Hiểu đúng sữa non để tránh mua phải hàng 'giả'
Sữa non (colostrum) là loại sữa đầu tiên mà tuyến vú của động vật có vú (bao gồm cả người) tiết ra trong vài ngày đầu sau sinh. Loại sữa này giàu kháng thể, protein, enzym, các yếu tố tăng trưởng và thành phần miễn dịch, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và hỗ trợ phát triển hệ miễn dịch sơ khai của trẻ sơ sinh.
Có người từng đặt câu hỏi: Liệu sữa non có chữa được tiểu đường, ngừa biến chứng hay cải thiện sức khỏe gì hay không? Thực tế, không có bằng chứng khoa học đủ chặt chẽ để khẳng định sữa non có thể chữa tiểu đường, ngăn ngừa biến chứng tiểu đường hay tái tạo tế bào, hồi phục da, giải độc cơ thể... như một số quảng cáo đang thổi phồng.
Dù một số quảng cáo thực phẩm chức năng hiện nay lợi dụng hình ảnh sữa non để tạo cảm giác "thần kỳ", nhưng thực tế, đến nay con người vẫn chưa thể tổng hợp sữa non nhân tạo (synthetic colostrum) với đầy đủ các yếu tố sinh học đặc thù. Lý do là vì thành phần của sữa non phức tạp, gồm các protein chức năng, immunoglobulin, oligosaccharide, cytokine… Nhiều chất trong sữa non có tính không ổn định, dễ bị phân hủy, và phụ thuộc vào ngữ cảnh sinh học tự nhiên của mẹ và bé, con cái và con non.

Sữa mẹ luôn được khuyến cáo là nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ sơ sinh mà các sản phẩm khác không thể thay thế. Ảnh minh họa: Getty Image
Chính vì thế, bất kỳ sản phẩm nào dán nhãn "colostrum" một cách trực tiếp (mà không phải trích xuất từ nguồn động vật rõ ràng) đều có nguy cơ misrepresentation – nghĩa là gây hiểu lầm về bản chất sản phẩm. Người ta chỉ có thể sản xuất thực phẩm bổ sung (supplement) từ sữa non bò cô đặc (bovine colostrum) với liều lượng, công dụng rất giới hạn, không thay thế được sữa mẹ hay thuốc chữa bệnh.
Chúng ta thường gọi "sữa" để chỉ mọi loại, từ sữa mẹ cho đến sữa công thức, sữa thực vật, sữa từ bò, dê, hạnh nhân, yến mạch… Nhưng trong y học và ngành sản nhi, các định nghĩa rất rõ ràng:
Breast milk: Sữa mẹ – sản phẩm sinh học tự nhiên, hoàn hảo nhất dành cho trẻ sơ sinh.
Formula (Infant formula): Sữa bột công thức, sản phẩm thay thế, được thiết kế để mô phỏng cấu trúc dinh dưỡng sữa mẹ, dùng khi mẹ không thể hoặc không nên cho con bú.
Breastfeeding: Việc cho bé bú mẹ.
Bottle feeding: Bú sữa bằng bình, thường là sữa công thức.

Sữa mẹ và sữa công thức. Ảnh minh họa: Healthylife
Cả hai đều có vai trò quan trọng, nhưng sữa mẹ là lựa chọn tối ưu nếu có thể. Formula là lựa chọn an toàn cần thiết nếu không thể có đủ sữa mẹ. Có người không đủ sữa, có người đang điều trị bệnh, có người bị trầm cảm sau sinh… Và họ cần giải pháp phù hợp hơn là cảm giác tội lỗi hay áp lực từ định kiến xã hội – hoặc từ những quảng cáo thần thánh hóa "sữa non".
Colostrum (sữa non) được chia làm hai nhóm chính khi đưa vào sản phẩm: Bovine colostrum (sữa non từ bò) và Caprine colostrum (sữa non từ dê). Theo đó, sữa non từ bò là loại phổ biến nhất, do bò sản xuất với lượng nhiều và dễ thu hoạch sau khi sinh bê con.
Thêm nữa, Bovine colostrum có thành phần tương đối giống sữa non người, đặc biệt là về immunoglobulin (kháng thể IgG), lactoferrin, cytokine… nhưng không hoàn toàn tương đương.

