Nữ nhà giáo dùng 'con chữ' đẩy lùi nạn tảo hôn
Bén duyên với mảnh đất Ea Lâm, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, cô giáo Dương Thị Ánh Ngọc đã miệt mài gieo chữ, trao yêu thương cho học trò nơi đây.
16 năm gắn bó với trò vùng khó
Cô Dương Thị Ánh Ngọc là giáo viên dạy Ngữ văn, Trường Tiểu học & THCS Ea Lâm, xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Trước đây, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên học hết lớp 9, cô bé Ngọc phải theo chị họ chuyển lên huyện miền núi Sông Hinh để tiếp tục học THPT.
Cô Ngọc nhớ lại: “Hôm biết kết quả, bà con trong xóm ai cũng xót thương cho tôi vì thi đỗ nhưng không được đi học do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Lúc ấy, tôi nghĩ ước mơ làm cô giáo của mình đã dập tắt, nhưng may mắn chị họ đã cưu mang và đứng ra làm thủ tục chuyển tôi về học tại một ngôi trường mới ở huyện miền núi Sông Hinh. Tôi bén duyên với mảnh đất Sông Hinh kể từ đó”.
Trong suốt thời gian học THPT, bên cạnh việc học tập, cô bé Ngọc còn giúp chị việc nhà, bán hàng, đi bốc vác và dạy gia sư để có thêm thu nhập. Mặc dù tần suất làm việc dày đặc, cô học trò nhỏ vẫn thức khuya, dậy sớm, tranh thủ thời gian tự học, làm bài tập đầy đủ trước khi đến lớp.
Năm 2004, Ngọc thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Phú Yên. Suốt quãng đời sinh viên, ngoài giờ đi học, nữ sinh đã làm nhiều công việc khác nhau như rửa chén, nhặt rau cho các quán ăn, bưng bê cà phê, gia sư,... để trang trải chi phí học tập và sinh hoạt.
Sau khi tốt nghiệp, Ánh Ngọc được bố trí về công tác tại Trường Tiểu học và THCS Ea Lâm. Lúc bấy giờ, Ea Lâm được mệnh danh là xã “7 không”: Không đường, không trường, không trạm, không điện, không nước, không trụ sở, không công trình công cộng,…
Những ngày đầu về công tác, trường chỉ là khu tạm bợ, tranh tre vách nứa, cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Con đường đất đến trường gập ghềnh, có đoạn băng rừng, lội suối. Trời mưa to là trơn trượt, lầy lội, ngập nước khó đi.
“Học sinh nơi đây chủ yếu là người đồng bào Ê đê. Các em đi học thiếu thốn trăm bề. Có em đi học mà chân đất, đầu trần, trong tay không có thứ gì. Em may mắn được bố mẹ mua cho vài cuốn vở, cuốn sách, cây bút. Trang phục đến trường hằng ngày là những bộ áo quần mặc ở nhà cũ, rách rưới”, cô Ngọc kể và cho biết: Phụ huynh không quan tâm đến chuyện học hành của con em. Có gia đình còn bắt các em nghỉ học đi chăn bò, trông em, đi ra sông lấy nước, lên núi kiếm củi. Có em nghỉ học để bắt chồng theo phong tục của người Ê đê. Mặc dù giáo viên liên tục đến nhà vận động nhưng gia đình vẫn không cho con em đi học.
Tạo dựng niềm tin
Nhà cô Ngọc cách trường gần 30 km. Gia đình có hai con nhỏ, cần người chăm sóc nên cô phải đi về trong ngày, từ thứ 2 đến thứ 7. Sáng nào, cô Ngọc cũng dậy từ lúc 4 giờ 30 phút, thu xếp mọi việc, đem con đi gửi rồi đến trường.
“Chồng lái xe công trình, hay đi làm xa hoặc ở lại nên mọi việc tôi tự thu xếp, lo liệu. Những lúc con hoặc bản thân ốm đau, tôi tủi thân vô cùng. Nhưng nghĩ đến trường, lớp, học trò nhỏ, tôi lại có động lực vượt qua khó khăn, tiếp tục hành trình gieo chữ”, cô Ngọc chia sẻ thêm.
Bên cạnh dạy kiến thức, cô Ngọc còn thường xuyên kể cho các em nghe về những tấm gương nghị lực vươn lên trong cuộc sống; dạy các em biết mơ ước và biến ước mơ thành hiện thực; dạy các em học cách làm người, kỹ năng sống…
Bằng tình thương, trách nhiệm, nữ nhà giáo luôn quan tâm, yêu thương, nâng đỡ, dìu dắt các em. Khi trò bỏ học, cô đến nhà tìm hiểu nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục. Khi học sinh thiếu bút viết, quần áo mặc đến lớp, cô quyên góp cho các em, khi trò bị ốm, cô đến nhà chăm sóc,...Từ tấm lòng đó, cô Ngọc dần lấy được niềm tin, thay đổi nhận thức của phụ huynh cũng như học sinh về việc học.
Với mục tiêu dạy làm sao cho các em có hứng thú với môn học, cô Ngọc dần thu hút trẻ đến trường. Sau khi duy trì sĩ số lớp, cô tính đến việc luyện học sinh khá, giỏi. Trong “sự nghiệp trồng người” nơi gian khó, nữ nhà giáo đã bồi dưỡng nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi Ngữ văn cấp huyện, tỉnh. Nhiều học sinh lớp cô Ngọc chủ nhiệm đã thành đạt, trở thành những công an, sĩ quan, doanh nhân, giáo viên…
“Nhìn các em trưởng thành là hạnh phúc lớn lao nhất trong cuộc đời dạy học của tôi”, nữ nhà giáo tâm sự.
Nhận xét về đồng nghiệp, thầy Nguyễn Văn Thọ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Ea Lâm cho biết: Cô Dương Thị Ánh Ngọc luôn nhiệt huyết với nghề, yêu thương học sinh, có ý chí và nghị lực vượt qua nghịch cảnh. Nhiều năm liền, cô đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp huyện, Chiến sĩ thi đua cơ sở. Cô cũng nhận được nhiều Giấy khen của phòng Giáo dục, UBND huyện, Bằng khen của UBND tỉnh Phú Yên... Cô là tấm gương sáng để đồng nghiệp và học sinh học hỏi, noi theo.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, cô Ánh Ngọc nói: “Tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng học sinh nơi vùng cao này. Tôi mong được thấy các em đi học mỗi ngày; đặc biệt là, không em nào phải bỏ học để đi “bắt chồng” sớm, không em nào rơi vào tình trạng tảo hôn hay hôn nhân cận huyết”.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nu-nha-giao-dung-con-chu-day-lui-nan-tao-hon-post695400.html