Nữ nhà giáo tận tâm với nghề, không ngừng đổi mới

Gần 20 năm gắn bó với bảng đen, phấn trắng, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hoa (giáo viên Trường Tiểu học Việt Nam - Cuba, quận Ba Đình) luôn cập nhật những phương pháp dạy học mới, hiệu quả để phát huy tối đa năng lực và vốn sống sẵn có của học sinh.

Hạnh phúc bắt đầu từ những giờ học

Hiện, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hoa là Khối trưởng khối 4 của Trường Tiểu học Việt Nam - Cuba. Mỗi ngày, khi bước chân vào lớp học của cô, các học sinh như bước vào thế giới của niềm vui, nụ cười và niềm hạnh phúc được cô giáo vun vén lên một cách tự nhiên. Cô luôn tâm niệm rằng, muốn đem lại hạnh phúc cho học sinh thì cần giảm áp lực, tạo hứng thú trong học tập; đồng thời quan tâm, chia sẻ và tôn trọng sự khác biệt của mỗi em.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hoa.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hoa.

Theo cô Hoa, để xây dựng được một trường học hạnh phúc thì trước hết phải bắt đầu từ những giờ học hạnh phúc. Chính vì vậy, mỗi ngày, khi vào buổi học mới, cô thường trao đổi với học sinh những thông tin về tình hình xã hội, thời tiết, xu hướng mới… Các học sinh tỏ ra rất thích thú và cũng chia sẻ nhiều thứ, giúp bầu không khí vui vẻ ngay từ những phút đầu. Cô biến chuyện hỏi đáp một cách khô khan trong tiết học thành những buổi thảo luận sôi nổi. Nhờ vậy, cô không cần phải giao cho các em đọc thêm cái này, cái kia vì các em đã tự có ý thức trong việc cập nhật thông tin để chia sẻ trong những phút đầu giờ. Việc này giúp các em có thêm hiểu biết về xã hội cũng như kỹ năng trình bày trước đám đông.

Với những tiết học đặc trưng, cô luôn để học sinh tự báo cáo đã hiểu và chuẩn bị được những gì cũng như cần biết điều gì trong bài học này. Cô tiến hành theo hướng giải đáp thắc mắc của học sinh, sau đó mới cung cấp kiến thức mới. Với phương pháp này, cảm giác nặng nề trong giờ học hoàn toàn biến mất. Thay vào đó, các học sinh được thể hiện quan điểm, hiểu biết của bản thân mình.

Tiếp đến các nhóm sẽ thảo luận, giải đáp và bổ sung cho nhau những phần còn thiếu, thậm chí là phản biện để thấy mình như được làm chủ kiến thức, từ đó sẽ ghi nhớ kiến thức rất lâu và cuối cùng cô là người chốt, định hướng lại kiến thức cho các em.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hoa trao đổi chuyên môn cùng đồng nghiệp.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hoa trao đổi chuyên môn cùng đồng nghiệp.

“Tôi khuyến khích các em tự nói ra những điều mình chưa hiểu để nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ cô giáo cũng như các bạn trong lớp. Các em sẽ được thêm kiến thức, thêm tình bạn, tình thầy trò và với thế mạnh của mình, các em lại giúp ngược lại cho các bạn khác. Nếu các em cứ giấu đi thì sẽ bị mất rất nhiều thứ”, cô Hoa cho biết.

Đặc biệt, cũng theo cô Hoa, muốn dạy được thì phải làm bạn với học sinh. Nếu giáo viên cứ đứng từ trên nhìn xuống thì sẽ không bao giờ hiểu được. “Làm bạn với học sinh là phải hiểu các con thích cái gì, muốn cái gì và đang gặp khó khăn ở cái gì?”, cô Hoa tâm sự.

Nhờ hiểu rõ tính cách, tâm lý của từng học sinh và có những biện pháp giáo dục phù hợp, động viên kịp thời, khơi gợi niềm say mê học tập cho các em, giúp các em mạnh dạn hơn, phát huy tối đa năng lực của bản thân nên nhiều thế hệ học sinh của cô liên tiếp đạt giải cao trong các cuộc thi như: Rung chuông Vàng, Trạng nguyên Tiếng Việt, Asmo, Tin học trẻ…

Không ngừng đổi mới bản thân

Gần 20 năm công tác tại Trường Tiểu học Việt Nam - Cuba, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hoa luôn được đồng nghiệp đánh giá là thành viên tích cực trong tập thể giáo viên, nhân niên nhà trường. Dù ở vị trí nào, cô cũng thực hiện tốt nhiệm vụ, sáng tạo, hiệu quả, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và lan tỏa sự nhiệt tình tới đồng nghiệp.

