Nữ phạm nhân xúc động khi nhắc tới con thơ
Bị kết án 20 năm tù vì hành vi mua bán ma túy nhưng vì đang nuôi con nhỏ nên Lê Thị Hải Yến, SN 1991 ở Móng Cái, Quảng Ninh được hoãn thi hành án, chờ cho đến khi con gái đủ 36 tháng tuổi mới phải thi hành. Vì thế mà mỗi lần nhắc đến con, người mẹ trẻ này lại bưng mặt khóc. Thương con bao nhiêu, Yến lại càng ân hận bấy nhiêu…
Bỏ học vì...
Theo lời tâm sự của cô gái này thì Yến sinh ra trong một gia đình lao động nhưng mặc dù thu nhập luôn bấp bênh và tùy theo công việc mùa vụ song bố mẹ Yến rất quan tâm đến chuyện học hành của con cái. Dù phải lao động cật lực để kiếm tiền và chắt chiu mới đủ chi tiêu cho gia đình, song cứ nói đến chuyện học hành của con cái thì dù có hết bao nhiêu tiền, bố mẹ Yến cũng đầu tư.
Trong khi các em vui vẻ nhận sự bảo trợ của bố mẹ và yên tâm học hành thì Yến lại không làm thế. Cô thấy thương bố mẹ và muốn làm một việc gì đó để san sẻ gánh nặng cơm áo gạo tiền trên vai bố mẹ.
Yến chỉ có một suy nghĩ đơn giản là nghỉ học để khỏi tốn tiền rồi tìm một việc làm phù hợp. Yến nghỉ học khi đang là học sinh lớp 11.
Việc nghỉ học đột ngột của Yến khiến cả gia đình đều buồn nhưng vốn tính ương ngạnh nên dù bố mẹ có thuyết phục thế nào, Yến cũng không quay lại trường học. Hỏi Yến lúc nghỉ học có nói trước với bố mẹ không và khi bị bắt đi học lại mà vẫn “trái lệnh” có bị bố đánh không, cô thành thật: “Làm sao em dám thông báo trước, nói trước là bị ngăn chặn ngay nên em cứ lặng lẽ bỏ thôi, đến lúc bố mẹ biết thì cũng nghỉ quá qui định của nhà trường rồi. Còn chuyện có bị bố đánh không thì không đâu ạ”.
Hết lời can ngăn, khuyên giải con gái không được, bố mẹ Yến đành chấp nhận cho cô đi học nghề làm tóc. Yến bảo cô thích cái nghề này vì phù hợp với khả năng của mình và cũng dễ xin việc. Sau hơn một năm vừa đi học vừa làm thuê cho một số cửa hàng sấy gội, làm tóc trên địa bàn, cuối cùng thì Yến cũng tạo dựng cho bản thân một tiệm sấy gội, cắt tóc nam nữ.
Cô bảo tiền là bố mẹ bỏ ra thuê cho cô với điều kiện ông bà chỉ đầu tư cho nửa năm đầu còn sau đó có trụ được với nghề hay không là do Yến tự định liệu. Cô bảo tay nghề của mình không xuất chúng nhưng vì chăm chỉ nên thu nhập hàng tháng cũng không đến nỗi nào.
“Ngày chưa lấy chồng, thu nhập của em cứ đều đều hàng tháng cũng được gần 20 triệu, không chỉ đủ chi tiêu mà còn đỡ đần được bố mẹ. Tiếc là từ ngày em lấy chồng, em lại bỏ cái công việc mà mình ưa thích để làm việc khác nên giờ…”, Yến nói rồi bỗng dưng im lặng.
Đôi mắt của cô chợt xa xăm như thể vừa nuối tiếc vừa ân hận. Yến lặng lẽ khóc khi nhắc tới gia đình, bố mẹ, các em và nhất là cô con gái bé bỏng giờ đã là học sinh tiểu học.
Nỗi niềm ân hận sau bước ngoặt đầu đời
“Em đi trả án từ tháng 4-2014, đến nay đã hơn 6 năm rồi. Ngày em đi, con gái còn nhỏ lắm, chỉ mới biết gọi mẹ còn chưa sõi. Mấy năm trước cháu chưa đi học thì còn hay được ông bà cho lên đây thăm mẹ, giờ đi học rồi thì chỉ được lên thăm mẹ vào dịp lễ Tết hoặc nghỉ hè thôi”, Yến kể.