Trong khi đó, sữa non từ dê ít phổ biến hơn, được cho là dễ tiêu hóa hơn ở một số người không dung nạp protein sữa bò, nhưng lượng sử dụng trên thị trường còn hạn chế và ít nghiên cứu hơn.
Đặc biệt, Human colostrum (sữa non từ người) không có mặt trên thị trường do không được phép thu hoạch hay thương mai hóa vì lý do đạo đức, an toàn sinh học, quy định pháp luật. Vậy nên, bất kỳ quảng cáo nào nói chứa "sữa non người" hay "chiết xuất từ sữa mẹ" đều có nguy cơ dối trá.
Ngoài ra, mọi người cần nhớ một số lưu ý như các sản phẩm ghi "chứa colostrum" thực chất chỉ là bột cô đặc từ sữa non bò với tỷ lệ phần trăm khác nhau và không có đủ bằng chứng về khả năng hoạt tính sinh học còn lại sau khi chế biến.Hay những chất như IgG, IGF-1, lactoferrin trong colostrum rất nhạy với nhiệt và môi trường tiêu hóa thì rất khó tồn tại nguyên vẹn sau khi đi qua dạ dày người lớn.
Infant formula là một sản phẩm thực phẩm được thiết kế giả lập thành phần dinh dưỡng của sữa mẹ, được dùng khi mẹ không thể hoặc không nên cho con bú. Thành phần chính thường gồm đạm (Whey và casein từ sữa bò, điều chỉnh tỷ lệ gần giống sữa mẹ); chất béo (thường dùng dầu thực vật như dầu cọ, dừa, hướng dương…) + DHA, ARA); carbohydrate (chủ yếu là lactose) và vi chất (Vitamin, khoáng, prebiotics (GOS/FOS), nucleotides).

Sữa công thức có một số thành phần chính như đạm, chất béo, carbohydrate, vi chất... Ảnh minh họa: Wikipedia
Lưu ý quan trọng: Sữa công thức không có gì sai và là một phát minh quan trọng cứu sống hàng triệu trẻ sơ sinh trên thế giới – đặc biệt trong các ca: mẹ không có sữa, sữa kém chất lượng; mẹ mắc bệnh truyền nhiễm nặng (HIV, lao hoạt động…); mẹ dùng thuốc không an toàn cho bé; bé sinh non cần dinh dưỡng chuyên biệt. Thế nên, điều quan trọng là hiểu đúng vai trò của mỗi loại và không cực đoan hóa việc "bú mẹ với bú bình".
Khi mua sắm, mọi người hãy nhìn kỹ một số thành phần thường thấy:
IgG (Immunoglobulin G): Có thật trong sữa non bò. Tuy nhiên, hầu hết IgG sẽ bị phân hủy bởi axit dạ dày người lớn, trừ khi bao viên với công nghệ bảo vệ đặc biệt (enteric coating).
Lactoferrin: Một protein giúp kháng khuẩn, chống viêm. Có giá trị dinh dưỡng thật, nhưng cũng bị phân hủy phần lớn trong tiêu hóa.
IGF-1 (Insulin-like growth factor 1): Một yếu tố tăng trưởng có trong sữa non, có vai trò trong tăng trưởng tế bào. Nhưng việc bổ sung IGF-1 ngoại sinh gây tranh cãi vì nguy cơ kích thích tế bào ung thư nếu dùng sai cách.
Casein, whey, vitamin, khoáng, prebiotics: Đây đều là thành phần phổ biến trong các thực phẩm chức năng và sữa bột, không riêng gì sữa non.
Tóm lại giá trị dinh dưỡng của sữa non không "kỳ diệu" như quảng cáo, và nhiều thành phần bị phân hủy trong quá trình tiêu hóa ở người trưởng thành. Không có bằng chứng vững chắc cho các mong muốn như chữa tiểu đường, hồi phục tế bào, chống lão hóa, tăng chiều cao…
Vì vậy, các sản phẩm tốt cần minh bạch nguồn gốc, liều lượng, công nghệ bảo quản chứ không thể mập mờ dùng chữ “sữa non” để tạo ảo giác thần dược. Lưu ý rằng sữa hạt (như sữa hạnh nhân, sữa đậu nành, sữa yến mạch…) không phải là "sữa" theo định nghĩa khoa học và pháp lý của nhiều quốc gia.
Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://sgtt.thesaigontimes.vn/hieu-dung-sua-non-de-tranh-mua-phai-hang-gia/