“Làm giáo viên, ngoài cái tâm với nghề thì yếu tố đầu tiên vẫn phải là kiến thức, sự hiểu biết về mọi lĩnh vực. Trong bối cảnh xã hội phát triển như hiện nay, người giáo viên phải nhanh nhạy cập nhật liên tục mọi vấn đề, góp phần làm cho những giờ học và bài giảng thêm phong phú”, cô Hoa tâm sự.

Một giờ học hạnh phúc của cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hoa tại Trường Tiểu học Việt Nam - Cuba.

Một giờ học hạnh phúc của cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hoa tại Trường Tiểu học Việt Nam - Cuba.

Trong công tác chủ nhiệm, cô luôn cố gắng nắm bắt được những gì học sinh mong muốn, những chuyện ở nhà, ở lớp, chuyện bạn bè, chuyện khó khăn, sở thích… từ đó đẩy được thế mạnh của từng em. Theo cô Hoa, khi học sinh được nhìn nhận, được phát huy thế mạnh của mình thì sẽ rất hào hứng trong mọi việc cũng như trong học tập.

“Tôi chia các học sinh ra thành nhiều câu lạc bộ như: Toán, Tiếng Việt, Lịch sử, Văn, Địa lí, Khoa học kỹ thuật… Mặc dù chưa biết có giỏi hay không, miễn các em cứ thích là được. Sau khi các em được phát huy thế mạnh trong câu lạc bộ, được các bạn nhìn nhận thì các em sẽ giúp đỡ các bạn khác và cảm thấy rất tự hào về điều đó”, cô Hoa thông tin.

Không ngừng đổi mới bản thân, chủ động học cải thiện, mở rộng kiến thức, nâng cấp bản thân… đó là mục tiêu cô Hoa luôn thực hiện ở mọi thời điểm. “Có kiến thức mới có nền tảng để thay đổi tư duy, cách nhìn nhận đối với các sự việc. Chúng ta cần học từ các kỹ năng mềm tới các kiến thức về chuyên môn thông qua sách vở, các trang web giảng dạy hoặc các video trên Youtube vô cùng phong phú”, cô Hoa chia sẻ.

Một buổi học tập, trao đổi kinh nghiệm cùng các chuyên gia nước ngoài.

Một buổi học tập, trao đổi kinh nghiệm cùng các chuyên gia nước ngoài.

Nhờ sự ham học hỏi cộng với vốn kiến thức và kỹ năng chắc chắn, hiện nay ngoài công tác giảng dạy và chủ nhiệm lớp 4, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hoa còn là chuyên gia về lĩnh vực STEM. Cô cùng các đồng nghiệp của mình đã tập huấn cho hàng nghìn giáo viên cốt cán, tổ trưởng chuyên môn và Ban Giám hiệu các trường tiểu học ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nghệ An, Hưng Yên… Ngoài ra, cô còn tham gia dạy thử nghiệm sách giáo khoa lớp 1 và lớp 4 Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tham gia Hội đồng thẩm định và lựa chọn sách giáo khoa lớp 4 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Việc nghiên cứu và tham gia đóng góp các bài viết trong Hội thảo về giáo dục các cấp cũng được cô tích cực tham gia và đạt hiệu quả tốt trong việc lan tỏa tới các đồng nghiệp với các chủ đề: “Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018: Thực trạng và giải pháp, “Quản lý hoạt động giáo dục STEM tiểu học theo hình thức bài học STEM trong bối cảnh đổi mới giáo dục”.

Với quan điểm “không ngừng đổi mới bản thân”, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hoa đã thực sự truyền cảm hứng cho học sinh trong việc học tập, rèn luyện bản thân; đồng thời trở thành người đồng hành tâm lý với phụ huynh học sinh trong việc giáo dục con em mình.

Gần 20 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hoa đã gặt hái được nhiều thành tích rất đáng tự hào. Đó là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng, lòng say mê cháy bỏng và tình yêu thương vô bờ bến mà cô dành cho biết bao thế hệ học trò. Thành công ấy không chỉ đến từ riêng cô, mà còn là kết tinh từ sự quan tâm, giúp đỡ của Ban Giám hiệu, đồng nghiệp cùng sự ủng hộ nhiệt tình của phụ huynh và sự cổ vũ không ngừng nghỉ của chính học sinh. Mỗi lời động viên, mỗi ánh mắt tin tưởng là nguồn động lực to lớn giúp cô vững bước trên con đường đầy gian nan.

Đặc biệt, không thể không nhắc đến tổ ấm hạnh phúc của cô giáo - nơi có người chồng luôn thấu hiểu, yêu thương và hai con ngoan ngoãn, luôn tự hào về mẹ. Đó là hậu phương vững chắc, là nguồn động viên to lớn giúp cô vượt qua mọi khó khăn, thử thách và gặt hái được thành công trong sự nghiệp “trồng người”.

T.P

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nu-nha-giao-tan-tam-voi-nghe-khong-ngung-doi-moi-171423.html