Nữ nhân viên nhà bếp nghi bỏ chất độc vào thức ăn học sinh ở Sơn La: Hành vi độc ác, có thể gây chết nhiều người?

Liên quan tới việc thức ăn phục vụ học sinh Trường THPT Chu Văn Thịnh nghi bị bỏ độc, cơ quan công an đã bắt khẩn cấp đối với một nữ nhân viên nhà bếp để điều tra.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) đã ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Hà Thị Thi (39 tuổi, trú xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn), nhân viên bếp ăn của Trường THPT Chu Văn Thịnh ở xã Chiềng Ban, để điều tra về hành vi "Gây tổn hại cho sức khỏe người khác".

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định, bà Hà Thị Thi là vợ của nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn Thịnh, nay đã chuyển sang làm Phó hiệu trưởng của một trường khác trên địa bàn huyện Mai Sơn.

Cơ quan Công an đang tiến hành làm rõ động cơ của bà Thi.

Trước đó, ngày 22/9, Trường THPT Chu Văn Thịnh phát hiện chậu đựng su su luộc chuẩn bị chia phần ăn cho học sinh có mùi như thuốc trừ sâu nên đã không chia cho học sinh. Vụ việc được phát hiện kịp thời nên chưa có hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Ngay sau khi nhận được báo cáo, chính quyền xã Chiềng Ban đã phối hợp với lực lượng chức năng xuống kiểm tra, phát hiện mẫu phẩm được lưu có mùi thuốc sâu.

Sau đó, đối tượng Thi đã bị Công an huyện Mai Sơn tạm giữ hình sự. Cơ quan chức năng cũng đang trưng cầu giám định về độc tố có trong thức ăn.

Trường THPT Chu Văn Thịnh nơi xảy ra vụ việc

Trường THPT Chu Văn Thịnh nơi xảy ra vụ việc

Được biết, Trường THPT Chu Văn Thịnh được thành lập năm 2000, hiện có 1.245 học sinh, trong đó có hơn 400 học sinh bán trú.

Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, Ts. Ls. Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP Hà Nội) bày tỏ quan điểm: Hành vi của người phụ nữ này là rất nguy hiểm, táng tận lương tâm và có thể làm chết nhiều người.

Điều may mắn trong vụ việc là các em học sinh chưa dùng thức ăn nghi bị bỏ độc nên chưa gây ra hậu quả thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe. Tuy nhiên hành vi của đối tượng gây ra tâm lý lo lắng, hoang mang cho mọi người. Bởi vậy cơ quan điều tra cần làm rõ để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật. Cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu thức ăn đi giám định để xác định chất độc là loại gì, tính chất nguy hiểm đến đâu, nếu ăn phải thức ăn như vậy thì có thể chết người hay không? Đồng thời sẽ làm rõ hành vi, động cơ mục đích của đối tượng liên quan.

Trường hợp kết quả điều tra cho thấy lượng thuốc độc trong đồ ăn có thể làm chết người, đối tượng nhận thức được hành vi của mình thì đủ dấu hiệu cấu thành tội "Giết người"quy định tại Điều 123, Bộ luật hình sự 2015.

Ts.Ls Đặng Văn Cường bày tỏ quan điểm về vụ việc

Ts.Ls Đặng Văn Cường bày tỏ quan điểm về vụ việc

Điều đáng nói, đối tượng là người có trách nhiệm phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho bữa ăn của học sinh, nhưng đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp để thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội (trường hợp bị kết tội thì đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự).

Thực tế cho thấy đối với những vụ án mà đối tượng phạm tội thực hiện hành vi nguy hiểm như bỏ thuốc sâu, thuốc độc vào thức ăn của người khác thường gây bức xúc, hoang mang trong dư luận xã hội. Đối tượng thực hiện hành vi có thể làm chết nhiều người, có động cơ đê hèn, thủ đoạn tàn nhẫn nên sẽ bị trừng trị bởi chế tài nghiêm khắc của pháp luật.

Vụ việc trên một lần nữa cho thấy nguy cơ mất an toàn trong môi trường trường học. Bởi vậy, các cơ sở giáo dục cần quan tâm hơn nữa việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của học sinh khi ăn bán trú ở trường, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Nam thanh niên bất ngờ chạy từ trong nhà ra ngõ bị xe tải tông tử vong

C.Lê - T.Bắc

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nu-nhan-vien-nha-bep-nghi-bo-chat-doc-vao-thuc-an-hoc-sinh-o-son-la-hanh-vi-doc-ac-co-the-gay-chet-nhieu-nguoi-172230929111359382.htm