Bỏ học sớm rồi kiếm nghề tự lập, năm 20 tuổi Yến lập gia đình và một năm sau thì sinh con. Yến bảo chồng cô cũng là người làm nghề lao động phổ thông nhưng vì nhà gần chợ biên giới nên những việc làm như bốc vác, vận chuyển hàng hóa hay đơn giản là dẫn dắt khách du lịch, khách tham quan…
Mẹ chồng Yến có nghề đổi tiền nên kinh tế gia đình cũng thuộc diện có của ăn của để. Lấy chồng được một thời gian, Yến thấy công việc của mẹ chồng vừa nhàn hạ vừa dễ kiếm tiền lại có nhiều mối quan hệ nên cô quyết định sẽ làm theo công việc của bà.
Cô đâu nghĩ rằng làm cái nghề đổi tiền phải biết phân biệt đâu là đồng tiền trong sạch, đâu là đồng tiền phạm pháp vì nếu chỉ biết chạy theo lợi nhuận thì rất dễ bị đồng tiền sai khiến mà sa chân vào con đường vi phạm pháp luật. Yến không lường trước được điều đó cho đến khi hiểu ra thì đã muộn.
“Thời gian sinh con em chuyển cửa hàng gội đầu cho người khác rồi tập tành học nghề của mẹ chồng và cũng được bà cho làm thử. Khi thấy em có thể theo được, bà cho em một vài mối khách để kiếm tiền mua sắm vài thứ vật dụng cho con nhỏ”, Yến kể.
Đáng tiếc là khi thấy việc kiếm tiền từ việc đổi tiền quá dễ thì Yến lại ham và làm việc với thái độ bất chấp. Mặc dù công việc của cô chỉ là đổi tiền sau đó chuyển cho khách song hành vi của Yến đã trở thành mắt xích không thể thiếu cho một đường dây mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới.
Theo bản án, Lê Thị Hải Yến quen biết cặp vợ chồng Úy - Hằng đều sinh sống ở bên Trung Quốc nhưng vì có làm ăn ở Móng Cái nên thường xuyên xuất cảnh về Việt Nam. Trong một lần tình cờ đứng đổi tiền cho khách, Yến được Úy nhờ đổi một lượng lớn tiền Việt Nam sang Nhân dân tệ với tiền công khá hậu hĩnh.
Yến đồng ý đổi sau đó gửi số tiền đã đổi được cho xe khách, nhờ chuyển tới Úy. Sau vài lần làm ăn với nhau, Yến biết việc Úy thường xuyên từ Trung Quốc sang Việt Nam thực chất là mua bán ma túy nhưng vì hám lợi nên mỗi khi được người đàn ông này nhờ đổi tiền, cô vẫn nhận lời.
Khi đã trở nên thân thiết, Úy không phải trực tiếp mang tiền đến chỗ Yến nữa mà chỉ điện thoại cho cô, thông báo địa chỉ người mua ma túy để đến đó nhận tiền sau đó qui đổi ra đồng Nhân dân tệ rồi chuyển cho ông ta qua hiệu vàng hoặc gửi xe khách.
Tài liệu của CQĐT cho thấy, từ tháng 2-2014 đến lúc bị bắt, Yến đã nhiều lần nhận điện thoại của Úy để lấy tiền từ khách mua ma túy của ông ta sau đó đem qui đổi ra đồng Nhân dân tệ rồi chuyển cho Úy. Ngoài việc đổi tiền, Yến còn được Úy đưa cho ma túy để bán lẻ cho người nghiện ở Móng Cái.
Với hành vi này, Lê Thị Hải Yến bị TAND TP Móng Cái tuyên phạt 20 năm tù. Tháng 4-2014, Yến về trại giam Hoàng Tiến, Bộ Công an cải tạo lao động.
“Em về đây cải tạo ở đội may mặc, công việc vừa sức nhưng nhớ nhà lắm. Nhất là mỗi khi tham gia văn nghệ, hát những bài hát về gia đình thì nước mắt em lại trào ra vì nhớ con. Em rất ân hận bởi sự tham lam của em mà để con cái phải chịu khổ. Em ân hận vô cùng”, Yến nói.
Nữ phạm nhân này cho biết, đây là lần thứ ba cô tham gia vào đội văn nghệ. Yến mong mỏi những cố gắng của mình được ghi nhận để sớm vào vòng xét giảm án, sớm có cơ hội trở về đoàn tụ với gia đình.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nu-pham-nhan-xuc-dong-khi-nhac-toi-con-tho-217612.html