơ hội đưa nạn nhân trở lại cuộc sống."
Theo bà Hiên, đa phần những người muốn gieo mình xuống sông đều vì mâu thuẫn tình cảm, áp lực học tập, nợ nần trong kinh doanh, bị trầm cảm... Trong số những người được cứu sống, có người còn ngồi trên ghế nhà trường, có người vì làm ăn thất bại, chỉ vì bị bố mẹ quát mắng... Đáng ngạc nhiên, những người sau khi được cứu đều tỏ ra rất sợ, vô cùng hối hận, thấy mình cần sống và đã may mắn sống sót để làm lại cuộc đời.
Chuyện bà Hiên cứu người nhảy cầu được nhiều người trong xóm vạn chài biết, nhưng người hùng thầm lặng ấy cũng không mong được khen thưởng hay được báo ân. Bởi "Mình cứu người là chuyện tạo phúc, việc phải làm chứ đâu mong được đền ơn” - bà Hiên chia sẻ.
Ông Ngô Văn Thông, người có uy tín tổ 14, phường Thịnh Lang cho biết: "Những việc tốt của bà Hiên được bà con trong xóm ghi nhận, cảm phục từ sâu trong lòng. Mỗi khi được hô hoán, đàn ông, trai tráng trong xóm cùng tham gia ứng cứu một số lần. Tuy vậy, không ít trường hợp do chiều cao từ thành cầu đến mặt nước, khi rơi xuống họ bị chấn thương quá nặng không thể qua khỏi, hoặc đã rất cố gắng nhưng cũng không tìm được, vì khi đó là mùa xả lũ, nước chảy xiết và trời tối. Những lúc như vậy, ai cũng buồn và day dứt. Mong mọi người luôn vững tin trong cuộc sống, không làm điều dại dột."